fbpx
skip to Main Content

Bước chân vào phòng tập Vovinam ở đướng Thủ Khoa Huân Saigon tôi không còn vụng vể như những ngày nhập môn ở phòng tập Hàng Vôi Hà Nội nũa. Tuy nhiên, qua một thời gian thiếu chuyên luyện, nhìn sàn xi măng bóng loáng cũng thấy ơn ớn, lạnh xương sống.

Nhưng một vài buổi, 1, 2 tuần lễ nhìn những tấm lưng, những gót chân gieo trên nền dắn oanh oách, thấy nóng máu, say say, thế là quên hết ngại ngần. Bây giờ mới tìm lại được những ngày Hà Nội say mê nền gạch hoa, những thế quăng đầu tiên, những mép tay văng mạnh bầm bập trên bắp thịt.

Nói đến những ngày Hà Nội tôi lại nhớ một người bạn tập cùng lớp mà tôi quên mất tên. Anh ta đen cháy vạm võ, nhất là nặng ký, khỏe như vâm nhưng … chỉ phải cái tội nhát ngã. Hồi ấy tôi lấy làm lạ rằng sao anh ta đô như thế mà không dám chịu đòn, hể bị đánh là như rằng cố gượng lại hoặc ngã trước. Mãi sau này tôi mới hiểu rằng quí vị to xác thì cứng quèo chứ không mềm dẻo, mà hể cứng khi gặp cứng hơn thì dễ … gãy. Cũng vì sợ gãy, hay sợ đau cũng vậy, anh bạn vừa kể trên cho chúng tôi một dịp để thưởng thức, không, không phải nói là chiêm ngững mới đúng hơn, 1 đòn tự do tay tuyệt diệu.

Hôm đó cũng như thường lệ, anh bạn ấy cứ cưỡng mãi, không chịu ngã. Mỗi lần đến lượt anh chịu đòn, tự do tay là y như anh nhẩy quẩng quẩng lên tựa như một con búp bê cuồng cẳng chứ chả chịu ngã cây thịt xuống sàn. Thế là cái đuôi xếp hàng chịu đòn được lệnh tách ra. Một cái vẫy tay: “Em ra đây, phải đánh và ngã như thế này mới được!” Và … Hấp! soạt! tiếng đế giày lướt trên mặt gạch, chiếu Blouson xanh lam soải rộng cánh, một lóe mắt sáng quắc, người võ sinh đổ và văng tuốt chân tường 3 thước hơn ! Hú vía !

Thôi! đứa nào đứa nấy le lưởi dài! Vừa thán phục vừa sợ! Ðẹp thì có đẹp thật! Như một con chim giang cánh! Như một làn sóng bạc đầu! Như một tiếng quát! Tất cả không kịp rùng mình nhưng đều có vẽ như mới bị rùng mình. Những lổ chân lông còn sởn gai lên. Im lặng như 1 phút mặc niệm. Trong khi đó với một cười thoáng nhẹ, dáng Anh Lộc bước những bước nghĩ ngợi về góc phòng. Buổi tập tiếp tục sau cái lưng oằn của người võ sinh gân guốc, đen khỏe.

Những lần như vậy kể ra cũng hiếm có lắm. Năm khi mười hoạ mới có kẻ hân hạnh được thực thụ … nếm đòn. Ðòn Anh đã ra thì ngọt và sắc như một nước dao khoang trên khúc mía đường chèo. Soẹt! Nom ngọt và gọn như một nét mác chém rất vừa, rất chính xác của một tay danh bút. Người học trò được thưởng thức đầy đủ cái tinh vi của thế ngã. Vừa tới để thấm thía nhưng không quá mức đến nổi nhớ mãi trong một giấc ngàn thu.

Dĩ nhiên chúng tôi ai cũng muốn xem cho khoái mắt và ghê mình những pha trứ danh như thế, nhưng dĩ nhiên – cũng dĩ nhiên – ít ai dám xin ra … lãnh đủ cả!

