fbpx
skip to Main Content
Vovinam Schools
Le Sang Library
Vovinam Home
Vovinam University International

ĐƯỜNG HƯỚNG VĂN NGHỆ VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO –  Võ Sư Lương Thuận Vui

(Trích từ quyển Việt Võ Đạo Với Thế Hệ Thanh Niên Hiện Đại trang 201-204 Ấn hành năm 1974)

Việt Võ Đạo không phải là một đoàn thể chú trọng tới những hoạt động văn nghệ thuần túy. Nhưng khi đã là một đoàn thể, một tập thể thì đều có những nhu cầu sinh hoạt nội bộ và sinh hoạt với cộng đồng, với đại chúng.
Làm võ đạo, không phải là “làm” một ngành biệt lập với mọi ngành sinh hoạt xã hội. Tự thân võ đạo, nó đã là một ngành sinh hoạt văn hóa, hội nhập vào sinh hoạt văn hóa chung của dân tộc, của nhân loại. Thói quen phân biệt hai ngành sinh hoạt văn và võ là một thói quen kỳ thị của cả hai ngành, thực ra “văn” khởi thủy có nghĩa là “vẽ đẹp”, và “văn hóa – culture” khởi thủy chỉ có nghĩa là làm ruộng, là canh tác, để giải quyết ẩm thực của con người, rồi sau đó mới mở rộng sang các lĩnh vực khác cũng có nghĩa là nhu cầu thiết thân của con người, như ăn xong phải nhảy múa, ca hát bên đống lửa, mới thoải mái được.
Trong nội bộ, chúng ta có sinh hoạt văn nghệ để truyền thông tình cảm và nghệ thuật cho nhau. Chúng ta rất cần thêm vào những khoa biểu diễn võ thuật, còn có tiếng đàn dìu dặt, giọng ca trầm hùng và tiếng ca ngọt ngào, những điệu vũ dân tộc và những vở kịch truyền cảm. Cũng như trên chiến trường vẫn còn hoa nở chim hót, bên cạnh màu đỏ của máu lửa còn có màu xanh mát mắt của những luống mạ và rau non, màu xanh lá của rừng cây, màu vàng của lúa chín và màu hồng của trái ngọt. Cùng với mặt trời còn có mặt trăng để có ngày và đêm. Cùng với dương tố còn có âm tố để phát triển, hòa dịu. Cùng với đạo thuyết, võ thuật, ta còn có văn nghệ Việt Võ Đạo để điều hòa và phối triển mọi sinh hoạt cộng đồng, đồng thời xiển dương và quảng bá nếp sống Việt Võ Đạo với đại chúng, để truyền thông tinh thần và tình cảm Việt Võ Đạo vào đại chúng.

