fbpx
skip to Main Content
Vovinam Schools
Le Sang Library
Vovinam Home
Vovinam University International

        Mục lục

  1. CHỦ THUYẾT CÁCH MẠNG TÂM THÂN CƯƠNG YẾU – Phát Đoạn
  2. Sơn Tây quê hương của chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân
  3. Khái niệm về chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân
  4. Nguyên tố hình thành chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân
  5. Thực chất và tiêu hướng chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân
  6. Bốn định lý Cách Mạng Tâm Thân
  7. Chủ điểm và thành điểm giáo dục Việt Võ Đạo
  8. Lý tưởng và ước vọng
  9. Đường hướng điều hành môn phái
  10. Việt Võ Đạo trước thời cuộc

Chương 1-PHÁT ÐOAN

Xã hội chìm đắm trong những công tác, những dịch vụ. Nhu cầu của xã hội là công việc, là dịch vụ. Nhưng đâu là nguyên động lực và tác nhân của những công tác, những dịch vụ đó ? NGƯỜI.

Tương quan giữa NGƯỜI và VIỆC được đặt ra trên một trục TAM PHÂN, hoặc một thế chân vạc: NGƯỜI – VIỆC – XÃ HỘI. Xã hội sinh tạo ra Việc. Bởi cần Việc nên cần Người. Vì Người là xuất phát điểm của Việc. Tương quan này được duy trì trong nhiều ngàn năm, đã nâng con người lên một cao đỉnh, một cao điểm đặc biệt trong đời sống, tới mức tưởng như không có NGƯỜI là VIỆC bị hủy dịêt, tạo khủng hoảng cho xã hội.

Phải chờ đến lúc xã hội nẫy sinh ra những bạo chúa, giá trị con người mới được xét lại. Tần Thủy Hoàng, vì muốn xây Vạn Lý Trường Thành đã bắt phu hàng trăm ngàn người, trong đó nhiều chục ngàn người phải ngã gục để xây thành. Neron muốn tìm thi cảm, đã đốt thành La Mã để được trông thấy tận mắt, nghe tận tai cảnh nhân dân kêu khóc. Lê Ngoạ Triều giết người chỉ vì muốn tìm những thú vui giải trí bệnh hoạn. Tất cả đã hy sinh Người cho Việc.

Tuy nhiên tương quan giữa Người và Việc còn đi xa hơn, và có những định nghĩa trừu tượng hơn. Vì vậy, khi ta nói: Thế hệ này phải hy sinh cho thế hệ sau tồn tại và hạnh phúc, là lúc chúng ta xác định tương quan giữa Người và Việc thật mơ hồ. Nhân danh Người để hy sinh Người, hay nhân danh Việc để hy sinh Người ? thật phức tạp.

Phải chờ tới lúc khoa học, kỹ thuật thật sự xen lẫn vào mối tương quan đó, chúng ta mới thấy rõ hiểm hoạ Việc được ưu đãi hơn Người. Người sẵn sàng hy sinh hay bị hy sinh cho một Việc, một dụng cụ khoa học kỹ thuật. đem thân mình độn lỗ châu mai, xích chân vào súng hay xe tăng, sa thải nhân công vì đã có phát minh khoa học kỹ thuật mới thay thế v.v… đều giống nhau từ nguyên tắc: Muốn tiến bộ phải hy sinh Người cho Việc.

Tại sao giá trị Người, càng ngày càng bị băng hoại như vậy? Trở lại vấn đề nguyên khởi: vì sự xác định tương quan giữa Người và việc còn nhiều thiếu sót phải bổ khuyết. Rút cuộc: Tiền bán thế kỷ 20 đã được thử nghiệm nguyên tắc Người phục vụ Việc. Rồi sau hai cuộc Thế Giới Ðại Chiến: Người chết rất nhiều để phục vụ cho những Việc được nhân danh Người. Hiểm họa nhân loại bị tiêu diệt làm cả nhân loại hoảng hốt. Tới lúc đó, họ mới chịu chấp nhận chân lý: Chính Người mới là gốc của Việc. Người điều khiển Việc, Người phụ trách Việc. Lương tâm nhân loại sau một vòng chu lưu, lại trở về điểm xuất phát: Phải lo cho người trước đã. Việc phải phục vụ Người, khoa học kỹ thuật phải phục vụ con Người.

Cả thế giới ồn ào đi tìm đường trở về nguồn nhân bản. Các nhà bác học, sau khi phát minh ra những hoá chất và động lực tiêu diệt con người, đều la hoảng trước hiểm hoạ diệt vong nhân loại. Trong lúc đó, một dân tộc bại trận cố gắng rèn luyện Người để điều khiển Việc và đã thành công: Dân tộc Nhật Bản. tinh thần Nhật Võ Ðạo được phát huy để rèn luyện Người điều khiển Việc khác hẳn với một số dân tộc thắng trận nhưng tinh thần bị suy sụp, vì lúng túng trước mối tương quan giữa Người và Việc.

Cố Võ Sư Sáng Tổ VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO đã nhận thấy mối tương quan đó từ năm 1938. Như một triết nhân, ông chủ trương uốn nắn Việc phục vụ Người. Muốn thế, phải bắt đầu lại từ chỗ bắt đầu. Hãy làm một Việc Cách Mạng: cách mạng từ bản thân mình trước. Không thể có một quốc gia hùng mạnh khi mọi công dân đều yếu đuối. Không thể có tài năng lỗi lạc phát triển khi tâm thân con người bạc nhược, chủ thuyết CÁCH MẠNG TÂM THÂN được khai sinh từ quan niệm đó, với mục đích đặt lại mối tương quan giữa Người và Việc, để đồng nhất ý chí trong việc thực hiện mối tương quan đó.

Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu những khía cạnh về Chủ Thuyết CÁCH MẠNG TÂM THÂN.

Trước hết, Sơn Tây, Quê Hương của Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân sẽ giúp các môn sinh có khái niệm tiên khởi về xuất xứ của chủ thuyết chúng ta đang nghiên cứu, học hỏi, hầu có thể hiểu rõ truyền thống địa phương vị khai sáng.

Thứ đến, Khái niệm về Cách Mạng Tâm Thân sẽ giúp môn sinh có một ý niệm so sánh giữa cách mạng chính trị và cách mạng tâm thân.

Kế đó, Nguyên tố Hình Thành Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân sẽ giúp môn sinh hiểu rõ bối cảnh lịch sử đương thời của sự xuất hiện chủ thuyết này, trong khung cảnh đấu tranh của dân tộc.

Vào nội dung của chủ thuyết, chúng ta có hai tài liệu căn bản: Thực Chất và Tiêu Hướng Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân và Bốn định lý Cách Mạng Tâm Thân

Cuối cùng, phần phụ lục sẽ nêu lên những vấn đề liên hệ với chủ Thuyết, để giúp người đọc mở rộng thêm cảm quan ra các quan niệm liên hệ tới Cách Mạng Tâm Thân.

Tương quan giữa Người và Việc, không những được minh xác, mà còn đưa ra những tín niệm. Mong rằng ý hướng đó sẽ trình bày tạm đầy đủ một cái khung của Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân, để các môn sinh có những tài liệu căn bản nghiên cứu, học tập.

Những vấn đề Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân đã mở ra trước mắt chúng ta trong niềm kỳ vọng chung: Rèn luyện lại Người, để điều hướng Việc, ngõ hầu xây dựng một xã hội sinh tạo và phát triển.

Mùa tưởng niệm năm thứ XIII – 1973

Chương 2 – Sơn Tây quê hương của chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân

Chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân do cố võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc chủ xướng. Sơn Tây là sinh quán của cố võ sư sáng Tổ. Nơi nào có địa linh là nơi đó có nhân kiệt. Chúng ta tìm hiểu Sơn Tây, chính là chúng ta tìm hiểu những ảnh hưởng về truyền thống địa linh nhân kiệt, xuất xứ của chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân.

Sơn Tây là vùng địa linh đặc biệt của miền Bắc Việt Nam

Vì địa thế, Sơn Tây được cấu tạo do đất phù sa của ba dòng sông lớn của miền bắc Việt Nam: Sông Nhĩ (sông Hồng Hà), Sông Đà (sông Hắc Giang), và sông Lô. Ngoài ra Sơn Tây còn có những nhánh sông nhỏ là sông con (sông Tích Giang) bắt nguồn từ Ba Vì chảy quanh vùng này, và con sông Đáy (sông Hát Giang) chạy ven địa giới phía đông của tỉnh.

“Nơi nào có núi cao là có thung lũng sâu”: câu thành ngữ của Tây Phương có thể áp dụng vào ngay Sơn Tây. Ngọn núi cao nhất của Sơn Tây là ngọn núi Ba Vì, được coi là một ngọn núi nổi tiếng nhất trong lịch sử về cả biến cố và huyền thoại. Gần núi Ba Vì còn một hệ thống núi đồi trùng điệp do địa chất tạo nên, gọi là núi đá lửa Đa Chông. Tại phủ Quốc Oai còn một dãy núi đá vôi lớn chiếm cứ một dãy đất rộng lớn từ bờ sông Đáy tới bờ sông Đà nhờ địa thế hiểm trở, Sơn Tây đã trở thành một tỉnh đặc biệt nhất tại miền Bắc. Tuy thuộc vùng châu thổ phì nhiêu tiếp giáp với vùng rừng núi nhưng khí hậu của Sơn Tây lại gần phù hợp với các tỉnh miền núi và không giống các tỉnh miền đồng bằng nào. Nên dân chúng vừa có nếp sống khoáng đạt của người miền núi, vừa có nếp sống văn minh của miền đồng bằng. Và đã nhiều lần trở thành thủ đô của Việt Nam khi phủ Quốc Oai còn gọi là Phong Châu.

Cùng với dãy núi đá vôi ở địa phận Quốc Oai, dãy núi đá lửa Đa Chông, ngọn núi Ba Vì cao nhất nhiều huyền thoại, Sơn Tây còn có một giải đất đặc biệt phía tả ngạn sông Đà, được tạo thành bởi những băng phiến nham thạch và mica, nên tất cả đều tùy theo cường độ tỏa quang và phản quang, mà tạo nên nhiều màu sắc đặc biệt, làm bối cảnh cho nhiều huyền thoại của dân tộc Việt.

Nhân kiệt tại Sơn Tây

Câu “Địa linh giả, nhân kiệt dã” có thể áp dụng ngay cho Sơn Tây, vùng đất khoáng đạt đặc biệt của Bắc Việt đã đào tạo nên rất nhiều nhân vật đạo học, huyền thoại, văn học và võ học. Mấy câu ca dao sau đây đã được truyền tụng tại miền Bắc, đã chứng tỏ sự hâm mộ và khâm phục của dân chúng miền Bắc với “trai Sơn Tây”

“Nhất cao là núi Ba Vì

Chị còn vượt được, huống gì cỏ may

Nhất giỏi là trai Sơn Tây

Chị còn địch được, nữa dây bìm bìm”

Nhân tài đạo học và huyền thoại điển hình

Nhân tài đạo học, huyền thoại điển hình của Sơn Tây có thể kể đến 2 người: Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Tuấn.

Từ Đạo Hạnh, nhũ danh là Lộ, con quan đô sát Từ Vinh dưới đời nhà Lý, là một vị cao tăng trúng cử khoa Bạch Liên rồi ông sang Thiên Trúc học đạo về trả thù cho cha. Sau đó ông tịnh tu và thỉnh thoảng xuất hiện giúp đỡ nhiều người. Cuối cùng, ông về núi Sài Sơn và hóa ở đấy. Dân chúng địa phương hâm mộ, lập chùa thờ nơi ông hóa, gọi là chùa Thầy, tên chữ là Thiên Phúc Tự. Hàng năm chùa Thầy mở hội vào ngày 7 tháng 3 âm lịch, kỷ niệm ngày ông viên tịch.

Nguyễn Tuấn, tức Sơn Tinh, tức Tản Viên sơn thần, tu đạo ở núi Tản Viên, cùng gọi là núi Cánh Phượng, Phượng Hoàng Sơn, núi Ba Vì. Sau vì lòng trần chưa dứt, ông đi cầu hôn Mị Nương con gái Vua Hùng Vương thứ 18. Tục truyền rằng Thủy Tinh vì ghen tức, nổi mưa to gió lớn làm lụt lội một vùng, nhưng không đánh nổi Sơn Tinh. Khi Cao Biền sang nước ta đô hộ, lấy làm quái, nhiều lần dùng đạo gia làm phép phù thủy trừ yểm nhưng thất bại. Hiện nay, trên núi còn lập đền thờ Tản Viên Sơn Thần.

Nhân vật văn học điển hình

Nhân vật văn học điển hình có thể lấy ba danh sĩ: Phùng Khắc Khoan, Vũ Công Duệ, và Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.

Phùng Khắc Khoan, Tương truyền là anh em cùng mẹ khác cha với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đậu tiến sĩ giúp nhà Lê Trung Hưng nhiều việc lớn. Đến khi khôi phục được thành Thăng Long, ông sang Tàu và được vua Tàu sắc phong là Lưỡng Quốc Trạng Nguyên. Tục truyền rằng ông nhiều lần xướng họa thơ với Liễu Hạnh Công Chúa lúc đã hóa đạo, và sau đứng ra lập đền thờ bà.

Vũ Công Duệ, người làng Trình Xá, huyện Sơn Vi, Tỉnh Sơn Tây. Ông nổi tiếng về óc sáng tạo và khẩu tài từ lúc nhỏ, qua những giai thoại về “con voi biết đi” (lấy đất nặn hình, lấy bướm làm tai, lấy đỉa làm vòi, lấy cua làm chân), và lối khất nợ “bán gió mua que” (bán quạt, mua tre nứa làm cốt quạt). Ông đỗ Trạng Nguyên năm 20 tuổi, năm Hồng Đức 23, đời Lê Thánh Tông, nổi tiếng trung trực. Sau nhà Mạc cướp ngôi, Ông bất bình không chịu theo nhà Mạc, đeo ấn Ngự Sử nhảy xuống cửa bể Thần Phù tự trầm. Sáu mươi năm sau hài cốt ông được cải táng về quê nhà khi Lê Trung Hưng là vua, và được phong làm “Thượng Đẳng Phúc Thần”.

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888 – 1939) nổi tiếng là một nhà thơ tài hoa, khí khái. Ông xuất bản nhiều sách rất có giá trị cho văn học Việt Nam: Tản Đà Tùng Văn, Tản Đà Văn Tập, Tản Đà xuân sắc, Thề non nước, Trần ai tri kỷ, Giấc mộng lớn, Giấc mọng con, Nhàn Tưởng, Đài gương truyện, Đại học, Kinh thi, Lên sáu, Lên Tám, Khối tình con, Tản Đà vận văn, Vương Thúy Kiều chú thích,….Ông suốt đời theo đuổi nghề văn, và báo chí đầu tiên tại nước ta.

Nhân vật võ học điển hình

Nhân tài võ học tại Sơn Tây còn nhiều hơn nhân tài văn học gấp bội. Chúng ta có thể đan cử những nhân vật điển hình dưới đây:

Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng: Ông xuất thân là tù trưởng, có sức khỏe khác thường, nổi tiếng đánh chết cọp, đẩy ngã trâu. Ông cùng em là Phùng Hải nổi tiếng là có sức khỏe, mang nổi ngàn cân, đi liền mười dặm. Nổi tiếng hào hiệp được dân chúng tin phục. Bất bình với lối cai trị hà khắc của người Tàu, ông đã dấy binh đánh đuổi Cao Chính Bình vào năm 791, tự lập làm vua được 7 năm rồi mất. hiện nay tại xã Cam Lâm, Hà Nội còn đền thờ ông gọi là đền thờ “Bố Cái Đại Vương”.

Ngô Quyền: Vị khai sáng nhà Ngô , đã đánh tan quân Nam Hán tại Bạch Đằng Giang vào năm 639 hiện còn đền thờ tại xã Cam Lâm.

Trưng Vương: gồm hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị người Phong Châu: Bà Trưng quê ở Phong Châu, giận người tham bạo thù chồng chẳng quên…, dấy binh đánh Tô Định tự lập làm vua được bốn năm (40 – 43), sau bị danh tướng Mã Viện đánh bại, nhảy xuống sông Hát tự trầm. Hiện nay còn đền thờ tại làng Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây.

Lộc Hộ: nổi tiếng là một võ sỉ thời danh ở thế kỷ thứ 13, có công đánh đuổi đựợc giặc Tàu tràn vào Bạch Hạt và Sơn Vi, cứu giúp lương dân. Cảm mến ân đức, dân chúng lập đền thờ tại xã Đông Bang cách Hà Nội 54 cây số.

Và cuối cùng, Cố Võ Sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc (1912 – 1960) Người làng Hửu Bằng, Huyện Thạch Thất, Tỉnh Sơn Tây, khai sáng môn phái Vovinam Việt Võ Đạo vào năm 1938. Suốt đời sống thanh đạm, để đào tạo môn sinh phục vụ cho dân tộc và xã hội. Ông là vị đã đề xướng ra Chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân.

Chương 3-Khái niệm về Cách Mạng Tâm Thân

Gần đây chúng ta thường nghe và nói đến danh từ Cách Mạng. Và chính môn phái Vovinam Việt Võ Đạo của chúng ta cũng đề xướng lên chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân. Vậy Cách Mạng là gì? Cách Mạng Tâm Thân là gì? Tại sao môn phái Vovinam Việt Võ Đạo đề xướng chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân. Chúng ta lần lượt tìm hiểu về thực nghĩa, về những dẫn chứng đối chiếu, trước khi đi vào chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân.

Thực nghĩa cách mạng

Kinh dịch, một trong những bộ sách cổ nhất của Đông Phương, đã đề cập tới danh từ Cách Mạng trong câu: “Thiên địa cách nhi tới thời hành, Thang, Vũ Cách Mạng thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân”. Tức là trời đất đổi thay mà bốn mùa được thành vua Thang vua Vũ đổi mạng là thuận với ý trời, ứng theo lòng người.

Vậy “Cách” là thay đổi. “Mạng” (hay mệnh) mới đầu có nghĩa là cái mà trời định, trời phó cho” như trong đoạn mở đầu sách Trung Dung: “Thiên mệnh chi vị Tính, xuất Tính chi vị Đạo, tu Đạo chi vi Giáo”. Tức là cái mà trời phó cho gọi là Tính, noi theo cái tính ấy gọi là Đạo, sửa cho hợp với Đạo gọi là Giáo.

Như thế “cái mà trời phó cho” được hiểu theo một nghĩa rất rộng. Xưa ông vua “được trời phó cho việc trị dân” (thụ ư thiên mạng), nên chử mạng bao hàm ý nghĩa chánh trị, trỏ trật tự xã hội. Rồi phần Tinh anh của con người cũng được gọi là “mạng” vì củng là “cái mà trời phó cho”. Về sau, danh từ cách mạng được hiểu theo nghĩa chính trị, có nghĩa là thay đổi một trật tự xã hội (do trời phó cho một người, một nhóm người, một chánh đảng, một thể chế).

Trên là định nghĩa “cách mạng” theo văn hóa Trung Quốc. Còn đối với Tây Phương, danh từ cách mạng (revolution) có thực nghĩa ra sao?

Revolution, gốc ở revolutio, ngữ La Tinh. Vào sâu thêm chút nữa, chúng ta thấy revolutio lại có gốc gác từ tiếng revolver có nghĩa là xoay chuyển lại (retourner). Trong tiếng revolutio chúng ta phân tích ra được hai ngữ đoạn re và evolutio có nghĩa là phô diễn, trần thuật, khai triển. Anh, Pháp phỏng theo gọi là évolution (Pháp) và evolution (Anh) có nghĩa là diển hóa (cũng có người gọi là tiến trình, tiến hóa). Vậy revolution có thực nghĩa là “làm lại sự diễn hóa” tương đồng với thực nghĩa danh từ “cách mạng”, có thực nghĩa là thay đổi cái mà trời phó cho.

Dẫn chứng đối chiếu

Văn minh tây phương nặng nề vật chất, văn minh đông phương nặng về tinh thần. Vì vậy trong những chính cương, chính sách và khẩu hiệu của người tây phương thường nặng về quyền lợi và vật chất, trong lúc những chính cương , chính sách và khẩu hiệu của người Đông phương nặng về tinh thần .

Cuộc cách mạng 1789 của Pháp, cuộc cách mạng 1917 của Nga vì thiên quá nhiều về quyền lợi vật chất và nhầm giải quyết tiên quyết những nhu cầu vật chất của dân chúng, nên phải trải qua một thời gian khá dài chia rẽ hỗn loạn.

Đông phương tuy không có nhiều cuộc cách mạng lớn, nhưng bên cạnh các nhu yếu về quyền lợi vật chất, những nhu yếu về tinh thần thường được nêu lên, và đặt trên quyền lợi vật chất. Nếu hiểu “cách mạng” theo nghĩa chính trị tức thay đổi một trật tự xã hội, một chế độ thì cuộc du thuyết suốt 14 năm qua các nước chư hầu của Khổng Tử cũng bao hàm một ý nghĩa cách mạng chính trị, vì đi đến đâu ông cũng đưa ra những đề nghị thay đổi toàn bộ chánh sự trong nước, bị những thế lực bảo thủ sở tại ngăn chặn nên không được dung. Lời than thở của Khổng Tử: thiên hạ vô đạo lâu rồi, các vua chúa không ai còn biết nghe theo lời khuyên bảo của ta. “Thiên hạ vô đạo cửu hỹ, mạc năng tông dự”, đã chứng tỏ tâm nguyện “thay đổi trật tự xã hội” của ông. Về gìa, Khổng Tử hốt nhiên thay đổi hẳn quan niệm của ông về cách mạng: thay vì chủ xướng một cuộc cách mạng chính trị, ông đổi sang quan niệm chủ xướng một cuộc cách mạng văn trị. Vì thế Khổng Tử lui về dạy học, từ chối những lời mời xuất sĩ hậu tình của vua quan nước Lỗ, nên đã để lại một sự nghiệp rực rỡ hàng ngàn năm sau.

Dẫn chiếu trên cho ta thấy, tuy rằng nguyên nghĩa của cách mạng là thay đổi… là… diễn hóa, song tùy không gian và thời gian, tùy nhu yếu thời đại, tùy hoàn cảnh xã hội mà xuất phát ra những chủ trương cách mạng khác nhau. Như Tôn Trung Sơn (1866-1925), một nhà cách mạng Trung Hoa, người lập ra Tam Dân Chủ Nghĩa và Ngũ Quyền Hiến Pháp, đã thực hiện một cuộc cách mạng vô cùng cam go với chủ trương “Tuần tự nhi tiến” (cứ lần lần mà tiến). Tức như sự gở chỉ rối: gở hết mối nọ, rồi đến mối kia. Tình trạng Trung Quốc thời bấy giờ rối như mớ bòng bong. Trong thì triều đình Mãn Thanh thối nát, giặc nổi lên tứ tung, ngoài thì các nước Tây Phương luôn luôn tìm cớ đặt chân lên dày xéo đất nước. Muốn tiêu diệt cả nội đich lẫn ngoại địch trong khi thực lực còn yếu, ông phải mượn sức nọ chống với lực kia, trước khi đủ sức loại bỏ tất cả. Do đó, ông chủ trương “Tuần tự nhi tiến”. Còn các nhà cách mạng nổi danh của Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Cường Để, Nguyễn Thái Học,… thì làm cách mạng với chủ trương “chống Pháp giành độc lập”.