Tôi còn nhớ Anh Lộc rất nghiêm khắc với học trò về lối ra đòn. Phải đúng. Phải ngang bằng sổ ngay. Dạy sao đánh vậy. Thật gọn. Thật sát, ngổ mà ẩu, dữ mà rừng là y như bị mắng, chẳng sai bận nào. Hể mà một đòn, một cặp đánh sai là y như rằng hôm ấy cả lớp phải ngừng lại, ôn toát mồ hôi, cả chục lần, cả trăm lượt.

Có lần lớp tôi học, quãng 3 năm rồi, còn phải ôn gạt tay, chém, đấm đá… cả tháng rưỡi, hai tháng trời ở đường Nguyễn Khắc Nhu, chỉ vì có một anh bạn đánh miếng thẳng phải đầu bài một không vừa mắt. Mép tay chém mà bàn tay khum khum, ngón tay cong cong, đường tay khòng khòng. Chao! Thì cả lớp ráng mà căn bản lại vậy. Chứ biết làm sao bây giờ.

Thế rồi nào là dáng đứng, nắm đấm, né đầu, lấy sức vai búng chân, quắt ngón, bấm chặt mặt đất v.v… nhất nhất phải sửa hết, bao giờ vừa ý thì thôi. Vừa ý mới được học tiếp.

Một lần chúng tôi tập khóa dắt lối 2: bốp, nghoéo, voặt! …
Ðến lượt Tấn: “Ra đây chú!”, “nầy nhé!” …

Nắm tay phải, móc tay trái, giật, gập, vặn chéo, kéo xoắn, bước ngang sang, dí vai xuống, xách cổ tay lên: Ô, sao chân Tấn cứ nhón trên đầu ngón thế? Những bước chân Tấn đi trông chẳng khác gì 2 bàn tay của 1 chú đại hùng tinh lúc đi, quẹt quẹt, chấm chấm trên mặt đất vậy !

Cứ kể mãi đòn thế cũng nhàm, phải có gì khác chứ ? Vâng để xem nào! À, đây rồi! Tết ở Nguyễn Khắc Nhu, hôm ấy nào Tuấn, nào Hiền, nào Ðộ, nào Thông, nào Phúc, nào Bách …tề tựu cả họp nhau một lũ kéo tới.

Bánh pháo được bóc ra sắp hàng. Bách cầm cuống bánh pháo giơ ngang vai, quay mặt sang nhìn, pháo nổ toé khói, mùi thuốc thơm như Tết, xác pháo đỏ như mùa xuân không thiếu hoa đào. Ðốt pháo xong, chúng tôi ùa vào.

– Năm mới … ngồi quây quanh đây, các em uống trà hay uống rượu nào ?

Ðứa nọ nhìn đứa kia. Có gì lạ đấy nhé! A, đầu năm mới, Anh Lộc trong có vẽ vui vui, mắt cười hóm hỉnh. Ư, nhưng có gì không là lạ đấy nhé! Ừ, đây rồi! Vẫn chiếc blouson xanh của nghững ngày tháng cũ, những năm Vovinam của hàng Than, hàng Trống, hàng Vôi … Phải rồi, tháng năm trôi thời tiết thay đổi. Nhưng lòng người vẫn đứng vững đấy, màu áo vẫn xanh tuy sắc có phai. Nhưng tiết không đổi áo, học trò không đổi thầy, nét trung trực là ở đó, trung thực với mình, trung thực với người, trung thực với đất trời. Trong sáng và giản dị! Từng bấy nhiêu, có đủ cho một người học trò ngậm ngùi khi nghỉ lại, nhắc lại không?

Một lần chúng tôi đến Tết anh ở building Everest. Học trò xúm lại xin anh một bức ảnh để treo ở phòng tập. Cũng nhân đó nhắc lại những ảnh võ. anh bảo: “Hỏi anh Sáng xem anh Sáng còn giữ không! bao nhiêu ảnh anh giao cả cho anh Sáng giữ hết. Mình sống phải mạnh mới được. Hình ảnh chỉ làm mình nghĩ nhiều đến dĩ vãng. Mà hể nghĩ nhiều đến dĩ vãng thì còn thì giờ đâu nghĩ đến tương lai nữa. Con người võ sĩ hùng mạnh chỉ biết nhìn về phía trước mà tiến tới …” Nên anh không bao giờ giữ một tấm ảnh nào của mình cả.

