Mục Lục
Chương 1: Anh Dũng và Hòa ái – Di chỉ của Võ Sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc
Chương 2: Hướng về Sáng Tổ
Chương 3: Tưởng niệm trong kính tiếc
Chương 4: Diễn từ của Võ Sư Chưởng Môn trong lễ tưởng niệm Sáng Tổ lần thứ 30
Chương 5: Nhân ngày tưởng niệm Sáng Tổ lần thứ 32
Chương 6: Nhân ngày tưởng niệm Sáng Tổ lần thứ 34
Chương 7: Tưởng niệm Sáng Tổ lần thứ 38
Chương 8: Diễn từ lễ tưởng niệm Sáng Tổ Vovinam Việt Võ Đạo lần thứ 39
Chương 9: Người ngồi đó –Thơ Quang Vũ
Chương 10: DIỄN TỪ VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG–Giổ tổ lần thứ 5 – 1965
Chương 11: DIỄN TỪ VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG–Giổ tổ lần thứ 6 – 1966
Chương 12: DIỄN TỪ VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG–Giổ tổ lần thứ 7 – 1967
Chương 13: DIỄN TỪ VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG–Giổ tổ lần thứ 8 – 1968
Chương 14: DIỄN TỪ VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG–Giổ tổ lần thứ 9 – 1969
Chương 15: DIỄN TỪ VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG–Giổ tổ lần thứ 10 – 1970
Chương 16: Diễn từ đọc trong buổi lễ tưởng niệm năm thứ 11 Võ Sư Sáng Tổ Việt Võ Đạo
Chương 17: Điếu Văn đọc trước mộ phần – do Võ Sư Chưởng Môn khóc điếu
Chương 18: Chân dung Sáng Tổ – Bác sỉ Đàm Quang Thiện
Chương 19: Sống bên Cố Võ Sư Sáng Tổ Môn Phái
Chương 20: Nhịp thở giữa phong ba
Chương 21: Những ngày học võ với Cố Võ Sư Sáng Tổ – Võ Sư Nguyễn Văn Thư
Chương 22: Vài kỷ niệm với Cố Võ Sư Sáng Tổ – Thanh Hữu
Chương 23: Võ học và đạo học – Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng
Chương 24: Tương quan giữa võ thuật và võ đạo
Chương 25: Cách Mạng Tâm Thân
Chương 26: Triết lý về võ đạo
Chương 27: Vài nét định hướng thể hiện nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo
Chương 28: Ba định hướng lập thân của người môn sinh Việt Võ Đạo
Chương 29: Quan niệm hành xử của người võ sư Việt Võ Đạo
Chương 30: Tiêu chuẩn tuyển chọn Chưởng Môn đời thứ III
Chương 31: Các thời kỳ võ học và đặc tính
Chương 32: Tiến trình thí võ và võ học hiện đại
Chương 33: Tuyên đọc vài nét về Sáng Tổ Nguyễn Lộc trong lễ tưởng niệm
Chương 34: Sơ nét về gia đình và phong thái của Võ Sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc
Chương 35:Diễn văn dựng tượng Sáng Tổ
Chương 36: Diễn văn khai mạc khóa Hội Thảo Toàn quốc
Chương 37: Vovinam phải tiến theo thời đại
Chương 38: Vài nét về Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng
********************************************************************
Chương 1- Anh dũng và Hòa ái – Di chỉ của Võ Sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc
1-Di chỉ thứ nhất: Anh Dũng
Mỗi môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo
Phải luôn trui luyện cho mình một thân thể cường tráng, một bản lãnh võ thuật uyên thâm. Đó là giai đoạn mở đầu của người học võ. Tiến lên bậc võ sư là đã có kiến thức về võ đạo và phải sống đời sống theo tinhthần võ đạo: Sống, Giúp Người Khác sống và Sống Cho Người Khác. Đó là phần Anh Dũng của Tâm Hồn.
Các võ sư phải tự thức nắm lấy phần trách nhiệm của mình trước sự tồn vong của Môn Phái, của Dân Tộc và của cả Nhân Loại nữa. Thấy điều phải còn rụt rè, thấy điều khó muốn thoái lui, cầu nhàn hưởng lạc thì quả thật chưa có sự Anh Dũng của Tâm Hồn.
Với tinh thần võ đạo đã được rèn luyện, chúng ta phải biết dùng bàn tay thép để bóp nát ngay trái tim vị kỷ ươn hèn của chính bản thân, mới mong sử dụng được vào đời. Có thế mới đủ tư cách mang tinh thần võ đạo và trở thành người có ích cho nhân quần xã hội.
2-Di chỉ thứ hai: Hòa Ái
Đố kỵ và tự cao, tự đại là hai liều thuốc độc giết chết Tái Tim Từ Ái. Đó là điều tối kỵ đối với người học võ. Hãy yêu người để được người yêu và nể trọng mình, hãy hòa với mọi người để được mọi người tin và đối xử chân thành với mình.
Hòa Ái là điều cốt lõi cho một tập thể ổn định, là nền tảng cho cả nhân loại đi đến hòa bình.
Chương2: HƯỚNG VỀ SÁNG TỔ
Ðể tưởng niệm Sáng Tổ, các môn đồ VOVINAM trên toàn thế giới, dù ở những vùng đất khác nhau, hãy ngẩng mặt lên cao nhìn chung về một hướng, dâng nén tâm hương lên anh linh Sáng Tổ với lòng nhớ ơn sâu sắc, và mặc nhiên chân thành gởi tới nhau một niềm tin sắt đá, một gắn bó tự nguỵện, bao dung thông suốt, quyết nối bước theo chân sáng tổ xây dựng một nền võ đạo cho dân tộc và nhân loại.
Ðẹp biết bao ý thức nhớ nguồn, kính Tổ, yêu thương, nâng đỡ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau ! Tình cảm đó sẽ cô đọng thành nghị lực kiên trì thể hiện sức mạnh tối linh, vượt trên lý luận thông thường, lập nên kỳ tích vang dội muôn đời.
Noi gương Sáng Tổ, học tập đức hy sinh quên mình của Người để môn phái tồn tại, phát triển. Người chỉ luôn nghĩ đến dân tộc và nhân loại, nên khi đặt tên môn võ do Người sáng tạo. Người đã gọi là VOVINAM chớ không gọi là Nguyễn Gia Môn hay TâySơn Môn. VOVINAM, một danh xưng quốc tế dễ học, dễ nhớ với âm thanh nhã, tân kỳ của một nền võ học độc đáo và sự uyên bác cao thâm của triết ngữ võ đạo nhân loại. Nhờ dung dị mà vượt thoát, phổ cập đại chúng mà hàm chức cao vọng xuyên suốt chân tình.
Do đâu Sáng Tổ có được óc linh mẫn đến thế nếu không là tinh thần xã kỷ vị tha, biết hòa mình vào cuộc sống, giúp người khác sống và sống cho người khác.
Trong tự nhiên, vạn vật có muôn ngàn khác biệt về hình tướng, nhưng cùng một quy luật sinh tồn nên cần chan hòa bổ túc cho nhau, vừa tự sinh tự dưỡng, vừa tương sinh tương dưỡng để cùng nhau hoàn thành sự sống.
Lần về cội nguồn là đi tìm điểm tương đồng trong dị biệt, ngõ hầu tương thông tương nhượng góp sức phát huy sinh lực tổng thể. Sống là sống trong liên kết. không có sự sống đơn lẽ. Các phần tử phải hoạt động đồng bộ, tạo sinh lực cho tổng thể. Nguồn sinh lực tổng thể miên trường vô tận này sẽ phân phát hổ trợ lại các phần tử. Dòng sinh lực không tuôn chảy từ cội nguồn, sinh mệnh tập thể lập tức đứt đoạn.
Hướng về gốc Tổ, để cảm biết rằng, chúng ta mỗi người đều có một mãnh đời riêng cần ấp ủ, nâng niu, nhưng cùng một đích sống, chung một hướng nhìn và quyết tâm hướng tới. Nên phải biết vượt qua những khác biệt, những hơn thua nhất thời, giải quyết sự việc có tình, có lý mà hòa hợp bao dung, trao đổi kinh nghiệm, thực hiện lý tưởng. Ðích chung đã đạt thời đời sống riêng tư phải có ý vị, hạnh phúc. Hạnh phúc gắn liền với tín nghĩa trung chính, gán cái Tôi vào cái Ta, từ ngoại cảnh đến nội tâm.
Có mâu thuẩn mới có tiến bộ, nhưng phải là mâu thuẩn thúc đẩy vận động,chứ không xung phá gây loạn. Ðộng là phát triển trở thành, Loạn là tàn lụi hủy dịêt.
Theo thời gian, Sáng Tổ đã về cõi vô hình. Hình tượng Người còn đó, nhưng chỉ là di ảnh. Chân dung đích thực của Người tồn tại gắn bó với đời sống là Cách Mạng Tâm Thân. Cách Mạng Tâm Thân chính là cội nguồn, là tiếng gọi của Sáng Tổ nhắn nhủ các thế hệ môn đồ chân thành nối tiếp nhau liên tục vững bước.
Chúng ta phải hành hương về gốc Tổ theo tinh thần và ý hướng đó. Vì chỉ cuộc hành hương thực hiện cuộc Cách Mạng tâm Thân, màu võ y của chúng ta mới vượt không gian, còn mãi với thời gian.
Con đường phục vụ và giúp ích con người của VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO đang triển khai lớn rộng. Một tương lai chân, thiện , Mỹ đang bừng bừng tỏa sáng trước tiến trình nhân loại.
Toàn thể môn đồ chúng ta thành kính dâng hương, cùng nhau sánh bước tiến lên.
Chương 03: TƯỞNG NIỆM KÍNH TIẾC LÀ LUÔN KẾ TỤC TÂM NGUYỆN CHÍ HƯỚNG BẬC THẦY ÐÃ KHUẤT.
4 – 4 – năm Canh Tý (1960): Một ngôi sao sáng trên bầu trời võ học Việt Nam đã lặn – Võ Sư Nguyễn Lộc từ trần. Từ đó, hằng năm, các môn đế kế nghiệp tổ chức Lễ Tưởng Niệm với tấm lòng chan chứa tiếc thương.
Nước nhà trải qua bao biến động thăng trầm, suy thịnh, do vậy, Lễ Tưởng Niệm Sáng Tổ có năm chỉ tổ chức thu hẹp với các nghi tiết kính lễ và tảo mộ đơn giản, có năm được tổ chức thật trọng thể với đầy đủ đại diện các nơi về tham dự trong không khí đại gia đình VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO. Trong mỗi kỳ Lễ tưởng niệm, võ sư chưởng môn tuyên đọc một bài hiểu thị hay diễn từ tùy theo nghị trình buổi lễ.
Dưới đây là vài bản … trong những văn kiện võ sử này, để chúng ta cùng nhau ôn thảo những giá trị tinh thần của buổi lễ: Tưởng Niệm trong Kính Tiếc và luôn kế tục Tâm Nguyện, cũng như Chí Hướng bậc Thầy đã khuất.
Chương 04-DIỄN TỪ CỦA VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN Ðọc trong Lễ Tưởng Niệm Sáng Tổ lần thứ 30
Và Lễ Thăng Ðai Khoá 2/1990 của môn phái Vovinam Việt Võ Ðạo
Trước: – Khí thiêng sông núi
Trước: – Anh linh các bậc tiền nhân
Trước: – Di cốt và chân dung Sáng Tổ
Nhân danh môn phái Vovinam tôi long trọng tyên bố công nhận lễ thăng đẳng cấp của các tân khoa hôm nay.
Các Tân khoa thân mến,
Lể thăng đai hôm nay vô cùng trang trọng vì được tổ chức gắn liền với lễ Tưởng Niệm Sáng Tổ Môn Phái, bậc thầy muôn thưở đã khai sáng một nền võ đạo cho dân tộc và nhân loại.
Trong tuần lễ Tưởng Niệm này, các môn đồ Vovinam trên khắp thế giới, dù ở những vùng đất khác nhau, đều ngẩng mặt lên cao nhìn chung về một hướng, dâng nén tâm hương lên anh linh SángTổ với lòng nhớ ơn sâu sắc, và mặc nhiên chân thành gởi đếnnhau – những người con yêu của đại gia đình Vovinam cả trong và ngoài nước – một niềm tin sắt đá, một gắn bó tự nguyện, bao dung, thông suốt. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng:
Mọi nghi thức tưởng niệm, mọi tấm lòng thiết tha gằn bó đều trở nên vô nghĩa, nếu mỗi người môn đồ chúng ta không hòa mình vào mạch sống đã được Sáng Tổ khơi nguồn, không vững tiến trên con đường Sáng Tổ chỉ hướng. Nếu mỗi chúng ta không liên tục thực hiện cuộc Cách Mạng Tâm Thân, thì cho dù chúng ta đang mang trên người bộ võ phục màu xanh của biển cả với đai vàng, đai đỏ hay đai trắng cũng chưa phải là môn đồ Vovinam đúng nghĩa.
Giá trị cao quý của dây đai Vovinam phải luôn luôn được hiển lộ trong những việc làm thực tế hằng ngày, những việc làm bình thường nhưng cần thiết trong đời sống, để trong gia đình là người cha hiền, con hiếu, trong môn phái là người môn sinh thuần cẩn, kiên trung, ngoài xã hội là người công dân thủy chung tín nghĩa, giàu tinh thần phục vụ. Và nhất là đời sống phải minh bạch hiên ngang, không từ nan những gian lao khổ hạnh.
Mỗi lần thăng cấp là để ghi dấu một đoạn đường tiến bộ, để khích lệ người môn sinh phấn khởi hăng say hơn nữa trong chuyên cần tu dưỡng và rèn luyện, chớ không phải để hãnh diện, tự mãn rồi dừng lại nghỉ ngơi. Môn phái chúng ta ngày càng phát riển rộng lớn, càng đòi hỏi người môn đồ yêu môn phái ý thức trách nhiệm lớnlao hơn. do đó, muốn xứng đáng là võ sư, huấn luyện viên chân chính, chúng ta phải hàng ngày ôn luyện võ thuật, mở mang kiến thức qua sách vở, tìm hiều chung quanh và ổn định nộâi tâm để có phương hướng cho đời sống riêng tư, mới mong chu toàn được trách vụ môn phái giao phó.
Thời đại này là thời đại khoa học. Mọi ngành nghề, mọi hiện tượng chỉ được chấp nhận và phổ biến qua nhãn quan khoa học, tức phải rõ ràng, chính xác và hợp lý. Không có chổ cho sự dựa dẫm, kém tài. Bởi vậy, người môn đồ yêu môn phái, phải bắt đầu xây dựng từ bản thân, nghĩa là, trước hết, chúng ta phải sống với tất cả lửa sống tiềm tàng ở trong tâm thân, phải kiện toàn con người của mình để có thực tài,thực trí, thực đức. Kế đó, chúng ta dùng tài đức đã có dìu dắt hướng dẫn tha nhân để họ cũng hưởng được cuộc sống lành mạnh ý vị như mình, chớ không bao giơ ølấn át giành giật quyền sống của họ. Cao hơn, trong những trường hợp cần thiết và xứng đáng, chúng ta phải biết hy sinh cả vật chất lẫn tinh thần, đôi khi cả mạng sống của mình nữa cho người. Ðó là 3 phần vụ sống của người môn đồ Vovinam Việt Võ Ðạo phải ghi nhớ và thực hiện:
- Sống
- Giúp người khác sống
- Và sống cho người khác.
Hôm nay tưởng nhớ đến công đức của sáng Tổ, chúng ta hãy cùng nhau nguyện nối bước chân Người, luôn luôn thực hiện cuộc cách mạng tâm thân,xây dựng một nền võ đạo cho dân tộc và nhân loại.
Cầu xin Sáng Tổ phù hộ và soi đường cho chúng ta hoàn thành trách vụ.
Chương 05-DIỄN TỪ CỦA VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN Nhân ngày Tưởng Niệm Sáng Tổ lần thứ 32 – 1992
Các môn đệ thân mến,
Nhân mùa tưởng niệm Cố Võ Sư Sáng Tổ lần thứ 32 (1960 – 1992) vừa qua, với tư cách Chưởng Môn, tôi hân hoan gửi lời chúc mừng và khen ngợi về hết thảy những hành xử mà toàn thể các môn đệ trên thế giới đã thực hiện, giúp môn phái vượt qua những thử thách đầy cam go để thăng hoa, phát triển.
Ðó là những thành quả to ớn đủ để đưa môn phái bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ Nguyên Võ Ðạo, nhằm phục vụ, giúp ích Con Người.
Cùng với hệ thống Vovinam căn bản vừa hoàn chỉnh, tôi đại diện môn phái đã kính dâng lên anh linh Sáng Tổ chặng tiếp nối: NHÂN VÕ ÐẠO.
Tuy qua nhiều sóng gió bất ổn, phân hóa là điều bắt buộc, nhưng có tổ chức và đầy tính Võ Ðạo đã đưa môn đồ Vovinam tỏa khắp thế giới để hành đạo. Một sự phân hóa định mệnh, truyền thống mà từ ngàn xưa Thủy Tổ Rồng Tiên đã thực hiện để lập quốc , để bảo đảm sự sinh tồn cho Việt Tộc.
Sự kiện nầy đã chuẩn bị cho việc đưa môn phái vào kỷ nguyên mới. Chúng ta đã trực tiếp noi theo di huấn Sáng Tổ, bằng sáng kiến do khối óc, con tim, do khổ công rèn luyện, nêu cao ngọn đuốc cách mạng tâm thân nơi mình và soi sáng mọi người.