Chủ thuyết Cách mạng Tâm Thân của môn Phái Vovinam Việt Võ Đạo

Chúng ta đã thấy rằng cách mạng chánh trị là thay đổi nếp sinh hoạt chánh trị củ bằng một nếp sinh hoạt chánh trị mới. Ví như chuyển môt chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ quân chủ lập hiến, hoặc chế độ dân chủ là cách mạng chánh trị.

Cách mạng xã hội là thay đổi đời sống xã hội, từ đời sống ăn lông ở lỗ đến đời sống biết tạo dựng nhà cửa khang trang, nấu nướng tinh tế, định đặt lại thứ bậc xã hội. Trước thì mê tín dị đoan, sau thì mở rộng nhãn tuyến phân tích chân giả, thực hư, tiến vào đường khoa học là cách mạng xã hội.

Còn “Cách Mạng Tâm Thân” là chủ thuyết riêng biệt độc đáo của môn phái Vovinam do Cố Võ Sư sáng tổ Nguyễn Lộc đề xướng có nghĩa là con người phải luôn luôn tiến hóa để theo kịp thời đại, tiến hóa về cả hai phần: tâm hồn và thân xác.

Khác với mọi cuộc cách mạng – phần nhiều chỉ lo tới việc cải tiến xã hội, tức là thay đổi chế độ – cách mạng tâm thân của môn phái chúng ta hoàn toàn chú trọng tới việc thay đổi nếp sống, thay đổi những tập tục lổi thời để cải tiến con người toàn diện.

Với quan niệm: những cá nhân tạo thành tập thể xã hội, nhiều cá nhân tốt sẽ khiến cả xã hội tốt đẹp, nên Cố Võ Sư Sáng Tổ đã đề xướng ra chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân. Những con người tốt, lành mạnh cả thể xác lẫn tinh thần, được ví như những điểm sáng trong đêm tối, càng nhiều điểm sáng thì bóng tối thì tự nó sẽ tiêu tan. Con người mà tâm hồn đã u mê, bạc nhược, không ý thức được nhiệm vụ làm người và làm dân của mình, thân thể còm cỏi, yếu đuối thì làm sao có thể có được tinh thần sáng suốt, một ý lực qủa cảm, đảm nhiệm bất cứ một công việc tầm thường nhỏ mọn nào chớ đừng nói tới làm cách mạng chính trị hoặc cách mạng xã hội nữa.

Do đó, chúng ta thấy rằng: bất cứ cuộc cách mạng chính trị hoặc xã hội nào muốn thành công và bảo vệ được thành qủa đều phải kinh qua một cuộc cách mạng tâm thân, nghĩa là trước hết, phải cải tiến chính bản thân con người làm cách mạng.

Để chứng minh điều đó, chúng ta có thểsuy gẫm cuộc cách mạng đẫm máu của nước Pháp vào năm 1789. Bởi chế độ quân chủ chuyên chế độc tài , cực độ thối nát của các triều đại vua Louis XIV, XV, XVI, toàn dân đã hưởng ứng cuộc cách mạng do Robespierre cầm đầu lật đổ chế độ bảo hoàng. Cuộc cách mạng đã thành công dễ dàng, song vì không có cách mạng tâm thân làm chủ chốt, nhóm người làm cách mạng thiếu kiện toàn về tài đức, nghi kị và thanh toán lẫn nhau, nên sau đó lại rơi vào tay nhà độc tài quân phiệt Bonapart. Tất cả đều lên đoạn đầu đài, bôi một trang sử đẫm máu cho dân tộc Pháp.

Khác với Việt Nam thời nhà Trần, dưới sự lãnh đạo của đức Trần Hưng Đạo, cách mạng tâm thân đã được thực hiện tới cao độ. Từ cung nữ phi tần cho tới công nương quận chúa đều sát cánh cùng toàn dân tham gia việc đồng áng, thương nghiệp và rèn luyện võ thuật, cưỡi ngựa bắn cung. Do đó, dầu chỉ là một tiểu nhược quốc, đã 3 lần dân tộc ta oanh liệt đại thắng quân Nguyên xâm lược.

Ngoài cái chiến thắng nơi trận địa, đức Trần Hưng Đạo còn chiến thắng về tâm đức. Ngài không để cho ngai vàng quyến rũ, cương quyết dứt bỏ tư tưởng vị kỷ của cha (Trần Liễu), biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, hết lòng phụng sự tổ quốc.

Nếu tời đó, đức Trần Hưng Đạo không biết gạt thù nhà sang một bên, nghe lời trăn trối của cha cướp ngôi vua cho giòng họ ngài thì liệu sau đó dân tộc ta có muôn người như một, đồng tâm nhất trí chống xâm lăng, để giang sơn thoát khỏi cảnh đô hộ của nhà Nguyên?

Xem như thế, chúng ta có thể nói rằng: Bất cứ thời nào, hoàn cảnh nào, người lãnh đạo quốc gia biết tự mình thực hiện và hướngdẫn toàn dân thực hiện cách mạng tâm thânthì chính trị và xã hội sẽ đương nhiên xuất tiến.

Thời phong kiến (phong tước, kiến địa: chế độ nhà vua phong tước cho chư hầu, cắt đất cho chư hầu quản lãnh) đã có những vị vua anh minh như vua Nghiêu, vua Thuấn luôn luôn thực hiện cách mạng tâm thân nên xã hội thời đó rất thái bình, thịnh trị. Vua Nghiêu, vua Thuấn còn dày công tìm kiếm, mờinhững bậc hiền tài về nhường ngôi mà không ai chịu nhận.

Nhưng đặt ngược lại, vua Nghiêu, vua Thuấn không tiến hành cách mạng tâm thân, không chăm lo tự kiện toàn tài năng đức độ và chí hướng, không giúp dân nâng cao mức sống và trình độ hiểu biết, chỉ lo xây dựng lâu đài, tuyển dụng cung phi, cầu vinh hưởng thụ, hay không mời người nhường ngôi, thì thiên hạ cũng vùng lên làm cách mạng lật đổchế độ bạo tàn thối nát.

Do đó, chúng ta thấy rằng một khi đã thực hiện cách mạng tâm thân thì không bao giờ còn có cách mạng chính trị và cách mạng xã hội nữa. Hơn nữa khi nói tới cách mạng chính trị hay cách mạng xã hội là thấy hiển hiện ra trước mắt cảnh máu chảy, xương rơi, cảnh chết chốc phá hoại, trước khi tiến tới sự sống, sự nuôi dưỡng và xây dựng. Nhưng cách mạng tâm thân hoàn toàn chỉ nghĩ tới sự sống và nuôi dưỡng xây dựng toàn diện cho con người.           

Muốn thực hiện Cách Mạng Tâm Thân, Việt Võ Đạo Sinh phải rèn luyện hai phần vụ chính:

1 – Về Tâm: Phải có một quan niệm sống vững vàng, một ý chí cách mạng đứng đắn, một lòng yêu dân tộc vô bờ bến, một tinh thần quật cường, một nghị lực quả cảm, một ý lực vượt tiến.

2 – Về Thân: Phải có một thân thể đanh thép vững chắc, sức lực mạnh mẻ dẻo dai, có đầy đủ khả năng và kỷ thuật tự vệ hoặc tấn công, khi cần đến.

 

Tóm lại, các cuộc cách mạng chánh trị và xã hội chỉ là phương tiện phụ tùy, bộc phát bởi những yêu cầu của lịch sử trong một giai đoạn nào đó rồi thôi, còn Cách Mạng Tâm Thân là động lực căn bản, chủ chốt cho mọi cuộc cách mạng và phải được thi hành liên tục không ngừng. Việt Võ Đạo Sinh phải luôn tu dưỡng tâm hồn, rèn luyện thể xác, nghĩa là phải trau dồi cho có một tinh thần cầu tiến, một đức tính kiên trì và một thân thể lành mạnh, hùng tráng, để đường hoàng đặt chân vào ngưỡng cửa của sự sống. Việt Võ Đạo Sinh phải luôn luôn cách mạng tâm thân để con người của chúng ta hôm nay khác với con người hôm qua. Tất cả tâm thức thực nghiệm đó chứng tỏ sự tiến hóa của con người và tạo thành nền văn minh cho nhân loại.

 

Chapter 4 – Nguyên tố hình thành chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân

 

Chúng ta đã khẵn định rằng tâm hồn và thân chất của con người có nhiều nhược tính.

Chúng ta đã xác định những nhược tính trong tâm hồn và thân chất của người Việt.

Chúng ta đã nhận định rằng , bên cạnh những ưu tính, xã hội Việt, quốc gia Việt và dân tộc Việt, có nhiều nhược tính, nhất là trong thời Pháp thuộc.

Đồng thời, chúng ta cũng thừa nhận rằng, cần phải chuyển hóa các nhược tính đó thành ưu tính.

Đó là ý niệm tiên khởi của chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân. Ý niệm tiên khởi này tạo cho chúng ta 5 nguyên tố hình thành chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân:

  1. Ý thức tự tồn
  2. Đạo Nhân
  3. Đức Dũng
  4. Tinh thần khai phóng
  5. Ý thức cải tạo xã hội
  6. Ý thức Tự Tồn:

Muôn loài đều có bản năng tự tồn, nhưng chỉ có con người ưu việt mới có đủ khả năng nhận thức nhu cầu tự tồn đó. Khả năng nhận thức nhu cầu tự tồn đó chính là ý thức tự tồn trong đời sống chúng ta.

Đứa trẻ khi bắt đầu nhận thức, đã biết đòi hỏi để tranh thủ những gì nó muốn. Con người khi bước vào xã hội, cũng tìm đủ cách tranh thủ những gì cần thiết cho sự sống của mình. Một nhóm người, một đoàn thể, biết kết hợp tranh đấu là có ý thức tự tồn. Một dân tộc cũng vậy, muốn phồn thịnh và hùng mạnh, phải có ý thức tự tồn trước đã.

Thời Pháp thuộc, người Pháp không muốn người Việt có ý thức tự tồn, vì ý thức tự tồn được phát huy, sẽ loại trừ mọi ảnh hưởng của Pháp ra khỏi xã hội Việt. Trong thâm tâm, người Pháp chỉ muốn dân chúng thuộc địa tồn tại với bản năng tự tồn của loài vật, chứ không muốn người Việt có ý thức tự tồn của một con người. Cần gì, đã có mẫu quốc “bảo hộ”, cũng như đứa trẻ nhỏ đã có mẹ che chở. Rượu ty, thuốc phiện, khuynh hướng dục lạc của chủ thuyết lãng mạn…. là những liều thuốc ngũ dành riêng cho ý thức tự tồn.

Vậy người Việt, muốn gỡ ra khỏi thế kẹt đó, phải phát huy ý thức tự tồn trên mọi lảnh vực: đó là đáp số của bài toán “dân tộc Việt” trong thời Pháp thuộc. Tuy nhiên , cũng đã có nhiều người giải sai: có người coi ý thức tự tồn như một vật gia bảo bỏ quên ở Nhật, nên sang Nhật tìm (Kỳ Ngoại Hầu, Cường Để, nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục), có người coi như một món hàng bị quan thuế tịch thu ở Pháp, nên sang Pháp chuộc (Phan Chu Trinh, và nhiều nhân sĩ hải ngoại).

Thật ra, ý thức tự tồn ở trong lòng dân tộc Việt, chứng cớ là những cuộc khởi nghĩa chống Pháp nổi tiếng đều phát nguyên ngay từ ý thức tự tồn của người Việt taị bản quốc: Nguyễn Thiện Thuật, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, nhóm khởi nghĩa Yên Bái 1930, Nguyễn Trung Trực, Chủ Khoa Huân, Trương Công Định…. Do đó nguyên tố đầu tiên của chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân là phát huy được ý thức tự tồn cho con người, cho người Việt.

Ý thức tự tồn sẽ phát huy khã năng tranh đấu và khã năng tự vệ của con người, trước mọi khó khăn, trở ngại của ngoại cảnh đem tới. Ý thức tự tồn sẽ phát huy khã năng tranh đấu và tự vệ của người Việt trong mọi bối cảnh lịch sử, để người việt trưởng triển cả về tâm hồn lẫn thân chất trong mọi sứ mạng cứu nước, giữ nước và dựng nước.

  1. Đạo Nhân:

Đạo nhân ở đây không phải là một tôn giáo, mà là đường lối phương cách đối xử. Nhân là tình người (tình người gồm hai chữ ghép lại, chữ nhân và chữ nhị), tức là đối xữ tốt đẹp giữa người với người. Đạo nhân từ Khổng học, đã hội nhập vào nếp sống Việt trở thành một căn bản luân lý truyền thống.

Nguyên tố thứ hai của chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân chú trọng tới đạo nhân, vì đạo nhân chính là căn bản xử kỷ tiếp vận trong đời sống cộng đồng, để tạo sự điều hòa và thế quân bình trong cuộc sống chung. Đạo nhân cho chúng ta trái tim từ ái, trong mọi trường hợp đối xử với bạn, với thù, khiến tâm hồn chúng ta luôn luôn khoáng đại trong mọi sứ vụ nhiệm thế.

  1. Đức Dũng:

Đức dũng cho ta sự can đảm, sự dũng cảm. nhưng có nhiều loại can đảm khác nhau. Có sự can đảm của kẻ thất phu, chỉ biết liều lĩnh thí mạng với bất cứ ai khi tự ái bị xúc phạm hay nguyện vọng không được thoả mản. Có sự can đảm của người dũng sĩ, biết xã thân vì lý tưởng hoặc mục tiêu phục vụ. Đó là đặc điểm mà Khổng Tử gọi là “Chí sỉ nhân nhân vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân, dĩ thành nhân” (bậc chí sỉ và nhân giả, không cầu sống để làm hại người, mà chỉ giết thân mình để thành bậc nhân).

Câu chuyện so sánh giữa 3 chàng dũng sỉ Tiêu Khâu Tố, Yên Ly, và Khánh Kỵ thời chiến quốc cho ta thấy cả ba cùng có đức dũng: Tiêu Khâu Tố vì ngựa mà nhảy xuống sông giao đấu với thủy thần, Yên Ly vì chúa mà hủy hoại cả thân mình, sát hại cả vợ con, Khánh Kỵ bị mưu sát mà vẫn tha thứ cho kẻ thù. Nhưng cái dũng của Tiêu Khâu Tố chỉ là cái dũng của kẻ thất phu hiếu động, cái dũng của Yên Ly chỉ là cái dũng của kẻ cuồng tín hiếu danh, cái dũng của Khánh Kỵ chỉ là cái dũng của người bất trí, quân tử hão. Cả ba đều không có lý tưởng tuy có mục tiêu phục vụ nhất thời.

Đức dũng lý tưởng của chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân chính là cái dũng bắt đầu bằng sự tự chế phục những nhược điểm, khuyết điểm trong tâm hồn mình, rồi kiên quyết thực hiện bằng được lý tưởng mà mình theo đuổi thực hiện. Biểu trưng cho Đức Dũng này là “bàn tay thép”, nhưng là “bàn tay thép đặt trên trái tim từ ái” Đức dũng luôn luôn phối hợp với Đạo Nhân tạo thành hai biểu trưng điều hòa sự phát triển của tâm hồn và thân chất.

  1. Tinh Thần Khai Phóng:

Cùng với Ý thức tự tồn, Đạo nhân, và Đức dũng chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân còn hội tụ một nguyên tố thứ tư Tinh Thần Khai Phóng. Tâm hồn và thân chất phát triển, cũng có nghĩa là những trì trệ trong tinh thần phải tự diệt, dành chổ cho những quan niệm sống mới mang tính chất bao dung, khoáng đạt. Những quan niệm sống bao dung, khoáng đạt này bắt nguồn từ tinh thần khai phóng.

Thời Tự Đức, triều đình bảo thủ của ông vì không chấp nhận tinh thần khai phóng của Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ ….đã xô đẩy đất nước xuống vực thẳm vong quốc.

Ngày nay, chúng ta quan niệm khác hẳn: phải thay đổi tinh thần tự túc (tự cho là đủ), tự mãn (tự cho là đáng hài lòng rồi), bằng tinh thần khai phóng, song song với sự tăng triển của thân chất và võ thuật. Tinh thần khai phóng chính là động cơ của tiến bộ, khiến chúng ta vượt thoát được những tự túc nhất thời, để đạt tới những tăng triển liên tục và miên sinh trong đời sống.

  1. Ý thức cải Tạo Xã Hội:

Nguyên tố cuối cùng của chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân chính là ý thức cải tạo xã hội. Ngay từ khi hội nhập vào “Cách Mạng Tâm Thân”, trong tiềm thức chúng ta đã sẵn có một ý hướng phục vụ: cải tạo xã hội. Vì không thể nào chỉ cách mạng cho chính mình và gia đình, mà quên lãng những nghĩa vụ với cộng đồng xã hội.

Ý thức cải tạo xã hộị bắt nguồn từ sự không mản nguyện với hoàn cảnh mình đang sống. Ý thức cải tạo xã hội bắt rể trong tâm nguyện của Cố Võ Sư Sáng Tổ, bất nguồn từ một xã hội ủng trệ thời Pháp thuộc. Ý thức cải tạo xã hội đương thời của chúng ta hội nhập vào chương trình cách mạng xã hội chung thanh toán những bất công xã hội, thực hiện tối đa công bằng xã hội.

Nguyên tố này chính là động cơ tiến bộ của mỗi chúng ta, khi ý thức những nghĩa vụ của mình trong cộng đồng xã hội với quốc gia, dân tộc, và nhân loại.

Năm nguyên tố hình thành chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân chính là 5 động cơ giúp chúng ta làm lại con người, làm lại xã hội. chúng ta đi từ con người đến xã hội. Con người là một thực tại cụ thể. Xã hội là một thực tại trừu tượng. Con người sống trong xã hội, có những nghĩa vụ từ mình tới người, từ chủ thể đến khách thể, từ cụ thể đến trừu tượng. Chúng ta phải thay đổi lại con người, không có nghĩa chúng ta bỏ qua nghĩa vụ đối với xã hội.

Sự hình thành chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân do 5 nguyên tố: bắt đầu từ ý thức tự tồn, kế đó là đạo nhân, đức dũng, rồi vận dụng tinh thần khai phóng và động lực ý thức cải tạo xã hội mà hoàn thành. Năm nguyên tố này vẫn bàng bạc trongsự sống của mỗi chúng ta. Cố Võ Sư Sáng Tổ đã kết hợp lại, vận dụng trong một bối cảnh lịch sử vong quốc, và đã thành tựu. Chúng ta kế tục, vận dụng trong một xã hội độc lập và dân chủ pháp trị, tất cả phải hoàn bị và tinh tiến hơn. Đó là nguyện vọng mở đầu chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân của Võ Sư Sáng Tổ với niềm kỳ vọng “làm lại” người Việt và nước Việt mến yêu hùng cường và thịnh vượng.

Chapter 5 – Thực chất và tiêu hướng của chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân

  1. Khái niệm về sự lượng giá phương tiện và cứu cánh

Không có chủ thuyết nào tránh khỏi những chuyển hóa, biến hóa và phân hóa. Ví dụ: Khổng Học bắt nguồn từ Dịch Học rồi phân hóa thành các hệ phái Tuân Tử , Mạnh Tử, Trình – Chu (Trình Hạo, Trình Duy, Chu Hy), Vương Dương Minh, Nghiêm Phục…; Phật Thuyết bắt nguồn từ Ba-La-Môn (Brahmatisme) rồi phân hóa thành các hệ phái Đại Thừa (Bắc Tông), Tiểu Thừa (Nam Tông)…; Giáo Thuyết Gia Tô bắt nguồn từ Cựu Ước rồi phân hóa thành các giáo phái Cơ Đốc (Catholicisme), Chính Thống (Octhodoxie), Tin Lành (Protestantisme)..; Chủ Thuyết Mác Xít (Marxisme) bắt nguồn từ biện chứng pháp Hegel, chủ thuyết hóa (évolutionnisme) của Darwin và các chủ thuyết xã hội của Owen, Proudhon, rồi phân hóa với các chủ thuyết Lê Nin (Léninisme), Staline (Stalinisme), Mao Trạch Đông (Maoisme) và “Chủ Thuyết Xét Lại” (Revisionisme) của Kruschev, Kossygin …

Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân của môn phái Vovinam củ̃ng ở trường hợp tương tự: kết tinh từ học thuyết Chu Văn An (cùng lý, chính tâm, trừ tà, cự bế), chủ trương “văn võ kiêm toàn” (bằng Cách Mạng Tâm Thân) thời Trần. Dịch học và thuyết “tri hành hợp nhất” của Vương Dương Minh. Như vậy liệu trong tương lai, chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân của môn phái Vovinam Việt Võ Đạo có phân hóa không? Và nếu có phân hóa, sẽ phân hóa theo chiều hướng tiến bộ hay thoái bộ? Đó là những vấn đề chúng ta sẽ phân tích ở những phần kế tiếp.

Trước khi vào phần phân tích, chúng ta bắt đầu bằng sự nhận định những khái niệm về sự lượng giá, phương tiện và cứu cánh, cùng những quan niệm đối nghịch về Cách Mạng Tâm Thân. Mối liên hệ giữa phương tiện và cứu cánh hiểu theo nghĩa thông thường là: phương tiện là tất cả mọi phương cách tiện dụng (moyen) từ tổ chức, nhân lực, vật lực, tài lực, được xử dụng để đạt tới mục đích tối hậu, tức cứu cánh (final). Do đó, giửa phương tiện và cứu cánh có sự lượng giá không bình đẳng: cứu cánh bao giờ cũng cao vượt hơn phương tiện, và người ta chỉ có thể dùng phương tiện hoặc hy sinh phương tiện để phục vụ cho cứu cánh, chứ không bao giờ xữ dụng cứu cánh, hoặc hy sinh cứu cánh để phục vụ cho phương tiện. Do đó, nảy sinh ra quan niệm “cứu cánh trên hết”, cứu cánh biện minh cho phương tiện, thành cứu cách thuyết (finalisme). Ví dụ: 1-Cứu cánh của Cộng Sản Nga là thực hiện xã hội chủ nghĩa trước khi tiến tới Cộng Sản chủ nghĩa, nên mọi phương tiện đối với người Cộng Sản đều tốt, miễn là đạt tới cứu cánh. 2-Hitler cũng ở trường hợp tương tự: Cứu cánh của Hitler là phục hưng nước Đức, xây dựng một dân tộc Đức hùng mạnh với giồng Aryen chính thống. Và quyết định: xữ dụng mọi phương tiện để đạt tới cứu cánh, từ những thủ đoạn vu cáo đối lập, đốt Quốc Hội để lấy cớ đàn áp, tới phát động chiến tranh để xiển dương uy thế, thủ tiêu 7 triệu người Do Thái để cướp đoạt tài sản và thực quyền kinh tế… 3-Mustapha Kémal cũng ở trường hợp tương tự, nhưng cứu cánh của ông khiêm nhượng hơn, nhằm vào phục hưng dân tộc Thổ hơn là xưng hùng với thế giới: từ việc truy nguyên dân tộc tính, lập quốc ngữ Thổ, loại trừ ảnh hưởng Hồi Giáo độc tôn, thanh trừng nội bộ, thanh toán đối lập, quyết chiến và quyết thắng liên quân Anh – Pháp – Đức, phát triển nông nghiệp … đều là những phương tiện được xử dụng để đạt tới cứu cánh trên.