Tôi nghĩ mãi về câu ấy. Ảnh. Dĩ vãng. Vâng, tôi không dám quên lời anh dạy. Nhưng quả tôi chưa xứng đáng là con người võ sĩ. Anh muốn cho môn đệ tiến tới, bởi vì … bởi vì bây giờ tôi đang sống lại … sống với anh ngày ấy, với ảnh, với dĩ vãng.

Dĩ vãng bừng dậy trong ký ức, tôi nhớ đến anh với buổi giảng luận bất ngờ. Ðông đủ một lũ học trò, anh vui vẽ nhân lúc khen Hùng: “hồi này chóng lớn nhỉ?”, lan man sang chuyện luyện tập, anh hỏi: “Thế, anh Sáng đã dạy cho các em luyện thân thép chưa?”
– Thưa anh, hồi này đang tập kéo dây, vặn gậy, vật …
“Ờ, cố lên nhé, phải có sức mới được. Sức cũng cần lắm. Võ sĩ mà chỉ mạnh không chưa đủ. Còn phải dai sức nữa. Ngày xưa các anh chàng to như con trâu mộng, khi chiến đấu chỉ lăn xả vào dùng sức mà lấn, mà xô như trâu, ấy gọi là ngưu quyền; lối đánh dùng sức mà nhảy nhót như khỉ, vượn… là hầu quyền, lối đánh mà chồm, vờn, dũng mãnh, hung bạo .. là hổ quyền… đại ý người ta thể theo cái năng thế của mỗi người, lựa một cách đánh riêng biệt từa tựa một loại, một giống, mà đặt tên cho bài bản để dễ phân biệt như ta gọi bài 1, bài 2, bài 3… rồi lại nhìn từng miếng, so sánh với hình dáng, cử động của người, của vật mà đặt tên cho đỡ quên, thí dụ: đồng tử hiến đào, mãnh hổ xuất động … cũng như ta nói tự do chân số 1, quặp cổ …”.

“Nhưng thôi, để khi nào hè hay ngày nghỉ, các em lên trên đồn điền chơi rồi lúc rảnh, anh sẻ chỉ cho mà tập thêm nhiều nữa. Bây giờ hãy cố gắng theo anh Sáng mà luyện kỹ đi mới được. Hãy để anh Sáng chỉ các em tập bài cho nhiều một chút lấy căn bản đã…chừng đỡ bận việc anh sẽ họp các em lại mà chỉ thêm.”

Chúng tôi vâng lời Anh dạy. Chuyên tâm thao luyện. Nhưng công việc đa đoan. Anh bận, bận mãi, rồi bổng anh mệt. Hết bận đến bệnh, thì giờ anh dành cho môn đệ còn được bao nhiêu?

Thế rồi một lần chúng tôi trở lại building Everest thăm Anh. Lần ấy, trong buồng khách rộng, nhân câu chuyện thời đàm nói về võ đài với nhưng võ sĩ Lèo, Anh bảo: “Các em chịu khó nghiêm cứu và bảo anh Sáng chỉ cho mà tập, tìm những góc cạnh thích hợp nhất để tốc chiến tốc thắng. Ngộ nhỡ một mai cần đến, chẳng là mang danh dân tộc mà lại đi dùng võ Hồng Mao hay võ Nhật hoặc võ Thiếu Lâm thượng đài sao? Chắc anh Sáng vẫn cho cho các em luyện thân thép đấy chứ ? Trông các em cũng khỏe cả. Thư khỏi hẳn cái đầu rồi chứ? Thỉnh thoảng có còn chóng mặt không? Thế mợ vẫn cho tập đấy chứ?”. “Ðược, cứ chịu khó tập đi, kỳ này anh khỏe rồi anh sẽ gọi các em lại mà giảng luyện thêm cho.”.