Ðích tới của chúng ta ngày một rõ ràng, đậm nét. Nơi đó chắc chắn sẽ là địa điểm đoàn tụ, trong một ngày gần đây qua tập thể môn đồ tâm huyết, đang từ nhiều con đường, từ nhiều điạ phương tiến tới. Muốn tới đích một cách thanh thản, ung dung, người môn đồ Vovinam – Nhân Võ Ðạo phải đoạn tuyệt với dĩ vãng, kể cả những dĩ vãng vàng son, tốt đẹp hay sai trái, đau thương.
Bởi vì cái Ðúng của quá khứ sẽ giảm đi hoặc thậm chí không còn đúng với hiện tại, nếu ta không tiếp tục làm đúng. Ngược lại, cái Sai trong quá khứ nếu biết sửa đổi và làm đúng với hiện tại thì là một hành động đáng đề cao. Ðã là con người thì khó có ai tránh được lỗi lầm. Có lỗi mà không biết, đó là tự che dấu. Biết mà không sửa thì đó mới thực là có lỗi.
Nhà phật nói: buông dao đồ tể thì thành Phật
Thiên Chúa với Thánh Phêrô chối Chúa và khi hối lỗi đã trở thành vị Thánh tông đồ số một.
Như vậy, biết lỗi đã là người tốt, quyết sửa lỗi là người Hiền. Dứt bỏ lỗi lầm, chỉ làm đúng, đó là cách hành đạo của một Nhân Võ Ðạo Sinh.
Chúng ta phải hiểu rõ rằng: Với lý tưởng, với đích sống cao cả không có hơn, thua, thành bại, cao thấp. Lý tưởng tốt đẹp chẳng bao giờ dành riêng cho một cá nhân, một nhóm người nào. Và đích Sống Cao cả không bao giờ từ chối bất cứ một ai tiến tới.
Chính vì thế, chúng ta chỉ có mỗi một công việc, đó là: Hành động ÐI và LÀM. đi tới đích và làm tất cả những gì để tới đích với quan niệm: Ði, khuyến khích mọi người Ði và giúp người khác Ði. Muốn thế, chúng ta phải HÒA với tất cả. Giữ hòa khí nhưng không bè phái về hùa với ai cả. Phải Tôn Sư, nhưng Trọng Ðạo. Thấy thầy sai phải góp ý xây dựng chứ không thể hùa theo.
Phương châm hoạt động củ amôn đồ VOVINAM tiếnlên NHÂN VÕ ÐẠO trong giai đoạn sắp tới, gồm:
- Ðoạn tuyệt quá khứ, im lặng làm việc.
- Kiện toàn hệ thống kỹ thuật VOVINAM ở cả hai lĩnh vực: Rèn luyện và Truyền Bá.
- Biểu hiện tính đạo: Nhường nhịn, tha thứ và hy sinh để phục vụ, giúp ích CON NGƯỜI.
Trong sứ vụ Chưởng Môn, tôi sẽ là người đầu tiên thực hiện ba phương châm trên.
Thân ái chào toàn thể các môn đệ.
Chương 06-DIỄN TỪ CỦA VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN Nhân ngày Tưởng Niệm Sáng Tổ lần thứ 34 – 1994
Các môn đệ Vovinam Việt Võ Ðạo thân mến,
Năm nay, chúng ta lại làm Lễ Tưởng Niệm Sáng Tổ trong nhiều hoàn cảnh và không gian hạn hẹp khác nhau. Trong một cảnh huống thế giới và đất nước đang bước vào một vận hội lịch sử mới với biết bao thuận lợi và khó khăn đang chờ đợi.
Thế giới đang đổi thay với tiến độ phát triển về khoa học kỹ thuật cùng với những xung đột mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính trị, kinh tế. đồng thời, chúng ta cũng đang sống trong một tình huống đặc biệt: Cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác, cái tập trung và cái phân hóa, hầu như đang cùng phát triển đồng bộ, đôi khi lại như hòa nhập, hỗn tạp và tác động lẫn nhau tới mức không còn phân biệt được nữa.
Ðất nước cũng đang đổi thay. Mỹ đã bỏ cấm vận để giao thương trở lại bình thường với Việt Nam. Nhiều triển vọng mới hứa hẹn với chúng ta – cũng như mọi ngành nghề khác. Các dịch vụ giao tiếp với thế giới bên ngoài sẽ bộc phát, đem đến nhiều tư trào mới lạ, và cũng đồng thời đem đền nhiều thuận lợi và khó khăn đột biến hơn. Do đó, ngay từ bây giờ chúng ta phải kiệân toàn tâm thức bản thân và nội bộ, định rõ hướng đi, để bước vào thời kỳ chuyển biến mới.
Kiện toàn tổ chức của mỗi nơi, hướng chung về một đích.
Suốt 19 năm qua, môn phái chúng ta phát triển ra nhiều địa bàn quốc tế, mà thiếu lãnh đạo tập trung, nên không tránh khỏi cảnh: Giang Sơn nào Anh Hùng nấy. Phương tiện giao lưu hạn hẹp những cơ hội thông tin, học hỏi lẫn nhau hạn chế, nên đã nãy sinh những việc làm tiêu cực, không ăn khớp với nhau. Mùa Tưởng Niệm lần thứ 34 này, môn phái chúng ta phải kíp thời chấn chỉnh để tăng cường khả năng hòa nhập vào hoàn cảnh mới. Chúng ta phải từ bản thân đề ra được phương án nào điều chỉnh kiện toàn hiệu quả nhất.
Tu dưỡng toàn diện: Tự Cách Mạng tâm Thân.
Chúng ta phải tu dưỡng toàn diện về võ học, văn hóa, đạo hạnh, kỹ thuật, nghiệp vụ v.v… Sao cho mỗi môn sinh là một hạt nhân tốt có đủ khả năng kế thừa những lớp võ tiền bối, đứng ra quảng phát, điều hành môn phái.
Tạo được ảnh hưởng tốt ở chung quanh.
Muốn vậy, chúng ta phải thủy chung, tín nghĩa, khiêm nhường và đôn hậu. Nhất là phải giàu tinh thần phục vụ. dấn thân giúp tiến, hiến ích cho nhân quần xã hội.
Trước mắt chúng ta là đỉnh cao năm 2000, môn phái phải quảng phát rộng lớn, cùng khắp để từ VIỆT VÕ ÐẠO tiến lên NHÂN VÕ ÐẠO. Muốn được vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta phải tập trung khả năng vào việc xậy dựng một thế hệ môn sinh kế thừa, có đủ khả năng và tinh thần Cách Mạng Tâm Thân đảm đương xứ vụ.
Tôi khẩn thiết kỳ vọng ở các môn đệ.
Cầu xin anh linh Sáng Tổ phù hộ và soi đừng cho tất cả chúng ta.
Thân ái !
Mùa Tưởng Niệm Sáng Tổ 1994.
Chương 07-DIỄN TỪ CỦA VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN Nhân ngày Tưởng Niệm Sáng Tổ lần thứ 38 – 1998
Các Võ Sư và Huấn luyện Viên thân mến,
Hàng năm, cứ đền những ngày đầu tháng Tư âm lịch, để tưởng niệm công đức Sáng Tổ, các môn đồ Vovinam Việt Võ Ðạo từ khắp bốn phương đều hướng tâm tư tìm hiểu cội nguồn môn võ mình đang tập. Không chỉ là tìm hiểu những nét đặc thù của một nền võ thuật hiện đại, mà còn thâm nhập để tìm hiểu chiều sâu tiềm ẩn của một nền võ đạo bắt nguồn từ đạo học Ðông Phương được hun đúc qua bao biến động của đất nước, của nhân loại mà tác thành môn phái vovinam Việt Võ Ðạo.
Chúng ta đều biết, mọi thực thể có hình tướng trên thế gian này đều bị chi phối bởi chu kỳ vận hành của trời đất và nhịp thịnh suy của vạn vật. Do vậy, môn phái chúng ta cũng phải hòa mình vào vận nước, khắc phục khó khăn trở ngại để tồn tại và phát triển, Nhu cầu phát triển rộng lớn hiệïn nay, đòi hỏi môn phái Vovinam Việt Võ Ðạo phải vững về tổ chức, mạnh về nhân sự qua sự phân công điều hành hợp lý. Chúng ta cần phối hợp hài hòa tính dân chủ bình đẳng với truyền thống tôn sư trọng đạo và nghĩa tinh huynh đệ đồng môn trong quan niệm và bổn phận mà nhường nhịn, sẳn sàng hổ trợ, bổ khuyết cho nhau, biết tự lượng sức mình mà nhận cộng việc hợp với khả năng, lấy sự chu toàn trách nhiệm làm trọng chứ không bao biện tranh giành.
Năm nay cũng là chu kỳ 60 năm kỹ niệm ngày khai sáng môn phái (1938 – 1998). Từ ngày lập phái, Vovnam Việt Võ Ðạo đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách để tồn tại, phát triển. Trong quá trình hoạt động, môn phái đã có những đóng góp lớn lao trên nhiều lãnh vực, trong mọi cảnh huống và tình huống lịch sử của đất nước. Chúng ta hiện đang sống trong những năm tháng cuối cùng của thế kỷ 21 tới đây sẽ đặt trước chúng ta những vấn nạn mới, những thử thách mới. Do đó, trong tương lai, môn phái Vovinam Việt Võ Ðạo phải làm sao để không chỉ đem lại cho dân tộc và nhân loại những giá trị triết lý về sự sống vượt thoát trong tinh thần hào hiệp nhập thế đặc thù của tinh thần võ đạo, mà còn đóng góp những giá trị đức lý đặc biệt trong việc phổ cập ý thức công dân và tinh thần nhân bản trong mọi ngành sinh hoạt xã hội.
Nhân đây, tôi muốn lưu ý các môn đệ một yếu tố quan trõng trong sinh hoạt môn phái, đó là: Tập thể Vovinam Việt Võ Ðạo của chúng ta được kết hợp do Tâm Ước để theo đuổi và thực hiện mục đích cao cả mà Sáng Tổ Nguyễn Lộc đã chỉ hướng. Uy quyền của các cấp lãnh đạo, chỉ huy trong bản phái là ở khả năng chuyên môn và tinh thần phục vụ cao cả.
Do đó, quyền uy là phương tiện mà người lãnh đạo chỉ nên dùng để an định mọi bất ổn, điều hòa mọi mâu thuẩn. Nhờ uy quyền để điều hành công việc, song phải có đạo đức, tín nghĩa để phục vụ và cảm hóa người, để điều động, sử dụng được tài năng của người và nhất là tận dụng được toàn bộ nhân lực của bản phái. Ðược vậy, chúng ta mới tâïp hợp được nội lực tập thể trong công cuộc xây dựng, phát triển nền võ đạo cho dân tộc và nhân loại. Trước cao trào phát triển trong tương lai, hướng đi thích hợp cho môn phái hiện nay là:
- HỢP NHẤT TINH THẦN, TƯ TƯỞNG:
Và tự thân môn đồ phải chủ động dấn thân làm việc , thúc đẩy mọi người cùng làm việc. - HỢP NHẤT Ý CHÍ:
Và tự thân mỗi người phải sống mẫu nực để tạo uy tín trogn xã hội. Phải tín nghĩa, thủy chung, khiêm nhượng, đôn hậu và giàu tinh thần phục vụ công ích. - HỢP NHẤT HÀNH ÐỘNG:
Và hết lòng quan tâm xây dựng thế hệ kế thừa có đủ khả năng, trí thức, tâm hồn và tinh thần Cách Mạng Tâm Thân để trao dần trách nhiệm cho họ.
Ðó là việc làm mà tất cả hàng ngũ môn đồ Vovinam Việt Võ Ðạo phải góp phần trong sự nghiệp xây dựng, phát triển môn phái. Và đó cũng là tinh thần uống nước nhớ nguồn của môn đồ Vovinam Việt Võ Ðạo trong những ngày thiêng liêng này.
Mùa tưởng niệm năm nay, chúng ta thành tâm tưởng nhớ các môn đồ Vovinam đã quá vãng. Dẫu không còn sống nữa song họ vẫn hiện hữu trong các hoạt động của môn phái. Chúng ta tôn trong và đánh giá cao những đóng góp của họ.
Kính xin anh linh Sáng Tổ chứng giám, độ trì và soi sáng bước đường hành đạo cho tất cả chúng ta được sống tự hào với danh xưng của người môn đồ vovinam Việt Võ Ðạo.
Thân ái!
Chương 08-DIỄN TỪ VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN TƯỞNG NIỆM SÁNG TỔ LẦN THỨ 39 – 1999
Các Võ Sư và Huấn Luyện Viên Vovinam Việt Võ Ðạo thân mến,
Hàng năm, mỗi lần tổ chức Lễ Tưởng Niệm Sáng Tổ môn phái là một dịp để người môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo chúng ta nêu cao niềm tự hào, phấn khởi về những thành quả đã đạt được, đồng thời nhận rõ hơn về bổn phận và trách nhiệm của mình đối với môn phái, cùng những khó khăn thử thách phải vượt qua để đưa sự nghiệp môn phái tiến lên không ngừng phát triển rộng khắp thế giới.
Chúng ta tưởng niệïm Sáng Tổ bằng tất cả trái tim chân thành, bằng tâm đạo, chúng ta tự nhìn lại mình, tư kiểm điểm bản thân, rồi nhìn lại nhau, rút tỉa ra những ưu khuyết điểm mà bổ túc cho nhau, để thắt chặt thêm nghĩa tình đồng môn đồng đạo trong sinh hoạt phát triển môn phái. Chỉ có vậy chúng ta mới đi đúng con đường cách mạng tâm thân do Sáng Tổ chỉ hướng. Chúng ta không ngừng nỗ lực kiện toàn bản thân trên ba phương diện: Trí – Ðức – Thể, để có thực Trí, thực Ðức, thực Tài. Có thực Trí, thực Ðức, thực Tài chúng ta mới có thể tin chắc là mình đã hiểu biết đúng sự việc, mới được mọi người tán đồng, tâm phục tiếp tay góp sức và việc làm mới có kết quả tốt.
Ngoài ra, khi lãnh trọng trách thực hiện công ích, chúng ta phải để ra ngoàøi mọi toan tính riêng tư hạn hẹp, hay nói cách khác, chúng ta nên hòa nhập cái riêng vào cái chung, lấy cái chung của tập thể làm cái riêng của mình, thì công tư đều toàn vẹn. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người môn đồ Vovinam Việt Võ Ðạo cũng giữ được phẩm chất, được tâm đạo, làm chủ được mọi hành vi của mình trong đời sống, trên tinh thần tương thông, tương ái, tương nhượng và chúng ta làm việc với tất cả tinh thần cống hiến, vô tư, bất vụ lợi.
Giờ đây, trước di cốt và chân dung Sáng tổ, chúng ta hãy cùng nhau lắng tâm tư, suy ngẫm về cội nguồn môn phái, trên những chặng đường đã qua rồi đúc kết lại thành những kinh nghiệm quý giá làm nền tảng vững chắc cho nhu cầu đồng tiến phát triển. Thể hiện được tinh thần này vào trong đời sống, trong mọi sinh hoạt Vovinam Việt Võ Ðạo và cả trong sinh hoạt đời thường là bổn phận của mỗi người môn đồ Vovinam Việt Võ Ðạo nhớ nguồn, kính tổ.
Kính cầu xin anh linh Sáng Tổ chứng giám, phù hộ và soi sáng bước đường hành đạo của chúng ta.
Chương 9-Người ngồi đó – Thơ Quang Vũ
Người ngồi đó, trang nghiêm, tư lự
Người ngồi đó, trầm ngâm, nhìn theo lịch sử
Trang sách trên tay, cuốn tròn xa vời
Nét mặt thép đanh, lắng nghe dòng nước, cuồn cuộn trôi
Kià! Lớp lớp hàng hàng, hiên ngang lẫm liệt
Tiếng thét quật cường, bừng bừng, hồn việt
Tất cả hiên ngang, ngàn trước ngàn sau
Tất cả hòa nhập, rồi loãng tan, vào hùng ca Việt sử
Người vẫn ngồi đó, trầm tư định hướng
Phải làm sao, LÀM LẠI CON NGƯỜI
Cách mạng tâm thân từ đó, vào đời
Người vẫn đó, an nhiên, tin tưởng
Người vẫn đó, lớn bồng lên, thành thần tượng
Mĩm cười trong tình Võ Đạo đời đời!
TẤT-CẢ-CHÚNG-TA-LÀM-LẠI-CON-NGƯỜI
Chương 10: DIỄN TỪ VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG (Giổ tổ lần thứ 5 – 1965)
Các Việt Võ Ðạo sinh thân mến!
Cũng như 5 năm về trước, vào ngày mồng 4 tháng 4 âm lịch, hôm nay chúng ta hãy cùng nhau chân thành tưởng niệm đến vị Sáng Tổ môn phái đã khổ công tận tụy suốt đời mình để phát huy một phương pháp huấn luyện thân thể với một kỹ thuật đấu tranh hữu hiệu cho những con người yếu muốn vượt lên khỏi những bất công của đời sống, để mà được sống xứng đáng, để mà làm cho mọi người đều được sống xứng đáng.
Nhưng, tưởng niệm đối với chúng ta không phải chỉ có tính cách tiếc thương một dĩ vãng xa xăm không bao giờ trở lại, mà chính là một lễ nghi vừa tỏ lòng chung thủy với vị Sáng Tổ môn phái, vừa kiểm thảo lại những hoạt động của chúng ta đã làm được những gì cho thế hệ tương lai để xứng đáng với tấm lòng kỳ vọng của vị Sáng Tổ đã gởi gấm nơi chúng ta
Ngày mà vị Sáng Tổ kính mến của chúng ta từ giả cõi đời, chính là ngày báo hiệu một giai đoạn sinh hoạt mới của môn phái, là dịp để các môn đệ của Người thứa kế sự nghiệp của Người để lại, sao cho xứng đáng với tôn chỉ chung, với sinh hoạt tập thể và đời sống tinh thần của người môn sinh Vovinam. Với ý thức đó, hẳn chúng ta đều hiểu rằng: Ðiều mà anh hồn vị Sáng Tổ môn phái trông chờ ở các môn đệ của Người, không phải là các môn đệ của Người đã làm được những gì để khóc than cho ngày húy nhật của Người mà là các môn đệ của Người đã làm được những gì cho sự nghiệp của người để lại nói riêng, cho nền võ đạo của dân tộc nói chung.