Trong ba trường hợp điển hình trên, chúng ta có thể tạm kết luận ở trong trường hợp 1 và có thể kết luận rõ rệt ở 2 trường hợp sau. Trường hợp Nga Sô cho ta thấy rõ: mặc dầu xử dụng nhiều phương tiện và “hy sinh” luôn những phương tiện, như những vụ đàn áp khổng lồ, lưu đày và thủ tiêu hàng triệu người tại Tây Bá Lợi Á, Trên 50 năm quốc hữu hóa ruộng đất và bất động sản để thành lập các nông trường tập thể (Kolkhoses) và công trường tập thể (Sokhoses), Nga Sô đã tạm thời từ bỏ hệ thống kinh tế chỉ huy (économie dirigée) để trở về chế độ kinh tế định hướng (économie orientée), tức tôn trọng quyền tư hữu, chia lại ruộng đất, giải tán các “công trường” và “nông trường” của chế độ hợp tác xã đảng trị. Hitler như chúng ta đã rõ về số phận nước Đức sau thế chiến. Đức Quốc thảm bại, đảng Quốc Xã bị tiêu diệt, lãnh tụ thì lớp tự tử (Vợ chồng Hitler – Eva Braun và bộ tham mưu), lớp bị xử giảo do tòa án Nuremberg. Đó là bài học thấm thía nhất của nhân loại về sự xử dụng phương tiện và cứu cánh. Cả 2 cùng bị hủy diệt vì guồng máy lãnh đạo cuồng tín và sai lầm. Trường hợp Mustapha Kémal có khác hơn: mặc dầu cũng xử dụng nhiều phương tiện để đạt tới cứu cánh, nhưng những mục tiêu của ông đã thành công cho tới lúc ông nhắm mắt, vì ông biết giới hạn sự xử dụng phương tiện của mình không để tham vọng chính trị lôi cuốn.

Như vậy, sự lượng giá phương tiện và cứu cánh là một vấn đề vừa phức tạp vừa tế nhị. Phức tạp và tế nhị không phải là vì có quá nhiều tiêu chuẩn định hướng, nhưng chính là có quá nhiều tiêu chuẩn định hướng khác nhau (nhiều khuynh hướng ái quốc đối lập và đối nghịch), và những tiêu chuẩn này không có tính chất bất biến (Hitler trước tháng 5/1945 là lãnh tụ yêu nước số 1, sau đó là tên độc tài khác máu Pétal trước tháng 5/1945 là cứu tinh dân tộc, sau đó là Pháp gian, Ngô Đình Diệm trước 1954 là một chí sĩ ái quốc, sau tháng 7/1954 là một “lãnh tụ anh minh”, sau chính biến 1/11/1963 là “độc tài gia đình trị”, và qua năm 1971 lại được phục hồi là “nhà ái quốc số 1″…) Vì khó có thể chuẩn định, nên sự lượng giá thường có tính cách tình cảm công việc và xúc động chính trị, tùy theo quan niệm cá nhân nhất thời.

  1. Các quan niệm đối nghịch về Cách Mạng Tâm Thân

Cũng như mọi cá nhân và mọi đoàn thể khác, khi hoạt động xã hội là dù muốn hay không, cũng phải chịu ít nhiều ảnh hưởng của xã hội, môn phái Vovinam Việt Võ Đạo mặc dầu khẳng định là không làm chính trị, nhưng cũng không nhất thiết từ chối tham dự những hoạt động yêu nước, và đồng thời cũng không ngăn cấm môn sinh hoạt động chính trị với tư cách công dân hợp hiến và hợp pháp của họ. Như vậy, là có tham gia hoạt động chánh trị hay không? Tham gia trực tiếp hay gián tiếp? Có phù hợp với chủ trương Cách Mạng Tâm Thân của môn phái hay không? Và cuối cùng, tạị sao cần “Cách Mạng Tâm Thân” và “Cách Mạng Tâm Thân” để làm gì? Có liên quan gì với những chủ trương cách mạng chánh trị, xã hội, văn hóa, kinh tế …?

Hiện nay, các quan niệm đối nghịch về Cách Mạng Tâm Thân tuy chưa hình thành rõ rệt, (ngoại trừ khuynh hướng đức lý) nhưng cũng đã qui kết thành 3 khuynh hướng nhận định khác nhau, có triển vọng hình thành các quan niệm đối nghịch.

Quan niệm 1 : Khuynh hướng đức lý

Quan niệm hình thành đầu tiên chính là quan niệm “võ đạo truyền thống Đông Phương”: coi võ đạo (tinh thần võ sĩ đạo) là một hệ thống về luân lý và đạo đức, tu dưỡng Tâm và Thân, nên hoàn toàn có tính cách đức lý như các hệ thống đức lý khác: Tinh thần Khổng Học (quân tử , đại trượng phu) tinh thần Lão – Trang (đạo nhân, chí nhân ), tinh thần Nhật Võ Đạo (Bushido – Samourai ), tinh thần chính nhân (Honnête – homme), tinh thần quý nhân (Gentlemen – Gentille – homme ), tinh thần hiệp mã thượng (Chevalerie), tinh thần thực dụng (Pragmatism)…

Khuynh hướng này lập luận: việc xây dựng con người Việt Võ Đạo cũng tương tự như việc xây dựng con người Nhật Võ Đạo, quân tử, đại trượng phu, chính nhân, đạo nhân, chí nhân, quý nhân, hiệp mã thượng hay thực dụng … với cả 2 phần vụ tu dưỡng là tâm và thân, để tạo thành một mẫu người lý tưởng của xã hội Việt Nam, kỳ dư, mẫu người lý tưởng này có hoạt động chính trị hay không, hoặc có tham gia những hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế hay không lại là việc khác, vì còn tùy thuộc rất nhiều ở những điều kiện thực tại về xã hội và tâm lý thời đại (của từng thời đại khác nhau). Do đó chính nhu cầu xây dựng mẫu người lý tưởng Việt Võ Đạo mới là cứu cánh còn các bộ môn khác, kể cả chính trị, đều chỉ là phương tiện để đạt đến cứu cánh.

Quan niệm 2: Khuynh hướng tranh đấu chính trị

Khuynh hướng này được bắt nguồn từ tinh thần quốc gia cực đoan và những khát vọng tiến bộ (dân chủ, tự do, bình đẳng pháp trị …) của nhân loại mang lại .

Tinh thần quốc gia cực đoan được phát triển mạnh từ những hiểm họa vong quốc; kế đó trong thời Pháp thuộc; và gần đây, khát vọng dân tộc tự quyết, công bằng xã hội và tự do dân chủ. Đặc biệt hơn cả là nhờ vị trí giao điểm, hành lang và tiền đồn của hai thế giới Tự Do và Cộng Sản tại Đông Nam Á, Việt Nam luôn luôn tiếp nhận các tư trào và ảnh hưởng chính trị từ bốn phương đổ đến. Do đó, chánh trị len lỏi vào mọi bộ môn hoạt động xã hội, tác động, chi phối rồi lãnh đạo. Nhất là tại miền bắc, khuynh hướng “chính trị lãnh đạo tất cả”, đã đại thắng, qua cuộc bút chiến của Trường Chinh (tuần báo Sự Thật) và nhóm Hoàng Minh Giám (đảng Xã Hội Bắc Việt, nguyệt san Độc Lập), với kết luận: pháp luật và bất cứ bộ môn nào khác đều phải đặt dưới quyền lãnh đạo của chánh trị, là phương tiện tranh đấu phục vụ chính trị, tức Đảng (do đảng lãnh đạo). Do đó, văn hóa là chính trị, luật pháp là chính trị, quân sự củng là chính trị. Đó là tình trạng “chính trị lãnh đạo tất cả” tại miền bắc hiện nay.

Ngang lưng thì thắt “Phương Châm”

Đầu đội “chính sách” tay cầm “chủ trương”

Chân đi đôi dép “lập trường”…

Tại miền Nam, vấn đề phân quyền được Hiến Pháp quy định (hành pháp, lập pháp, tư pháp, giám sát…); nhưng trên thực tế, sự phân quyền chỉ có tính cách tương đối, vì hành pháp với thực quyền lãnh đạo chính trị trong tay, đã có nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ chi phối những quyền khác.

Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo cũng bị ảnh hưởng ít nhiều sự xâm nhập của chính trị. trong các bộ môn sinh hoạt xã hội. Do đó, ý niệm tranh đấu chính trị mặc dầu chưa hình thành thành một quan niệm, cũng đã trở thành một khuynh hướng trong sinh hoạt môn phái.

Khác với khuynh hướng đức lý cho rằng việc xây dựng mẫu người lý tưởng Việt Võ Đạo mới có giá trị trường cửu, là cứu cánh, trong đó tất cả các bộ môn khác chỉ là phương tiện, khuynh hướng tranh đấu chính trị luận lý rằng: cách mạng tâm thân tự nó chỉ có giá trị xây dựng, đào tạo, chớ không có giá trị phục vụ, tranh đấu. Do đó, nó phải có một lý tưởng, một mục đích để đạt tới. Chính lý tưởng tranh đấu phục vụ dân tộc, phục vụ xã hội, mới là mục đích của Cách Mạng Tâm Thân. Không lý tưởng đấu tranh, mẫu người lý tưởng Việt Võ Đạo sẽ là mẫu người tĩnh, mẫu người thụ động, mẫu người chết, bởi lẽ chỉ chăm lo làm tốt đẹp cho mình rồi ngưng lại, tách rời khỏi sinh hoạt tranh đấu xã hội, tranh đấu dân tộc, thì làm sao đất nước, có thể hưng thịnh, dân tộc có thể hùng cường được, nếu nguồn nhân lực Việt Võ Đạo có nhiều khả năng bồi đắp?

Do đó, người Việt Võ Đạo bắt buộc phải dấn thân, hội nhập vào sinh hoạt tranh đấu xã hội , ứng dụng thành quả của Cách Mạng Tâm Thân vào những công cuộc giúp ích và hiến ích với tư thế tranh đấu chính trị để cách mạng xã hội. Cách Mạng Tâm Thân do đó, chỉ là một phương tiện tranh đấu chính trị để cách mạng xã hội, vì cứu cánh của tranh đấu chính trị, và cách mạng xã chính là cứu cánh của dân tộc, trong đó bao gồm cả môn phái Vovinam Việt Võ Đạo, phần tử của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Quan Niệm 3: Khuynh hướng chuyên môn hóa võ học

Khác với hai quan niệm trên (quan niệm đức lý và khuynh hướng tranh đấu chính trị), khuynh hướng thứ ba đơn giản và thuần túy hơn cả, là đưa võ học trở lại chuyên môn: đào tạo, chuyên luyện thế hệ thanh thiếu niên sắp tới, khang kiện cả về tâm thức và thân chất còn kỳ dư, không luận tới những ảnh hưởng của đức lý và tranh đấu chính trị, vì đó hoàn toàn tùy thuộc vào trình độ và quyền công dân hiến định, pháp định của mỗi cá nhân.

Theo khuynh hướng này, quan niệm đức lý có vẻ lý tưởng quá, cao viễn quá, không thích hợp với thực tại xã hội Việt Nam. Đồng thời, khuynh hướng tranh đấu chính trị với tính cách “anh hùng nóng ruột” (héros impatients) và “anh hùng nổi giận” (héros en colère) nên chỉ thích hợp với những tập thể chính trị và quân sự, không thích hợp với võ học. Vẫn theo quan niệm này, công việc tranh đấu chính trị từ xưa nay đã nhiều người nhiều đoàn thể dương danh những từ ngữ to lớn, tốt đẹp, rồi cuối cùng chỉ là phân hoá, chia rẽ, nhũng lạm, làm đất nước nát bấy. Bằng chứng rõ rệt nhất là từ các chính đảng, hội đoàn, tới cả tôn giáo, khi đã để khuynh hướng chính trị lọt vào nội bộ là thế nào cũng xảy ra tình trạng phân hóa, chia rẽ và thậm chí tương tàn. Một bằng chứng khác, điển hình ngay trước mắt, là dân tộc ta hiện nay không thiếu những khuynh hướng tranh đấu chính trị, nhưng thiếu hẳn một chính sách giáo dục tiến bộ, thích hợp và thực tế, để thỏa mãn nhu cầu đào tạo nhân tài cho đất nước. Do đó, vấn đề chính không phải là chính trị hóa chuyên môn mà là phân lập chuyên môn tách rời tất cả ảnh hưởng chính trị, mới có thể bảo đảm việc đào tạo nhân tài mới cho đất nước, thoát khỏi mọi sự nhiễm độc của thực trạng đất nước. Ví dụ: dân tộc Nhật sau đệ nhị thế chiến, nhờ chính sách cưởng bách giáo dục hết bậc trung học (tú tài toàn phần) và hội nhập tinh thần Nhật Võ Đạo (Bushido) vào chương trình giáo dục ngay từ bậc tiểu học, nước Nhật mới có đủ nhân tài lãnh đạo mọi ngành, mọi nghề, phục hưng tốt đẹp như ngày nay.

Do đó, võ học cần phải trở lại lảnh vực chuyên môn của mình: đào tạo nhân tài mới, với tâm thức và thân chất cách mạng, để thích ứng ngay với nhu cầu hiện đại của đất nước.

  1. Thực chất và tiêu hướng của cách mạng Tâm thân

Như vậy, thực chất của Cách Mạng Tâm Thân ra sao? Và Cách Mạng Tâm Thân phải có những tiêu hướng nào để đạt tới, hầu đáp ứng trung thực với đường lối của môn phái và nhu cầu đích thực của dân tộc?

  1. Thực chất của Cách Mạng Tâm Thân.

Tất cả mọi hệ thống triết học, chính trị, ngành học đều bắt nguồn từ xuất xứ chung: do người và vì người. Tuy nhiên, vào thực chất có ngành học đi quá xa, nên đã phản lại xuất xứ: thay vì do người và vì người, lại xa người và diệt người, ví dụ: hóa học, quang học, nguyên tử học…

Rút lại, chỉ còn một số ngành học nhân bản là trung thành với xuất xứ trên, tạo thành một hệ thống khoa học nhân văn hay khoa học nhân bản.

Thực chất của triết học do đó, là “chính trị của chính trị”, vì đã cởi được mối dây rối rắm của chính trị, bắt đầu bằng sự hướng dẫn ý thức và trí thức của con người, trước khi trả lại con người ý hướng hành động của nó. Cùng với triết học, ta còn thấy kinh tế là “nền” của chính trị, và đồng thời tình báo là chiến sĩ tiền phong của chính trị, và quân sự là chân tay của chính trị.

Thực chất của triết học thoát ra từ ý hướng hướng dẫn và giáo dục. Thực chất của Cách Mạng Tâm Thân chính là một thứ thực chất triết học của võ học, với ý hướng hướng dẫn, tìm hiểu và giáo dục con người trong thực tế xã hội. Thực chất đó được biểu hiện với hình đồ:

Tâm và Thân là phần sinh hoạt tinh thần (Vie spirituelle), và sinh hoạt vật chất (Vie Matérielle). Tâm và Thân chính là hai phần tử đối nghịch và phối triển của sự sống con người. Nếu có điều hòa, sẻ có phát triển. Nếu thiếu điều hòa, con người sẽ thiên lệch, nặng về Thân mà nhẹ về tâm, sẽ trở thành võ phu, võ biền , thất phu. Nặng về Tâm và nhẹ về Thân sẽ trở thành văn nhược, gàn dở, ảo tưởng. Yếu tố điều hòa Tâm và Thân chính là Đạo (võ đạo). Một quốc gia cũng vậy: có nền văn minh tinh thần cao như Hy Lạp, La Mã, Ai cập, Ấn Độ mà thiếu văn minh vật chất làm căn bản cũng không thể phồn thịnh được. Ngược lại , có nền văn minh vật chất cao mà văn minh tinh thần yếu kém sẽ trở thành khủng hoảng, suy đồi, như Carthage, Hoa Kỳ…. Yếu tố điều hòa về cả vật chất và tinh thần là chính trị. Có thể nói là chính trị chính là Đạo của quốc gia, cũng như Việt Võ Đạo là Đạo của Tâm và Thân có sự hòa hợp và phối triển.

Do đó, Cách Mạng Tâm Thân biểu hiện vũ trụ quan và nhân sinh quan Việt Võ Đạo, với sứ vụ đào tạo con người hoàn bị, con người toàn diện. Cách Mạng Tâm Thân do đó có tính cách trường cửu, trong lúc chính trị chú trọng tới những đáp ứng thực tế. Thực chất của Cách Mạng Tâm Thân do đó, mang nhiều phẩm tính giáo dục, trong lúc phẩm tính của chính trị là xử dụng và điều hành.

  1. Tiêu hướng của Cách Mạng Tâm Thân.

Tuy nhiên, giữa võ học (Việt Võ Đạo) và chính trị cũng có một ý hướng chung để đạt tới: Ý hướng phục vụ dân tộc, cùng do dân tộc và vì dân tộc. Nhưng vào thực tế, võ học và chính trị đã đương nhiên trở thành hai ngành chuyên môn khác nhau, có thể ảnh hưởng lẫn nhau (nếu chính trị có tiêu hướng tốt) , nhưng không thể đồng hóa với nhau thành một.

Võ học thời Trần (với cuộc cách mạng tâm thân có ý hướng mặc nhiên) không phải phát triển với sứ vụ chống Mông Cổ (vì lúc đó chưa có hiếm họa xâm lăng của Mông Cổ) hoặc Nam tiến (vì Trần triều chỉ đánh khi bị xâm phạm) nhưng đương nhiên trở thành một động cơ quan yếu của lịch sử. Tôn Dật Tiên ảnh hưởng thuyết “Tri Hành Hợp Nhất” của Dương Vương Minh và những tư tưởng của Montesquieu, Jean Jacques Rousseau mà đề xướng “Tam Dân Chủ Nghĩa”, nhưng không thể khẳng định rằng triết học Trung Quốc và triết học Tây Phương đã phục vụ cho đường lối tranh đấu của ông. Ngược lại chính công thức “Tam Dân” đã định hướng cho cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng không thể khẳng định rằng chính trị đã phục vụ cho triết học trong trường hợp này. Đó là mối tương quan tất nhiên của những nghành học nhân bản.

Do đó, Tiêu hướng của Cách Mạng Tâm Thân khác hẳn những tiêu hướng chính trị, và gồm có những điểm đạt tới:

  1. Điều hòa và kiện toàn Tâm và Thân bằng lẽ Đạo (võ đạo) để tạo thế quân bình cho con người lý tưởng Việt Võ Đạo.
  2. Hướng dẫn con người vào những công việc tốt đẹp: yêu người, yêu nước với tâm thức thanh khiết và thể chất vững mạnh, trọng phải (nhưng không sốc nổi), bỏ quấy (nhưng không tàn bạo) với thế trung hòa.
  3. Tranh đấu tích cực và linh mẩn xây dựng công bằng xã hội (nhưng không bị huyễn hoặc, mua chuộc, lợi dụng).
  4. Phát huy tinh thần võ đạo trong cộng đồng dân tộc trên mọi lảnh vực (chính trị, kinh tế, giáo dục…) bằng vũ trụ quan và nhân sinh quan Việt Võ Đạo.

Như vậy, Thực Chất và Tiêu Hướng của Cách Mạng Tâm Thân nghiêng về quan niệm đức lý (quan niệm 1), chớ không tùy thuộc vào khuynh hướng tranh đấu chính trị và cao hơn khuynh hướng chuyên môn hóa võ học (vì nếu chỉ quảng bá võ học thuần túy, đó chỉ là võ thuật, không còn là võ đạo).

Tất nhiên, con người võ đạo không phải là con người tiêu cực, từ chối tranh đấu. Nhưng mỗi ngành mỗi nghề, mỗi đoàn thể, tập thể đều có những phương thức tranh đấu riêng. Chính trị có những biện pháp tranh đấu của chính trị. Quân sự có những biện pháp tranh đấu của quân sự. Tôn giáo có những biện pháp tranh đấu của tôn giáo. Kinh tế có những biện pháp tranh đấu của kinh tế. Văn học có những biện pháp tranh đấu của văn học. Võ học có những biện pháp tranh đấu của võ học. Việt Võ Đạo có những biện pháp tranh đấu của Việt Võ Đạo….

Nhiều triết gia, chính trị gia, học giả lỗi lạc đã công nhận: “Hơn bao giờ hết, cuộc tranh đấu gay go nhất, gian khổ nhất của con người hậu bán thế kỷ 20 là tranh đấu với chính mình”. Tại sao phải tranh đấu với chính mình? Vì con người của hậu bán thế kỷ 20 cô đơn hơn những năm, thập niên và thế kỷ trước: luôn luôn là môi trường tốt cho những vi trùng tham vọng, dục vọng, tính xấu, nhược điểm…

Con người tàn sát nhau, tiêu diệt nhau, chính vì thiếu bản lảnh tự chủ (làm chủ chính mình). Nguyên tổng thống Mỹ Johnson đã thú nhận: “chính vợ tôi là nguồn nâng đỡ hữu hiệu nhất của tôi trong những lúc khó khăn nhất”.

Con người thay đổi theo chiều hướng tốt, bộ mặt dân tộc sẽ thay đổi, bộ mặt thế giới sẽ thay đổi. Chính trị sẽ phải thay đổi theo, vì không thể tĩnh vị và tách rời khỏi những vấn đề nhân bản.

Con người thời Trần thay đổi, vận nước cũng thay đổi (đánh không hòa với Mông Cổ). Con người Nhật Bản thay đổi và được võ trang bằng tinh thần Nhật Võ Đạo, uy thế chính trị và kinh tế của Nhật cũng thay đổi theo, để trở thành những chính sách đặc thù của Nhật Bản hiện nay.

Tất cả khởi bắt đầu từ mức khởi đầu: Cách Mạng Tâm Thân.

Chương 6 – Bốn định lý Cách Mạng Tâm Thân

Nói đến vật chất và tinh thần, từ xưa tới nay, đã có rất nhiều định đề triết học đối nghịch và dung hòa, phân hóa thành các triết thuyết và triết phái duy tâm (idéalisme), triết thuyết duy vật (matérialisme), và nhị nguyên luận (dualisme). Liệu chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân có bị ảnh hưởng gì về thuyết nhị nguyên luận không? Hoặc giả, chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân có phải là một biến thể, một định đề nhị nguyên mới không?.

Chúng ta phải khẳng định rằng: không phải.

Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân là phần thực hiện của vủ trụ quan và nhân sinh quan Việt Võ Đạo với bản thân. Do đó, từ các định lý tam nguyên, tam tạo, thường dịch và miên sinh, áp dụng vào nhân sinh quan Việt Võ Đạo với ba phần vụ sống (sống, giúp người khác sống, và sống cho người khác), đã gợi ngay cho chúng ta một ý niệm về tam nguyên luận. Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân chính là sự thể hiện tinh thần, tam nguyên, tam tạo, thường dịch và miên sinh vào ngay cuộc sống bản thân của con người Việt Võ Đạo, coi Tâm và Thân là hai thành tố âm dương, cần phải cách mạng, như Đạo phối hợp điều hòa, làm trưởng triển.