Chúng tôi vâng lời Anh, về tập hăng hơn trước. Chủ Nhật tờ mờ sáng đã đến Trần Hưng đạo từ 5 giờ hơn, 6 giờ, tập quần quật tới 11, 12 giờ. Nào tấn, nào quyền, nào bài, nào vật, nào đẩy cây, nào kéo thừng, rồi dao, rồi gậy …

Có đứa đi bộ từ Phú Thọ xuống. Có đứa đạp xe từ Tân Ðịnh , Phú Nhuận lên. Có những đứa vừa đi xa về là lại lăn vào tập. Người ở Huế vào. Kẻ ở Tây Ðức về. Hậu Giang lên. Cao Nguyên xuống. khắp nơi tụ lại.

Những môn đệ cũ của anh: Người Pháp, người Ðức, người Bắc Phi… tới tấp gữi thư, bưu thiếp … về thăm anh. Vovinam bừng lên, đây nguồn sống mới. Võ thuật độc đáo dân tộc tiến dần lên hàng nghệ thuật phổ cập quốc tế. Vovinam – Nguyễn Lộc dần trở thành những danh tính của thế giới ngữ trong đám môn đồ bốn phương.

Những ngày phục hưng còn đang cấp tiến, một sớm tin buồn lan ra, truyền đi. Từng lúm cây, từng ngọn cỏ, làn gió, cụm mây … màu tang nhuộm khắp.

  • Môn đệ đau vì mất một bậc thầy thương kính.
  • Môn phái đau vì mất đấng sinh thành.
  • Nghệ thuật đau vì mất nhà sáng tạo.
  • Võ đạo đau vì mất người lính tiền phong của thế kỷ.
  • Dân tộc mất bàn tay sắt đã từng đào tạo bao lứa con yêu cho đất nước.
  • Nhân loại mất trái tim từ ái với đôi mắt nhuốm nhiều thương xót…

Không, tôi không viết tiểu sử anh. Tôi cũng không xứng đáng viết tiểu truyện anh. Vì với võ đạo, tôi chỉ là một hạt bụi nhỏ trong khi anh là một vì sao chỉ hường. Không, tôi không xứng mà cũng không hứng viết tiểu truyện anh vì ngôn từ tôi nghèo thiếu, vì thuật quảng diễn trong tôi còn nông cạn. Bàn tay tôi, trái tim tôi, tôi tập, tôi học. Nhưng biết bao giờ tôi đọc được – từ trong vô minh của tiềm thức dân tộc, từ trong bản năng chiến đấu của nhân loại, từ trong đại hùng đại lực của kiếp người ngắn ngủi – biết bao giờ tôi đọc được những nét ngang bằng sổ ngay của nghệ thuật tốc thắng trong đấu tranh cho sự sống, danh dự và lẽ phải? Phải, biết đến bao giờ tôi theo gót được Anh trên con đường nâng cao võ thuật lên hàng nghệ thuật? Vâng, biết đến bao giờ tôi theo gót được Anh trên con đường phát hiện chân nghệ Thuật?

Nay thắm thoát đã 5 năm qua. Nhìn lại con đường tiến thủ, những thành quả của môn đệ kế nghiệp đâu đáng kể gì để làm thức dâng lên đấng sinh thành quá cố của môn phái. Lỗi tại hoàn cảnh ngoại lai cũng lắm, nhưng lỗi ở lòng mình cũng còn nhiều. Kỷ niệm của ngày 5 tháng năm đấng sinh thành môn phái qua đời, hởi tất cả các môn đệ và môn sinh của người, hãy đặt bàn tay lên trái tim – bàn tay thép và trái tim từ ái – để tỉnh lại một chớp mắt cuồng động, thành kính tưởng niệm về bậc thầy, đấng sáng tạo, tinh hoa của nghệ thuật. Và hởi tất cả, trước khi buông tay dời khỏi trái tim, chúng ta hãy nghĩ rằng chúng ta sẽ làm gì cho môn phái, cho dân tộc, cho thế hệ và cho tương lai của tiến bộ? Hãy đừng trả lời dấu hỏi bằng một dấu than! Ngày tưởng niệm của năm thứ 5, hãy phục hưng lên nữa, hởi tất cả Vovinam ! Như tất cả mọi ngày, nếu lich sử không làm cho chúng ta tiến bộ thì chúng ta hãy làm cho lịch sử tiến bộ bằng bàn tay thép và bằng trái tim từ ái !