Mỗi năm tổ chức ngày Tưởng Niệm vị Sáng Tổ môn phái, giấc mộng bình sinh của Người lại bừng sống dậy trong tim óc chúng ta để chúng ta có dịp tự kiểm thảo những hành động và tư cách của chính bản thân chúng ta.
Hơn ai hết, và hơn bao giờ hết, người môn sinh Vovinam chúng ta phải là lớp người tiền phong có trách nhiệm về sự phát huy và bảo vệ những tinh hoa trong đời sống, làm thăng hoa phẩm giá con người. Ðất nước đang mong chờ chúng ta, võ thuật và võ đạo đang kỳ vọng nơi bàn tay xây dựng của chúng ta để kiện toàn, hưng vượng.
Chương 11: DIỄN TỪ VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG (Giổ tổ lần thứ 6 – 1966)
Các Việt Võ Ðạo sinh thân mến ,
Hằng năm tổ chức lễ tưởng niệm để nhớ đến công đức Võ Sư Sáng Tổ, cũng là dịp để chúng ta tự kiểm lại tư cách và những hoạt động của chúng ta đã làm được những gì để xứng đáng là người môn sinh Việt Võ Ðạo, xứng đáng với tấm lòng kỳ vọng của Võï Sư Sáng Tổ đã gởi gấm nơi chúng ta.
Về phương diện võ thuật, luôn luôn môn phái chúng ta khiêm nhường, cũng như luôn luôn cố gắng kiện toàn chương trình huấn luyện, song chúng ta phải tin tưởng ràng: Võ thuật Vovinam không thua sút bất cứ một môn võ nào. Nhưng nếu chỉ tiến bộ về phương diện võ thuật không thôi thì chưa phải là mục đích mà Võ Sư Sáng Tổ đã tận tụy hy sinh xây dựng suốt cả cuộc đời, chưa phải là mục đích mà tất cả những vị võ sư kế tiếp đang cố gắng bảo tồn, phát huy và quảng bá.
Nếu Vovinam Việt Võ Ðạo chỉ được mọi người trọng nể bởi những đòn thế tự vệ và phản công hữu hiệu thì chưa phải là điều đáng mừng. Chúng ta phải làm sao cho mọi người khi nhắc đến tới Vovinam Việt Võ Ðạo đều mang một tấm lòng kính ngưỡng về tư cách, tinh thần và ý chí của người môn sinh Việt Võ Ðạo. Trong dịp lễ Tưởng niệm Võ Sư Sáng Tổ này, chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta phải làm gì để thể hiện tâm đạo truyền thống đó.
Vovinam không phải là một giai cấp thăng vượt trên mọi giai cấp, cưỡng ép các giai cấp khác phải trọng nể và phục vụ mình, Trái lại, từng lớp Việt Võ Ðạo phải hòa mình vào đại chúng, phải góp mặt trong mọi ngành sinh hoạt của xã hội.
Sự khác biệt của chúng ta với mọi người không phải ở đẳng cấp xã hội mà ở tư cách, tinh thần và ý chí. Cũng là một chính khách song chính khách mang danh Việt Võ Ðạo sẽ được quốc dân ngưỡng vọng, tin tưởng. Cũng là bác sĩ, song bác sĩ mang tinh thần Việt Võ Ðạo sẽ tận tụy với nghề nghiệp. Cũng là thương gia, song thương gia của Việt võ Ðạo sẽ là những thương gia lương hảo, chính trực. Cũng là công nhân, song công nhân thấm nhuần tinh thần Việt Võ Ðạo sẽ được chủ nể vì, bạn đồng nghiệp thương mến.
Trong hàng ngũ Việt Võ Ðạo sinh các em hiện nay phần nhiều là sinh viên hoc sinh. Vậy các em phải hành xử sao cho phụ huynh các em hoàn toàn tin tưởng nơi các em, và khi giao du với các bạn bè chưa theo tập vovinam Việt Võ Ðạo, các em phải gây được sự tín nhiệm nơi các phụ huynh đó, là con em của họ đã biết chọn bạn mà chơi, đã được những ảnh hưởng tốt do các em mang lại. Cái giá trị thực tiển Việt Võ Ðạo là đấy.
Trong lúc tưởng niệm đến công đức của Võ Sư Sáng tổ và tự kiểm điểm lại bản thân, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta phải bằng cách nào làm sáng danh Người môn sinh Việt Võ Ðạo, được mọi người tin tưởng thương yêu ?
Ðó chính là cách tưởng niệm chân thành ý nghĩa của người môn sinh Việt Võ Ðạo chúng ta.
Chương 12: DIỄN TỪ VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG (Giổ tổ lần thứ 7 – 1967)
Các Việt Võ Ðạo sinh thân mến ,
Hôm nay là ngày tưởng niệm năm thứ 7 vị Sáng Tổ môn phái Vovnam của chúng ta. Theo truyền hống sinh hoạt xã hội của người Phương Ðông, ngày tử nhật bao giờ cũng dược coi trọng hơn ngày sinh hnhật. Tập quán đó được duy trì không phải chúng ta tôn trong việc tưởng niệm quá khứ hơn việc xây dựng tương lai, mà chỉ có nghĩa làchúng ta không quên gốc, luôn luôn lấy dĩ vãng làm nền tảng xây dựng tương lai. Vì một người không có dĩ vãng thì chẳng làm gì có tương lai cả.
Mà dĩ vãng của Vovinam thì thật là cao đẹp, hùng liệt vô cùng. Môn phái Vovinam dã được sáng tạo trong thời gian mà người Việt Nam không có một tấc sắt trong tay để tự vệ muốn đánh đuổi thực dân thống trị để dành quyền độc lập, tự chủ, trong thời gian mà người Việt yếu đuối muốn vượt lên khỏi những bất công của đời sống để được sống xứng đáng, để làm cho mọi người được sống xứng đáng. Vị Sáng Tổ của chúng ta đã tận tụy hy sinh suốt cuộc đời niên thiếu để hoàn thành công cuộc sáng tạo Vovinam. Với tinh thần và đạo hạnh của Người là một bó đuốc lớn soi sáng con đường muôn thưở cho chúng ta. Sau đó, kế tiếp bao nhiêu môn đồ của người đã phát huy môn phái và truyền lại cho chúng ta được thừa hưởng công nghiệp cho tới ngày nay.
Vậy hôm nay tưởng niệm vị Sáng Tổ là chúng ta có dịp kiểm điểm lại những hành động và tư cách của chính bản thân chúng ta. Hẳn chúng ta đều cùng nhận rằng: Chiếc áo chưa tạo nổi một thầy tu thì đai đẳng và những thế võ cũng chưa tạo nổi một người môn sinh Việt Võ Ðạo. Nhất định những yếu tố tạo thành một người môn sinh Việt Võ Ðạo phải rộng lớn hơn, bao trùm mọi hình thức đai đẳng và khả năng võ thuật của từng cá nhân.
Một môn sinh Vovinam muốn xứng đáng với danh nghĩa của mình, ngoài phần võ thuật và hình thức đai đẳng, phải thực hiện tôn chỉ hành hiệp giúp đời, và chính phầm tính ấy đã tạo nên tác phong, đạo đức của người môn sinh Việt Võ Ðạo.
Hơn ai hết, và hơn bao giờ hết, người môn sinh Việt Võ Ðạo phải là lớp người tiền phong có trách nhiệm về sự phát huy và bảo vệ những tinh hoa trong đời sống, làm thăng hoa phẩm giá con người. Ðất nước đang mong chờ chúng ta, võ đạo và võ thuật đang kỳ vọng nơi bàn tay xây dựng của chúng ta để kiện toàn, hưng vượng.
Giờ đây, trước chân dung vị Sáng Tổ, chúng ta hãy tưởng niệm đến công đức của người và cùng dâng lên lời nguyện ước sẽ cố gắng:
RÈN LUYỆN THÂN THỀ
TU DƯỠNG TINH THẦN
TRAU DỒI ÐẠO HẠNH
Ðể lấy đó làm căn bản liên tục xây dựng nền võ đạo cho dân tộc., thực hiện bằng được hoài bảo của vị Sáng Tổ môn phái trong công cuộc phát huy tinh thần võ đạo.
Ðó chính là cách tưởng niệm chân thành ý nghĩa nhất của người môn sinh Vovinam chúng ta.
Chương 13-DIỄN TỪ VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG–Giổ tổ lần thứ 8 – 1968
Kính thưa quí vị quan khách thân hữu,
Một lần nữa, nhân danh môn phái Vovinam Việt Võ Ðạo, tôi trân trọng ngõ lời chào mừng và cảm tạ quí vị quan khách thân hữu đã có lòng ưu ái tới dự lễ tưởng niệm vị Sáng Tổ Vovinam Việt Võ Ðạo của chúng tôi. Sự hiện diện của quí vị đã nói lên cảm tình sâu đậm và mối quan tâm đặc biệt của những người hữu trách tâm huyết, lo lắng cho tương lai của xứ sở. Trong chiều hướng ấy, nhân dịp lễ Tưởng Niệm năm thứ 8 vị Sáng Tổ Vovinam Việt Võ Ðạo, tôi xin được mạn phép quí vị, theo thông lệ, có đôi lời ngỏ riêng cùng toàn thể Việt Võ Ðạo sinh của chúng tôi.
Cùng toàn thể Việt võ Ðạo sinh thân mến,
Hôm nay cũng như 8 năm về trước, chúng ta lại cùng nhau xum họp để tưởng niệm vị Sáng Tổ kính mến của chúng ta. Mặc dầu những biến cố lịch sử dồn dập xô tới cùng với sự phân hoá trầm trọng của xã hội, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này, chúng ta lại cùng nhau tỉnh tâm tưởng niệm vị Sáng Tổ và tự kiểm thảo những hoạt động của chúng ta đã làm được những gì lơi ích cho quốc gia xã hội. Chúng ta đã alm được những gì để tăng cường và phát huy tinh thần và khả năng chiến đấu của toàn dân. Chúng ta đã làm được những gì để chứng minh với đại khối quốc dân về tinh thần và phẩm cách của người môn Sinh Việt Võ Ðạo.
Việt Võ Ðạo hóa học đường, Việt Võ Ðạo hóa Cảnh Sát Quốc Gia, Quân Cảnh, Việt Võ Ðạo hoá một số binh chủng v.v… Chúng ta đã đạt tới cao vọng chưa ? Chúng ta đã hoàn thành được tâm nguyện của võ sư Sáng Tổ chưa ?
Chưa ! Thành qủa việc làm của chúng ta tuy không làm tủi hổ anh hồn Sáng Tổ, song cũng chưa có gì đáng để chúng ta hãnh diện. Những hoạt động làm hưng vượng quốc gia của chúng ta còn ở mức tối thiểu.
Chúng ta phải tiến nữa, tiến mãi mãi không ngừng. Năm nay là năm quyết định của chiều hướng lịch sữ ! Năm nay là năm sống còn của dân tộc Việt. MỗÃi Việt Võ Ðạo sinh chúng ta phải dọn mình sằn sàng hiến dâng đời sống, đóng góp tài lực vào việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Hãy nhìn lại mình, nghiêm chỉnh tự xét định xem đã biết nhìn xa trông rộng, biết đặt công nghĩa lên trên tư lợi, biết hoà mình vào đại chúng để thực hiện những công cuộc ích quốc lợi dân chưa ?
Hơn ai hết, Việt Võ Ðạo sinh chúng ta phải là lớp người tiền phong có trách nhiệm về sự phát huy và bảo vệ những tinh hoa trong đời sống, làm thăng hóa phẩm giá con người. Ðất nước đang mong chờ chúng ta, võ thuật và võ đạo đang kỳ vọng nơi bàn tay xây dựng của chúng ta.
Tất cả những khuynh hướng vong bản, vọng ngoại, gian ngoan, hoạt đầu, ỷ lại … đều là những kẽ nội thù cần phải tuyệt diệt.
Có thế tâm thức của chúng ta mới được linh mẫn, ý chí của chúng ta mới được kiên định, và bước tiến của chúng ta mới được vững mạnh trong việc lấy võ đạo làm bó đuốc thiêng tiếp dẫn chúng ta ra khỏi khúc quanh nguy biến, u tối, đầy đe doạ của lịch sử.
Chúng ta hãy nhất tề vùng dậy, can đảm, phấn dũng để mạnh tiến ! Bằng cách mạng tâm thân, bằng võ đạo dân tộc, chúng ta cương quyết hiến dâng bàn tay thép và trái tim từ ái cho sự trường tồn của dân tộc, cho nền hòa bình vĩnh cữu cũa nhân loại.
Bằng tất cả nhiệt huyết hào hùng của tổ tiên truyền lại, Việt Võ Ðạo sinh chúng ta hãy mạnh dạn nhận lãnh lấy trách vụ cứu nước và dựng nước qua tiêu hướng: Tất cả cho công cuộc giáo dục thanh thiếu niên, tất cả cho công cuộc Việt Võ Ðạo hoá thanh thiếu niên, đó chính là nền tảng của mọi công trình xây dựng và đoàn ngũ hóa dân tộc.
Lịch sử đang chờ đợi chúng ta ! Hãy nỗ lực tiến lên hởi các Việt Võ Ðạo sinh và phải luôn luôn ghi nhớ rằng: Nếu lịch sử không làm cho chúng ta tiến bộ thì chúng ta hãy làm cho lịch sử tiến bộ bằng bàn tay thép và trái tim từ ái.
Chương 14-DIỄN TỪ VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG–Giổ tổ lần thứ 9 – 1969
Nhân danh Việt Võ Ðạo, tôi long trọng ngõ lời cảm ơn và chào mừng toàn thể qúi vị quan khách đả có lòng ưu ái tới dự lễ tưởng niệm vị Sáng Tổ của môn phái Vovinam. Ðó thật là một vinh dự đồng thời cũng là 1 khích lệ lớn lao cho Việt Võ Ðạo trên đường phụng sự dân tộc và nhân loại. Sự hiện diện đông đảo của quí vị lại thêm 1 lần chứng dẫn ý chí thuần thành, chuyên nhất của Việt tộc trong những nguyện vọng tha thiết cứu dân, giữ nước. Trong chiều hướng ấy, nhân lễ tưởng niệm Sáng Tổ Việt Võ Ðạo, tôi xin mạn phép qúi vị, theo thông lệ, có đôi lời riêng gởi cho toàn thể Việt Võ Ðạo sinh của chúng tôi.
Cùng toàn thể Việt Võ Ðạo sinh,
Hàng năm, cứ đến ngày này, chúng ta, Việt Võ Ðạo sinh, lại xum họp cùng nhau để tưởng niệm vị Sáng Tổ thân kính của chúng ta. Hằng năm, cũng đến ngày này, mặc dầu những biến cố lịch sử đau thương, mặc dù những phân hóa xã hội bách hại, chúng ta vẫn quây quần bên nhau, chung một ý chí, cùng góp những bàn tay thép để xây dựng những thế hệ thanh niên Việt Võ Ðạo cho dân tộc trong niềm yêu thương vô bờ bến của ngàn ngàn trái tim từ ái.
Ðích xa đã định, đường đi đã vạch, với 10 điều tâm niệm chỉ hướng, với võ kỹ triễn khai từ nguồn Việt phong phú vô tận, chúng ta đã làm được những gì ?
Việt Võ Ðạo hóa học đường, Việt Võ Ðạo hóa Cảnh Sát Quốc Gia, Quân Cảnh, Việt Võ Ðạo hoá một số binh chủng v.v… Chúng ta đã đạt tới cao vọng chưa ? Chúng ta đã hoàn thành được tâm nguyện của vị Sáng Tổ thân kính chưa ?
Chưa !
Chúng ta phải tiến, phải tiến tới mãi ! Bước tiến phụng sự dân tộc phải qua lối kiến tạo thanh niên : Việt Võ Ðạo hóa thanh niên là điểm chúng ta phải đạt tới.
Năm nay là năm quyết định của chiều hướng lịch sử ! Năm nay là năm sống còn của Việt Tộc ! Mỗi Việt Võ Ðạo sinh phải dọn mình sẵn sàng hiến ích góp công cho việc bảo vệ và xây dựng xứ sở ! Hãy nhìn lại mình, nghiêm chỉnh tự xét định xem đã biết nhìn xa trong rộng, biết đặt công nghĩa lên trên tư lợi, biết hòa mình vào đại chúng để thực hiện những công cuộc ích quốc lợi dân chưa ?
Hãy can đảm, phấn dũng lên để mạnh tiến trên bước trường chinh vĩ đại của Việt Võ Ðạo !
Tất cả khuynh hướng vong bản, vọng ngoại, gian ngoan, hoạt đầu, ỷ lại … đều là những kẻ nội thù cần phải tuyệt trừ để tâm thức ta được linh mẫn, ý chí ta được kiên định và để bước tiến ta không còn trở ngại trong việc lấy võ đạo làm bó đuốc thiêng tiếp dẫn chúng ta ra khỏi khúc quanh nguy hiểm, u tối đầy đe dọa của lịch sử.
Chúng ta hãy nhất tề vùng dậy ! ! Bằng cách mạng tâm thân, bằng võ đạo dân tộc, chúng ta cương quyết hiến dâng bàn tay thép và trái tim từ ái cho sự trường tồn của dân tộc, cho nền hòa bình vĩnh cữu cũa nhân loại.