Về những yếu tố hình thành chủ thuyết, chúng ta phải ôn thảo lại hoàn cảnh dân tộc trong khoảng thời gian từ 1930- 1938, tức trước năm 1938 – năm thành lập môn phái Vovinam Việt Võ Đạo. Đó là những năm sôi động nhất của các phong trào cách mạng chống Pháp, như: phong trào Đội Cấn Lương Ngọc Quyến khởi nghĩa; vụ ám sát hụt toàn quyền Pháp Merlin tại Quảng Châu của liệt sĩ Phạm Hồng Thái; Đông Kinh Nghĩa Thục, rồi “Á Tế Á áp bức nhược tiểu dân tộc” hội của Nguyễn Ái Quốc, Lâm Viết Thu; Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội của Phan Bội Châu, Nguyễn Hải Thuần, Nguyễn Ái Quốc; Việt Nam độc lập của Nguyễn Thế Truyền; Đảng Phục Việt sau đổi tên là Tân Việt Cách Mạng Đảng; Nam Đồng Thư Xã của Phạm Tuấn Tài, Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống); Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái; Đông Dương Cộng Sản Đảng; Đông Dương đại hội nghị; Phục Quốc Quân của Trần Trung Lập; Đại Việt Dân Chính (Đại Việt Quốc Xã) của Nguyễn Tường Tam, Trương Đình Trị …

Gạt bỏ vấn đề tổ chức và kỷ thuật qua một bên, Cố Võ Sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc đã nhìn thấy lý do thất bại tự thân của các phong trào cách mạng về mặt nhân sự: đa số thanh niên thời đó tuy Tâm vững, nhưng trì trệ, thiếu linh mẫn thức thời, thân thể bạc nhược, thiếu khả năng chịu đựng, bền bỉ dẻo dai, để có thể chịu trận trước một địch thủ hùng hậu về mọi mặt, là thực dân Pháp đương thời.

Muốn tăng cường khả năng dân tộc, phải “thay đổi”. “Thay đổi tâm” để tình cảm, ý chí xung mãn, linh thức khoáng đạt, vượt thoát lên khỏi nhu nhược thế thường nhất là những bạc nhượt tinh thần do chính sách ngu dân đầu độc. “Thay đổi thân” để cơ thể thân chất hùng mạnh, có khã năng chịu đựng cao và bền bỉ, trước mọi thử thách của hoàn cảnh.

Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân ra đời từ đó, cùng với sự xuất hiện công khai của môn phái Vovinam Việt Võ Đạo. Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân có bốn định lý:

  1. Tâm Thân Phối Triển
  2. Cương Nhu Phối Triển
  3. Tri hành Phối Triển
  4. Việt Ngã, Độ Tha, và Thăng Hóa

 

Định lý 1: Tâm Thân Phối Triển

Định lý này được thể hiện từ nguyên lý tam tạo của Vũ Trụ Quan Việt Võ Đạo. Sự phối triển tâm thân không phải là song hành, như hai đường rầy xe lửa song song , hoặc như một đóa hoa mà các phần hầu, tràng, nhị, cánh hoa, cuốn hoa đã kết hợp lại thành từng phần rõ rệt. Trái lại, sự phối triển của tâm thân có tính cách hỗn hợp và hòa hợp, như một hợp chất kim khí.

Sự phối triển này cũng gợi lại cho ta phát kiến của đạo sĩ Trương Tam Phong, Sáng tổ môn phái Võ Đương mà các phương pháp thể dục vẫn thịnh hành tại cả Đài Loan và Trung Hoa lục địa. Đó là sự phát kiến nguồn gốc của quan hệ giữa con người với thiên nhiên, cùng có xuất xứ từ Dịch học, trong đó con người là một tiểu vũ trụ và thiên nhiên là một đại vũ trụ. Phần tiểu vũ trụ con người được giải thích bằng khởi điểm là Đạo hay Thái Cực: Thái Cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. Theo Trương Tam Phong, Thái Cực áp dụng vào võ học là đầu, lưỡng nghi là hai mắt , tứ tượng là bốn chân tay, và bát quái là tám phần chính của chân tay. (tay chân chia làm hai phần chính là hai lóng xương).

Tuy nhiên, đạo sĩ Trương Tam Phong đã chỉ riêng chú trọng tới phần nhân thân khi thái dụng vào võ học, còn phần vụ đạo đức đương nhiên được coi là độc lập với thân thể.

Định lý Tâm Thân Phối Triển của môn phái Vovinam Việt Võ Đạo có khác hơn: tuy công nhận Tâm và Thân là hai hiện hữu có giá trị độc lập, nhưng đồng thời cũng có giá trị liên lập đặc biệt, không thể tách rời. Ví dụ: nếu bỏ phần thân xác đi, phần tâm không thể tồn tại ở mức độ bình thường. Do đó, muốn duy trì tâm thân , không những chúng ta phải hòa hợp chúng, mà còn phải phối triển, điều hòa chúng thường xuyên, để chúng trưởng triển và hiện hữu lâu dài. Vì vậy, võ học phải luôn phối triển với đạo học, để tạo sự quân bình để thoát khỏi những nhược điểm cổ truyền (võ học nặng về thân , đạo học nặng về tâm).

Điều cần lưu ý đặc biệt ở đây là tâm không phải chỉ có nghĩa đơn giản là “tim”, mà đã tỏa rộng ra định nghĩa “tâm hồn” (tất nhiên không thuần túy có nghĩa là “hồn”), tương tự như triết ngữ le spirituel bao gồm cả sinh hoạt tinh thần , lý trí, tình cảm, tiềm thức, vô thức … Do đó, phối triển tâm thân chính là phối triển thực hữu tinh thần của ta với thực hữu vật chất của ta trên mọi lảnh vực.

Định lý 2 : Cương Nhu Phối Triển

Định lý này xuất phát từ vũ trụ quan Việt Võ Đạo: tam nguyên, tam tạo, thường dịch và miên sinh. Định lý này chú trọng tới tính chất của sự vật: cứng và mềm, như âm với dương. Cứng, chỉ chung những vật thể có tính cứng (cương tính) tương đối. Mềm, chỉ chung những vật thể có tính mềm (nhu tính) tương đối, dù ở thể lỏng hay thể hơi. Sở dĩ chúng ta cho hai tính chất này có giá trị tương đối, vì còn tùy thuộc nhiều vào ngoại cảnh. Ví dụ: nước ở thể lỏng nhưng gặp lạnh tụ lại đặc cứng thành đá, sắt ở thể cứng nhưng cho vào lò luyện kim lại chuyển sang thể lỏng …

Lão Lai Tử, với giai thoại “mềm còn cứng mất” khi dặn dò môn đệ qua những câu hỏi về sự tồn tại của răng và lưỡi, đã nhìn thấy chân giá trị của mềm. Nhưng giả dụ rằng nếu làm một động tác mạnh (ví dụ: bằng dao) cứa vào răng với lưỡi, chúng ta sẽ thấy kết quả ngược lại: mềm mất, cứng còn. Hoặc như người nấu một nồi nước phở trong một thời lượng ấn định, chúng ta sẽ thấy phần mềm nhất là thịt và gân tan rã, còn phần xương vẫn nguyên vẹn. Như vậy, không nhất thiết là mềm có giá trị lấn áp cứng, và ngược lại cũng vậy. Định lý cương nhu phối triển không những cho chúng ta sự phối hợp, điều hòa và phát triển của cả hai tính cương nhu trong võ học, mà còn cả trong đạo học và đời sống thông thường.

Trên các lảnh vực quân sự, chánh trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giao tế nhân sự… luôn luôn chúng ta thấy có sự hòa diệu giữa mềm và cứng. Về quân sự, chúng ta thường nghe những thành ngữ đánh vào chỗ địch yếu, tiêu hao, vừa đàm vừa đánh… chính là sự phối triển nhu tính và cương tính của quân sự. Trên lảnh vực kinh tế, hàng rào quan thuế nhắm vào hàng nhập cảng trong lúc hàng nội hóa chỉ phải chịu một mức thuế nhẹ, cũng là phối triển cưng tính và nhu tính. Trên lảnh vực văn hóa xã hội, bài trừ văn hóa đồi trụy, các tệ đoan xã hội là cương, trong lúc nâng đỡ tư trào và sản phẩm văn hóa lành mạnh, dân tộc, tiến bộ là nhu. Trên lãnh vực giao tế nhân sự, cách thuyết phục đôi khi phải cương quyết, đôi khi phải ôn hòa mới có thể thâu thái được kết quả khả quan, là biết ứng dụng cương nhu đúng lúc, đúng chỗ.

Thừa nhận hai yếu tính cương nhu trong đời sống là chúng ta mặc nhiên thừa nhận rằng, cần phải phối hợp, điều hòa và phát triển nó. Đó chính là định lý cương nhu phối triển được minh định trong Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân.

Định lý 3: Tri hành phối triển

Định lý này, thoạt nghe tưởng như chỉ là một hình thức cải danh của thuyết “tri hành hợp nhất” của triết gia Vương Dương Minh, đời Minh. Về căn bản, thuyết này được đề xướng nhằm mục đích chống lại lối học thư văn cử tử đương thời, để vận động sĩ tử Trung Quốc bước vào lối học thực dụng. Quan niệm này mới nghe tưởng như thực tế vì đã chú trọng đặc biệt tới vấn đề phục vụ nhân sinh nhưng thực ra, chúng ta điều biết lãnh vực tri thức có những bộ môn không nhất thiết phải áp dụng vào thực tế mới có giá trị thực dụng; như: siêu hình học, tâm lý học, linh hồn học, triết học… Hoặc nói một cách khác hơn, nếu đánh giá những môn học có tính cách trí thức thuần túy bằng giá trị thực dụng tức thời thì khoa thiên văn học thời Copernic hoàn toàn vô dụng, làm sao có giá trị được bằng các khoa học khác có thể ứng dụng ngay vào thực tế như y học, canh nông học, kiến trúc học…Do đó, sự hợp nhất tri và hành chỉ có tính cách gò ép và giả tạo, để phục vụ một nhu cầu cấp bách nào đó của xã hội.

Định lý tri hành phối triển có khác hơn. Dù có hợp nhất hay không hợp nhất, dù tương hợp hay xung khắc, tri (tri thức) và hành (hành động) vẫn cần phối hợp và phát triển, trưởng triển, như hai nguyên tố âm dương tối cần thiết trong sự sống. Cả hai đều phải bổ túc cho nhau (tuy đôi khi phải bổ sung bằng sự chống đối) để cùng trưởng triển. Định lý này áp dụng vào thực tế sinh hoạt võ đạo và võ thuật, chúng ta càng thấy rõ sự cần thiết của nó. Trước hết, chúng ta học võ để làm gì? Chính mục đích học võ (tri) sẽ bồi dưỡng cho việc dụng võ (Hành) để đạt đích (Phối Triển) và ngược lại. Ý thức học võ và thực tế hành võ sẻ phối triển với nhau, thành quan niệm sống và quan niệm làm việc của người Việt Võ Đạo.

Định lý 4: Việt Ngã, Độ Tha và Thăng Hóa

Vận dụng, điều hòa ba định lý trên, chúng ta sẽ thực hiện định lý thứ tư, và củng là định lý cuối cùng của Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân: Việt Ngã, Độ Tha và Thăng Hóa

Việt Ngã: việt là vượt, ngã là tôi, ta (tiểu ngã)

Độ Tha: độ là cứu giúp (cứu độ); tha là người khác (tha nhân)

Thăng Hóa: sự kết tinh, hội tụ ở mức cao (sublimer)

Thực hiện định lý này, chúng ta phải kinh qua ba thời kỳ như một công trình tu dưỡng:

Thời kỳ 1: Việt Ngã

Thông thường, con người sống, hoạt động, xử kỷ tiếp vật, thường có ý hướng lấy bản thân mình làm chủ, chỉ vì mình, chỉ biết có mình (vị ngã). Nhưng khi hội nhập vào sinh hoạt cộng đồng, ý hướng trên bị một số ước thúc xã hội kiềm chế, nên không thể biểu dương và xiển dương công khai, và mặt khác, còn bị chi phối hoặc bị ảnh hưởng bởi các ước thúc xã hội, dù theo chiều hướng thuận (vì mình) hay theo chiều hướng nghịch (không vì mình). Tình huống vị ngã bị kiềm chế, lắng lại theo chiều hướng thuận, được biểu dương dưới mọi danh nghĩa khác nhau để đạt tới mục đích tối hậu là chỉ biết làm lợi ích cho mình là tình huống vị kỷ. Tình huống vị kỷ chính là tình huống vị ngã đã thăng hóa.

Ngô khởi, với tình huống vị ngã bị dồn nén, được che đậy trong một thời gian khá lâu về tình vợ chồng, gây cho mọi người ảo tưởng về chồng tốt. Cơ hội tới tình huống vị kỷ thăng hóa: sát thê cầu tướng. Trần Di Ái lúc bình thường là bầy tôi tốt, tình huống vị ngã được che đậy, cơ hội tới được quân Nguyên o bế, sẵn sàng mãi quốc cầu vinh. Cô Quờn đốt chồng vì ghen, khi tình huống vi kỷ thăng hóa; nhưng trước đó, tình huống vị ngã bị ức thúc xã hội kiềm chế, nên được che đậy dưới tiếng tốt là vợ hiền …

Muốn tránh tình huống vị ngã, chúng ta phải tu dưỡng tập quán việt ngã: vượt thoát khỏi tình huống vì mình để biết từ mình nghĩ tới người. Trần Hưng Đạo đặt quyền lợi quốc gia lên trên thù hận gia đình và cá nhân với Trần Nhân Tông và Trần Quang Khải, chính là vì ông đã vượt thoát khỏi được tình huống vị ngã, đạt tới trạng thái việt ngã, biết đồng thời nghĩ tới người. Ngũ Viên trái lại, cố gắng can gián vua Ngô Phù Sai để đến nổi chết thảm và mang tiếng ngu trung, chính là vì chưa đạt tới trạng thái việt ngã: vì chúa mà can nhưng cũng vì chủ kiến của mình mà can nên đã đem lại kết quả hoàn toàn suy sụp cho bản thân và cho nước Ngô. Câu tiễn, văn Chủng cũng ở trường hợp tương tự: lúc mưu phục thù Ngô, ởtrong tình huống việt ngã, nhưng lúc thắng Ngô, cả hai trở lại trạng thái vị ngã nên người độc tài, kẻ uổng tử. Phạm Lãi trái lại, biết vượt thoát được “cái ta” mà mình đang có, lẳng lặng từ quan lui về cuộc sống thường dân, nên đã vượt thoát khỏi những vinh nhục khống chế của hoàn cảnh.

Thời kỳ 2: Độ Tha

Việt Ngã rồi chuyển sang một trạng thái khác: độ tha và không độ tha. Mặc Tử sau khi việt ngã, chỉ nghĩ đến “Kiêm ái”, “cứu đời”: “Mặc Tử ma đỉnh phỏng thủng lợi thiên hạ, vị chi” nghĩa là Mặc Tử nhẳn trán, mòn gót, lợi thiên hạ nhưng vẫn làm. Trang Tử đạt đạo rồi xuất thế, bỏ mặc chuyện đời. Lão Tử đạt đạo rồi yếm thế: phù duy bất tranh, “mạc năng thiên hạ hà dữ chi tranh?” Chỉ duy không tranh giành, làm sao trong thiên hạ còn ai tranh giành với mình.

Do đó, có người việt ngã mà không có độ tha, tức vượt thoát khỏi “cái ta”, biết từ mình nghĩ tới người nhưng vẫn không tìm cách thiết thực cứu giúp người khác. Ngược lại, có người việt ngã rồi độ tha, tức vượt thoát được “cái tôi” ” cái ta” của mình rồi, luôn luôn đặt mình vào kẻ khác, nghĩ và làm việc cứu giúp người khác.

Tình huống độ tha thoạt nghe, chúng ta có cảm tưởng như rất khó thực hiện, với lập luận rằng khó có thể nghĩ đến người khác hay cứu giúp người khác trước khi nghĩ đến mình hay cứu giúp mình. Điều đó đòi hỏi nhiều thánh tính (sainteté) hơn là nhân tính (humanité). Sự thật thì trái lại, chính sự nghĩ đến người khác và cứu giúp người khác luôn chiếm một khoảng thời gian lớn trong đời sống của mỗi chúng ta, khi chúng ta chấp nhận rằng chúng ta chỉ hoàn toàn vui sướng khi cảnh sống chung quanh tốt đẹp, cũng như sự tự do của con người chỉ có giá trị tương đối và chỉ có tính cách “tự do chọn lựa” sự lệ thuộc vào những dữ kiện khách quan. Ví dụ: Vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em, bè bạn, đồng bào v.v. luôn luôn có những quan hệ ràng buộc lẫn nhau, nghĩ đến cho nhau, vì nhau, dù ở mức độ tối thiểu như nghe lời, thỏa hiệp tới mức tối đa là hy sinh cho nhau. Đó chính là tình huống độ tha của tất cả chúng ta, thứ tình huống tự nhiên và tất hữu trong đời sống.

Áp dụng vào thực tế đời sống, tất cả những nổ lực của chúng ta chính là ý thức hóa tình huống độ tha, để tình huống này đang từ trạng thái tự nhiên, tất hữu, nhỏ hẹp, vô thức, bất bình thường, chuyển sang trạng thái tu dưỡng, thường hữu, rộng lớn, có ý thức và bình thường trong đời sống.

Thời kỳ 3: Thăng Hóa

Việt ngã và độ tha tới cao độ, sẽ thăng hóa.

Thăng hóa sẽ không còn là tình huống như việt ngã và độ tha nữa, mà là một trạng thái tốt đẹp nhất của người tu dưỡng tâm thân ở mức cao. Trong trạng thái này, người đạt đạo không còn phải bận tâm vận dụng tình cảm, lý trí, cảm giác, ý thức, tiềm thức, vô thức nữa, nên cũng không còn phải điều dụng ý thức tổng hợp (esprit synthétique), ý thức phân tích (esprit analytique) hoặc ý thức phản luận (esprit contradictoire) vào ngoại cảnh nửa.

Trạng thái thăng hóa thoạt nghe tưởng như xa vời với khả năng hửu hạn của con người. Nhưng thực ra, trong đời chúng ta ai cũng đã gặp rất nhiều trạng thái thăng hóa trong đời sống thực tế mà không biết. Anhchiến sĩ kể lại: “Tôi rất sợ máu… nhưng khi thấy đồng bào chết nhiều quá, máu nhiều quá, tôi bỗng nhiên không sợ nửa, mà cầm tiểu liên lia vào địch một loạt…” Đó là ý thức phản luận của anh đã thăng hóa nên anh không còn suy nghĩ là có phản luận hay không. Một nhà tỷ phú kể lại lúc còn nghèo khổ, vợ ốm, con đói…tôi không còn biết gì nửa, tuy vẩn cảm thấy phải làm một vài việc gì. Từ đó gặp việc gì tôi cũng làm, may mắn gặp mối rồi làm ăn khá ra… đó là trạng thái thăng hóa về trách nhiệm.

Chúng ta thường nghe nói tình yêu có thể biến đổi một kẻ hèn nhát thành anh hung. Và một người anh hùng thành một kẻ hèn nhát. Trạng thái trên là trạng thái thăng hóa của tình yêu, trạng thái dưới là trạng thái phản thăng hóa của tình yêu (Sự đánh gía nầy được luận cứ với quan niệm ca ngợi anh hùng. Ngược lại, quan điểm ca ngợi thuần túy có thể luận cứ khác hẵn , như người hùng hy sinh sự nghiệp cho tình yêu mới là thăng hóa, ngược lại là phản thăng hóa v.v.). Trong đời công cũng như đời tư, chúng ta rất cần tới trạng thái thăng hóa: Về tu dưỡng tâm thân, trạng thái thăng hóa chỉ đến với chúng ta khi đã đạt tới mức độ cần thiết, nó sẽ giúp chúng ta giải quyết những vấn đề của đời sống một cách minh mẩn.

Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân của môn phái Vovinam Việt Võ Đạo chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết học, là phần thực dụng của vủ trụ quan, nhân sinh quan Việt Võ Đạo, nhưng không phải là triết học, và nhất là càng không ảnh hưởng gì ở nhị nguyên luận.

Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân chính là chủ thuyết giáo dục Việt Võ Đạo trong việc đào tạo và xây dựng một lớp người Việt mới, kiện toàn cả tâm và thân, khi hội nhập vào sinh hoạt cộng đồng dân tộc.

Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân cũng không phải chỉ là lý thuyết giáo dục thuần túy, mà là lý thuyết giáo dục thực dụng vào mọi sinh hoạt võ học, với các định lý: tâm thân phối triển, cương nhu phối triển, tri hành phối triển, việt ngã, độ tha, và thăng hóa cả tâm hồn và thân chất, để truyền thông nghị lực mới với các thế hệ môn sinh kế tục.

Do đó, việc học tập, tu dưỡng và thái dụng Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân là một công trình thực dụng, đòi hỏi tất cả chúng ta tinh thần kiên tâm trì chí để học, hỏi, hiểu, và hành.

Chương 7 – Chủ điểm và thành điểm giáo dục Việt Võ Ðạo

I-Tổng quan:

Mỗi hệ thống giáo dục đều có chủ điểm giáo dục và thành điểm giáo dục riêng biệt. Hệ thống giáo dục Nho giáo thời quân chủ với chủ điểm giáo dục văn chương đạo đức, đã đạt được thành điểm đào tạo một đẳng cấp sĩ phu trọng kinh điển và bảo thủ. Hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc với chủ điểm giáo dục truyền thụ văn hóa Tây phương, nên đã đào tạo một đẳng cấp thư lại tân tiến, nhưng hướng ngoại, an phận. Hệ thống giáo dục của xã hội Cộng Sản chú trọng tới chính trị hơn chuyên môn (hồng trước chuyên sau), nên đã đào tạo được môt đẳng cấp cán bộ giỏi về lý thuyết Cộng Sản, nhưng yếu kém về chuyên môn. Hệ thống giáo dục của Mỷ Quốc thì trái lại, họ chú trọng với từng nghành chuyên môn đặc thù (kể cả chính trị và kinh tế học) để đào tạo chuyên viên.

Trên đây là diển tiến thuận giửa chủ điểm và thành điểm giáo dục trong những trường hợp chung và có môi trường thuận. Ngược lại, có những diễn tiến nghịch giữa chủ điểm và thành điểm giáo dục, tạo thành những trường hợp riêng và có môi trường nghịch. Ví dụ: hệ thống giáo dục tại các tân quốc Nam Phi mô phỏng nền giáo dục Tây phương, đả tạo thành một lớp người bất mãn với xã hội vì thiếu việc làm, bị bạc đãi. Nền giáo dục thời Pháp cũng tạo ra một thành quả trái ngược, những lớp người thay vì trung thành với nhà nước bảo hộ lại quay ra chống chế độ thực dân vì môi trường truyền thống đấu tranh dân tộc vững và tinh thần ái quốc cao. Như Hồ Quí Ly, Võ Duy Thanh, mặc dầu ảnh hưởng sâu đậm hệ thống giáo dục Nho giáo, nhưng vẫn hướng về khoa học thực dụng bởi thiên khiếu cá nhân xung mãn.