ĐƯỜNG HƯỚNG TỔNG QUÁT

Đường hướng văn nghệ Việt Võ Đạo tổng quát được qui định bằng ba nguyên tắc căn bản:
I-Về định hướng văn nghệ: Có 5 định hướng văn nghệ Việt Võ Đạo
(1) Dân tộc: phản ảnh trung thực nếp sống của dân tộc Việt qua các bộ môn văn nghệ.
(2) Thượng võ: đề cao, khích động và phát huy tinh thần thượng võ trong đại chúng.
(3) Nhân bản: phục vụ và hướng thiện con người, không phân biệt quốc tịch, đẳng cấp xã hội v.v…
(4) Khai phóng: tiếp nhận mọi ảnh hưởng và tư trào văn nghệ ngoại nhập, miễn không đối nghịch với văn hóa căn bản Việt Nam.
(5) Đại chúng: chú trọng tới đặc tính truyền cảm với đại chúng, tùy từng đối tượng, để truyền thông hữu hiệu với đại chúng.
II-Về công dụng văn nghệ: Công dụng văn nghệ của hệ thống văn nghệ Việt Võ Đạo không phải là một cứu cánh của một ngành hoạt động văn nghệ thuần túy, mà chỉ là phương tiện của sứ vụ xiển dương và quảng bá Việt Võ Đạo. Do đó, chúng ta chỉ chấp nhận hình thức văn nghệ phục vụ sinh hoạt tập thể và cộng đồng, chớ không chấp nhận những hình thức văn nghệ thuần túy, dù có nghệ thuật cao và nhiều giá trị.
III-Về quan niệm sinh hoạt văn nghệ: Quan niệm sinh hoạt văn nghệ Việt Võ Đạo do đó, có cá tính độc lập, không giống bất cứ quan niệm văn nghệ đương thời nào, dù có một vài đồng điểm. Quan niệm này được đúc kết thành 4 ý niệm:
(1) Người Việt Võ Đạo rất yêu chuộng văn nghệ, nhưng không thể coi văn nghệ như một ngành sinh hoạt độc lập trong môn phái hoặc như một thứ mục tiêu nào đó trong đời sống, mà chỉ chấp nhận văn nghệ là một ngành sinh hoạt nhằm xiển dương và quảng bá Việt Võ Đạo.
(2) Khác với người chính trị muốn tất cả các bộ môn, ngành hoạt động xã hội phải phục vụ mình, người Việt Võ Đạo không có tham vọng chi phối các ngành sinh hoạt xã hội, trong đó có ngành sinh hoạt văn nghệ. Tuy nhiên, văn nghệ Việt Võ Đạo chỉ là một ngành sinh hoạt nội bộ của môn phái, phải nhận chịu sự lãnh đạo của môn phái và thực thi những đường hướng hoạt động của môn phái.
(3) Người Việt Võ Đạo sẵn sàng chấp nhận và hỗ trợ mọi quan niệm thưởng giám và sáng tác văn nghệ độc lập ngoài đời, nhưng không thể chấp nhận những quan niệm văn nghệ biệt lập hoạt động trong môn phái.
(4) Người Việt Võ Đạo xác nhận giá trị ưu việt của văn nghệ phải là phổ biến rộng, bất cứ trong trường hợp nào, nên không thể chấp nhận những quan niệm văn nghệ tự cho là cao nhưng giá trị phổ biến kém (đọc, ngâm hay ca lên ít người hiểu hay không ai hiểu).

NỘI DUNG

Việt Võ Đạo chấp nhận cả 2 ngành sinh hoạt văn nghệ: nghệ thuật thuần túy và sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, nhưng chú trọng tới văn nghệ cộng đồng nhiều hơn. Do đó, các ngành sinh hoạt văn nghệ Việt Võ Đạo gồm có :
(1) Nghiên cứu.

(2) Trước tác.

(3) Sáng tác.

(4) Sách báo (in và phổ biến).

(5) Các điệu dân ca địa phương (cả cổ nhạc, các điệu hò).

(6) Các bản hùng ca và đạo ca.

(7) Các điệu vũ dân tộc và vũ ngoại quốc thích dụng.

(8) Kịch nói và kịch thơ.

(9) Ảo thuật (để trình diễn trong các chương trình sinh hoạt văn nghệ).
Nhìn chung, ta thấy sinh hoạt văn nghệ Việt Võ Đạo hiện nay nặng về phần trình diễn hơn phần trước tác, và chú trọng tới sinh hoạt văn nghệ hơn các chương trình, trình diễn nghệ thuật thuần túy như thính phòng, hí trường, truyền thanh và truyền hình. Tuy rằng trong tương lai, có thể mở rộng hoạt động ra những môi trường này.
Tóm lại, tuy là một đoàn thể võ đạo chuyên biệt, nhưng không phải vì thế mà môn phái không chú trọng tới đường hướng văn nghệ và sinh hoạt văn nghệ. Nhưng đường hướng văn nghệ Việt Võ Đạo có khác hơn, nhằm mục đích xiển dương và quảng bá tinh thần Việt Võ Đạo, thay vì hoạt động văn nghệ thuần túy. Do đó, đường hướng văn nghệ Việt Võ Đạo có bản chất thực tế, đại chúng và mang nhiều giá trị hành động, thay vì văn nghệ thuần túy và nặng về lý thuyết. Về nội dung, văn nghệ Việt Võ Đạo hiện nay chú trọng đặc biệt về văn nghệ cộng đồng thay vì các ngành văn nghệ trình diễn, để trực tiếp giao cảm và truyền thông với đại chúng trong mọi sứ vụ Việt Võ Đạo.

vui luong