Qua nhiều thăng trầm của Việt Sử cũng như của Việt Võ Ðạo sử, chúng ta vẫn kiên quyết vững tiến. Nay đương lúc giang sơn nghiêng ngữa , Quốc loạn hiễm nghèo, bằng tất cả nhiệt huyết của Việt Võ Ðạo sinh, chúng ta mạnh dạn nhận lãnh sứ vụ cao cả Việt Võ Ðạo hóa thanh niên do vị Sáng Tổ trao lại cho chúng ta. Với tiêu hướng Tất cả cho giáo dục thanh thiếu niên, tất cả cho Việt Võ Ðạo hóa thanh thiếu niên, đó chính là nền tảng của công cuộc đoàn ngũ hóa nhân dân, vùng lên cứu nước
Lịch sử đang chờ chúng ta ! Hãy gắng sức tiến lên hởi các Việt Võ Ðạo sinh ! và luôn ghi nhớ trong lòng rằng: Nếu lịch sử không làm cho chúng ta tiến bộ thì chúng ta hãy làm cho lịch sử tiến bộ bằng bàn tay thép và trái tim từ ái!
Chương 15-DIỄN TỪ VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN LÊ SÁNG–Giổ tổ lần thứ 10 – 1970
Ðã 10 năm qua, cứ vào ngày này, toàn thể môn sinh vovinam Việt Võ Ðạo, từ 4 phương trời, đều qui hướng mọi nổ lực tột độ vào cố gắng trở về tưởng niệm Sáng Tổ NGUYỄN LỘC. Trở về bằng THÂN và trở về bằng TÂM , trở về bằng cả 2 thành tố thiết yếu của một cuộc cách mạng liên tục, vượt thoát trong dự phóng VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO: cuộc CÁCH MẠNG TÂM THÂN.
Liên tục: Vì phải noi gương Sáng Tổ NGUYỄN LỘC , không một giây phút nào ngưng hiến mình khai phá Võ Ðạo dân tộc cho tương lai thường hằng tiến bộ của lịch sử Việt Nam yêu dấu.
Vượt thoát: Vì phải noi gương Sáng Tổ NGUYỄN LỘC, bóp vỡ cái vô minh, vùng lên từ thân phận nhược tiểu phi nhân và phi lý, xung phá mọi kìm kẹp áp bức, hiên ngang ào ạt, bừng bừng dũng tiến, thắng phục mọi cường quyền bạo lực, thắng phục mọi hèn yếu tự thân, vươn cao hùng tâm tráng trí, nhìn thẳng vào tương lai ngời sáng của dân tộc và nhân loại mà nổ lực, mà sáng tạo.
Con đường khai phá và sáng tạo trong liên tục vượt thoát của cuộc Cách Mạng Tâm Thân đã được ông Nguyễn Lộc vạch ra từ hơn 30 năm nay. Khi ông nằm xuống, năm 1960, con đường khai phá và sáng tạo trong liên tục vượt thoát của cuộc Cách Mạng Tâm Thân vẫn được các môn đồ của Ông hùng tâm dũng tiến.
Mỗi năm, trong ngày Tưởng Niệm, kiểm điểm lại hành trình và ý chí, từng môn sinh Vovinam Việt Võ Ðạo noi gương người đã khuất, tiếp nối bồi đấp con đường cách mạng tâm thân bằng đường Võ Ðạo dân tộc.
Ý nguyện mỗi người DânViệt là một Việt Võ Ðạo sinh thường hằng nung nấu tâm can các môn đồ của ông Nguyễn Lộc.
Ý nguyện ấy không bao hàm nghĩa chinh phục Ðồng Bào để thống trị, áp bức mà chính là cung hiến cho toàn dân một Phương tiện tất yếu để vượt thoát, để tiến bộ.
Ý nguyện ấy được nuôi dưỡng bền bỉ vì các Việt Võ Ðạo sinh quan niệm rằng, con người muốn vượt thoát, muốn cách mạng thì phải hùng mạnh từ tâm hồn đến thể xác, kiên quyết vùng lên bằng một ý chí sắt, sắc bén. Nhiệt tín rằng tất cả mọi người tiến bộ nhờ cách mạng toàn diện đều phải tạo dựng từ tiến bộ nhờ cách mạng tự thân mỗi cá nhân. Nhiều cá nhân tự thân cách mạng sẽ đẩy mạnh tiến trào cách mạng toàn diện của quốc gia, xã hội. Ấy là ý hướng cuộc tâm thân cách mạng của Vovinam Việt Võ Ðạo mà NGUYỄN LỘC tiên sinh là một nhà khai phá, sáng tạo tiền phong.
Nhắc nhở lại tâm nguyện và ý hướng của sáng tổ NGUYỄN LỘC, Việt Võ Ðạo sinh chúng tôi thành khẩn kêu gọi toàn thể quí vị, kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam, chúng ta hãy cùng nhau dấn bước trong liên tục khai phá để sáng tạo mà vượt thoát, vượt thoát thân phận và sinh cảnh nhược tiểu phi nhân và phi lý của dân tộc Việt Nam, trong qúa khứ cũng như ngay hiện tại, để tương lai Việt Nam thường hằng chói rạng, để lịch sử Việt Nam miên trường tiến bộ.
Trân trọng cảm ơn và kính chào quí vị!
Chương 16-DIỄN TỪ ÐỌC TRONG BUỔI LỄ TƯỞNG NIỆM VÕ SƯ SÁNG TỔ NĂM THỨ 11 1971.
Kính thưa quý vị quan khách,
Các Võ Sư, Huấn Luyện Viên,
Cùng toàn thể Việt Võ Ðạo sinh thân mến.
Hôm nay, trong bầu không khí trang nghiêm và trước bàn thớ cố Võ Sư Sáng Tổ, chúng ta thành kính hành lễ Tưởng Niệm lần thứ 11 vị khai sáng tôn kính của môn phái Vovnam Việt Võ Ðạo, và cũng đồng thời là vị võ sư tiền bối đã mang đến cho nền võ học Việt Nam một nguồn sinh khí hào hùng sống động vô cùng cao xa và trường cữu.
Ðặc biệt năm nay, Lễ Tưởng Niệm cố Võ Sư Sáng Tổ đã đến với chúng ta giữa không khí sôi động của đất nước trong giai đoạn chót của cuộc chiến. Không khí sôi động nầy cũng làm sống lại hoàn cảnh của đất nước chúng ta vào hai năm 1945 – 1946, Sau khi môn phái Vovnam hoạït động công khai được bẩy, tám năm, với cao trào tranh thủ độc lập bột phát toàn quốc. Chính trong bối cảnh lịch sử hào hùng đó, môn phái Vovinam đã phát triển mạnh mẽ, cùng với sứ đồ phát huy tinh hoa võ học dân tộc, bằng những khẩu hiệu Người Việt Nam học võ Việt Nam, Học Vovinam là yêu nước, Học võ để chống Pháp, giành độc lập. đồng thời, cũng trong bối cảnh lịch sữ hào hùng đó, Cố Võ Sư Sáng Tổ đã dứt khoát khẳng định đường lối và tôn chỉ hành võ của môn phái: Tích cực tham gia mọi hoạt động chống Pháp giành độc lập, xây dựng đất nước, nhưng không nhằm mục đích làm chánh trị tham chánh và cũng không ngăn cấm các môn sinh hoạt động chánh trị với tư cách công dân của họ.
Chính quan niệm hành võ dứt khoát này của Cố Võ Sư Sáng Tổ đã vạch ra cho môn phái Vovinam một đường hướng hoạt động độc lập, thoát ra khỏi những ảnh hưởng và thế lực tranh chấp chánh trị đương htời, mặc dầu trong môn phái không thiếu những khuynh hướng nuốn đưa võ học vào chánh trị của các cựu môn sinh chánh trị gia như Dương Ðức Hiền, Phan Mỹ v.v…Chính quan niệm hành võ minh bạch này của Cố Võ Sư Sáng Tổ đã soi sáng cho mọi hoạt động của môn phái, hướng dẫn môn phái trong suốt 34 năm hoạt động công khai, trước mọi biến cố thăn tộc, bằng những khẩu
Tưởng niệm Cố Võ Sư Sáng Tổ, chúng ta không khỏi bồi hồi nhớ lại những hoạt động xã hội thể hiện trái tim từ ái của Người đã được biểu hiện vào giữa hai năm 1944 – 1945. Trong hoàn cảnh bi thiết dân chúng đói khổ thời đó. Cố Võ Sư Sáng Tổ đã huy động toàn thể môn sinh Vovinam nứu trợ nạn đói, một nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử Việt Nam, đã cướp đi mất của chúng ta 2 triệu đồng bào ruột thịt. Mối thâm tình đồng bào đã bừng sống trong tinh thần võ đạo,thúc đẩy Người đứng ra đích thân lãnh đạo công cuộc gìn giữ an ninh, cùng các cộng cuộc lạc quyên và cứu trợ khẩn cấp chuyển đến tận tay đồng bào từ miếng cơm, manh áo.
Năm nay Lễ Tưởng Niệm lần thứ 11 của Người lại về với gia đình Vovinam Việt Võ Ðạo giữa không khí sôi động của đất nước, khi chiến tranh đang bước vào giai đoạn chót với các cuộc hành quân trên lãnh thổ Kampuchia và Lào Quốc, đồng thời, với các công tác cứu trợ đồng bào miền Trung bị nạn lụt, nạn nhân chiến hoạ và Việt Kiều tại Kampuchia hồi hương. Noi gương Người, môn phái chúng ta lại tích cực tham gia các công tác cứu trợ và xã hội, cùng với những hoạt động xiển dương võ đạo và góp phần nổ lực của mình vào việc đào tạo nhân tài cho đất nước.
Chân thành tiếc thương Cố Võ Sư Sáng Tổ , toàn thể môn phái Vovinam Việt Võ Ðạo nguyện nổ lực hơn nữa trong việc phát huy tinh thần Việt Võ Ðạo và triển khai cuộc cách mạng Tâm thân do Người đề xướng lúc sinh tiền. để làm vinh danh tinh thần Việt Võ Ðạo của môn phái bằng khối óc linh mẫn, và bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái.
Trân trọng kính chào quý vị quan khách
Thân mến gửi đến các Võ Sư, Huấn Luyện Viên cùng toàn thể Việt Võ Ðạo sinh giòng cảm xúc miên man bồi hồi thương kính.
Chương 17: ÐIẾU VĂN ÐỌC TRƯỚC MỘ PHẦN – Do võ sư Chưởng Môn khóc điếu
Anh Nguyễn Lộc !
Tử sinh ai cũng một lần, nhưng chúng em cũng như toàn thể các môn sinh VOVINAM thật không ngờ lại sớm có cái giờ phút đau đớn này.
Nhớ thuở xưa, khi nước nhà còn trong vòng nô lệ, nặng mang bầu máu nóng sục sôi, Anh đã tách ra khỏi lứa bạn đời mê mãi, để riêng mình dấn thân vào hướng đường cao đẹp.
Với trí óc suy tư siêu việt, Anh đã dung hoà tinh túy của các nền võ thuật cổ kim Âu – Á để sáng tạo cho nước nhà môn võ hợp thời riêng biệt.
Rồi thời bao thời gian biến đổi, Anh đã quảng bá môn võ thuật do anh sáng tạo, truyền sức sống quật cường mãnh liệt cho lớp thanh, thiếu niên, để gây thành phong trào khỏe của những lớp người biết hãnh diện với dòng máu anh dũng chãy trong huyết quản mà tin tưởng yêu đời, trau giồi nhân cách.
Tổ Quốc đã vì anh mà thêm phần rạng rỡ !
Thanh niên đã vì anh mà khỏi ngơ ngác, bơ bơ !
Và do đó, danh anh đã lừng vang khắp nước, rãi rác suốt từ Bắc vào Nam có tới hàng triệu môn sinh.
Thời Pháp, thực dân đã phải e dè Anh, tìm đủ mọi cách cũng không thể mua chuộc nổi anh; thời Nhật, phát xít cũng không lung lạc nổi anh, bằng tiền tài hay bằng danh vọng. Và trong suốt thời gian đất nước chuyển mình, Anh đã hiến cho dân tộc một khí giới sắc bén nhất để tin tưởng trong công cuộc chiến đấu bảo vệ non sông gấm vóc. Nhưng bao giờ cũng vậy, Anh vẫn đứng ngoài vòng kiềm tỏa với đờisống hiên ngang tự lập và mục dích duy nhất: đào tạo từng thế hệ thanh, thiếu niên khoẻ mạnh hoàn toàn về tinh thần và thể xác.
Thế mà trời xanh kia sao nỡ oái oăm, sớm vội cất anh đi cho bao người mến tiếc!
Hởi ơi! anh Nguyễn Lộc !
Ðiếu Anh không khỏi nghẹn lời ! này, thân quyến Anh đây, nghẹn ngào nhỏ lệ. Nọ học trò anh đó, đau lòng tử biệt sinh ly.
Chúng em khóc anh cảm vì nghĩa thầy trò thắm thiết; chúng em khóc Anh, cảm vì ơn tri ngộ sâu xa, anh đã coi chúng em như những nghĩa đệ,, đối xử với chúng em như tình máu mủ ruột già !
Giờ đây, thực anh không còn ở nơi trần thế; thể xác anh đã mất song tinh thần Anh vẫn còn, và sẽ còn mãi mãi trong các em, trong các thế hệ mai sau, trong lòng người và trong lịch sử.
Trước thế nào, sao thế ấy, chúng em nguyện sẽ noi gương Anh, không phụ lòng anh ủy thác, tiếp tục xây đấp nền võ đạo cho dân tộc.
Anh Nguyễn Lộc !
Cái sống của anh đã làm vẻ vang cho đất nước thì cái chết của Anh cũng chỉ có nghĩa là đã truyền hết sinh lực cho các em, rồi đến lượt các em lại kế tiếp truyền sinh lực cho giống nòi, cho lớp người mai hậu.
Cùng với hồn theing sông núi, các em tin rằng Anh sẽ còn mãi đứng lên lũ chúng em để dìu dắt,nhắc nhở các em làm tròn phận sự.
Hởi ơi ! anh Nguyễn Lộc !
Giờ phút này, quây quần quanh đây, một thiểu số các em xin nghiêng mình trước linh cữu anh để bái biệt và cầu nguyện cho anh hồn Anh được thảnh thơi nơi Non Bồng Nước Nhược.
Chương 18: CHÂN DUNG SÁNG TỔ – Bác sĩ: Ðàm Quang Thiện
- Tại sao cố Võ Sư Nguyễn Lộc chưa viết một quyển sách dạy Vovinam ?
- Bao nhiêu tài liệu sưu tập trong nhiều năm, đã bị anh đốt hết trong một lần xúc động !
Cách đây trên 3 tháng, Võ sư chưởng môn Vovinam Lê Sáng, đã ngõ ý muốn có bài của tôi về Cố Võ Sư sáng tạo môn phái Nguyễn Lộc, trong giai phẩm hướng về ngày Giổ Tỗ. đã nhiều lần, tôi hành hạ võ não của tôi, để nhớ lại xem: Tôi đã quen với vị Võ Sư khả kính, khả ái ấy bao giờ, ở đâu, thế nào, để viết lại những kỷ niệm đầu tiên của tôi với Võ Sư. Vô ích !
Hai bên ý hợp tâm đầu
Khi thân chẳng lọ là cầu mới thân
Càng đi sâu vào quá khứ, tôi càng thấy những đêm trường không ngủ, Nguyễn Lộc và tôi, đàm luận với nhau về rất nhiều vấn đề mà trọng tâm không ngoài tương lai của Tổ Quốc và Dân Tộc. Hình như định mệnh, đã muốn hai đường đời của chúng tôi gặp nhau rất sớm ở một điểm nào đó, và từ đấy, luôn luôn đi song song sát cạnh nhau, vẽ thành biết bao khúc thẳng, khúc lượn, khúc vòng, khúc gãy, khúc lên, khúc xuống, qua những nơi phần nhiều là nghèo nàn, đau khổ, lam lũ, nhưng tận tụy và giàu lòng tương thân, tương ái, cho đến điểm mà đường đi của anh là bỏ bình diện nhân thế, lên bình diện tiên cảnh, mặc cho đường đi của tôi còn kéo dài uể oải trên bình diện trần ai đoạn trường !
Cuộc đời can đảm và tận tụy với đồng bào của anh, đã được lược thuật trong cuốn Lược sử môn phái Vovinam. Ðọc kỹ cuốn sách nhỏ nầy, các môn sinh sẽ thấy chí lớn của vị Võ Sư sáng tạo môn phái. Tôi không có gì đặc biệt để nói phụ thêm vào nữa. Trong bài này, tôi xin hiến các môn sinh quan niệm đặc biệt của Anh về việc truyền bá và khuếch trương Vovinam trong tương lai.
Biết bao lần, thân cũng như sơ, những người quen biết anh, và hiểu rõ giá trị của Vovinam đối với đồng baò, đã yêu cầu anh viết thành sách dạy Vovinam. Luôn luôn bên cạnh Anh, tôi đã chứng kiến từng thời kỳ của việc sáng tạo Vovinam từ lúc hạt giống đầu tiên mới gieo vào đất tốt; trải qua bao nhiêu công vun bón bằng đủ các khoa: Gần, thì như những khoa Võ Ta, Võ Tàu, Võ Nhật, Võ Anh v.v. Xa, thì như nhũng khoa Giải Phẩu, Sinh Lý, Tâm Lý, Cứu Thương v.v…; đến thời kỳ nẩy mầm, phát nhánh, kết nụ, khai hoa, trổ trái, rồi quảng bá khắp Bắc, Trung, Nam, với tốc độ và sự hoan nghênh nhiệt liệt, những tràng pháo tay nổ toé sàng giữa đêm giao thừa tối đen như mực, khi kháng chiến còn ở thời kỳ du kích; như những tràng pháo nổ đỏ trời đất, sáng mồng một đầu xuân, trong thiều quang rực rỡ, khi kháng chiến đã chuyển sang thế trúc chẻ ngói tan… Ðược chứng kiến cả công phu thai nghén cực nhọc, kéo dài trn dưới hai mươi năm trời mới haòn thanh sự sinh hạ ra Vovinam, tôi cũng có mặt torng số những người đã yêu cầu Anh viết thanh sách dạy Vovinam.