Do đó, mỗi hệ thống giáo dục điều đặc biệt chú trọng vào những chủ điểm và thành điểm giáo dục tự thân. Công việc này cũng tương tự như công việc trồng lúa. Từ hạt lúa giống gieo xuống, có bao nhiêu công việc đồng áng phải làm, như: cày bừa, nhặt cỏ, gieo mạ, tát nước, cấy lúa, diệt sâu bọ, gặt hái, đập lúa… Trong số những công việc nông nghiệp này, công việc nào là chủ điểm của nông vụ? Đó chính là cày cấy (chủ điểm) và thóc gạo (thành điểm). Đây là trường hợp thông thường: hạt nhân (nhân tố) và thành quả có sự trùng hợp hay tương đồng. Nhưng cũng có trường hợp nghịch đảo: nhân tố và thành điểm hoàn toàn khác nhau. Ví dụ: công việc ấp trứng của con gà, công việc rèn sắt của người thợ rèn. Con gà ấp trứng, chủ điểm của công việc này là ấp, nhưng không phải để quả trứng mỗi lúc một lớn thêm, hoặc sinh sản ra nhiều trứng như công việc trồng lúa, mà là để nở thành con gà (thành điểm). Người thợ rèn, rèn thỏi sắt không phải để biến chế thành nhiều thỏi sắt hay một thỏi sắt đẹp hơn hay nhỏ hơn, mà làm thành một vật dụng như con dao, cái cuốc, thanh kiếm…(thành điểm).

Một hệ thống giáo dục có thể lớn, nhỏ khác nhau, tùy theo môi trường hoạt động. Lớn trong phạm vi quốc gia (khu vực văn hóa: các nước nói tiếng Anh, Pháp, Đức…) hoặc nhỏ: như một trường phái (Quỷ Cốc tiên sinh với trường phái Quỷ Cốc quá chọn lọc, chỉ huấn luyện được 4 môn đệ là Tôn Tẩn, Bàng Quyên, Tô Tần, Trương Nghi). Nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ là phương pháp giáo dục của họ đều phải mặc nhiên phân định rõ rệt chủ điểm và thành điểm giáo dục.

Hệ thống giáo dục Vovinam Việt Võ Đạo cũng vậy, tuy có nhiều điểm tương đồng với hệ thống giáo dục quốc gia, nhưng vẫn có chủ điểm và thành điểm giáo dục chuyên biệt, vì nhu cầu giáo dục không thể hoàn toàn giống nhau.

II-Hệ thống giáo dục Việt Võ Đạo:

Trên căn bản, hệ thống giáo dục Việt Võ Đạo có nhiều tương đồng với chủ trương văn hóa giáo dục quốc gia: cùng mang tính chất dân tộc, nhân bản và khai phóng. Tuy nhiên, việc áp dụng những căn bản trên vào thực tế giáo dục, mỗi hệ thống giáo dục có những chương trình hoạt động khác nhau. Trình tự của chủ trương giáo dục Việt Võ Đạo được sắp xếp như sau:

A-Khởi điểm – Võ Thuật: Chủ trương giáo dục Việt Võ Đạo bắt đầu từ khởi điểm quảng phát võ thuật từ môi trường dân tộc tỏa ra Cộng Đồng Nhân Loại (luyện thân).

B-Đích tới – Đạo: “Đạo” – khởi thủy có nghĩa là “con đường”, sau bao gồm cả hai phần vụ: đường “đi” và “đích tới”, rồi được trừu tượng hoá và linh thức hóa (spiritualised) thành một từ ngữ đặc biệt của Đông phương tương đồng với cả triết thuyết và tôn giáo. Do đó, trong “đạo” có hai phần vụ: đường đi và đích tới. Đích tới của Việt Võ Đạo chính là lý tưởng của Việt Võ Đạo, xây dựng một xã hội có tinh thần thượng võ, xiển dương, và phổ cập tinh thần võ đạo vào mọi lảnh vực sinh hoạt tinh thần và sinh hoạt vật chất, để kiện toàn và thăng tiến cộng đồng xã hội.

C-Định hướng – Thực hiện chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân: Định hướng giáo dục của Việt Võ Đạo là phải thực hiện được con đường đã vạch ra, để đạt tới đích đã được hoạch định. Do đó, định hướng giáo dục của Việt Võ Đạo là sự thực hiện chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân, khởi từ con người đơn vị căn bản của một cộng đồng, thay vì cách mạng cộng đồng trực tiếp như các chủ thuyết cách mạng chính trị vẫn đề xướng.

D-Triển vọng – Phục hưng hào khí dân tộc đào tạo thế hệ thanh niên Việt Võ Đạo: Triển vọng giáo dục của Việt Võ Đạo với những thành quả dự trù chính là sự phục hưng hào khí dân tộc, được cụ thể hóa bằng việc đào tạo một thế hệ thanh niên Việt Võ Đạo hội đủ những ưu thế về Tinh , Khí , Tài, để đảm trách và điều hướng mọi công tác giữ nước và dựng nước song song với sứ vụ triển khai và quãng phát võ đạo Việt Nam vào cộng đồng nhân loại.

III-Nội dung chủ điểm giáo dục Việt Võ Đạo:

Nội dung chủ điểm giáo dục Việt Võ Đạo được trình bài theo biểu đồ dưới đây:

Qua biểu đồ trên, ba phần vụ được xuất hiện trước mắt chúng ta, nhưng đồng thời giữa các danh vụ trên vẫn có đường liên lạc kế tiếp:

Phần vụ 1: Việt – Cách Mạng

Phần vụ đầu tiên, chính là sự thể hiện nhu cầu cần thiết của một dân tộc nhỏ yếu nằm giữa trục văn minh và giao thương nhân loại: cần phải cách mạng, trên mọi lỉnh vực, để hội nhập vào đà tiến hóa chung. Nhu cầu cách mạng đối với chúng ta là một nhu cầu thường xuyên nhưng chỉ bộc phát khi lịch sử chuyển động mạnh, hoặc có những biến cố lớn trong lịch sử. Gia Long thắng Tây Sơn nhờ những lực lượng ngoại quốc do đức Giám Mục Bá Đa Lộc tuyển mộ, đã nghĩ ngay đến việc phải cách mạng xã hội Việt Nam để bắt kịp sự tiến bộ của các xã hội khác bên ngoài, nhưng những vì vua sau ông không ý thức được tầm thức quan trọng của nhu cầu cách mạng, nên đến thời Tự Đức, xã hội Việt Nam đã có một hậu quả nghịch đảo là bảo thủ, bài ngoại quá độ. Các phong trào chống Pháp giành độc lập thời Pháp thuộc cũng đặt nhu cầu cách mạng lên hàng đầu qua biết bao ý đồ Hoa du, Đông du, Âu du…để học hỏi và tìm hiểu về cách mạng, nhưng rốt cuộc đều tập trung nỗ lực vào những kế hoạch cách mạng chính trị và những công cuộc võ trang khởi nghĩa.

Cố Võ Sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc có quan niệm về cách mạng khác hơn. Thâu thái được bài học duy tân từ Nhật Bản, ông nhận thức ngay nhu cầu cách mạng Việt, không nhất thiết phải khởi đầu từ cách mạng chính trị, mà phải khởi đầu ngay từ con người. Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân được hình thành từ đó.

Nhìn chung, phần vụ “Việt – cách mạng “vẫn là phần vụ xuất phát của các nỗ lực giáo dục , dù nhu cầu này được biểu dương dưới bất cứ chủ thuyết nào, để phục vụ đất nước.

Phần vụ 2: – Thân

Mặc dầu là phần vụ được sắp xếp thứ 2, nhưng phần vụ luyện thân và trau dồi võ thuật vẫn là nghĩa vụ căn bản tiêu điểm hàng đầu của hệ thống giáo dục Việt Võ Đạo. Rèn luyện thân thể và trau giồi võ thuật sẽ giúp con người kiện toàn và phát triển mọi cơ năng, sức chịu đựng, sức khoẻ và dinh dưỡng, kỷ thuật tự vệ trong mọi hoàn cảnh. Càng lên cao, võ thuật càng là thành tố tạo sự điều hòa linh hoạt toàn năng cho con người.

Phần vụ 3: Đạo – Tâm

Phần vụ “Đạo – Tâm” sẽ giúp chúng ta bổ xung những khuyết điểm còn lại, điều hợp tổng quát và tạo thế quân bình với cả người và việc để tránh mọi tình huống thiếu tự chủ, tự chế và tự tin trong hành động; như trường hợp những người máy hay người khổng lồ không tim trong các truyền thuyết biếm diểu. Phần vụ “Đạo – Tâm” không những nâng cao tâm hồn làm thắng hóa những gì đã học và thực nghiệm, mà còn nâng cao ý thức, kiến thức và trí tuệ con người, để điều hướng những hoạt động của con người tới những chủ điểm cao đẹp.

Lượng giá 3 phần vụ:

Các phần vụ trên , có thể sắp xếp theo thứ tự sau đây:

* Chủ điểm 1: Võ – cường điểm (strong point – point fort)

* Chủ điểm 2: Đạo – ưu điểm (advantageous point – point prédominant)

* Chủ điểm 3: Việt – căn điểm.

Trong 3 chủ điểm giáo dục trên “Võ” được coi là cường điểm, vì “Võ” chính là chủ điểm quan trọng nhất của hệ thống giáo dục Việt Võ Đạo. Kế đó, “Đạo” được xếp vào hàng thứ yếu, là ưu điểm vì “đạo” điều hợp tổng quát, tạo thế quân bình với cả người và việc, đem lại sự thăng hoá những gì đã học và thực nghiệm thành ý thức cao đẹp, khai phóng và kiện toàn cho con người được tinh tiến, đa năng đa hiệu. Cuối cùng, “Việt” được coi là căn điểm, tức điểm nền tảng của sự phát triển của võ học. Nên nhớ: võ học không giới hạn bằng biên giới quốc gia, nên sự phát triển võ học ra cộng đồng nhân loại không thể lấy biên giới quốc gia làm ước thúc. Do đó, giá trị căn điểm tuy rất cao quý với người Việt, nhưng không thể được coi là cường điểm với người ngoại quốc không cùng một tổ quốc với chúng ta. Đạo được xếp sau Võ, không được coi là cường điểm vì hệ thống giáo dục võ học bao giờ cũng chuyên chú về Võ trước đã, từ Võ mới thăng hoá thành Đạo, chớ không phải từ Đạo mới phát triển thành Võ.

IV-Nội dung thành điểm giáo dục Việt Võ Đạo:

Tiếp nối chủ điểm giáo dục Việt Võ Đạo, nội dung thành điểm giáo dục Việt Võ Đạo được trình bày theo biểu đồ dưới đây:

Qua biểu đồ trên, 3 phần vụ được xuất hiện trước mắt chúng ta nhưng đồng thời giữa các danh vụ trên vẫn có đường liên lạc kế tiếp:

Phần vụ 1- Tính: Tính (le spirituel), là sự thông linh, mẫn tuệ, căn nguyên của đời sống tinh thần, hay sinh hoạt linh thức (vie spirituelle). Hoàn toàn phân biệt với cá nhân tính (individualité) hay cá tính (caractère particulier). Định nghĩa trên cũng tương đồng với định nghĩa của Khổng học trong sách Trung Dung: “mệnh Trời phú cho gọi là Tính, noi theo Tính gọi là Đạo, sửa cho hợp Đạo gọi là Giáo” (Thiên mệnh chi vị Tính, xuất Tính chi vị Đạo, tu Đạo chi vị Giáo). Có thể coi như Tính là phần tinh thần “Trời phú cho”, là cái lý bản nhiên trong tâm con người – theo Mạnh Tử. Thành điểm này bao hàm 3 danh vụ: Đức hạnh, trí tuệ, ý lực.

  1. Đức hạnh: “Tính” được tu dưỡng và phát huy đầy đủ, sẻ làm thăng hoá con người đem đến cho con người những thành quả tốt đẹp về đức hạnh trong mọi hoàn cảnh.
  2. Trí tuệ: “Tính” thông linh, mẫn tuệ cũng đồng thời đem lại cho con người trí tuệ tượng trưng cho con người hội nhập đầy đủ về kiến văn và kiến thức, giúp con người thích ứng được với thực tế, vượt thoát mọi khó khăn để gặt hái thành công.
  3. Ý lực: “Tính” thông linh, mẫn tuệ cũng đem lại cho con người đức tự tin khi suy nghĩ, nghị lực khi hành động. Đức tự tin và nghị lực đó phát xuất từ ý lực.

Phần vụ 2 – Khí: Khí (élément) là sự vận dụng của Tính, bản chất là vô hình ngưng tụ lại thành hữu hình. Cổ nhân quan niệm: “chính sự ngưng tụ lại thành hình, mà sinh ra vạn vật”. Do đó, mới có thuyết dưỡng khí của Mạnh Tử, theo từ ngữ mà ông thường dùng là “khí hạo nhiên”, một thứ bản thể do con người hấp thụ được từ thiên nhiên. Khí là thành tố siêu việt thanh cao, chủ sinh sắc tướng. Ý hướng “thiện dưỡng hạo nhiên chi khí” (khéo nuôi cái khí hạo nhiên) cũng nhằm vào việc dưỡng dục phần thiên bẩm đó trong con người. Thành điểm của việc “dưỡng khí ” chú trọng tới 3 danh vụ: Huyết khí, Chân khí, Tinh khí.

  1. Huyết khí: Huyết khí là phần nổi của khí. Điều hòa huyết khí khi ở một mức độ vừa phải. Nếu con người không có huyết khí chẳng khác một xác chết, hay là một người máy. Con người có huyết khí hăng là con người có nhiều tính tranh thắng, hiếu thắng, sẽ luôn luôn gặp phải những trở ngại khó tránh và trở ngại vô lý trên đường tiến thủ.
  2. Chân khí: Theo quan niệm y học Đông phương, là khí căn bản của con người, một loại khí gốc của sự sống. Theo y học Tây phương, thì chân khí được coi như một loại tương đồng với sức đề kháng của cơ thể. ví dụ: hai người đồng cân, đồng sức, những người này có thể chạy đua việt dã, bền bỉ hơn người kia, hoặc người nầy có những phản ứng y học thuận lợi cho việc chửa bệnh hơn người nọ… Chân khí, tức sự điều hoà kinh mạch, do đó phải có sự hàm dưỡng và đồng thời tránh tất cả những gì nghịch lại với sự hàm dưỡng, như chơi bời quá độ, tứ đổ tường, làm việc quá sức…
  3. Tinh khí: Tinh khí là phần tinh túy của con người. Đây là một khía cạnh phức tạp của sự sống mà khoa học vẫn chưa tìm hiểu hoàn toàn được, tuy chúng ta vẩn biết xuất xứ của tinh khí là tủy não (nhất là não, có hơn 30 tỷ tế bào phức tạp).

Tinh khí thuộc sinh hoạt tinh thần rất khó định nghĩa, nhưng có thể cảm nhận được. Ví dụ: nhờ luyện Yoga tới mức vi diệu, một tu sĩ Bà La Môn có thể mặc áo phong phanh, sống trên núi tuyết vạn niên thuộc đỉnh Himalaya mà không bị chết cứng, đã làm ngạc nhiên những nhà khoa học cận đại. Một ví dụ khác là tại Tây Tạng có những nhà sư luyện thiền thành công, tinh khí toát ra, làm không ai chụp hình được.

Tinh khí tương tự như một hệ thống siêu thần kinh trong cơ thể, nhiều khi đã tạo nên huyền thoại cho khoa học. Ví dụ: lối cảm nhận đặc biệt của những người có giác quan thứ sáu với ngoại cảnh ở xa, đã thay thế hệ thống radar vô hiệu lực tại các tiềm thủy đỉnh nguyên tử Hoa Kỳ. Tinh khí cũng tương tự như tuệ giác của nhà Phật và trực giác (intuition) của Nho giáo. Hàm dưỡng tinh khí bao gồm cả những vấn đề tiết dục, dinh dưỡng và thể dục, để thân thể khoẻ mạnh và tâm thần sáng suốt.

Phần vụ 3 – Tài: Là phần sở trường hay sở đoản của mỗi người bao gồm cả những tài năng thiên phú và những tài năng do học tập mà có. Tuy nhiên, dù là khả năng thiên phú hay khả năng hấp thụ cả hai đều cùng chung một nguồn gốc là cùng do sự phát triển của tâm thân của mỗi người, sự phát triển này cũng tùy thuộc ở thành điểm rèn Tính, dưỡng khí của mỗi người mà có. Thành điểm của phần vụ này bao gồm 3 loại tài năng: Khả năng chuyên môn, khả năng tổ chức, điều hướng người và việc, khả năng lãnh đạo và chỉ huy.

  1. khả năng chuyên môn: Khả năng chuyên môn bao gồm cả phần sở trường, sở đoản của mỗi người trên lãnh vực chuyên môn. Ví dụ: có võ sư là bác sĩ, luật sư, giáo sư.v.v., khả năng chuyên môn của họ có thể bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau, như một võ sư bác sĩ có hai loại khả năng chuyên môn là võ học và y học. Trong hai loại khả năng này, dĩ nhiên là có một khả năng nổi bật hoặc được đương sự chuyên chú theo đuổi phục vụ hơn, thì đó là sở trường. Phần vụ chuyên môn còn lại là sở đoản. Phát triển tài trên địa hạt chuyên môn chính là sự vận dụng tài năng vào những việc chuyên môn, sao cho có mỗi ngày một tinh tiến thêm, có thể tinh hóa thành tài năng đặc biệt.
  2. Khả năng tổ chức, điều hướng người và việc: Khả năng nầy chỉ do khả năng thiên bẩm là một phần nhỏ, còn phần lớn do học tập, thực tập mà có. Khả năng này do sinh hoạt cộng đồng tạo nên: mới đầu tổ chức, điều hướng, từng nhóm nhỏ (người và việc). Sự tổ chức điều hướng này có thể thoát thay từ lý thuyết (tức kinh nghiệm của những người đi trước đúc kết thành) hay kinh nghiệm thực hành bản thân. Có thể được tập thành do nhiều năng khiếu, hoặc môn học liên hệ bổ xung, như: khoa học giao tế nhân sự, phép hiểu người và dùng người, quản trị hành chánh.v.v.

Tuy nhiên, điều cốt yếu của khả năng tổ chức, điều hướng người và việc vẫn là bản lĩnh, bao gồm cả Tính, Khí, và Nhân cách và cũng đòi hỏi sự sử dụng nghị lực thích đáng trong mọi trường hợp ứng biến.

  1. Khả năng lãnh đạo và chỉ huy: Khả năng lãnh đạo và chỉ huy là khả năng cao nhất, trong sinh hoạt cộng đồng, Đây là một loại khả năng đòi hỏi nhiều tinh thần, nghị lực và tâm cơ nhất, nên cũng được chuyên chú rèn luyện nhất, so với các lảnh vực khác.

Cũng có trường hợp có những người có khả năng lãnh đạo, chỉ huy thiên phú như: Napoléon, Nguyễn Huệ…, nhưng phần đông là do sự huấn luyện, rèn luyện mà có. Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão .v.v… đều được nghiên cứu binh pháp và có cơ hội thực dụng binh pháp, nên đã trở thành những vị tướng lổi lạc một thời. Điều quan trọng nhất của khả năng lãnh đạo và chỉ huy vẫn là bản lĩnh và nghị lực, rồi tới kiến thức và kinh nghiệm do học tập mà có, và thường xuyên được tôi luyện trong thực tế công tác, mới có thể phát triển và thăng tiến.

V-Kết Luận:

Mỗi hệ thống giáo dục đều có chủ điểm và thành điểm giáo dục rõ rệt. Chủ điểm giáo dục của Việt Võ Đạo là “Việt Võ Đạo” (được thực hiện bằng con đường Cách Mạng Tâm Thân), trong đó “Võ – Thân” là cường điểm, “Đạo – Tâm” là ưu điểm và “Việt – Cách Mạng” là căn điểm. Thành điểm giáo dục của Việt Võ Đạo là đào tạo một thế hệ mới hội đủ các thành tố về Tinh, Khí và Tài. Rèn Tính sẻ cho chúng ta Đức hạnh, Trí tuệ và ý lực sung mãn để gánh vác trách nhiệm chủ chốt trong mọi dịch vụ, phục vụ xã hội. Dưỡng khí sẽ điều hoà và hàm dưỡng chúng ta Huyết khí, Chân khí, và Tinh khí sung mãn, làm căn bản cho mọi hoạt động và dịch vụ, là hấp lực cuốn hút mọi người tin tưởng tuân hành. Luyện Tài sẽ trau dồi hoàn bị cho chúng ta những khã năng chuyên môn, khả năng tổ chức, điều hướng người và việc, và khả năng lãnh đạo chỉ huy.

Tóm lại, chúng ta muốn đào tạo những mẫu người lý tưởng ra sao, qua hệ thống giáo dục Việt Võ Đạo? Tất nhiên, mẫu người đào tạo lý tưởng của chúng ta không phải là những chuyên viên dù là những chuyên viên về võ thuật, mà là những người toàn diện, bao gồm cả Tính, Khí và Tài, để có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh. chủ điểm giáo dục của chúng ta vì vậy, lấy căn điểm từ dân tộc Việt, phát huy cường điểm Võ và Ưu điểm Đạo, để trở thành những mẫu người lý tưởng gồm đủ các Tài – Trí – Đức trong mọi công tác phục vụ dân tộc và võ đạo.

Khởi từ chủ điểm giáo dục, chú trọng đặc biệt tới thành điểm giáo dục, chúng ta kỳ vọng rằng, hệ thống giáo dục Việt Võ Đạo sẽ đầy đủ khả năng đào tạo một thế hệ thanh niên Việt Võ Đạo, khơi mở và dẫn dắt mọi công cuộc và xiển dương thanh vọng Việt Nam trước cộng đồng nhân loại.

Chương 8 – LÝ TƯỞNG VÀ ƯỚC VỌNG

I – KHÁI NIỆM:

Chúng ta thường nghe và nói đến lý tưởng, ước vọng. Có thể nói: Không một người nào không nghĩ tới lý tưởng và ước vọng. Bác nông phu mong ước được mùa. Sinh viên, học sinh ước vọng thành đạt và theo đuổi, phục vụ, thực hiện lý tưởng v.v…Như vậy, quan hệ của lý tưởng và ước vọng trong đời sống chúng ta ra sao, cả đời công lẫn đời tư?

Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu, với 2 thành phần về khái niệm định nghĩa và so sánh.

 

A-ÐỊNH NGHĨA:

  1. Lý tưởng (Idéal):

Theo Petit Larousse: Sự viên mãn do ý thức tưởng tượng nhưng không thể đạt tới hoàn thiện “perfection que l’esprit imagine sans pouvoir y atteindre complètement”. Theo Việt Nam Tân Tự Ðiển của Thanh Nghị: Cái tốt đẹp mình tưởng tượng và chẳng bao giờ đạt tới hoàn toàn.

Qua 2 định nghĩa trên, chúng ta có thể tạm đúc kết một định nghĩa chuẩn xác cho lý tưởng là: sự viên mãn của ý thức muốn đạt tới, nhưng không thể thực hiện hoàn toàn.