Nhưng, anh đã luôn luôn không chịu chấp nhận đề nghị của các bạn thân, cũng như của các môn đệ.
Có một độ, khoảng hai ba năm trước khi anh vĩnh biệt trần thế, anh đã thu thập tất cả giấy tờ, có ghi các tìm tòi, so sánh, thí nghiệm, phân tích, tổng bước tiến triển của Vovinam từ lúc mới là hạt giống lý tưởng trong lý tưởng hoạt động của Anh, đến ngày mà đương tuổi hoa niên, anh đã thành một phái chủ tĩnh tọa theo dõi các môn đệ tiếp tục hoạït động của anh, là chuyển tiếp vào huyết mạch của thanh niên nguồn sống khỏe, sống mạnh, sống động luôn luôn xung phong tên những con đường chưa có vết chân của người đi trước, sống không mặc cảm, sống với tin tưởng mãnh liệt và tuyệt đối ở tương lai xán lạn của dòng giống Lạc Việt, mà mình lấy làm vinh hạnh là một phần tử:
Tính ngang tàng noi gương Thượng Trứ,
Thói ngông nghênh học nết Tú Xương.
Nhưng, đến lúc phải đứng giữa sa trường,
Thì dòng máu Hưng Ðạo Ðại Vương
Sôi lửa hận !
Thì Mông Cổ, với Ðế Quốc mênh mông vô tận,
Có nghĩa gì đâu ?
Thì Thoát Hoan, với trăm ngàn vạn kỵ binh,
Từng dẩm nát cả Châu Á lẩn Châu Âu,
Có nghĩa gì đâu ?
Tiếng hịch âm vang truyền quyết liệt,
Thế là tất cả thành quỷ không đầu
Trên đất Việt !
Thê rồi giữa lúc tôi tưởng là Anh đã đổi ý kiến, đã chịu xếp đặt các tài liệu, để biên soạn thành sách dạy Vovinam, thì anh đã bật lửa đốt hết ! Trước sự sững sốt của tôi, Anh chậm rãi thuyết phục tôi:
- Bạn ơi, nếu trong đời sống của chúng ta, chúng ta có thể làm được cái gì lợi ích, bất cứ về phương diện nào, cho Gia Ðình cho Tổ Quốc, cho Nhân Loại thì chúng ta nên hết sức mà làm, chịu đựng mọi thử thách mà làm. Nhưng, theo thiển kiến của tôi, chúng ta không bao giờ nên có ý định đặt những sáng kiến của chúng ta, những sản phẩm của chúng ta thành quy tắc bất di bất dịch, để người đồng thời và hậu thế phải làm theo. Vì làm như thế là ghìm đà tiến của hậu sinh lại.
- Trên dưới hai mươi nhăm thế kỷ, nhân loại – nói cho chính xác hơn, bọn Tống nho Tây cũng như Ðông đã đặt những sáng kiến của KhổngTử và Aristote đã đạt được cách đây 2,500 năm. Vậy tiến bộ chổ nàn, bọn
- Nguyễn Du đã đem cái đau khổ của tấm thân bồ nông: Pélican mà làm tiệc hy sinh, mua vui cho thiên hạ. Nhưng:
Thiên hạ hà nhân khắp Tố Như !
- Bạn ơi, tôi đã lấy siêu phẩm Ðoạn Trường Tân Thanh mà bạn ngưỡng mộ, để chứng minh cho bạn thấy rõ là chúng ta không nên viết gì cả, với cái viễn vọng để lại một tuyệt phẩm cho hậu thế. Chắc bạn không có cái cuồng vọng sáng tác một văn phẩm hay bằng Ðoạn Trường Tân Thanh, phải khô ?Ðoạn Trường
- Nhưng Ðoạn Trường Tân Thanh chỉ là một trường hợp Quốc Gia, không mấy quan trọng. Tôi muốùn bạn nhớ đến một trường hợp quan trọng hơn, Quốc tế hơn : Trường hợp cuốn Das Kapital của Karl Marx. Nếu, vì một lý do nào đó, năm 1818, sổ bộ đời cũa tỉnh Trèves nước Phổ Lỗ Sĩ không khai sinh cho cái tên Karl Marx, hay vì một lý do nào khác nữa con người mang cái tên ấy được khai tử trước năm 1867, là năm y viết quyển Das Kapital, để lưu lại cho hậu thế, thì một triệu con cháu Lạc Việt, trong số ấy có bạn có tôi, không phải bỏ quê cha đất tổ mà phiêu lưu vào đây, và nữa số nhân loại, nếu không phải là hơn nữa, đã không phải hạ xuống hàng trâu ngựa ! có ai ngờ được những hậu quả xa xôi trong thời gian và không gian như thế không ? Bạn có thấy không nên coi nhẹ hậu quả của ngòi viết chư ?Ðoạn Trường
- Vả lại có phải cứ viết thành sách mà truyền lại cho hậu thế được đâu ? Trong một nghìn tác phẩm xuất bản, liệu có được lấy một quyển mà trăm năm sau, còn được thợ nhà in xếp thành chử ?
- Theo thiển kiến của tôi, những thứ thật có giá trị, thì không cần viết và in thành sách mới truyền lại cho thiên thu. Hiến pháp của Anh Quốc có bao giờ được in mực đen trên giấy trắng đâu ? Những dân phong, quốc tục cuả mọi quốc gia, có cần ai viết thành sách để giảng dạy cho hậu thế đâu, sao quốc dân vẫn theo đúng từng chi tiết ? Lại còn phong dao, tục ngữ, được truyền tụng trước, rồi các văn nhân mới sưu tầm in thành sách sau, thế sao vẫn ở cửa miệng mọi người ?
- Bạn ơi, nếu Vovinam của tôi mà có chân giá trị, thì mặc dầu tôi không viết thành sách, bạn cũng đừng lo nó bị thất truyền. Nó sẽ thấm nhuần vào tận tâm khảm môn sinh, vào mỗi sợi cơ của thân thể môn sinh ; nó sẽ thành một thành phần của thể chất, cũng như của tâm hồn môn sinh; nó sẽ được khắc vào các sinh: Gènes của một nhiểm thể: chromosome nào đó, của các tế bào cơ thể người Việt Nam. Và như thế, và, chỉ có như thế, nó mới có hy vọng được truyền lại thế hệ nọ đến thế hệ kia, mà không bao giờ phải cần viết ra thanh sách giáo khoa cả.
Tôi đã ở bên cạnh Võ Sư Sáng Tổ trong những này, những giờ, những phút cuối cùng của Võ Sư Sáng tổ trên trần thế. Lúc cuối cùng, tôi đã hỏi Võ sư Sáng Tổ có lời di chúc nào muốn để lại cho môn sinh không ? võ sư Sáng Tổ đã trả lời:
Bạn quên là: Ðã từ lâu, chúng ta luôn luôn sẵn sàng để ÐẠI HÀNH, mà không thắc mắc mảy may gì nữa sao ? Về VOVINAM tôi tuyệt đối tin LÊ SÁNG, một môn đệ giỏi nhất và trung thành nhất của tôi. Từ lúc mới nhập môn cho đến bây giờ, tôi sắp lên đường chu du thời gian, Lê Sáng luôn luôn ở bên cạnh tôi. Giờ này, là môn sinh độc nhất ở bên cạnh tôi. Như tôi hằng nói với bạn, Lê Sáng đủ các điều kiện Ðức, Trí, Thể để tiếp tục sự nghiệp của Tôi. Tôi tin rằng Lê Sáng sẽ đi xa hơn tôi … Và người kế nghiệp Lê Sáng sẽ đi xa hơn Lê Sáng. Và cứ thế, mà VOVINAM sẽ tiến mãi mãi … Và, vì thế không thể ghìm đà tiến của VOVINAM trong khuôn khổ một quyển sách được ,,, Thôi, vĩnh biệt…
Chương 19: SỐNG BÊN CỐ VÕ SƯ SÁNG TỔ MÔN PHÁI –Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng
Các em môn sinh và võ sinh thân mến,
Vài kỷ niệm tôi kể dưới đây đối với các em có thể rất tầm thường nhạt nhẽo, không có gì hấp dẫn cả, vì hoàn cảnh xã hội bây giờ khác hẳn xưa, tâm trạng người võ sĩ hôm nay khác xa người võ sĩ ngày trước. Hơn nữa, những cảnh sống thực dù phi thường, linh động đền đâu thuật lại bằng lời hay bằng ngòi bút là đã mất hết ý nghĩa rồi, vì đó chỉ là hình ảnh chết, bất động, không ai cót thể thuật lại được tinh thần của sự việc.
Ba muơi năm về trước nói đến lòng yêu nước, đến tinh thần cách mạng, người chung quanh đều nhìn với cặp mắt tôn sùng thán phục; ngày nay, vì sự lạm dụng cuả người đời, những danh từ đó đã mất đi phần nào ý nghĩa, nếu không nói là bị rẻ rúng, coi thường.
Do đó, trong những cuộc họp mặt của môn phái vào dịp Tết hoặc vào ngày Tưởng Niệm Cố Võ Sư Sáng Tổ từ năm 1960 trở lại đây (năm Người qua đời), các em thường yêu cầu tôi kể lại vài kỷ niệm sống bên người, tôi đã rất đắn đo, dè dặt. Đắn đo, dè dặt vì còn tìm hiểu xem các em đã đủ thành tâm tiếp nhận được ý nghĩa thiêng liêng gói ghém trong những hành vi, ngôn từ rất đơn thuần, giản dị của người chưa?
Thành thật nhận xét lớp người các em hôm nay khôn lanh hơn lớp người chúng tôi rất nhiều. Các em đã tránh được những mặc cảm mà trước đây chúng tôi thường mắc, các em thích ứng được với hoàn cảnh, tiến bộ về cả nhận thức lẫn tài tháo vát chỉ huy. Nhưng cũng do đó, các em đã làm rớt phần nào vẽ thuần thành, đôn hậu của người môn sinh Vovinam ngày trước. Lỗi ấy không ở tại các em mà chính ở tình trạng nước nhà đã qua bao biến đổi, tình đời và lòng người đã chuyển dời, trong khi các em chỉ là sản phẩm của thời đại.
Tôi là người may mắn được sống bên vị Sáng Tổ môn phái nhiều nhất, kể cả số môn đệ đầu tiên của Người. Tôi đã sống bên người như bóng với hình, qua bao thăng trầm biến đổi; nào cùng người tản cư lên vùng Việt Bắc. Rồi hồi cư về thành, và năm 1954 lại cùng người di cư vào đây, trong khi các đồng đạo cùng khóa với tôi hoặc rơi rụng vì cuộc chiến đấu của dân tộc (năm 1945 – 1946) hoặc vì hoàn cảnh gia đình ở lại đất Bắc.
Do đó, có thể nói tôi là người duy nhất hiểu rõ Người hơn hết. Dầu vậy, sự hiểu biết của tôi về Người cũng chỉ là nói về bề rộng, còn chiều sâu là phần uyên ảo, cao cả của Người tôi tự biết chưa đủ tinh thần và trình độ lãnh hội.
Với ý chí thiết thạch Quyết xây dựng sự nghiệp bằng Võ Ðạo, phong thái của Người lúc nào cũng ung dung, hào sảng, tế nhị, không câu chấp. Ðể thực hiện châm ngôn: Phải làm một cái gì lợi ích cho dân tộc và nhân loại. Người luôn luôn băn khoăn suy tìm phương pháp cảm hóa và dẫn đạo những thanh niên lạc lõng, nhu nhược, dễ dàng sa ngã, trở về đường ngay nẻo chánh, truyền vào tâm hồn họ niềm tin yêu, sự hiểu biết nghĩa vụ làm người, để tự xa rời những thấp hèn, vị kỷ. Người rất chí tình trong việc đối sử với mọi người, làm việc gì cũng hết lòng hết sức.
Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Nhà tôi ở thuộc khu Hàng Bún, đã xãy ra việc xung đột với quân Pháp trước đó hai ngày; tôi phải cùng gia đình rời Hà Nội trước. Khi tiếng súng gây hấn vừa chấm dứt, Ủy ban liên kiểm Việt Pháp đang dàn xếp, Người đã cùng mấy đồng đạo của tôi là các anh Ðặng Bỉnh, Ðặng Bẩy, Trịnh Cự Quý, Nguyễn Mỹ len lõi kỳ được vào khu phố tôi để hỏi thăm tin tức, không quản vì Xe tăng, đại bác còn dàn ở đấy sằn sàng tấn công trở lại khi việc điều đình bất thành.
Sau đấy, tôi theo Người tản cư suốt vùng Việt Bắc sống trong một thời kỳ lưu động ngang tàng, kỳ lạ. Chính trong thời gian này, ý chí tôi được luyện thêm già dặn, đanh thép, tình cảm của tôi được gạn lọc, trong suốt và cởi mở hơn. Tôi đã được hưởng trọn vẹn tình thương yêu thắm thiết của Người. Ðến nay mổi khi bồi hồi nghĩ lại, tôi vẫn cảm thấy tâm hồn rung động niềm thương mến bao la và tự hỏi trong cuộc sống còn lại – vắng Người – tôi có còn giữ được những cảm giác khoáng đạt dạt dào ấy không?
Ngày nay, Người không còn nữa để các em được trực tiếp nhận sự giáo huấn của Người. Các em hãy nghe đây vài tư tưởng của Người mà tôi còn ghi nhớ:
Sống:
- Ta không mong đợi những may mắn
- Không cầu xin một tình thương
- Ta phải kiên nhẫn vật lộn bằng nước mắt
- Bằng máu với tất cả cùng tột của gian lao khổ hạnh
- Ta bao giờ vẫn hiên ngang đón nhận lấy trong cuộc sống liên tục những cơn tàn phá phủ phàng
- Những chua chát của đổ vỡ
- Và luôn mãnh liệt để tái tạo
Phải:
- Ta phải sống mỗi ngày mỗi xúc tích mãnh liệt hơn !
- Nhưng phải sống với nhãn quan thông suốt, siêu việt và hợp lý ;
- Không chạy từ một cực đoan này sang một cực đoan khác.
Nếu:
- Ở đời ta chỉ nhận định cuộc sống theo một khía cạnh phiến diện, để rồi, hoặc là sống nhiệt cuồng thái quá, hoặc là chán nản, thất vọng thì thật ra ta chưa hiểu và sống hết cái ý vị của sống.
- Ta chỉ ở giữa bước ra đời rồi chết gục.
- Ta chưa tìm nổi một hướng đi, một chổ đến.
- Ta chưa có một sức chiến đấu bền bỉ, một ý chí vững chắc, một tài ba vượt bực, một hoài bảo lớn lao và một tim óc làm việc cho ra việc.
Ðời:
- Phải là một bức tranh linh động đầy lửa sống muôn màu !
- Thắng hay bại đều cần phải nếm trải.
- Tình cảm và lý trí cần được khai thác đồng đều.
- Thất bại đỗ vỡ là hình ảnh của khổ đau tủi hận;
- Ngu đốt ngờ nghệch thật đáng buồn thương chua xót,
- Nhưng nếu ở đời lúc nào ta cũng chăm chăm dùng mưu mô khôn lanh qủy quyệt để mong đoạt hết mọi thắng lợi thì qua cái cảm giác ban đầu, cuối cùng thắng lợi đó cũng không giá trị hơn một đổ vỗ, thất bai.
Cho nên :
- Muốn tận hưởng ý nghĩa của cuộc sống ta phải được thắng và có bại và phải giữ gìn nhân tính.
- Ta phải biết vui, buồn, mừng, giận, yêu ghét, sợ tùy theo cảm xúc và cảnh ngộ.
- Lấy tình cảm dẫn đường cho lý trí và hành động.
- Và dầu trong thời gian, không gian nào, con người cũng đều yêu, đều cảm phục cái ÐẸP của NGƯỜI , của VẠN VẬT, của NGHỆ THUẬT của TIM ÓC và của HÀNH ÐỘNG, con người đều ham chuộng, tôn quý tất cả những gì là ÐỨC ÐỘ, TÀI NĂNG, ÁNH SÁNG, CHÂN THÀNH, và THƠ MỘNG.
- Con người phải tu dưỡng tinh thần, rèn luyện thể xác, nổ lực làm việc bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh, mưu lợi ích cho mình và cho người.
- Ðó là phục vụ Con Người, chân Lý Tưởng của Sống.
Chương 20: NHỊP THỞ GIỮA PHONG BA – Võ Sư Lê Sáng
Vào cuối năm 1947, năm thứ hai của toàn dân kháng Pháp, chúng tôi dừng chân ngót ba tháng trời ở Me Ðồi (thuộc tỉnh Vĩnh Yên – Bắc Việt). Những ngày sống ở đó đượm rất nhiều dịu hiền, thơ mộng.
Ði đả nhiều, tâm sự đã mõi mòn theo ngày tháng, chúng tôi coi nơi đây là trạm tạm dừng chân để nghiền ngẩm lại những sinh hoạt đã qua. Cuộc sống ở nơi đây thật là êm đềm thoát tục, chúng tôi ấp ủ nhau trong tình thân yêu chia ngọt xẽ bùi, bình thản lắng nghe tiếng lòng trôi theo thời khắc…
Ngày ngày chúng tôi vào rừng ngắm cảnh sắc thiên nhiên, nghe tiếng chim ca hòa với tiếng suối róc rách và ngàn cây rung chuyển động trong một nhịp điệu mơ hồ. Chúng tôi chạy nhẩy trên những đồi cao, đẩm mình xuống dòng suối và sông đào mát rượi để rồi đêm đêm say sưa bên ngọn đèn dầu trò chuyện tâm sự cùng nhau qua nhiïp thở êm đềm.
Hôm nay, bổng dưng phong ba vũ bảo bao phủ bầu trời Tam Ðảo, làm xáo trộn cuộc sống êm ả của núi rừng, nhưng chúng tôi vẫn thản nhiên bình tỉnh. Cự có mặt, sát cánh bên nhau trong những ngày ly loạn đủ nói lên mối tình sâu đậm và niềm tin thắm thiết, coi thường mọi mưa gió của cuộc đời.
Cũng như mọi tối, chúng tôi say sưa gối, gác lên người nhau yên giấc ngũ, mặc ngoàøi trời mưa gió phũ phàng. Bổng người Anh Cả đánh thức chúng tôi dậy. Chúng tôi bàng hoàng mở mắt, ngơ ngác với tiếng gọi không thường, thì anh nói tiếp:
– Các chú dậy mau ! Anh đọc tư tưởng anh vừa viết cho mà nghe.
Thì ra đêm nay – đêm phong vũ của núi rừng – Anh trằn trọc mãi không ngũ được. qua cửa sổ, tiếng gió liên hồi gào thét như những sinh vật bị cắt họng, có lúc cuồng rống lên thảm thiết và vun vút chạy rất nhanh, rất bạo, xoắn đổ những thân cây, những lá cành yếu ớt. Và những hạt mưa mênh mang sắc lạnh như muốn hòa tan vũ trụ vào trong một màu sám đục.
Sức lạnh ghê gớm bao trùm từ không trung đè ép xuống lòng Anh đã gợi lên trong tâm hồn Anh sự liên đới giữa Người với Vạn Vật. Dĩ Vảng với Hiện Tại,Tương Lai. Anh thông cảm tới linh hồn những giọt mưa từ trên không trung rơi xuống thấm vào lòng đất. Nước ở dưới đất được bốc lên cao biến thể với danh từ đẹp đẽ: hạt mưa. Nhưng rồi chúng vẫn phải lần lượt, trước sau, trút xuống để trở về nguyên bản. Cũng như con người….
Miên nam Anh đưa ý nghĩ từ xa lại gần, Anh nghĩ tới giòng huyết thống đã lưu truyền trong người Anh.
Phải, cụ thân sinh ra Anh, trước đây, suốt một thời niên tráng đã sống trong ngang tàng, nghĩa hiệp mà kết thúc cũng chỉ là một hư ảo của thời gian đơn bạc: Lãng quên.
Ngay thân thế của Anh, cả một tuổi trẻ hy sinh, gắn bó với lý tưởng, dắt theo cả một bầy em trong công cuộc xây dựng.
Anh đã nhận được gì trong cái hoang lạnh của thời gian, trong chua chát của tình đời? Thân Anh lúc này cũng như thân cây ở giữa trời kia đương tơi bời, tan tác dưới mưa gió phủ phàng, lạnh lẻo.
Với tư tưởng yếm thế đó, anh chán nản, run sợ trước guồng đời hiện đương biến chuyển, Anh không còn tin tưởng ở nơi anh, ở sức người nữa. Tôi nghiệp ! Anh thương cho bầy em đã vì lý tưởng mà theo anh. Anh biết làm gì cho chúng, khi chúng đã gởi gấm tất cả tuổi trẻ vào tay Anh ! Mà tâm hồn Anh hiệngiờ – hởi ôi ! – đượm một màu thê lương, chán nản. Anh trốn vào cái bản ngã tầm thường của con người, Anh không dám nhìn ra ngoàøi trời bao la mưa gió. Anh quay mặt vào trong để chia xẻ cái lạnh băng giá với bầy em. Bầy em đang mê mệt ngon giấc không biết tới gió mưa cuồng bạo bên niềm tâm sự bi thiết của người Anh, song, quay vào ấp ủ với bầy em, cùng hòa chung nhịp thở, Anh cảm thấy một sức mạnh vô cùng dũng mãnh đang ngùn ngụt bốc lên ở những hơi thở điều hoà và âu yếm của bầy em đã làm sống lại trong Anh tinh thần Quật cường cố hữu.
Một niềm tin ! Một hứng khởi ! Một nhịp thở bất chấp mọi phong ba vũ bảo ! sao có thể trong giây phút yếu lòng Anh suýt lãng quên nhiệm vụ ?…
Chúng đả có cái hùng khí dời bỏ gia đình theo anh giữa khi gia đình cần và đòi hỏi nhiều vào sức tháo vát của chúng trong bước đường bị cưỡng bách phiêu lưu, sự sống còn chỉ như bóng chớp. Chúng đã gạt sang bên những tình cảm cá nhân để sống cho đoàn tộc.
Sao có thể một người dẫn đạo bầy em lại yếu nhược ? Anh tự trách Anh đã nghĩ đến riêng Anh nhiều quá. Không được, Anh vẫn quên Anh đi, Anh chỉ sống vì chúng, vì cái tin tưởng cao đẹp mà chúng đã ngưỡng vọng nơi anh. Sự thắng bại trong cuộc sống đối với Anh không còn ý nghĩa ! Làm việc, làm việc hết sức, hết lòng, kết quả mặc cho thời gian định đoạt.
Thản nhiên, Anh đứng dậy, gạt cánh liếp che cửa sang bên cho gió mưa ở ngoài trời cứ việc dồn cuốn nhau vào. Anh coi thường tất cả ! Gió bão cuộc đời càng hung hiểm, tàn nhẫn bao nhiêu,ý chí anh càng được thêm hung già bấy nhiêu ! Vì nhiïp thở nồng ấm kia đã thổi vào lòng anh một tin tưởng vô biên, một nguồn sinh lực dồi dào dũng liệt của mùa Xuân cuộc đời để anh bất chấp mọi cản trở trên đường đời gai góc !
Chúng tôi ngồi xúm quanh Anh để nghe anh đọc với giọng trầm hùng thấm thía, khiến tâm hồn nao nao xúc động trong niềm kính yêu mãnh liệt. Còn gì sung sướng cho chúng tôi hơn khi mà Anh đã thấu hiểu tâm tinh, hoài bảo của chúng tôi.
Qua bao ngày vô tư sống, chúng tôi đả hao mòn ý chí ? Dầu luôn luôn có phong thái vui tươi, chúng tôi vẫn đọc thấy ở trong mắt nhau cả một trời mây buồn thương nhớ. Còn gợi ra làm gì khi sự thông cảm đã rung chuyển đến tận đáy lòng ? Chúng tôi ngồi sát lại gần nhau, gần thêm nữa, rồi cùng hòa giọng, ngân vang những bản hùng ca như thi với tiếng mưa gào thét.
Suốt đêm đó, một đêm đông rét mướt,chúng tôi không ngũ, lịch kịch đun nước uống và nghe tiếng lòng hào hùng dâng lên với một trời tỏ rạng…Ðón đợi mùa Xuân dân tộc trở về…
Ðó cũng là đêm kiểm điểm lại ký ức những tháng năm đã sống, những kỹ niệm thanh cao của thời tươi trẻ. Chúng tôi nhớ tới thủ đô Hà Nộii với những sân tập, nơi chúng tôi phơi mình khổ luyện, và những đường phố nơi chúng tôi hoạt động trong công cuộc bảo vệ an ninh trật tự cho đồng bào, sau ngày Nhật đảo chánh (9 – 3- 1945). Chúng tôi nhớ tời những buổi họp của môn phái với những ánh mắt nhiệt thành, quả cảm dâng lên , tay nằm tay xết chặt và những vui buồn trên bước đường luân lạc chúng tôi sát cánh bên nhau.
Giờ đây nhìn xế sang trước cửa, quán cà phê Văn Cao lạnh mờ ủ rủ dưới gió mưa cũng như người nghệ sĩ đã bao lâu mõi mòn, tấm thân khẳng khiu gầy guộc vì đã hiến quá nhiều tâm hồn cho nghệ thuật. Ðó là dấu hiệu của Thành Công ? Chúng tôi không nghĩ tới. Chúng tôi chỉ chân thành tâm niệm và cương quyết thể hiện tư tưởng của người Anh:
- Ta đã cạn nước mắt, mất tiếng cười vì cuộc đời, nhưng ta đã được quay về với linh hồn trắng trong, nhân hậu của NGƯỜI THỰC NGƯỜI.
Nhưng ta đã vượt khởi lên trên những tối tâm, tội lỗi của NGƯỜI CHĂNG NGƯỜI.
Bao đớn đau tan hồn, nát xác người đã gieo ở ta, ta đã gặt hái những bông hoa cao đẹp nhất ở sự THƯƠNG YÊU và THA THỨ vô bờ.
Chương 21: NHỮNG NGÀY HỌC VÕ VỚI CỐ VÕ SƯ SÁNG TỔ – Võ Sư Nguyễn Văn Thư
Bước chân vào phòng tập Vovinam ở đướng Thủ Khoa Huân Saigon tôi không còn vụng vể như những ngày nhập môn ở phòng tập Hàng Vôi Hà Nội nũa. Tuy nhiên, qua một thời gian thiếu chuyên luyện, nhìn sàn xi măng bóng loáng cũng thấy ơn ớn, lạnh xương sống.
Nhưng một vài buổi, 1, 2 tuần lễ nhìn những tấm lưng, những gót chân gieo trên nền dắn oanh oách, thấy nóng máu, say say, thế là quên hết ngại ngần. Bây giờ mới tìm lại được những ngày Hà Nội say mê nền gạch hoa, những thế quăng đầu tiên, những mép tay văng mạnh bầm bập trên bắp thịt.
Nói đến những ngày Hà Nội tôi lại nhớ một người bạn tập cùng lớp mà tôi quên mất tên. Anh ta đen cháy vạm võ, nhất là nặng ký, khỏe như vâm nhưng … chỉ phải cái tội nhát ngã. Hồi ấy tôi lấy làm lạ rằng sao Anh ta đô như thế mà không dám chịu đòn, hể bị đánh là như rằng cố gượng lại hoặc ngã trước. Mãi sau này tôi mới hiểu rằng quí vị to xác thì cứng quèo chứ không mềm dẻo, mà hể cứng khi gặp cứng hơn thì dễ … gãy. Cũng vì sợ gãy, hay sợ đau cũng vậy, anh bạn vừa kể trên cho chúng tôi một dịp để thưởng thức, không, không phải nói là chiêm ngững mới đúng hơn, 1 đòn tự do tay tuyệt diệu.
Hôm đó cũng như thường lệ, anh bạn ấy cứ cưỡng mãi, không chịu ngã. Mỗi lần đến lượt anh chịu đòn, tự do tay là y như anh nhẩy quẩng quẩng lên tựa một con búp bê cuồng cẳng chứ chả chịu ngã cây thịt xuống sàn. Thế là cái đuôi xếp hàng chịu đòn được lệnh tách ra. Một cái vẫy tay:
- Em ra đây, phải đánh và ngã như thế này mới được ! Và … Hấp ! soạt ! tiếng đế giày lướt trên mặt gach, chiếu Blouson xanh lam soải rộng cánh, một lóe mắt sáng quắc, người võ sinh đổ và văng tuốt chân tường 3 thước hơn ! Hú vía !
Thôi ! đứa nào đứa nấy le lưởi dài ! Vừa thán phục vừa sợ ! Ðẹp thì có đẹp thật ! Như một con chim giang cánh ! Như một làn sóng bạc đầu ! Như một tiếng quát ! Tất cả không kịp rùng mình nhưng đều có vẽ như mới bị rùng mình. Những lổ chân lông còn sởn gai lên. Im lặng như 1 phút mặc niệm. Trong khi đó với một cười thoáng nhẹ, dáng ALộc bước những bước nghĩ ngợi về góc phòng. Buổi tập tiếp tục sau cái lưng oằn của người võ sinh gân guốc, đen khỏe.
Những lần như vậy kể ra cũng hiếm có lắm. Năm khi mười hoạ mới có kẻ hân hạnh được thực thụ … nếm đòn. Ðòn Anh đã ra thì ngọt và sắc như một nước dao khoang trên khúc mía đường chèo : Soẹt ! Nom ngọt và gọn như một nét mác chém rất vừa, rất chính xác của một tay danh bút. Người học trò được thưởng thức đầy đủ cái tinh vi của thế ngã: Vừa tới để thấm thía nhưng không quá mức đến nổi nhớ mãi trong một giấc ngàn thu.
Dĩ nhiên chúng tôi ai cũng muốn xem cho khoái mắt và ghê mình những pha trứ danh như thế nhưng dĩ nhiên – cũng dĩ nhiên – ít ai dám xin ra … lãnh đủ cả !
Tôi còn nhớ Anh Lộ rất nghiêm khắc với học trò về lối ra đòn. Phải đúng. Phải ngang bằng sổ ngay. Dạy sao đánh vậy. Thật gọn. Thật sát, ngổ mà ẩu, dữ mà rừng là y như bị mắng, chẳng sai bận nào. Hể mà một đòn, một cặp đánh sai là y như rằng hôm ấy cả lớp phải ngừng lại, ôn toát mồ hôi, cả chục lần, cả trăm lượt.
Có lần lớp tôi học, quãng 3 năm rồi, còn phải ôn gạt tay, chém, đấm đá… cả tháng rưỡi, hai tháng trời ở đường Nguyễn Khắc Nhu, chỉ vì có một anh bạn đánh miếng thẳng phải đầu bài một không vừa mắt: Mép tay chém mà bàn tay khum khum, ngón tay cong cong, đường tay khòng khòng. Chao ! Thì cả lớp ráng mà căn bản lại vậy. Chứ biết làm sao bây giờ.
Thế rồi nào là dáng đứng, nắm đấm, né đầu, lấy sức vai búng chân, quắt ngón, bấm chặt mặt đất v.v… nhất nhất phải sửa hết, bao giờ vừa ý thì thôi. Vừa ý mới được học tiếp.
Một lần chúng tôi tập khóa dắt lối 2: bốp, nghoéo, voặt ! …
Ðến lượt Tấn:
– Ra đây chú !
– Nầy nhé ! …
Nắm tay phải, móc tay trái, giật, gập, vặn chéo, kéo xoắn, bước ngang sang, dí vai xuống, xách cổ tay lên: Ô ! sao chân Tấn cứ nhón trên đầu ngón thế ?!! Những bước chân Tấn đi trông chẳng khác gì 2 bàn tay của 1 chú đại hùng tinh lúc đi, quẹt quẹt, chấm chấm trên mặt đất vậy !
Cứ kể mãi đòn thế cũng nhàm, phải có gì khác chứ ? Vâng để xem nào ! à , đây rồi ! Tết ở Nguyễn Khắc Nhu. Hôm ấy nào Tuấn, nào Hiền, nào Ðộ, nào Thông, nào Phúc, nào Bách …tề tựu cả họp nhau một lũ kéo tới.
Bánh pháo được bóc ra sắp hàng. Bách cầm cuống bánh pháo giơ ngang vai, quay mặt sang nhìn, pháo nổ toé khói, mùi thuốc thơm như Tết, xác pháo đỏ như mùa xuân không thiếu hoa đào. Ðốt pháo xong, chúng tôi ùa vào.
– Năm mới … ngồi quây quanh đây, các em uống trà hay uống rượu nào ?
Ðứa nọ nhìn đứa kia. Có gì lạ đấy nhé ! a, đầu năm mới, Anh Lộc trong có vẽ vui vui, mắt cười hóm hỉnh. Ư, nhưng có gì không là lạ đấy nhé ! ư, đây rồi ! Vẫn chiếc blouson xanh của nghững ngày tháng cũ, những năm Vovinam của hàng Than, hàng Trống, hàng Vôi … Phải rồi, tháng năm trôi thời tiết thay đổi. Nhưng lòng người vẫn đứng vững đấy, màu áo vẫn xanh tuy sắc có phai. Nhưng tiết không đổi áo, học trò không đổi thầy, nét trung trực là ở đó, trung thực với mình, trung thực với người, trung thực với đất trời. Trong sáng và giản dị ! Từng bấy nhiêu, có đủ cho một người học trò ngậm ngùi khi nghỉ lại, nhắc lại không ? !!
Một lần chúng tôi đến Tết anh ở building Everest. Học trò xúm lại xin anh một bức ảnh để treo ở phòng tập. Cũng nhân đó nhắc lại những ảnh võ. anh bảo:
– Hỏi anh Sáng xem anh Sáng còn giữ không ! bao nhiêu ảnh anh giao cả cho anh Sáng giữ hết. Mình sống phải mạnh mới được. Hình ảnh chỉ làm mình nghĩ nhiều đến dĩ vãng. Mà hể nghĩ nhiềâu đến dĩ vãng thì còn thì giờ đâu nghĩ đến tương lai nữa. Con người võ sĩ hùng mạnh chỉ biết nhìn về phía trước mà tiến tới … Nên anh không bao giờ giữ một ấm ảnh nào của mình cả.
Tôi nghĩ mãi về câu ấy. Ảnh. Dĩ vãng. Vâng. Tôi không dám quên lời anh dạy. Nhưng quả tôi chưa xứng đáng là con người võ sĩ. Anh muốn chomôn đệ tiến tới, bởi vì … bởi vì bây giờ tôi đang sống lại … sống với anh ngày ấy, với ảnh, với dĩ vãng.