  1. Ước vọng (espérance):

Theo Petit Larousse sự chờ đợi một điều tốt mong muốn “attente d’un bien qu’on désire”.

 

B-SO SÁNH:

  1. Lý tưởng với ảo tưởng (chimère):

Lý tưởng xuất phát từ ý thức, ảo tưởng xuất phát từ trí tưởng tượng. Do đó, từ căn bản tâm lý học, chúng ta đã thấy lý tưởng và ảo tưởng có xuất xứ phân hóa khác nhau, nên không thể cùng đạt tới một tiêu điểm giống nhau, tuy trong bản chất vẫn còn một vài phẩm tính phù hợp.

Lý tưởng, tuy không thể đạt tới hoàn toàn, vẫn có nhiều tính thực tế (vì có thể thực hiện tới mức gần hoàn toàn), trong lúc ảo tưởng chỉ là điều mơ tưởng viễn vông.

  1. Lý tưởng với không tưởng (utopique):

Không tưởng là sản phẩm của óc tưởng tượng, tuy mang tính chất lý tưởng, nhưng chỉ là lý tưởng giả tạo, không thể thực hiện được.

  1. Ước vọng với tham vọng (ambition) và dục vọng (désir):

Ước vọng, có ước vọng tốt, ước vọng xấu.

Tham vọng, có tham vọng lớn, tham vọng nhỏ.

Dục vọng, mang nhiều phẩm tính vị kỷ và thấp hèn

So sánh, chúng ta thấy ước vọng mang nhiều tình hồn nhiên thụ động, tham vọng mang nhiều phẩm tính thủ đoạn và dục vọng mang nhiều phẩm tính vị kỷ.

 

II – THỰC CHẤT CỦA LÝ TƯỞNG VÀ ƯỚC VỌNG:

Ðã là lý tưởng không thể phiến diện tốt đẹp về một khía cạnh hoặc cho riêng một loại người nào mà phải toàn diện, toàn ích chung cho tất cả mọi người. Do đó, muốn tìm hiểu thực chất của lý tưởng và ước vọng, chúng ta cần xác định lại quan hệ giữa khuynh hướng (tendance), đam mê (passion), lý tưởng và ước vọng, cùng những nguyên động lực liên hệ.

 

A – KHUYNH HƯỚNG, MÔI TRƯỜNG SINH HOẠT CỦA LÝ TƯỞNG VÀ ƯỚC VỌNG:

Ðối nội, khuynh hướng là một động lực tâm lý qui hướng sinh hoạt con người đạt tới những tiêu điểm nào đó. Đi ngoại, khuynh hướng được coi như một tố tính tự nhiên hoặc tạo thành, thúc bách người hay vật cử động theo một cung cách nào đó. Khuynh hướng có tính cách vĩnh cữu và luôn luôn tồn tại trong vô thức, điều động những nhu cầu, ước vọng bản năng, xu hướng của mỗi người. Muốn dễ hiểu, chúng ta tạm ví khuynh hướng như tay lái điều hướng chiếc xe theo chiều lái của nó.

Về sinh hoạt vật chất, khuynh hướng duy nhất thuộc loại này là khuynh hướng thân chất, thường bao gồm những nhu cầu: ăn ngon, mặc đẹp, “vợ đẹp, con khôn, nhà lầu,xe hơi”…

Về sinh hoạt tâm lý, các nhà tâm lý học thường phân biệt các loại khuynh hướng:

  • Khuynh Hướng vị kỷ (tendance égoiste)
  • Khuynh hướng vừa vị kỷ vừa vị tha (tendance mi-égoiste mi-altruiste)
  • Khuynh hướng vị tha (tendance altruiste).
  • Khuynh hướng hướng thượng (tendance de regarder en haut).

Trong cả 5 loại khuynh hướng về cả hai nguồn sinh hoạt thân chất (cơ thể) và tâm lý trên đây, đều có ước vọng là phần tử sinh hoạt.

Tôi muốn ăn một bữa thật ngon: ước vọng của khuynh hướng vị kỷ (tâm lý).

Tôi muốn mọi người bớt ăn xài xa xỉ để góp tiền cứu giúp đồng bào chiến nạn: Khuynh hướng vị tha.

Tôi muốn trúng số, để có phương tiện sống đầy đủ và đồng thời có phương tiện giúp đỡ những người nghèo khổ: Khuynh hướng vừa vị kỷ, vừa vị tha.

Tôi muốn xã hội này không còn bất công, mọi người đều sống sung túc và thương yêu nhau chân thành: Khuynh hướng hướng thượng.

Trong cả 5 khuynh hướng trên, chỉ có khuynh hướng hướng thượng là có lý tưởng để đạt tới. Như vậy, lý tưởng chỉ có trong khuynh hướng hướng thượng, nhưng ước vọng thì hiện hữu trong mọi loại khuynh hướng. Ðiều cần phân biệt là khuynh hướng “hướng thượng” không phải là khuynh hướng vị tha thăng hoá, mà là một khuynh hướng độc lập, vượt hết lên mọi khuynh hướng. Mục tiêu của khuynh hướng “hướng thượng” vì vậy, không nhắm vào một đối tượng, mà nhắm vào một chủ đích. Chúng ta có thể lấy thí dụ điển hình ở hai hệ phái trong Phật Giáo: Phật Giáo Ðại Thừa và Phật Giáo Tiểu Thừa. Cả hai cùng có chung một khuynh hướng “hướng thượng” là tu dưỡng để giải thoát khỏi Nghiệp, nhưng Phật Giáo Ðại Thừa chú trọng nhiều tới việc hành đạo và tế độ (cứu được một người phúc đẳng hằng sa). Trong lúc Phật Giáo Tiểu Thừa chú trọng nhiều tới việc tu dưỡng để tự giải thoát và ít chú trọng tới việc cứu độ tha nhân. Do đó, tuy cùng chung khuynh hướng “hướng thượng” nhưng Phật Giáo Ðại Thừa có khuynh hướng vị tha cao hơn Phật Giáo Tiểu Thừa.

Ðồng thời, chúng ta cũng cần minh xác thêm về một vài định kiến sai lầm thuộc khuynh hướng vị tha và khuynh hướng vị kỷ. Vị tha, tự nó không phải có ý nghĩa tốt đẹp thuần túy, cũng như vị kỷ tự nó cũng không phải chỉ có ý nghỉa xấu xa. Vị tha, nguyên nghĩa chỉ là “vì người khác” (tha nhân). Vị kỷ, nguyên nghĩa là “vì mình”. Ý tưởng “vì người khác” có thể đem đến những công tác phục vụ mặc nhiên nuôi dưỡng cái xấu. Như thành ngữ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” chính là bắt nguồn từ khuynh hướng vị tha, do sự chiều chuộng con cháu (tha nhân) quá mức, mặc nhiên nuôi dưỡng những tính xấu được phát triển, đã ảnh hưởng rất nhiều tới tương lai đứa trẻ, theo chiều hướng xấu. Người giúp bạn tận tình, kể cả những trường hợp ăn chơi trác táng là người có khuynh hướng vị tha với bạn, nhưng chỉ mặc nhiên tạo thêm điều kiện cho bạn mình hư hỏng thêm mà thôi. Người tu sĩ diện bích tịnh tu để tự giải thoát ra khỏi những u mê, người học giả vùi đầu trong công trình khảo cứu chỉ nhằm mục đích làm tăng triển kiến thức thuần tuý cho mình thay vì có thể dành thời giờ vào những công tác xã hội hay công tác nhân đạo, là những người có khuynh hướng vị kỷ. Nhưng khuynh hướng vị kỷ này tuy không làm lợi cho ai, cũng không gây thiệt hại cho ai, nên không thể coi là xấu theo nghĩa “gây thiệt hại cho người khác là xấu”.

Nếu so sánh, chúng ta thấy khuynh hướng như một con đường phải đi tới, trong đó ước vọng chỉ là những bóng cây bên đường. Duy chỉ có khuynh hướng “hướng thượng” là con đường độc nhất dẫn tới lý tưởng. Trong lúc ước vọng vẫn chỉ là những cảnh vật của từng chặng đường ngắn ngủi, luôn luôn thay đổi. Ví dụ: Một bác nông dân ở vùng xa xôi, ban ngày tuân hành luật pháp quốc gia, nhưng ban đêm vẫn lén lút yểm trợ cho cộng sản, tất nhiên bác ta không có khuynh hướng quốc gia hay cộng sản, mà chỉ có khuynh hướng cầu an, thuộc loại khuynh hướng vị kỷ (hoặc vừa vị kỷ vừa vị tha, nếu bác ta chịu đựng như vậy vì mẹ già, hay vợ dại con thơ v.v…). Hoàn toàn không có vấn đề lý tưởng trong vấn đề này. Nhưng ngược lại, chính bác ta cũng không có ý thức rõ rệt là mình có khuynh hướng nào, và cũng không có cả một ý niệm sơ khởi về khuynh hướng. Tuy nhiên, ngay trong khuynh hướng cầu an, bác ta vẫn luôn nuôi một ước vọng: Mong mõi hòa bình, để làm ăn được dễ chịu hơn, đời sống sung túc hơn. Như vậy, ước vọng của bác nông dân trên đây nằm trong khuynh hướng cầu an, thuộc loại khuynh hướng vị kỷ (hoặc nữa vị kỷ, nửa vị tha), và loại khuynh hướng này không có lý tưởng, vì lý tưởng nằm trong khuynh hướng “hướng thượng”.

B – ÐAM MÊ, KÍCH THÍCH TỐ CỦA LÝ TƯỞNG VÀ ƯỚC VỌNG:

Ðam mê là một hiện tượng tình cảm phiền toái hơn cả, có thể chi phối toàn diện đời sống con người, bao gồm cả những cảm xúc, đau đớn, khoái lạc. Có thể quan niệm đam mê như một khuynh hướng bị kích thích mạnh lên, có cường độ đặc biệt và làm bá chủ hay độc tôn, chi phối toàn bộ sinh hoạt tâm lý. Muốn dễ hiểu, chúng ta tạm ví đam mê như sự “nhấn ga” Chiếc xe cho vọt nhanh lên.

Thông thường con người có nhiều khuynh hướng, và trong trạng thái bình thường các huynh hướng này thường biểu lộ trong trạng thái ôn hoà và có thể phối hợp với nhau. Nhưng khi đam mê xuất hiện, dù ở cường độ thấp, trung bình hay cao, nó có thể thúc đẩy lôi cuốn mạnh mẽ hay làm tê liệt một hoặc nhiều khuynh hướng.

Trong trường hợp thuận, đam mê sẽ đem lại những thành quả lớn. Lưu Bình vì bị Dương Lễ làm nhục và yêu Châu Long say đắm, đã quyết tâm học và thành tài nhờ đam mê kích thích: đam mê tình ái và đam mê phục hận.

Phạm Ngũ Lão, đam mê nghĩ tới binh thơ và lý tưởng phò vua giúp nước, đã trở thành danh tướng để tiếng đến muôn đời. Khổng Tử đam mê hành đạo với tư tưởng cải tạo nhân tâm, thế đạo, đã trở thành bậc vạn tuế sư biểu. Von Braun đam mê phi thuyền từ nhỏ, đã trở thành nhà bác học lỗi lạc về phi thuyền trong kỷ nguyên thám hiểm không gian. Cố Võ Sư Nguyễn Lộc đam mê võ học từ thuở nhỏ, đã trở thành vị sáng Tổ môn phái Vovinam Việt Võ Đạo.

Trong trường hợp nghịch, đam mê sẽ làm băng hoại hay hủy diệt một vài khuynh hướng. Juda vì tiền bán Chúa, Võ Hậu khao khát quyền hành giết chồng giết con, những vụ mê gái tiết lộ bí mật quốc gia của một số bộ trưởng Anh quốc v.v… là những đam mê làm băng hoại các khuynh hướng vị tha và hướng thượng.

Người trúng số độc đắc nhảy múa, ăn xài huy hoắc, chơi bời trác táng, say sưa, là người mang ước vọng được thỏa mãn, nhờ đam mê kích thích.

Người đánh ghen hay tự tử vì tình là người có khuynh hướng vị kỷ, trong lúc ước vọng bị thất vọng, vì đam mê kích thích nên dễ có hành động bi thảm vào phút chót.

Trên căn bản tâm lý học, đam mê là một trạng thái mất thăng bằng của sinh hoạt tâm lý, tập trung năng lực tâm lý vào mục tiêu và đối tượng đam mê, nhưng chán nản đào nhiệm với mọi hoạt động khác. Do đó, mọi hoạt động của đam mê chỉ thâu hẹp trong môi trường giới hạn có mục tiêu và đối tượng rõ rệt. Tỉ như người đam mê cờ bạc, có thể thức suốt đêm đánh bạc nhưng không thể thức suốt đêm đọc sách hay chăm sóc người thân đau yếu.

Tóm lại, tùy trường hợp đam mê có thể tạo được thành quả tốt hay xấu, phát triển hay làm băng hoại khuynh hướng, tăng cường nỗ lực hay làm giảm sút nỗ lực đạt tới lý tưởng, tùy từng mục tiêu và đối tượng.

C – CÁC ÐỘNG LỰC KIỀM CHẾ KHUYNH HƯỚNG, LÝ TƯỞNG VÀ ƯỚC VỌNG:

Ngược lại với đam mê là kích thích tố của lý tưởng và ước vọng, xã hội và luân lý cùng một số ảnh hưởng về tâm sinh lý luôn luôn đóng vai trò kiềm chế các khuynh hướng, lý tưởng và ước vọng, không cho thỏa mãn và rất có thể, làm thay đổi, băng hoại hay thăng hoá chúng. Ví dụ: Một người nghèo khổ có ước vọng được ăn một bữa cơm thật thịnh soạn, nhưng anh ta không thể thực hiện nổi vì bị những ước thức xã hội và luân lý (luật pháp, phong tục, tập quán, nhu cầu gia đình v.v…) kiềm chế. Hoặc cũng có lần anh ta nảy sinh ra một trạng thái tâm lý do dự mua đại (vì đam mê thúc đẩy) để tự thoả mãn, và thôi không mua, vì nghĩ đến vợ con và nhân phẩm của mình.

Hitler vì đam mê lý tưởng, đã tàn phá một số ước thức xã hội và luân lý (giết 7 triệu người do Thái, xâm lăng các nước Âu Châu v.v…) nên thất bại. Trần Hưng Ðạo, vì đam mê lý tưởng (kháng Nguyên cứu nước) đã duy trì một số ước thức xã hội, luân lý, và xoá bỏ một số ước thức xã hội, luân lý khác (vẫn trung với Vua nhưng quên thù nhà do An Sinh Vương Trần Liễu lúc lâm chung căn dặn) nên đã để lại sự nghiệp đến muôn đời.

Mặc khác, ảnh hưởng của tâm sinh lý cũng tác động vào khuynh hướng, lý tưởng và ước vọng. Người say rượu tâm tình thay đổi đột ngột, đang thương yêu chiều chuộng vợ con lúc tỉnh, đột nhiên thù ghét đánh đập vợ con lúc say. Cô gái dậy thì hay phụ nữ mang thai tính tình biến đổi, lo âu, quạu quọ vô cớ, đỏm dáng hoặc xuề xoà bất ngờ…

Những khuynh hướng này bị xã hội, luân lý và những ảnh hưởng tâm sinh lý ức chế nên thường tiềm ẩn vào vô thức, để trở thành mặc cảm. Cô dâu trước ngày cưới quên đi thử áo, vì cô mặc cảm không hài lòng về cuộc hôn nhân của mình. Người chồng ở xa quên không viết thơ cho vợ con, vì có mặc cảm bất mãn với gia đình.

Nhưng không phải xã hội, luân lý và ảnh hưởng tâm sinh lý chỉ mang lại những hiện tượng xấu, traí lại, còn mang lại những hiện tượng tốt. Ví dụ: Lòng tham bị ức chế, có thể trở thành tính quãng đại và lòng vị tha, bản năng nam nữ bị dồn nén, trở thành nhiệt tâm, hay những khuynh hướng cao đẹp về võ học, văn chương, nghệ thuật v.v…

III.  LÝ TƯỞNG, ƯỚC VỌNG VỚI TUỔI TRẺ:

Trong các lớp tuổi, tuổi trẻ vẫn là lớp tuổi tha thiết nhiều nhất tới lý tưởng và ước vọng, vì khả năng dồi dào, sinh lực phong phú và tương lai, sự nghiệp vẫn luôn luôn là tiêu điểm cần đạt tới. Do đó, lý tưởng và ước vọng đã trở thành những nhu cầu tinh thần của tuổi trẻ.

Chúng ta có thể tạm phân biệt ra hai phần vụ, để đối chiếu với tuổi trẻ:

A – TUỔI TRẺ VỚI LÝ TƯỞNG:

Tuổi trẻ giàu đam mê, nên khao khát có một lý tưởng để phục vụ, đạt tới. Ðôi khi, vì sự khẩn thiết của nhu cầu “cần có một lý tưởng” nên tuổi trẻ đã bị điều hướng sai lệch, lầm lẩn giữa cuộc sống lý tưởng và sự vật lý tưởng.

 

  1. Vài trạng thái băng hoại lý tưởng điển hình:

Tuổi trẻ luôn khao khát một cuộc sống lý tưởng, tới mức thực tế hoá lý tưởng, hoặc ước vọng hoá lý tưởng, và thường lầm lộn, lấy sự vật lý tưởng làm cuộc sống lý tưởng.

Ví dụ: khi chúng ta nghe nói tới từ ngữ “căn nhà lý tưởng” chúng ta phải hiểu rằng thực ra, căn nhà đó chỉ là một vật dụng lý tưởng, một vấn đề thực tế phiền toái vẫn mong ước và lắm lúc tưởng như không thể thực hiện được, khó khăn như việc đạt tới một lý tưởng vậy (trường hợp thực tế hoá lý tưởng), chớ đâu phải đích thực là cuộc sống lý tưởng. Một ví dụ khác: Khi chúng ta nghe nói tới “người vợ lý tưởng” (sự vật lý tưởng), chúng ta cũng đồng thời hiểu rằng, đó chỉ là người vợ trong mộng tức người vợ trong ước vọng, hội đủ những phẩm tính tốt đẹp mong đợi (trường hợp ước vọng hoà lý tưởng).

Do đó, khi nói đến “lý tưởng”, chúng ta phải xác định rõ rệt thực chất của lý tưởng, đó là cuộc sống lý tưởng hay chỉ là ước vọng được cải trang dưới một sự vật lý tưởng.

Kế đó, sự bất mãn với thực tại gây cho con người một ý thức xung động, có thể phủ nhận hoặc tàn phá thực tại để xây dựng lại toàn bộ. Quan niệm này càng tác động mạnh với tuổi trẻ trong một thế giới bất ổn, đã nảy sinh ra hiện tượng tuổi trẻ “nổi loạn” với nhiều hình thức khác nhau: Từ những phong trào sinh viên học sinh tranh đấu chính trị đến những phong trào thác loạn về vũ nhạc, nếp sống (hippy) và thậm chí còn phạm tội ác và nghiền ma tuý, để trốn tránh thực tại. Tất cả, đều chung một nguồn gốc: Bất mãn với thực tại, muốn theo đuổi lý tưởng nhưng thiếu sáng suốt, không tìm thấy hướng đi của lý tưởng nên kẻ tranh đấu tuẫn đạo, người trở lại nếp sống vị kỷ quá độ.

Quá đam mê lý tưởng, trong khi chưa nhận định được sự chân giả của lý tưởng, nên tuổi trẻ dễ bị huyễn hoặc, sách động vào những hành động chính trị phiêu lưu, để rồi cuối cùng bị thất vọng và trở thành con người hoài nghi, mất tự tin.

  1.  Chuẩn bị lý tưởng:

Từ học đường đến ngoài xã hội, tuổi trẻ rất ít khi – nếu không muốn nói là chưa bao giờ – được chuẩn bị đầy đủ về lý tưởng vào đời. Do đó, lý tưởng chỉ là một nguyện vọng tâm lý tự thân – tức tự tìm hiểu lấy, tự quy định lấy và tự thực hiện .

Vấn đề đặt ra là: Phải làm gì để chuẩn bị lý tưởng?

Phải tìm một nghề đủ nuôi sống bản thân, sau đó tìm môi trường hoạt động thích hợp, với tinh thần phục vụ vô vị lợi. Môi trường hoạt động đó không bao giờ là nguồn cung ứng nhu cầu vật chất cho mình. Tùy khả năng và khuynh hướng, có thể lựa chọn một môi trường hoạt động trên căn bản: – Văn Học – Võ Học – Ðạo Học – Khoa Hoc – Chính Trị Học – Xã Hội Học, v.v… và điều quan trọng là chúng ta cần phải luôn luôn “lý tưởng hóa cuộc sống” (vì thực thể cuộc sống không bao giờ đạt tới được sự toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ) chớ đừng bao giờ “thực tế và ước vọng hoá lý tưởng”. Việt Võ Ðạo sinh phải luôn luôn sống khoáng đạt và mực thước, sống với tất cả nhựa sống tiềm tàng ở trong tâm thân, tu dưỡng và kiện toàn để giúp ích và hiến ích cho đời. Chúng ta phải là mẫu mực lý tưởng của mọi người trước khi đòi hỏi mọi ngươì trở thành lý tưởng của mình.

Một ngành tầm thưởng, nếu được lý tưởng hoá sẽ trở thành một phương tiện của khuynh hướng “hướng thượng” để đạt tới lý tưởng, cũng như một ngành sinh hoạt có lý tưởng, nếu bị thương mại hoá, sẽ biến thể thành một nghành sinh hoạt thông thường. Ví dụ như nghề báo: tờ báo của Tòa Thánh La Mã là một tờ báo có lý tưởng, nhưng ngược lại, bất cứ 1 tờ báo nào bị thương mại hoá sẽ trở thành một cơ cấu thương mại thông thường trong đời sống.

Có nghề đủ nuôi sống nhưng không xa hoa trụy lạc mà trái lại hăng say phục vụ công ích là sống có lý tưởng. Nếu muốn môi trường phục vụ công ích cung ứng nhu cầu vật chất cho mình thì phải sống nếp sống giản dị và thanh đạm.

B – TUỔI TRẺ VỚI ƯỚC VỌNG:

So với lý tưởng, ước vọng tương đối giản dị và thân cận nên tuổi trẻ có nhiều ước vọng. Nhưng ước vọng càng nhiều càng gặp nhiều khó khăn, vì sẽ có số ước vọng may mắn đạt được, và một số khác không đạt được. Những ước vọng không đạt được rất có thể trở thành động cơ tâm lý gây xung động cho các ước vọng khác.

Do đó, chúng ta bắt buộc phải xếp loại và lựa chọn ước vọng. Ngoài việc xếp loại và chọn lựa theo khuynh hướng, chúng ta còn có thể xếp loại tuỳ theo quan hệ với lý tưởng:

  1. Ước vọng của lý tưởng
  2. Ước vọng ngoài lý tưởng
  3. Ước vọng phi lý tưởng
  4. Ước vọng phản lý tưởng.