Dĩ vãng bừng dậy trong ký ức. Tôi nhớ đến anh với buổi giảng luận bất ngờ: Ðông đủ một lũ học trò, anh vui vẽ nhân lúc khen Hùng hồi này chóng lớn nhỉ?, Lan man sang chuyện luyện tập, anh hỏi:
– Thế Anh Sáng đã dạy cho các em luyện thân thép chưa ?
– Thưa anh, hồi này đang tập kéo dây, vặn gậy, vật …
– Ờ, cố lên nhé, phải có sức mới được. Sức cũng cần lắm. Võ sĩ mà chỉ mạnh không chưa đủ. Còn phải dai sức nữa. Ngày xưa các anh chàng to như con trâu mộng, khi chiến đấu chỉ lăn xả vào dùng sức mà lấn, mà xô như trâu, ấy gọi là ngưu quyền; lối đánh dùng sức mà nhảy nhót như khỉ, vượn… là hầu quyền, lối đánh mà chồm, vờn, dũng mãnh, hung bạo .. là hổ quyền… đại ý người ta thể theo cái năng thế của mỗi người, lựa một cách đánh riêng biệt từa tựa một loại, một giống … mà đặt tên cho bài bản để dễ phân biệt như ta gọi bài 1, bài 2, bài 3… rồi lại nhìn từng miếng,so sánh với hình dáng, cử động … của người, của vật mà đặt tên cho đỡ quên, thí dụ: đồng tử hiến đào, mãnh hổ xuất động … cũng như ta nói tự do chân số 1, quặp cổ …
Nhưng thôi, để khi nào hè hay ngày nghỉ, các em lên trên đồn điền chơi rồi lúc rảnh, anh sẻ chỉ cho mà tập thêm nhiều nữa. Bây giờ hãy cố gắng theo anh Sáng mà luyện kỹ đi mới được. Hãy để anh Sáng chỉ các em tập bài cho nhiều một chút lấy căn bản đã…chừng đỡ bận việc anh sẽ họp các em lại mà chỉ thêm.
Chúng tôi vâng lời Anh dạy. Chuyên tâm thao luyện. Nhưng công việc đa doan. Anh bận. Bận mãi. Rồi bổng anh mệt. Hết bận đến bệnh. Thì giờ anh dành cho môn đệ còn được bao nhiêu !
Thế rồi một lần chúng tôi trở lại building Everest thăm Anh. Lần ấy, trong buồng khách rộng, nhân câu chuyện thời đàm nói về võ đài với nhưng võ sĩ Lèo, Anh bảo:
– Các em chịu khó nghiêm cứu và bảo anh Sáng chỉ cho mà tập, tìm những góc cạnh thích hợp nhất để tốc chiến tốc thắng. Ngộ nhỡ một mai cần đến, chẳng là mang danh dân tộc mà lại đi dùng võ Hồng Mao hay võ Nhật hoặc võ Thiếu Lâm thượng đài sao ? Chắc anh sáng vẫn cho cho các em luyện thân thép đấy chứ ? Trông các em cũng khỏe cả. Thư khỏi hẳn cái đầu rồi chứ ? Thỉnh thoảng có còn chóng mặt không ? Thế mợ vẫn cho tập đấy chứ ?
– Ðược, cứ chịu khó tập đi, kỳ này anh khỏe rồi anh sẽ gọi các em lại mà giảng luyện thêm cho.
Chúng tôi vâng lời Anh. Về tập hăng hơn trước. Chủ Nhật tờ mờ sáng đã đến Trần Hưng đạo từ 5 giờ hơn, 6 giờ, tập quần quật tới 11, 12 giờ. Nào tấn, nào quyền, nào bài, nào vật, nào đẩy cây, nào kéo thừng … rồi dao, rồi gậy …
Có đứa đi bộ từ Phú Thọ xuống. Có đứa đạp xe từ Tân Ðịnh , Phú Nhuận lên. Có những đứa vừa đi xa về là lại lăn vào tập. Người ở Huế vào. Kẻ ở Tây Ðức về. Hậu Giang lên. Cao Nguyên xuống. khắp nơi tụ lại.
Những môn đệ cũ của anh: Người Pháp, người Ðức, người Bắc Phi… tới tấp gữi thư, bưu thiếp … về thăm anh. Vovinam bừng lên, đây nguồn sống mới. Võ thuật độc đáo dân tộc tiến dần lên hàng nghệ thuật phổ cập quốc tế. Vovinam – Nguyễn Lộc dần trở thành những danh tính của thế giới ngữ trong đám môn đồ bốn phương.
Những ngày phục hưng còn đang cấp tiến, một sớm tin buồn lan ra, truyền đi. Từng lúm cây, từng ngọn cỏ, làn gió, cụm mây … màu tang nhuộm khắp.
- Môn đệ đau vì mất một bậc thầy thương kính.
- Môn phái đau vì mất đấng sinh thành.
- Nghệ thuật đau vì mất nhà sáng tạo.
- Võ đạo đau vì mất người lính tiền phong của thế kỷ.
- Dân tộc mất bàn tay sắt đã từng đào tạo bao lứa con yêu cho đất nước.
- Nhân loại mất trái tim từ ái với đôi mắt nhuốm nhiều thương xót…
Không, tôi không viết tiểu sử anh. Tôi cũng không xứng đáng viết tiểu truyện anh. Vì với võ đạo,tôi chỉ là một hạt bụi nhỏ trong khi anh là một vì sao chỉ hường. Không, tôi không xứng mà cũng không khứng viết tiểu truyện anh vì ngôn từ tôi nghèo thiếu, vì thuật quảng diễn trong tôi còn nông cạn. Bàn tay tôi, trái tim tôi, tôi tập, tôi học. Nhưng biết bao giờ tôi đọc được – từ trong vô minh của tiềm thức dân tộc, từ trong bản năng chiến đấu của nhân loại, từ trong đại hùng đại lực của kiếp người ngắn ngủi – biết bao giờ tôi đọc được những nét ngang bằng sổ ngay của nghệ thuật tốc thắng trong đấu tranh cho sự sống, danh dự và lẽ phải ? Phải, biết đến bao giờ tôi theo gót được Anh trên con đường nâng cao võ thuật lên hàng nghệ thuật ? vâng, biết đến bao giờ tôi theo gót được Anh trên con đường phát hiện chân nghệ Thuật ?
Nay thằm thoát đã 5 năm qua. Nhìn lại con đường tiến thủ, những thành quả của môn đệ kế nghiệp đâu đáng kể gì để làm thức dâng lên đấng sinh thành quá cố của môn phái. Lỗi tại hoàn cảnh ngoại lai cũng lắm, nhưng lỗi ở lòng mình cũng còn nhiều. Kỷ niệm của ngày 5 tháng năm đấng sinh thành môn phái qua đời, hởi tất cả các môn đệ và môn sinh của người, hãy đặt bàn tay lên trái tim – bàn tay thép và trái tim từ ái – đẻ tỉnh lại một chớp mắt cuồng động, thành kính tưởng niệm về bậc thầy, đấng sáng tạo, tinh hoa của nghệ thuật. Và hởi tất cả, trước khi buông tay dời khỏi trái tim, chúng ta hãy nghĩ rằng chúng ta sẽ làm gì cho môn phái, cho dân tộc, cho thế hệ và cho tương lai của tiến bộ ? Hãy đừng trả lời dấu hỏi bằng một dấu than ! ngày tưởng niệm của năm thứ 5, hãy phục hưng lên nữa, hởi tất cả Vovinam ! Như tất cả mọi ngày, nếu lich sử không làm cho chúng ta tiến bộ thì chúng ta hãy làm cho lịch sử tiến bộ bằng bằng tay thép và bằng trái tim từ ái !
Thủ đô Việt Nam 1965
Hồng Ðai NGUYỄN VĂN THƯ
Chương 22: VÀI KỶ NIỆM VỚI CỐ VÕ SƯ SÁNG TỔ – Thanh Hữu
Học võ, đừng quên học văn.
– Hôm nay, anh Lộc sắp tới đây thăm các em…
Võ sư Mỹ bảo chúng tôi như vậy, vào một buổi chiều mùa hè khoảûng năm 1945, tại sân tập Ấu Trĩ Viên Hà Nội. Hồi đó, tất cả chúng tôi đều ở lứa tuổi từ 12 tới 16 tuổi, khoảng gần trăm mạng, chiều chiều tới Ấu Trĩ Viên để học Võ Tự Vệ Vovinam, danh xưng của chương trình Tự Vệ nhập Môn của môn phái Vovinam đương thời.
Tưởng cũng cần phác họa lại thêm khung cảnh học võ của chúng tôi hồi đó: Toàn thể chúng tôi đều bận quần đùi, maillot; và cùng mang một tâm trạng học võ hết sức đặc biệt: Vừa vì tò mò, vừa vì khoái võ học qua ảnh hưởng của các sách truyện võ hiệp đương thời, vừa vì ý hướng muốn tham gia vào các hoạt động thanh niên thể thao. Do đó, trong tâm tưởng chúng tôi, hình ảnh của vị võ sư sáng tạo môn phái thường Có Họ với các vị Sư Tổ các môn phái võ học trong truyền thuyết: Hoặc râu tóc bạc phơ như Ngũ Mai lão ni, hoặc tu hành khổ hạnh như Chí Thiện thiền sư, hoặc tiên phong đạo cốt như Quỷ Cốc Tử, với 4 người môn đệ lừng danh là Tôn Tẩn – Bàng Quyên – Tô Tần – Trương Nghi.
Chúng tôi hồi hộp chờ đợi võ sư Nguyễn Lộc xuất hiện. Ủa ! Ngạc nhiên biết bao khi trước mắt chúng tôi là một thanh niên khoảng 30 tuổi, dong dỏng cao, nước da ngăm ngăm đen, với lối phục sức giản dị: Chemisette bỏ trong quần. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên đó, tôi còn nhớ mãi lời dặn ngắn gọn, ấm cúng của Anh đối với tất cả võ sinh chúng tôi.
– Cố gắng lên, các em nhé ! Học võ, đừng quên học văn đấy nhé ! Xã hội kỳ vọng rất nhiều ở các em đó !
Học võ, đâu phải để … đi đánh nhau”
Sau đó, chúng tôi về học tại võ đường chancheauyme Hà Nội, trực tiếp thụ huấn ở Anh. còn nhớ, hồi đó giữa học trò Lypro (tức Lycée protectorat, trường Bưởi) và học trò Lycal (lycée Albert Sarraut) Hà Nội, thường luôn luôn có chuyện mâu thuẩn, lục đục. Có nhiều nguyên nhân sâu xa: Học trò lypro học theo chương trình bản xứ, đa số là con em công tư chức và những gia đình Việt Nam hành nghề tự đo; trong lúc học trò Lycal học theo chương trình Tây và đa số là con em những gia đình vào làng Tây. Sự kỳ thị giữa hai trường càng tăng thêm, khi Lypro có truyền thống cách mạng, luôn hổ trợ các phong tráo cách mạng chống Pháp, còn Lycal ngược lại, luôn luôn bợ Pháp và dè bỉu dân An Nam mít !
Học lypro, tất nhiên chúng tôi đứng hẳn vào thế … hục hặc với Lycal. Hục hặc nhỏ, có xô xát nhỏ. Hục hăc lớn, sẽ xẩy ra những vụ dàn trận lớn. Thường thường, con nhà Tây tuy to con hơn, nhưng khó đánh lại chúng tôi, vì chúng tôi vừa đông, vừa chì hơn. Tuy vậy, bọn Tây con cũng bất khuất kinh khủng vô cùng ! thua thì thua, chúng vẫn không chịu hàng, và vẫn tiếp tục tham chiến nhiều nhiều và vân vân nữa, làm phiền chúng tôi không ít.
Bẳng đi một buổi học, tôi tới võ đường với … bộ mặt sưng húp và … có dán thuốc cao (hồi đó, chưa có băng keo như ngày nay). Anh chỉ hơi nhíu mày nhìn tôi với những tia mắt thương hại. Tan giờ học võ, tôi riu ríu muốn chuồn êm, Anh đã gọi giật lại mà hỏi:
– H…! em ở lại, anh bảo.
Tôi đành vâng. Anh bảo tôi ngồi xuống ghế, rồi ôn tồn hỏi:
– Em quan niệm học võ như thế nào ? có phải là để … đi đánh nhau không ?
Ðã chuẩn bị sẵn, tôi định thao thao bất tuyệt giải thích, Anh đả chặn lời lại mà bảo:
– Anh biết rõ cả. Ðành rằng các em cay bọn Tây con, nhưng học võ đâu phải để đi đánh nhau ? Các em nên nhớ: Phải biết nhẫn nhục, chịu đựng, mới có thể làm việc lớn được…
Chiến tranh và Chánh trị đã làm chúng ta đau khổ …
Rồi Vovinam vừng lên, hiên ngang với tư thế không làm chánh trị. Chúng tôi phân hoá đi, lao cả tuổi trẻ vào kháng chiến, rồi trở về với một tâm trạng rã rời. còn gặp lại anh vài lần, nhất là lần cuối cùng ở đường Thủ Khoa Huân Saigon, Anh đã già đi nhiều và ít nói. Ðề cập tới những vấn đề thời sự, anh chỉ cư thế
– Chiến tranh và chính trị đã làm dân tộc mình đau khổ nhiều, chúng mình còn bàn tới làm chi ?
Tuy vâng dạ, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ đó chỉ là câu nói trong lúc bi phẩn của Anh. Tôi thành thật nghĩ rằng sẽ có lúc Anh bàn đến những vần đề chiến tranh và chính trị. Nhưng dịp đó không tới bởi anh đã bỏ chúng tôi trước cuộc chiến tranh này để mặc chiến tranh và những vấn đề chính trịï cho những người trẻ tuổi đảm trách.
Những lần tới thăm Anh tại nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi và tới thăm gia đình ta ở ngoại ô cùng đoàn hậu bối của anh, tôi vẫn thấy Anh đăm chiêu nhìn chúng tôi với những tia mắt cương quyết và đầy trìu mến, như thầm nhắc:
– Các em nên nhớ: Phải biết nhẫn nhục, chịu đựng, mới có htể làm việc lớn được. Môn phái ta cũng vậy. Dân tộc ta cũng vậy…
Thanh Hữu
Chương 23: Võ Học và Ðạo Học – VSCM. Lê Sáng
- Khái niệm:
Giữa võ học và đạo học có một số đồng điểm và dị điểm. Chúng ta lấy mấy ví dụ điển hình:- Ví dụ 1: Một võ sĩ thượng đài không nhất thiết phải là người có “học” và hiểu biết về “đạo”. Anh ta có thể mù chữ, nhưng yếu tố tối cần thiết bắt buộc anh ta phải có là sức khỏe và kỹ thuật đánh đấm. Anh ta là người hiểu biết sơ về võ học (học võ – kỹ thuật đánh đấm) nhưng không cần biết đến đạo học và không hề có qua một ý niệm gì về đạo học. Nhưng trong một trận đấu với một đối thủ không xứng tài, trong lúc anh ta sắp hạ xuống một đòn độc để kết húc tính mạng đối thủ một cách “hợp pháp”, đột nhiên anh ta ngừng tay lại. Một chút ý thức về lòng nhân đạo hay nhân tính chăng? Không, không phải, vì lúc đó anh ta say đòn, không cảm thấy gì và không nghĩ gì cả. Anh ta chỉ biết là, lúc đó tự nhiên như có một sức mạnh siêu hình nào chi phối hành động của anh ta rất nhanh, khiến anh ta phải làm thế. Dù sao anh ta là người chỉ biết đến võ học, không cần đạo học.- Ví dụ 2: Một vị chân tu đã tu dưỡng tới mức siêu phàm. Ông ta sẵn sàng cho tha nhân tất cả những gì ông ta có. Có người tới xin của cải. Có người tới xin vợ. Có người tới xin con. Ông ta cho hết.
Cuối cùng, có người tới xin ông ta… cái đầu. Tất nhiên, đây là vật sở hữu cuối cùng mà khó có người nào dám đem cho người khác, dù giàu lòng từ thiện đến đâu chăng nữa. Nhưng vị chân tu kia cũng không ngần ngại, “cho” nốt luôn. Vị chân tu này, theo Phật thoại, là tiền thân Phật Tổ. – đây, chúng ta thấy rõ là, vị chân tu nầy là người đạo học thuần túy, ông ta hoàn toàn không hề lý tới võ học và những hoạt động võ học.
– Ví dụ 3: Hai nhà sư đi qua một khu rừng, một vị thuộc hệ phái Tiểu thừa, một vị thuộc hệ phái Ðại thừa. Giữa rừng, có một thiếu phụ bị một tên cướp bắt trói để cướp đoạt tiền bạc và làm trò dâm đãng. Trước một sự việc bất bình hiện ngay ra trước mắt, phản ứng của hai vị tu sĩ kia ra sao?
Vị tu sĩ theo Tiểu thừa lẳng lặng bỏ đi. Vì ông quan niệm rằng đó là chuyện “tiền oan nghiệp chướng”, từ cái nhân kiếp trước mới đưa tới cái “quả” kiếp này. Người tu hành muốn đắc đạo phải tự giải thoát ra nghiệp vô minh để tránh những trường hợp nhiệm thế của tục gia, mà theo ông, là tạo thêm cơ hội trùng trùng duyên khởi.
Vị tu sĩ theo Ðại thừa nhất quyết can thiệp. Vì ông quan niệm: cứu được một người phúc đẳng hà sa. Bắt buộc phải động võ để bênh yếu chống mạnh, ông tự cho mình có sứ mạng phải cứu vớt chúng sinh ra khỏi khổ hải bằng những hành động cứu nhân độ thế thực tiễn.
Tất nhiên, vị tu sĩ thứ nhất là người của đạo học thuần túy và vị tu sĩ thứ hai đã phối triển đạo học với võ học trong đời sống nhân loại.