1/. Ước vọng của lý tưởng:

Ước vọng của lý tưởng là ước vọng nằm trong khuynh hướng “hướng thượng”, không nhất thiết hoàn toàn phù hợp và lệ thuộc vào lý tưởng, có thể độc lập, nhưng vẫn phục vụ ý tưởng. Ví dụ: Các tu sĩ sống thanh đạm, khắc khổ để phục vụ lý tưởng truyền giáo. Nhưng cũng có vị tu sĩ được phân công làm công việc kinh doanh, mua bán để giải quyết vấn đề ẩm thực thông thường của người tu sĩ khi phục vụ. Ước vọng của vị tu sĩ kinh doanh này là công việc kinh doanh mua bán được tốt đẹp, để có đầy đủ phương tiện giúp tập thể cùng phục vụ lý tưởng. Ðó là ước vọng của lý tưởng. Hoặc một nhà kinh doanh mong ước doanh nghiệp được phát triển mạnh để có phương tiện xây dựng nền móng vững chắc cho tập thể đó là ước vọng của lý tưởng.

 

2/. Ước vọng ngoài lý tưởng:

Ước vọng ngoài lý tưởng là ước vọng không thuộc khuynh hướng “hướng thượng” nhưng cũng không tác hại cho lý tưởng. giai thoại vợ chồng bác tiều phu có quyển sách ước, ước một cục dồi heo, bác nông phu mong ước được mùa v.v… đều là những ước vọng ngoài lý tưởng.

 

3/. Ước vọng Phi lý tưởng:

Ước vọng phi lý tưởng không nghịch chống lý tưởng từ căn bản, nhưng đã thâu hoạch một thành quả có ảnh hưởng xấu với lý tưởng. Ví dụ: Vị tu sĩ được trao nhiệm vụ kinh doanh, mua bán, đã buôn lầm phải hàng lậu, hoặc mua lầm phải thực phẩm dinh dưỡng nguy hại, đã vô tình làm trở ngại mọi người trong tập thể muốn phục vụ và đạt tới lý tưởng. Hoặc một công chức, một thương gia muốn có phương tiện giúp tập thể đã tham nhũng và đầu cơ tích trử bị tố giác.

 

4/. Ước vọng phản lý tưởng:

Ước vọng phản lý tưởng thường xuất phát từ khuynh hướng thân chất, vị kỹ. Trường hợp Juda bán chúa là một ví dụ điển hình vì tiền bỏ lý tưởng (giết thầy, phản đạo).

IV – KẾT LUẬN:

Lý tưởng là phần thưởng tinh thần cao quý nhất của đấng thiêng liêng dành cho nhân loại. Cùng với lý tưởng, có ước vọng làm trung gian khích lệ những nhu cầu bản thân.

Nói đến lý tưởng là nói đến Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối. Tuy nhiên, trở ngại chính của sự thực hiện lý tưởng chính là con đường đưa tới, tức những biện pháp, phương cách thực hiện. Con đường dẫn tới lý tưởng của thích Ca Mâu Ni là diệt khổ, cứu khổ để vượt khỏi nghiệp chướng luân hồi.

Con đường của Jésus-Christ là chuộc tội thế gian (được biểu dương bằng khổ hình đóng đinh câu rút trên thập tự giá) để cảnh hóa nhân loại sống trong bác ái, cứu rỗi mọi tội lỗi, trước khi về Nước Chúa (thiên đàng). Con đường của Khổng tử là phát huy đạo Nhân, ổn định trật tự xã hội bằng tam cương ngũ thường để xã hội hưng thịnh. Con đường của Lão Tử là trở về sống như thời nguyên thủy, dứt bỏ mọi tham vọng, dục vọng, để xã hội đại đồng. Con đường của Cộng Sản là đấu tranh giai cấp tiêu diệt tư hữu để tiến tới xã hội đại đồng (xã hội Cộng Sản).

Con đường dẫn tới lý tưởng Việt Võ Ðạo (phát triển người Việt và nước Việt toàn diện với tinh thần võ đạo, hoặc nói cách khác, đem Việt Võ Ðạo phục vụ con người) là Cách Mạng Tâm Thân.

Lý tưởng dung nạp nhiều ước vọng, dù tốt hay xấu, chung hay riêng. Tuy nhiên, muốn thực hiện lý tưởng phải hy sinh ước vọng riêng tư, nuôi dưỡng ước vọng chung. Lý tưởng hoàn toàn tốt đẹp, nên dễ huyễn hoặc người tiếp thụ và làm mờ hay đánh chìm nội dung của khuynh hướng, tức con đường dẫn tới. Do đó, chúng ta thấy con đường của chủ nghĩa Quốc Xã tràn ngập xương máu và nước mắt, nhưng những người phục vụ nó vẫn nuôi ảo tưởng về mặt lý tưởng hoàn toàn tốt đẹp trong tương lai.

Lý tưởng có thể sản sinh ước vọng vô hạn, nhưng nhiều ước vọng không thể kết hợp lại thành lý tưởng. Do đó, người có lý tưởng luôn luôn chủ động, hăng say với nhiệm vụ và nghĩa vụ, trong lúc người mang ước vọng thường thụ động, ỷ lại để chờ thành quả tốt đẹp do dịp may mang lại.

Lý tưởng thuần nhất trong lúc ước vọng trùng trùng: đạt được ước vọng này, lại nẩy sinh ước vọng khác. thành ngữ “được voi đòi tiên” chính là sự biểu dương, sự liên tục đột sinh của ước vọng.

Người có lý tưởng và quyết tâm thực hiện lý tưởng có thái độ ung dung, điềm đạm vì làm chủ được khuynh hướng, chế ngự được đam mê, người mang ước vọng – tức mang tâm trạng hưởng thụ – thái độ bồn chồn, hối hả vì bị khuynh hướng và đam mê điều động, chi phối.

Mỗi giới, mỗi tập thể có một con đường riêng tiến tới lý tưởng. Người khác giới, khác tập thể có thể bài bác, không chấp nhận con đường tiến tới lý tưởng của giới hay tập thể mình, nhưng người trong cùng một giới, một tập thể không có quyền đó, vì như thế là phản bội tập thể, thù nghịch với tập thể.

Người Marxist có quyền phủ nhận con đường tiến tới lý tưởng của chúa Jesus hay Phật Thích Ca, nhưng người Công Giáo hay Phật Giáo thì không, và ngược lại.

Có lý tưởng, ý thức linh mẫn về lý tưởng và chuẩn bị đầy đủ để đạt tới lý tưởng, là quan niệm minh chính của môn sinh Việt Võ Ðạo.

Chapter 9 – ÐƯỜNG HƯỚNG ÐIỀU HÀNH MÔN PHÁI

I – KIỂM ÐIỂM DĨ VÃNG, TRÙ HOẠCH TƯƠNG LAI:

Tất cả các đoàn thể có quá trình hoạt động đều phải chịu ảnh hưởng một định luật chung: Có tiến có thoái, có ưu điểm có khuyết điểm. Một đoàn thể thành công lớn không có nghĩa là một đoàn thể không bao giờ có thất bại, mà chỉ là một đoàn thể đã biết cách kiểm điểm dĩ vãng để rút tỉa những kinh nghiệm, giá trị và thực tế, trên đường trù hoạch tương lai.

Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo là một đoàn thể võ đạo nên cũng chịu ảnh hương của định luật trên. Do đó, kiểm điểm dĩ vãng để rút ra những bài học và tự kiện toàn, không những là một nhiệm vụ, mà còn là một nhu cầu tồn tại và tiến bộ của tất cả chúng ta.

A – 3 ƯU ÐIỂM:

1- Ý hướng môn phái không làm chánh trị, nhưng cũng không ngăn cấm môn sinh làm chánh trị với tư cách công dân của Cố Võ Sư Sáng Tổ: đã trở thành một quan niệm hành võ truyền thống Việt Võ Ðạo, là một quan niệm minh bạch vừa áp dụng trong nộï bộ, vừa áp dụng với mọi thế lực chính trị đương thời. Do đó, những môn sinh có năng khiếu hay ý hướng hoạt động chính trị vẫn không lo ngại bị kiềm chế khả năng đặc biệt hay sở nguyện của mình trong lúc môn phái cũng không phải bận tâm về sinh hoạt chính trị của môn sinh với những ảnh hưởng thành bại có thể đem đến cho cá nhân anh ta. Ngoài ra, môn phái vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, nhất là trong giai đoạn khẩn trương của đất nước, vẫn sẳn sàng cộng tác giới hạn với các đoàn thể ái quốc và chính quyền trong các công cuộc cứu tế và kiến quốc.

2-Kỹ luật nghiêm minh, cấm các môn sinh thượng đài: Ðễ tiết chế tính hiếu chiến, hiếu thắng của tuổi trẻ, đồng thời điều hướng ý thức dụng võ vào những mục tiêu nghĩa hiệp, đễ giúp cho môn sinh có tinh thần võ đạo, thoát ra khỏi những định kiến võ phu, hoặc dũng sĩ đánh mướn, bảo vệ được tinh thần đồng nhất ý chí và hành động trong mọi trường hợp dụng võ.

3-Kế hoạch phát triển Việt Võ Đạo diễn tiến tốt đẹp: Việt Võ Đạo đã hội nhập vào quân đội, học đường, Nhân Dân Tự Vệ, Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn… Việt Võ Đạo đã phát triễn tới xã, ấp… Hiện nay có trên  120 võ đường được thiết lập trên 40 tỉnh, thị, đều có khả năng tự túc, tự quản, không cần sự yểm trợ tài chánh của môn phái.

B – 3 KHUYẾT ÐIỂM:

  1. Môn phái không làm chính trị: là một ưu điểm, nhưng cá nhân môn sinh không quan tâm học tập, nghiên cứu, tìm hiểu chính trị lại là một khuyết điểm. Dù theo nghĩa hẹp, chính trị vẫn là một trong nhiều ngành học chuyên môn quan trọng. Tùy năng khiếu, môn sinh Việt Võ Ðạo có bổn phận hội nhập mọi ngành sinh hoạt của xã hội để điều hướng mọi ngành cùng tiến trên con đường phục vụ dân tộc và nhân loại.
  2. Với tinh thần thi đua tự lực phát triển: Nên các Cục Huấn Luyện Miền, các Trung tâm Huấn Luyện tỉnh đã tự giới hạn vào một phạm vi nhỏ hẹp, thiếu sự tập trung nhân lực và tài lực toàn quốc vào từng địa bàn hoạt động để hỗ trợ được đắc lực và hữu hiệu trong việc xây dựng cơ sở đại quy mô.
  3. Môn phái chưa có những cơ cấu điều hành lớn: Mang tính cách tuyên vận hay kinh tài như: Báo chí, xuất bản, hãng dệt (vải may võ phục), xưởng may cắt võ phục, hoặc các cơ cấu kinh tài chuyên nghiệp hoạt động với mục đích đem lại lợi tức yểm trợ mọi chi phí hoạt động của môn phái.

 

  II – ÐƯỜNG HƯỚNG ÐIỀU HÀNH:

 

Tất cả những ưu điểm, khuyết điểm trên đều giúp chúng ta trù hoạch đường hướng điều hành môn phái sao cho thích ứng được với những nhu cầu phát triển trong một chu kỳ hòa bình đang tới. Ðường hướng điều hành môn phái trong hiện tình bao gồm những phần vụ ấn định:

  • Nguyên tắc định hướng
  • Ðiều hướng nhân sự

A- NGUYÊN TẮC ÐỊNH HƯỚNG:

 

Trong thời kỳ hậu chiến, mọi hoạt động Việt Võ Ðạo phải vượt ra khỏi tình trạng thủ công nghiệp, nghèo nàn hiện hữu để chuyển sang một lề lối tổ chức đại quy mô, khoa học và phương pháp hoá, ngõ hầu xứng hợp với chương trình tái thiết hòa bình vĩ đại sắp xuất hiện. Có 4 nguyên tắc định hướng:

 

Nguyên tắc 1: Võ Sư Ðộng, Huấn Luyện Viên tĩnh:

Toàn thể võ sư sẽ trực tiếp và thường xuyên sinh hoạt tại Trung Ương, nhận sự phân công, phân nhiệm của môn phái để có thể xữ dụng khả năng đa năng, đa hiệu cuả mình vào mọi công tác tổ chức, huấn luyện và điều hành trên toàn quốc. Thay vì chỉ quản trị một võ đường hay một chương trình phát triển tại một địa phương cố định, việc quản trị các võ đường địa phương sẽ được giao phó cho một hay nhiều Huấn Luyện Viên.

Nguyên tắc 2: Môn phái phát triển, địạ phương củng cố:

Công tác phát huy và quảng bá Việt Võ Ðạo sẽ do một ban Võ Sư được chỉ định có sứ vụ liên tục tổ chức và điều hướng từng Miền, từng khu vực trong giai đoạn đầu, để tạo uy tín hoạt động tại địa phương. Khi sinh hoạt trung tâm huấn luyện hoặc các võ đường đã điều hoà, sẽ được giao lại cho các Huấn Luyện Viên địa phương quản trị, điều hành và huấn luyện. Ban võ sư tăng phái tổ chức và điều hướng chỉ còn giữ nhiệm vụ thanh kiểm để có thời giờ phụ trách những sứ vụ khác ở tại Trung Ương hoặc địa phương khác.

Nguyên tắc 3: Tập trung tài lực luân phiên xây dựng:

Thay vì tổ chức theo lề lối tự phát triển với một số tài lực hữu hạn, môn phái sẽ tổ chức một quỹ phát triển đặc biệt do các võ đường toàn quốc đóng góp, rồi tập trung tài lực lần lượt kiện toàn tổ chức cho từng miền, từng Tỉnh, từng võ đường.

Nguyên tắc 4: Ðồng nhất ý chí, thống nhất hành động:

Theo đường hướng tổ chức mới, các Võ Sư vì có sứ vụ tổ chức và giảng huấn các khóa đặc huấn định kỳ luân phiên cho các đ̣iạ phương, nên thường xuyên được đàm đạo, hội ý và làm việc với nhau. Do đó, sẽ cùng nắm vững đường hướng điều hành môn phái, và dễ dàng đồng nhất ý chí và thống nhất hành động trong mọi sứ vụ được giao phó.

 

B – ÐIỀU HÀNH NHÂN SỰ:

 

Công tác điều hướng nhân sự nhắm vào tiêu chuẩn 7 điểm:

  1. Trung Tâm Huấn Luyện là đơn vị quản trị căn bản của Môn Phái (Trung Tâm Huấn Luyện điều hướng các Võ Ðường trong Tỉnh).
  2. Tổng Cục Huấn Luyện Trung Ương là Cơ Quan Chỉ Ðạo và Ðiều Hành trực tiếp các Trung Tâm Huấn Luyện toàn quốc.
  3. Các Cục Huấn Luyện Miền là cơ cấu Ðại Diện Tổng Cục Huấn Luyện Trung Ương trong các công tác tổ chức, điều hướng và thanh kiểm.
  4. Võ sư trực tiếp sinh hoạt với Tổng Cục và nhận sự điều hướng của Tổng Cục.
  5. Huấn Luyện Viên sẽ trực tiếp quản lý các võ đường địa phương (thường xuyên được các võ sư luân phiên tới hướng dẫn quản trị và huấn luyện).
  6. Công tác điều hướng nhân sự có tính cách tập trung và luân phiên lưu động, thay vì phân tán và cố định.
  7. Cần chú trọng tới yếu tố toàn quốc thay vì yếu tố địa phương, nhưng phải tế nhị trong việc điều hướng nhân sự sao cho phù hợp với địa phương tính để công cuộc phát triển Việt Võ Ðạo được dễ dàng thuận lợi.

III. KẾT LUẬN:

 

Ðường hướng điều hành môn phái không chỉ nhằm mục đích tổ chức, quản trị các võ đường và điều hướng cán bộ địa phương như các lò võ chuyên nghiệp mà là nhằm mục tiêu tối hậu xây dựng một nền võ đạo Việt Nam, đào tạo một thế hệ thanh niên Việt Võ Ðạo có đầy đủ khả năng và nghị lực để xây dựng đất nước và biểu dương thanh vọng Dân Tộc.

Ðường hướng điều hành môn phái, do đó, đòi hỏi các cấp bộ Việt Võ Ðạo phải có một quan niệm làm việc mới với một lề lối làm việc mới được kế hoạch hoá và phương pháp hoá. Chúng ta phải từ bỏ một số thói quen cũ để chuyển sang những thói quen mới. Tất nhiên, khuynh hướng an phận và địa phương chủ nghĩa không thể được chấp nhận, nếu chúng ta muốn môn phái phát triển mạnh khắp toàn quốc trước khi lan rộng ra quốc tế. Ðây không phải là một thay đổi, mà chỉ là một sự kiện toàn, một sự kiện toàn tối cần thiết và phải kịp thời, của nhu cầu tồn tại và thăng tiến.

Việc thực hiện đường hướng điều hành môn phái đòi hỏi sự đóng góp nhân lực và tài lực toàn quốc để tập trung khả năng khai phá và phát triển vào từng địa bàn rõ rệt, theo từng thời trình được kế hoạch hoá.

Chúng ta đã đề cập tới tinh thần Việt Võ Ðạo, ý thức Việt Võ Ðạo… thì đây chính là cơ hội để chúng ta thực hiện tinh thần đó và ý thức đó. Muốn vậy, chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ khả năng và nghị lực vào những nhu cầu phát triển mới, theo đường hướng Việt Võ Ðạo.

Thực tế hoạt động chờ đợi tất cả chúng ta, để thực hiện lý tưởng “đem Việt Võ Ðạo phục vụ con Người”, mà chúng ta đã quyết tâm đạt tới.

Chương 10 – VIỆT VÕ ÐẠO TRƯỚC THỜI CUỘC

  1. TỔNG QUAN:

Quan niệm được nẫy sinh và áp dụng từ năm 1938: Môn phái không làm chính trị, nhưng môn sinh được hoạt động chính trị với tư cách công dân. Ðó là một quan niệm đứng đắn, nhiều người tán thành, nhưng cũng có người cho rằng quá thụ động trước những vấn đề lớn của dân tộc, cần phải dứt khoát hội nhập tranh đấu.

Về tổng quát, hiện nay có 3 quan niệm chính trị khác nhau:

  1. Theo nghĩa rộng: Tất cả những gì có liên quan tới tập thể và cộng đồng đều là chính trị. Theo quan niệm này cá nhân phải đóng góp tích cực vào tập thể và cộng đồng với cứu cánh đem lại lợi ích và hạnh phúc cho tập thể và cộng đồng để tạo điều kiện cho tập thể và cộng đồng được phát triển toàn diện về cả vật chất lẫn tinh thần.
  2. Theo nghĩa hẹp: Chính trị bao gồm những hoạt động có mục tiêu hữu hạn với những phương tiện cụ thể, nhằm thể hiện một chủ thuyết, một chủ trương, một chính sách với những chương trình, kế hoạch chuyên biệt, nhằm tranh đấu hay bảo vệ quyền lợi trực tiếp ưu tiên cho một nhóm, một giới, một chính đảng.
  3. Theo nghĩa dung hoà: Chính trị bao gồm tất cả những gì liên quan tới tập thể và cộng đồng, nhưng đồng thời được hướng dẫn vào những mục tiêu hữu hạn với những phương tiện cụ thể, nhằm thể hiện một chủ thuyết, một chủ trương, một chính sách, với những chương trình, kế hoạch chuyên biệt. Tất nhiên, quyền lợi của phe nhóm chính đảng chủ trương bao giờ cũng là mục tiêu trực tiếp và ưu tiên.

QUAN NIỆM 1: Phù hợp với những hoạt động tôn giáo, văn hoá, xã hội, một quan niệm cổ truyền tốt đẹp.

QUAN NIỆM 2: Thích hợp với thực tế xã hội của các Quốc Gia Thế Giới Tự Do, với ý hướng rõ rệt là chuyên môn hoá chính trị, xem sinh hoạt chính trị như một ngành hoạt động chuyên biệt trong mọi ngành sinh hoạt xã hội khác nhau.

QUAN NIỆM 3: Nhằm mục đích thượng tôn chính trị, thừa nhận chính trị là một ngành sinh hoạt ưu việt, có những trách nhiệm quyền lực chi phối, khống chế mọi ngành sinh hoạt khác, đang được áp dụng ở các dân tộc tiểu nhược, kể cả chế độ Cộng Sản.

Việc áp dụng quan niệm “không làm chính trị của Việt Võ Ðạo” là một vấn đề tế nhị: Không làm chính trị theo nghĩa thông dụng, nhưng không thể từ chối tham gia những công tác cộng đồng nhằm phục vụ công ít.

 

  1. QUAN NIỆM HÀNH VÕ TRUYỀN THỐNG CỦA VIỆT VÕ ÐẠO:

Quan niệm hành võ truyền thống của Việt Võ Ðạo được xuất phát từ Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân với 3 phần vụ căn bản:

 

  1. PHỤC HƯNG HÀO KHÍ DÂN TỘC:

 

Phục hưng hào khí dân tộc không phải chỉ là sự thể hiện tinh thần bất khuất vào những nghịch cảnh dân tộc mà còn bao gồm ý chí, nghị lực, tinh thần tập thể, tinh thần trách nhiệm và khả năng thực hiện trong mọi bối cảnh lịch sử. Hào khí dân tộc được bộc lộ bằng 3 yếu tố:

  • Cứng nhưng không gãy: (tinh thần cây tre), bất khuất nhưng không cường ngạnh, cố chấp (sau mỗi lần thắng Bắc xâm, đều triều cống như cũ, để tránh hiểm hoạ chiến tranh miên trường cho dân tộc).
  • Hoà điệu sinh hoạt tinh thần với sinh hoạt vật chất: (Các chủ trương khuyến nông, chiêu dân lập ấp trong các triều đại bao giờ cũng tiến hành song song với việc khuyến học và giảng kinh nghĩa).
  • Thái dụng tinh hoa ngoại nhập nhưng không hổn thuộc: (du nhập Hán văn, nhưng không phát âm theo thổ ngữ, sau đó biết biến chế thành chữ Nôm; La tinh hoá việc phiên âm tiếng Việt, nhưng không lệ thuộc ngoại ngữ).
  1. XÂY DỰNG CON NGƯỜI TOÀN DIỆN BẰNG CÁCH MẠNG TÂM THÂN:

Quan niệm này, phân biệt với một số quan niệm đào tạo khác vẫn được áp dụng:

So với quan niệm giáo dục Nho Giáo:

Quan niệm giáo dục truyền thống của Nho Giáo được áp dụng tại Việt Nam trong thời kỳ cận đại chủ chương (trọng văn khinh võ), nên đã thành công trong việc đào tạo một đẳng cấp lãnh đạo văn nhược, thụ động trước những biến cố lịch sử, khác hẳn với quan niệm giáo dục Văn võ đồng hành của các thời Lý, Trần, Lê. Quan niệm giáo dục của Việt Võ Ðạo chủ trương thay đổi toàn diện con người, không những về cả văn lẫn võ, mà còn cả về tâm thức và thân chất.

 

So với quan niệm giáo dục nặng về chuyên môn:

Quan niệm giáo dục này đã thành công trong việc đào tạo những chuyên viên kỹ thuật gia; nhưng nhẹ về sinh hoạt tinh thần và kiện toàn thân chất, khác hẳn với quan niệm giáo dục Việt Võ Ðạo đào tạo những con người thích ứng với mọi hoàn cảnh sống.

 

So với quan niệm giáo dục nặng về chính trị:

Quan niệm giáo dục này tuy thành công trong việc đào tạo một đẳng cấp cán bộ và thư lại chính trị, nhưng chỉ thành công ở bề rộng mà không có chiều sâu, vì con người bị gò bó, không được phát triển toàn diện.

 

So với các quan niệm đào tạo võ thuật thuần tuý:

Các quan niệm này chỉ chú trọng tới việc phát triển thân chất, nên chỉ đào tạo được một lớp người võ sĩ chuyên môn, tương tự như mô hình “Người khổng lồ không tim” nên thiếu hẳn ý thức và ý hướng dụng võ.

Giáo dục của Việt Võ Ðạo với quan niệm tổng hợp rất khai phóng nên đã phát triển con người toàn diện, đa năng đa hiệu, thích ứng được với mọi hoàn cảnh sống, có ý thức và ý hướng dụng võ để giúp ích và hiến ích cho đời.

 

  1. QUỐC GIA ÐỘC LẬP, XÃ HỘI CÔNG BẰNG, CON NGƯỜI NHÂN ÁI:

 

Ðây là một điểm đặc biệt trong truyền thống của môn phái trước những biến chuyển thời cuộc: Năm 1938, không khí chống Pháp bừng dậy sôi nổi, các đoàn thể chính trị chống Pháp bí mật tổ chức rồi công khai hoạt động hay khởi nghĩa rất nhiều, nhưng nhân lực còn yếu kém và bị phân hoá bởi những ảnh hưởng khác nhau.

Trở lại với thời cuộc đương thời – tức bối cảnh lịch sử thời đó – chúng ta mới thấy sự diễn biến của lịch sử đã được biểu hiện với 2 yếu tố khác nhau:

Phần lãnh đạo: Ðại đa số là các lãnh tụ già, mang nặng một quá khứ nhiều thành tích và thất bại, nên có tâm trạng của những “Anh Hùng sốt ruột”, muốn thực hiện mau chóng hoài bảo của mình trước khi tuổi đời xế bóng. Thành phần quần chúng: Thì ngược lại, một quần chúng trẻ thiếu huấn luyện, hoặc nếu được huấn luyện, cũng do chính sách văn hoá giáo dục của người Pháp thời đó, nhằm đào tạo một thế hệ thanh niên lãng mạn, ham hưởng thụ, thay vì phục vụ đất nước, nhất là phục vụ trong nghịch cảnh mất nước.

Như vậy chủ trương tranh đấu độc lập quốc gia dưới mọi hình thức của các đoàn thể cách mạng đương thời đã “thiếu chân đứng quần chúng” rõ rệt, vì nhân lực chưa được chuẩn bị đầy đủ và tình thế chưa thuận lợi. Vì không phải là một đoàn thể chính trị, nên môn phái Vovinam Việt Võ Đạo tách rời được những hoạt động chính trị sôi nổi bề mặt kia, để tập trung khả năng vào việc thực hiện chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân – đào tạo một thế hệ thanh niên mới kiện toàn về cả tâm và thân, hầu có thể đóng góp những khả năng giúp ích và hiến ích được nhiều hơn – tức là một hình thức chuẩn bị tích cực cho những biến chuyển mới của thời cuộc do sứ vụ tranh đấu thực hiện phần vụ quốc gia độc lập, xã hội công bằng, con người nhân ái trong tương lai.

Về nội dung, phần vụ này không phải là một phần vụ có 3 mục tiêu tuần tự thực hiện, mà là một phần vụ có 3 mục tiêu liên kết không thể rời được.

Tranh đấu quốc gia độc lập, nhưng tất nhiên đó không phải thứ độc lập của những bất công xã hội, trong đó con người luôn luôn phải coi nhau như thù nghịch vì những lý do, tranh đấu giai cấp, tranh chấp quyền lợi.

Tranh đấu công bằng xã hội, không phải là thứ công bằng xã hội được giả định do một yếu tố pháp lý nào đó, mà phải là thứ công bằng xã hội của một quốc gia độc lập có chủ quyền, trong đó nhân phẩm được tôn trọng, con người đối xử với nhau bằng nhân ái.

Tranh đấu xây dựng nhân ái giữa người với người, cũng không có nghĩa là từ chối xử dụng sức mạnh để bảo vệ độc lập quốc gia, công bằng xã hội trong mọi tình huống và cảnh huống.

Tất nhiên, mục tiêu trên của chúng ta quá lý tưởng, và khó có thể thực hiện hoàn toàn. Nhưng chúng ta vẫn cố gắng đạt tới nó với nguyện vọng càng hoàn thành được nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, và nếu không áp dụng được ngay trong một xã hội lớn, có thể bắt đầu bằng những xã hội nhỏ để định hướng cho những hoạt động kế tục.

III. ẢNH HƯỞNG THỜI CUỘC VÀ SINH HOẠT CHÍNH TRỊ VỚI MÔN PHÁI:

Dù muốn dù không, môn phái chúng ta phải nhận chịu ít nhiều ảnh hưởng của thời cuộc. Một Võ Ðường, một Trung Tâm hoạt động mạnh bắt buộc phải đình chỉ hoạt động khi mặt trận tràn tới. Một Võ Sư, Huấn Luyện Viên đang điều hành tốt đẹp một Võ Ðường, một Trung Tâm Huấn Luyện cũng phải tạm ngưng để lên đường thi hành nghĩa vụ quân dịch.

Sinh hoạt chính trị tế nhị hơn nhưng vẫn là một áp lực đáng kể. Chúng ta cần ôn lại những bài học quá khứ trong sinh hoạt hành võ của môn phái để chuẩn bị thái độ trong cả hiện tại và tương lai.

  1. SO SÁNH 3 BỐI CẢNH CỦA ÐẤT NƯỚC: 1945, 1954, và 1973

 

1/ Môn phái trước những ảnh hưởng thời cuộc và sinh hoạt chính trị 1945 – 1946:

Năm 1945 là một năm mang lại nhiều biến cố lớn và quyết định cho Việt Nam trong lúc môn phái Vovinam mới chính thức hoạt động công khai từ 1938, được 7 năm. Chúng ta có thể ghi nhận lại những ảnh hưởng thời cuộc và động cơ sinh hoạt chính trị chính yếu:

  • Nạn đói 1944 – 1945 chết gần 2 triệu đồng bào miền Bắc.
  • Sự hiện diện của người Nhật với chiêu bài “Á Châu của người Á Châu và cuộc đảo chính 9-3-1945, trao trả độc lập cho Việt Nam”
  • Mặt trận Việt Minh nắm chính quyền 19-8-1945, sau khi Nhật đầu hàng Ðồng Minh 13-8-1945.
  • Quân đội Lư Hán (Quốc Dân Ðảng Trung Quốc) sang giải giới quân đội Nhật tại miền Bắc.
  • Quân đội Anh của tướng Gracey sang giải giới quân đội Nhật tại miền Nam.
  • Quân đội Pháp trở lại Ðông Dương tại miền Nam, nhờ uy thế của quân đội Anh.
  • Các đảng phái cách mạng hải ngoại về nước, các đảng phái quốc nội ra công khai.
  • Cuộc kháng chiến Nam Bộ cuối 1945, mở đầu cho Sơ Ước 6-3-1946, rồi Tạm Ước 14-9-1946, cuối cùng là cuộc chiến tranh Thực Cộng 1945-1954.

Thời cuộc trong khoảng thời gian này, biến chuyển quá nhanh chóng. Sinh hoạt chính trị bộc phát, lôi cuốn cả một dân tộc bị trị vừa được giải phóng, chưa có kinh nghiệm hoạt động chính trị. Hầu hết mọi sinh hoạt xã hội đều bị chính trị lôi cuốn theo, cùng với những say sưa đòi lại được độc lập bên cạnh những lo âu sắp phải tham chiến chống xăm lăng.

Giữa những sôi nổi của thời cuộc và sinh hoạt chính trị náo nhiệt, thật khó có thể điều hướng sinh hoạt võ học của một môn phái mới xuất hiện công khai được 7 tuổi, và cũng trong hoàn cảnh khó khăn này, chúng ta mới thấy khả năng lãnh đạo và điều hành môn phái của Cố Võ Sư Sáng Tổ NGUYỄN LỘC nổi bật.

Cố Võ Sư Sáng Tổ đã chọn một thái độ dung hoà: Chỉ cộng tác từng loại sự việc, và tuyệt đối tránh mọi công tác đi sâu vào sinh hoạt chính trị như tương tranh đảng phái, hoạt động hỗ trợ trong các cuộc tuyển cử v.v… thái độ này được thể hiện bằng các sự kiện: Môn phái cộng tác với chính phủ Trần Trọng Kim trong việc cử các môn sinh đứng ra đảm nhiệm việc giữ an ninh tại các khu phố nội thành và ngoại ô Hà Nội, cùng những công cuộc cứu tế đồng bào trong nạn đói 1944, thành lập 2 đoàn đặc biệt: Võ Sĩ Cảm Tử và Anh Hùng Ngày Mai, sau đó huấn luyện Vovinam cho Tự Vệ Thành và Tự Vệ Chiến Ðấu để tích cực đóng góp những nỗ lực của môn phái vào công cuộc chống Pháp giành độc lập.

Chính trong giai đoạn thử thách cam go nầy, quan niệm hành võ của môn phái được Cố Võ Sư Sáng Tổ hoạch định, thành quan niệm truyền thống của Việt Võ Ðạo trước thời cuộc và sinh hoạt chính trị:

  • Môn phái Vovinam không phải là một đoàn thể chính trị nên không hoạt động chính trị. Nhưng môn phái không xâm phạm tới quyền công dân của các môn sinh, nên cũng không ngăn cấm các môn sinh làm chính trị với tư cách công dân của họ.
  • Mặc dầu mục đích của môn phái Vovinam nhằm vào việc xây dựng con người toàn diện trên căn bản võ thuật và tinh thần võ đạo (chớ không phải hoạt động chính trị và công tác xã hội). Nhưng khi thời cuộc nước nhà đòi hỏi, môn phái Vovinam vẫn sẳn sàng tiếp tay với chính quyền hoặc với các đoàn thể ái quốc để thực hiện công cuộc cứu quốc và cứu tế xã hội với tinh thần vị tha vô điều kiện. Tuy nhiên, sự tiếp tay này nếu có, không có nghĩa là môn phái Vovinam phục vụ cho cá nhân hay đoàn thể nào, mà chỉ là phục vụ dân tộc trong những công cuộc ích quốc lợi dân, rồi sau đó lại trở về với mục đích quảng bá võ thuật và tinh thần võ đạo của môn phái.
  1. Môn phái trước những ảnh hưởng thời cuộc và sinh hoạt chính trị 1954:

20-7-1954: Hiệp ước Genève qua phân lãnh thổ bằng vĩ tuyến 17, tái tạo một cơ hội thử thách mới cho môn phái nói chung, và Cố Võ Sư Sáng Tổ nói riêng.

Nhìn chung về thời cuộc hồi đó, chúng ta thấy:

  • Hiệp ước Genève 1954 không đem lại cho miền Nam Việt Nam triển vọng sáng sủa gì lắm, trước thực trạng xã hội đương thời: Chính quyền (Ngô Ðình Diệm) tân lập, chưa có uy thế, quân Pháp rút đi, bỏ lại những khoảng trống to lớn về quốc gia không có thực lực và bị phân hoá, miền Nam đang ở thế tranh dành ảnh hưởng giữa 3 thế lực quân sự bổ túc của người Pháp để lại (Cao Ðài, Hoà Hảo, Bình Xuyên); kinh tế quốc gia nằm gọn trong tay ngoại kiều, nạn tham nhũng cường hào khó lòng giải quyết nổi trong một thời gian ngắn…
  • Miền Bắc là quê hương của đại đa số môn sinh ruột thịt, trong lúc miền Nam còn là giải đất xa lạ, chưa được hiểu biết gì nhiều. Nếu Cố Võ Sư Sáng Tổ quyết định ra đi, tất nhiên sẽ ảnh hưởng ngay tới một số môn đệ tâm huyết, nhưng ngược lại, sẽ bị bỏ lại đất Bắc một số môn đệ khác đã dày công lao đào tạo, vì các môn đệ này còn bị liên hệ nhiều tới gia đình, quyến thuộc và quê hương tại miền Bắc.
  • Sự “ra đi” của Cố Võ Sư Sáng Tổ phải trả bằng một giá rất đắt: Lại phải trở về từ điểm khởi đầu, trong lúc mỗi ngày một lớn tuổi, các tầng lớp môn đệ cũ đã bị thời cuộc và sinh hoạt chính trị làm băng hoại rất nhiều. Ngược lại, vào tới Miền Nam với chương trình xây dựng lại từ đầu, không ai có thể trắc lượng trước được những khó khăn và triển vọng những năm sắp tới.

Cuối cùng, cố Võ Sư Sáng Tổ lại một lần nữa quyết định sáng suốt: Vượt lên khỏi những khó khăn, trở ngại, để quyết định vào Nam tạo dựng lại từ đầu, trong những điều kiện không thuận lợi và đã thành công.

  1. Môn phái trước những ảnh hưởng thời cuộc và sinh hoạt chính trị 1973:

Tới nay, sau khi hiệp định 28-1-1973 được ký kết, với mục đích chấm dứt chiến tranh và tái lập hoà bình tại Việt Nam, thời cuộc và sinh hoạt chính trị lại một lần nữa sôi động, nhất là trong những ngày, tháng sắp tới.

Một lần nữa, môn phải lại phải sát định thái độ trước thời cuộc và sinh hoạt chính trị so với những lần biến cố trước, thời cuộc kỳ này tuy tạm thời mang một sắc diện hòa dịu, nhưng bên trong là biết bao ngòi lửa âm ỉ bên những thùng thuốc súng lớn.

Chúng ta thấy những gì ở thời cuộc và sinh hoạt chính trị trong những ngày, tháng sắp tới?

Phân tích nó, chúng ta thấy những yếu tố:

  • Triển vọng hòa hay chiến vẫn chưa rõ rệt. Khác với hiệp ước 20-7-1954, hiệp định 28-1-1973 không xác định dứt khoát triển vọng hòa bình, trong những ngày sắp tới. Người bảo là ngừng bắn, chưa hoà bình, trong lúc trên thực tế, vẫn chưa có ngưng bắn và vẫn có chuyển quân. Mưu định chiến lược của các phe tham chiến, hoặc chấm dứt tạm cuộc chiến tranh này để bước sang cuộc chiến tranh khác, hoặc cùng kiềm chế nhau để đi tới hòa bình thực sự.
  • Quân sự vẫn được xử dụng như một thứ áp lực với chính trị, đo đó trong tương lai, trong sinh hoạt chính trị sẽ lại có bạo lực, nhưng là một thứ bạo lực thô bạo hơn thứ bạo lực đã dược sử dụng trong cuộc nội chiến 1945 – 1946.
  • Việc hôi nhập một thế lực chính trị thù nghịch vào sinh hoạt quốc gia chắc chắn sẽ làm xáo trộn mọi nếp sống bình thường, gây ảnh hưởng chung cho mọi ngành sinh hoạt xã hội.
  • Triển vọng xây dựng hoà bình vẫn đặt ra những nhu cầu cấp bách để động viên toàn diện tài lực, vật lực, vào việc tái thiết xứ sở, trong lúc nhu cầu cấp thời lại đòi hỏi phải giữ nguyên trạng như trong chiến tranh để đề phòng mọi vi phạm, bất trắc.
  • Trong cuộc đấu tranh chính trị quyết liệt sắp tới, cả hai phe tham chiến miền Nam sẽ tung ra những chiến dịch, những phong trào ồ ạt, để lôi cuốn mọi sinh hoạt quốc gia. Trong những trường hợp như vậy, tất nhiên chúng ta phải có thái độ rõ rệt, để đáp ứng với những nhu cầu mới. Ngay từ bây giờ, liệu chúng ta đã chuẩn bị gì chưa, trước những chuyển động thời cuộc mới, mà ngay bây giờ chúng ta có thể tiên liệu một phần lớn?

Ðó chính là sự minh định thái độ của môn phái và các môn sinh trước những vần đề thời cuộc và chính trị.

 

  1. QUAN NIỆM CỦA MÔN PHÁI VÀ THÁI ÐỘ MÔN SINH TRƯỚC NHỮNG VẤN ÐỀ THỜI CUỘC VÀ CHÍNH TRỊ:

 

Quan niệm của môn phái và thái độ của môn sinh trước những vấn đề thời cuộc và chánh trị vẫn là quan niệm hành võ truyền thống được chúng ta ứng dụng một lần nữa, trước thực tại lịch sử và trong hiện tình đất nước.

Ðó chính là điểm 1 trong quan niệm hành võ truyền thống, được đúc kết lại là:

  • Quan niệm môn phái: Không làm chính trị, nhưng có thể tiếp tay với các đoàn thể chính trị ái quốc về một số dich vụ thuần túy cứu nước, dựng nước, cứu trợ và tái thiết.
  • Thái độ môn sinh: có thể làm chính trị với tư cách công dân của mình, chớ không thể làm chính trị với tư cách môn sinh Việt Võ Ðạo.

Áp dụng quan niệm hành võ trên vào hiện tình, chúng ta thấy:

  • Môn phái có thể hoạt động chính trị theo nghĩa rộng: Sẵn sàng hội nhập và yểm trợ, cộng tác với những công cuộc nào phục vụ cộng đồng bằng công ích – tức đem lại lợi ích cho tập thể và cộng đồng. Ngược lại, môn phái không thể hội nhập, yểm trợ hay cộng tác với những hoạt động chính trị theo nghĩa hẹp hay nghĩa dung hoà; trong đó quyền lợi của cá nhân, nhóm, phe phái, mới là mục tiêu thực tế, hoặc chỉ nhân danh tập thể và cộng đồng (dân tộc, Việt Nam, quê hương, đất nước, Tổ Quốc v.v…) để hướng dẫn tập thể và cộng đồng vào những mục tiêu giai đoạn, nhằm thỏa mãn một số quyền lợi chính đáng hay không chính đáng nào đó.
  • Giữa môn phái và môn sinh có một ranh giới phân biệt rõ rệt: Môn phái nặng về chuyên môn võ học, còn môn sinh vẫn được hành xử quyền tự do tư tưởng hiến định – trong đó có cả quyền “làm chính trị”.
  • Quan niệm hành võ của môn phái là một quan niệm đứng đắn và chính xác: Trước khi hành xử các quyền hạn pháp định dành cho pháp nhân, một đoàn thể chuyên môn (võ học) phải là một đoàn thể chuyên môn trước đã. Không thể và không nên lạm dụng uy thế chuyên môn của mình để khống chế các lảnh vực sinh hoạt khác, cũng như không để các lảnh vực khác khống chế trách nhiệm chuyên môn của mình. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt (quốc gia lâm nguy, thất phu hữu trách), Môn phái vẫn sẵn sàng hội nhập, yểm trợ hay cộng tác với những công cuộc, chương trình ích quốc lợi dân, cứu quốc và kiến quốc thật sự.
  • Nếu các môn sinh hội nhập vào các chương trình kế hoạch ích quốc lợi dân, cứu quốc và kiến quốc thật sự, môn phái vẫn có thể hỗ trợ, tùy theo khả năng môn phái.
  • Thới cuộc và sinh hoạt chính trị rất phức biến, tế nhị, và thường có tính cách giai đoạn, khẩn hạn và hữu hạn; trong lúc những hoạt động võ học có tính cách trường cửu, lâu dài và không giới hạn. Do đó, mưu vọng cá nhân có thể đúng hay sai, thành hay bại mà không có ảnh hưởng quyết định tới tập thể. Không thể hy sinh cái trường cửu, lâu dài và không giới hạn cho giai đoạn khẩn hạn và hữu hạn hay ngược lại; vì mỗi bộ môn đều có nhu cầu riêng và mục tiêu riêng.
  • Các chương trình, kế hoạch ích quốc lợi dân, cứu nước và dựng nước bao giờ cũng được tôn trọng tuyệt đối, vượt ra khỏi những cung cách hành xử thông thường.

IV- KẾT LUẬN

Không phủ nhận những giá trị to lớn của thời cuộc và sinh hoạt chính trị mang lại, nhưng chúng ta cũng đồng thời thừa nhận rằng, đó là những giá trị to lớn chỉ có tầm vóc hữu hạn của nó. Ví dụ như, trước đây Hoa Kỳ và Trung Cộng đã chống đối nhau quyết liệt hằng chục năm, với những mưu vọng to lớn và những thiệt hại khổng lồ, lôi cuốn sự tham gia của hàng chục nước. Nhưng chu kỳ chống đối đã qua và kỷ nguyên hòa giải đã bắt đầu, rõ rệt là chủ trương chính trị nào đó, dù vĩ đại tới đâu, cũng chỉ có một tầm vóc hữu hạn trước khi lột xác thành một tầm vóc khác.

Chúng ta cũng đã tham gia hay dự khán biết bao tấn tuồng dâu bể thời cuộc và chính trị từ năm 1945 tới nay, trong đó có những vị anh hùng đã trở thành những tên phản bội ghê tởm nhất, người khả kính biến thành kẻ đáng phỉ nhổ, và ngược lại. Chúng ta đã thấy từng chính sách tiếp nối, từng chủ trương đổi thay, từng màn kịch đổi lớp. Tất cả, đã có những trường hợp tác động mãnh liệt vào cảm quan chúng ta, lôi cuốn chúng ta, như men rượu đã hấp dẫn người say. Rồi cuộc vui nào cũng có khi tàn, chén rượu nào cũng có khi cạn, người say nào cũng có khi tỉnh, đời ai rồi cũng có lúc chấm dứt, sự nghiệp nào rồi cũng nhận chịu sự phê phán của lịch sử. Lúc đó, quá khứ có thể làm chúng ta hãnh diện hay ghê tởm. Tất cả bắt đầu ngay từ ý thức và quyết định trong hiện tại của mỗi chúng ta.

Việt Võ Ðạo không hề lãnh đạm trước thời cuộc và sinh hoạt chính trị, nhưng ngược lại, Việt Võ Ðạo không phải là một đoàn thể hữu trách về sinh hoạt chính trị trước thời cuộc. Ranh giới giữa chính trị và chuyên môn bao giờ cũng là một thứ ranh giới chính xác, trong nhận thức của mọi người.

Nhưng những người Việt Võ Ðạo vẫn là những công dân của một quốc gia, có những quyền lợi và nghĩa vụ hiến định phải tuân hành; đồng thời, cũng là những con người nhục thể, cũng có những cảm quan và nhận thức như mọi người. Ðó là một ưu điểm và cũng là một nhược điểm, tùy từng giá trị và sự việc đúng hay sai. Sự phê phán đúng hay sai không phải là một việc lúc nào cũng khẳng định ngay được, do đó, các môn sinh Việt Võ Ðạo đều có 2 tư cách hành xử: là công dân khi muốn làm chính trị, và là môn sinh Việt Võ Ðạo khi sinh hoạt Việt Võ Ðạo.

Thời cuộc và sinh hoạt chính trị biến chuyển luôn, nhưng quan niệm hành võ truyền thống của môn phái vẫn đó. Xác định những quan hệ, những giới hạn để điều hướng sinh hoạt chung của môn phái, đó là ý thức chung của tất cả chúng ta trước biến chuyển lớn hiện tại của đất nước.