Qua ba ví dụ điển hình trên, chúng ta đã thấy võ học và đạo học được mô tả như những sinh vật sống động. Như vậy, chúng ta đã có thể nhận thức võ học và đạo học bằng một nhãn quan sống động tổng hợp các định nghĩa về 2 bộ môn này, trước khi nhận thức những đồng điểm và dị điểm.
A. Ðịnh Nghĩa
1. Võ học: Ngành học chuyên về việc xử dụng sức mạnh, kỹ thuật dùng sức mạnh, và cuối cùng, ý thức dụng võ (bao gồm cả quan niệm sống, luân lý của việc dụng võ).
- Ðạo học: Ngành học bắt nguồn từ ý niệm tu tâm dưỡng tính, rồi đi đến hệ thống hóa thành những căn bản giáo lý được dùng làm kim chỉ nam và phương châm sinh hoạt, hành xử trong cuộc sống.
Về nguyên lý, chúng ta có thể hiểu đạo học như một môn học về “đạo”. Vậy, muốn đi sâu vào định nghĩa đạo học, trước hết, chúng ta cần nhận thức đúng mức về tình nghĩa của “đạo”, ngoài những ý nghĩa thông thường thuộc phạm vi tôn giáo.
Về vũ trụ quan, cả Khổng Tử, Lão Tử đều mặc nhiên coi Ðạo là một thể điều hợp hai trạng thái đối nghịch mâu thuẫn như: sáng tối, cứng mềm, động tĩnh, phải quấy, tốt xấu, thiện ác v.v.. Với Khổng Tử, Ðạo (cũng có tên là Thái Cực) là một thể điều hợp bằng Dịch lý, và hai trạng thái đối nghịch, mâu thuẫn kia được gọi là Âm Dương, khi quan niệm: Cứng Mềm cứ đun đẩy, sinh hóa mãi mà thành lẽ Dịch (Cương nhu tương thôi tương sinh chi vị Dịch).
Với Lão Tử, “Ðạo” là một thể rất lớn, có trước trời đất (tượng trưng cho cứng mềm) điều hợp mọi nguyên lý sinh tồn của tạo vật (1).
Như vậy, về tinh lý, ta có thể hiểu “Ðạo” như một hợp thể của Cương và Nhu, điều hòa và phối hợp hai trạng thái đối nghịch này, tạo nên sự sống và sự trưởng triển.
- Ðồng Ðiểm:
Qua định nghĩa trên, chúng ta thấy giữa võ học và đạo học có những đồng điểm:
– Cả hai cùng thuộc ngành học thuật, nên cùng chú trọng đến việc hệ thống hóa và thái dụng tinh hoa của các môn học khác bồi dưỡng cho ngành học thuật của mình.
– Võ học khi tinh tiến tới một mức độ cao, rất gần với Ðạo học về tinh lý điều hòa và phối triển cương nhu.
– Trong đời sống bình thường, võ học cũng luôn luôn áp dụng những yếu tính cương nhu của Ðạo học vào kỹ thuật dùng sức mạnh. Ví dụ: Nhu Ðạo, chủ về nhu với triết tính “dĩ nhu chế cương”; Thái Cực Ðạo (Không Thủ Ðạo – Karatédo) và Túc Quyền Ðạo (Taekwondo) chủ về cương (dĩ cương thắng nhu) và trường (dĩ trường thắng đoản).
– Võ học là đặc tính “động” của Ðạo học, nhưng triết tính của Võ học lại gần với Ðạo học (lấy tĩnh chế động, lấy bình chế biến).
– Võ học và Ðạo học cùng nhằm mục tiêu tối hậu cải tạo con người và hoàn thiện xã hội.
- Dị Ðiểm
– Mục tiêu có thể giống nhau (ví dụ: cùng tiến tới hoàn thiện xã hội), nhưng biện pháp thực hiện khác nhau (Ðạo học nặng về những biện pháp cảm hóa và cải hóa, trong lúc Võ học nặng về những biện pháp trừ gian diệt bạo để cải thiện và hoàn
thiện xã hội).
– Phương pháp xử dụng khác nhau: võ học chú trọng tới những phương pháp sinh động, Ðạo học chú trọng tới những phương pháp lễ tĩnh.
– Võ học chú trọng nhiều tới hành động, Ðạo học chú trọng nhiều tới giáo thuyết.
– Triết lý của võ học là triết lý hành động, triết lý của đạo học là triết lý thuần túy.
– Nhân sự của Võ học là nhân sự nhiệm thế, nhân sự của Ðạo học không cần thiết phải nhiệm thế (yếm thế, xuất thế: đạo và đời cách biệt).
- Tương Quan Giữa Võ Học và Ðạo Học.
Qua khái niệm trên, chúng ta đều thấy rõ là, mặc dầu là hai ngành học khác nhau, nhưng vẫn luôn luôn có sự hỗ tương để cùng cải thiện và hoàn thiện xã hội.
Tại Trung Quốc ta thấy sự hình thành của hai môn phái Thiếu Lâm và Võ Ðang là một sự kết hợp kỳ diệu giữa võ học và đạo học. Với môn phái Thiếu Lâm: Ðạt Ma Thiền Sư, vị sáng tổ của môn phái này, nhờ áp dụng yoga vào việc khổ tu và vận dụng tinh lý võ học vào việc bảo vệ thiền môn và các mục đích cao cả khác nên đã phát huy võ học song song với đạo học, làm sáng danh nền võ học Trung Quốc đồng thời với việc phát huy Phật pháp và đào luyện nhiều thế hệ nhân tài võ học cho đất nước đứng ra nhiệm thế. Môn phái Võ Ðang cũng ở trường hợp tương tự: Ðạo sĩ Trương Tam Phong, vị sáng tổ của môn phái này, đã tạo được sự hòa hợp kỳ diệu giữa võ học và đạo học, làm vinh dự cho biết bao thế hệ võ sĩ của Trung Quốc.
Tại Nhật Bản, môn phái nhu thuật (Jiu-Jitsu) được vận dụng nhờ sự lưu vong của nhà sư Trần Nguyên Tán (Chen Yuan Phin), một cao đồ cuả Thiếu Lâm Tự, và sau đó, phối hợp với các môn võ cổ truyền Nhật Bản và tinh thần thần giáo, truyền thống võ sĩ đạo Nhật Bản (Bushido) mà thành, cũng là sự kết hợp kỳ diệt giữa võ học và đạo học. Sau, sự hình thành môn phái Nhu Ðạo (Judo) của bác sĩ Jogora Kano với những cố gắng biến chế và tiết giảm những thế võ quá hung hiểm, cùng hòa điệu với truyền thống tôn giáo của dân tộc Nhật, càng nâng cao giá trị của sự điều hợp này.
Còn tại Việt Nam chúng ta, tương quan giữa võ học và đạo học ra sao? Chúng ta hãy kiểm điểm lại những mối tương quan này, từ các thế hệ trước tới thế hệ hiện tại của chúng ta.
A. Tương quan trong các thế hệ trước
Khác với võ học Trung Quốc, được phát triển để tạo một thế thăng bằng giữa chánh trị (nhà cầm quyền phong kiến và các đẳng cấp xã hội được biệt đãi) và xã hội (thuộc dân chúng, với mức sống thấp kém) nên nặng về quan niệm “thế thiên hành đạo” bằng tinh thần hiệp sĩ “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, trong một quốc gia quá rộng lớn, có một dân số quá đông đúc và phức tạp; võ học Việt Nam nặng về quan niệm “cứu nước an dân” và “phò vua giúp nước” nhiều hơn, vì xã hội Việt Nam là một xã hội nhược tiểu thường xuyên phải đấu tranh để sinh tồn vừa vì tự vệ vừa vì mở nước.
Do đó, tương quan giữa võ học và đạo học tại Việt Nam nhắm vào những mục tiêu chánh trị nhiều hơn là xã hội, với sứ vụ đào tạo những nhân tài võ học đứng lên đảm nhiệm sứ mạng trước dân tộc, trước lịch sử.
Tương quan này, khởi từ những ý niệm kháng Bắc phục quốc từ thời Triệu Chinh Nương đã đi từ ý hướng “cứu khốn phò nguy” một nhóm người, một thành phần xã hội sang một tập thể dân tộc trong cơn quốc biến qua lời tuyên bố: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng Kình ở biển Ðông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi cơn đắm đuối, chớ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta”.
Xuất phát từ ý thức tự giác, người võ sĩ Việt Nam đã tìm thấy quan niệm vị tha rộng rãi từ Khổng Giáo, Lão Giáo qua Phật Giáo. Mãi đến thời Lý, quan niệm vị tha nầy mới được hình thành rõ rệt bằng sự xuất hiện của Lý Thường Kiệt, một tăng đồ của Sư Vạn Hạnh. Trong suốt thời Lý, võ học Việt Nam đã ảnh hưởng sâu đậm triết lý nhà Phật trong việc dụng võ, nhưng mãi đến thời Trần tinh thần Tam Giáo đồng nguyên (Khổng-Lão-Phật) mới chánh thức thâm nhập vào võ học, tạo thành một tương quan đặc biệt giữa võ học và đạo học: việc học võ và giáo lý trở thành một quy chế cưỡng bách cho đẳng cấp quý tộc đương thời (công chúa, phi tần cũng phải học múa gươm cưỡi ngựa) với hệ thống Giảng Võ Ðường được thiết lập song song với Quốc Học Viện. Rồi, lần lượt kinh qua những thăng trầm lịch sử, tương quan này được kết hợp rõ rệt vào thời Hậu Lê để khuyến khích nền võ học dân dã bằng các kỳ thi Minh Kinh Khoa, bắt buộc các quan văn võ từ tứ phẩm trở xuống phải khảo thí về kinh sử và các môn võ, đồng thời với việc mở rộng các khoa thi Minh Kinh tại các địa phương để tuyển dụng những nhân tài “văn võ toàn tài” cho đất nước.
Võ học dân dã càng ngày càng phát triển, đã đương nhiên đào tạo được nhiều nhân tài võ học nổi tiếng, xuất thân từ dân dã như Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Tánh v.v.. trở thành những anh hùng nổi tiếng trong lịch sử.
- Tương Quan trong các Thế Hệ Hiện Ðại
Võ học kết hợp với dạo học, càng ngày càng trở thành một ngành học thịnh hành cho mọi thành phần xã hội. Nhờ sự kết hợp với đạo học do các ảnh hưởng văn hóa du nhập từ nước ngoài, võ học Việt Nam lần lần hệ thống hóa và ý thức hóa việc dụng võ, nâng cao trình độ võ học, từ võ thuật lên tới võ đạo.
Các võ đường và lò võ thuần túy lần lần kết hợp lại, thái dụng với các tinh hoa võ học nước ngoài thành từng môn phái võ học riêng biệt. Vào năm 1938, Cố Võ Sư Nguyễn Lộc đã cố gắng phối triển và thái dụng các tinh hoa võ học cổ truyền với các tinh hoa võ học du nhập, hình thành môn phái Vovinam – Việt Võ Ðạo. Hào khí “học võ để kháng chiến chống Pháp” đã trở thành một cao trào vào các năm 1945-1946, với những lớp võ công cộng đông tới hàng chục ngàn người, để khẩn tốc tham gia các công tác chống Pháp dành độc lập. Từ đó, võ học lần lần đi vào những trào lưu hoạt động thanh niên thể thao được phát triển trên khắp thế giới, võ học đương nhiên trở thành một ngành sinh hoạt không thể thiếu trong xã hội Việt Nam.
III. Ðồng Quy và Kết Hợp.
Hiện nay, với cao trào phát triển võ học, võ học và đạo học mặc nhiên đã có sự đồng quy và kết hợp tích cực. Các dị điểm giữa võ học và đạo học lần lượt được chế phục: rất nhiều vị tu sĩ đã học võ và coi việc học võ như một phương tiện để hành đạo, nhiều môn phái võ học đã thấm nhuần tinh lý của đạo học, hòa điệu với đạo học thành một (ví dụ: các môn phái Thiếu Lâm, Võ Ðang…)
Sự đồng quy và kết hợp này, đã lần lượt kinh qua 3 trạng thái:
- Trạng thái thăng hóa: Tiềm ẩn những tinh lý đạo học trong võ học. Ví dụ: võ học thời Lý, võ học thời Trần.
- Trạng thái hình thành: Thành quả tích cực của trạng thái thăng hóa sau một thời gian thấm nhuần tinh lý đạo học. Tại Trung Quốc: sự hình thành các môn phái Thiếu Lâm, Võ Ðang; tại Nhật Bản: Sự hình thành các môn phái Nhu Thuật, Nhu Ðạo, Thái Cực Ðạo (Karatedo); tại Ðại Hàn: Sự hình thành môn phái Túc Quyền Ðạo (Taekwondo); tại Việt Nam: Sự hình thành môn phái Vovinam – Việt Võ Ðạo.
- Trạng thái phối triển: Sự trưởng triển phải có sau khi hình thành. Trong hầu hết các quốc gia đã có sự đồng quy và kết hợp giữa võ học và đạo học, sự hình thành các môn phái võ học thường mang theo các yếu tính sau đây:
– Võ triết: rút từ tinh lý đạo học, sau khi đã có sự thái dụng, phối hợp và kết tinh.
– Dân tộc tính.
– Truyền thống dân tộc (cơ chế, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng v.v..)
– Võ học cổ truyền.
– Võ du nhập được thái dụng.
– Tổ chức v.v…
Cả ba trạng thái trên đây đều xuất phát từ những tương quan giữa võ học và đạo học. Tương quan đó, càng ngày càng tế vi, tổ chức càng tinh mật, đã trở thành những nhu cầu khẩn thiết luôn luôn bồi dưỡng cho nhau để cùng phát triển.
Võ đạo, chính là sự kết tinh của mối tương quan này, sự phối hợp kỳ diệu giữa võ học và đạo học.
Chú thích:
1. Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh, tịch hề, liêu hề, ngô bất tri kỳ danh, cưỡng viết Ðạo, danh viết Ðại – có một vật do hỗn độn mà thành, có trước trời đất, tịch mịch chừ, yên lặng chừ, ta không biết tên, gượng gọi là Ðạo, đặt tên là Lớn.
Chương 24: Tương Quan Giữa Võ Thuật và Võ Ðạo – VSCM Lê Sáng (1971)
Võ thuật, luận cho cùng, có thể thâu tóm vào một tiếng là: đánh.
Võ đạo, luận cho cùng, có thể thâu tóm vào hai tiếng: đánh phải.
Ðánh, phải dùng sức. Ðánh phải, phải có ý thức (đạo) dụng võ chánh đáng.
Không ai bắt buộc người xử dụng võ thuật phải có ý thức võ đạo; nhưng ngược lại võ học luôn luôn đòi hỏi người môn sinh võ đạo một ý thức dụng võ chánh đáng và khả năng võ thuật tinh tiến.
Ðó là ý niệm phân biệt đầu tiên giữa võ thuật và võ đạo, mở đầu cho những tương quan giữa võ thuật và võ đạo.
Bàn Tay Trong Ðời Sống Và Trong Nếp Sống Võ Thuật, Võ Ðạo.
Tương quan đầu tiên giữa võ thuật và võ đạo là cả hai cùng khai triển tối đa hiệu năng của bàn tay. Cùng với khối óc, con người được coi là động vật có linh thức là nhờ có hai bàn tay để điều dụng. Xuất phát từ một nếp sống man dã thời tiền sử, con người đã biết khéo léo xử dụng hai bàn tay vào mọi công việc tổ chức đời sống và đấu tranh để sinh tồn: trảy hoa quả, đập đá làm dụng cụ và võ khí, chế tạo vật dụng. Trong đời sống du mục, con người đã xử dụng đôi bàn tay vào cả những công việc săn bắn, tự vệ và xâm chiếm. Trong đời sống văn minh, con người đã xử dụng hai bàn tay vào mọi công cuộc phát minh, kiến tạo đủ tiện nghi trong đời sống của mình, và đồng thời cũng sử dụng cả hai bàn tay vào việc chế tạo những vật dụng hủy hoại ngay chính những công trình tạo tác của mình.
Giá trị thực dụng của đôi bàn tay có thể tóm lược vào những đặc tính dưới đây:
1. Giá trị tiến hóa:
Trong muôn loại, động vật tiến hóa nhất là động vật có hai tay. Trong cái động vật có hai tay, động vật tiến hóa nhất là động vật biết sử dụng hai tay một cách chuyên dụng và tinh thục.
Người và khỉ là hai loại động vật tiến hóa nhất so với muôn loài. Nhưng khỉ (và đồng tộc) không sử dụng đôi tay một cách chuyên dụng (vì còn “kiêm nhiệm” cả một số dịch vụ của chân) và tinh thục (không biết sử dụng nước, lửa và các phương tiện thiên nhiên vào đời sống, chỉ có khả năng cầm bắt chớ không có khả năng sáng tạo), nên không có giá trị tiến hóa bằng “người”.
Từ Darwin, với “chủ thuyết diễn hóa” (cũng gọi là “thuyết tiến hóa”) và “thuyết chuyển hóa” của ông, cho rằng “người là hậu thân của khỉ”. Tất nhiên, ông đã luận từ đôi tay của hai họ động vật này để nhận thức về giá trị tiến hóa của chúng. Các thuyết tôn giáo chống lại, với chủ trương con người thiêng liêng và độc lập. Nhưng Adam và Eve được nuôi dưỡng trong Vườn Ðịa Ðàng và thoát ra khỏi Vườn Ðịa Ðàng, cũng phải nhờ đến đôi tay để tiến hóa và tự lập: từ việc hái trái cây ngon ngọt rồi hái trái cấm, dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới, cũng nhờ đôi tay để sinh tồn và tiến hóa. Thần thoại Việt Nam: công việc sáng tạo ra loài người và vạn vật được Ngọc Hoàng Thượng Ðế và bà Tây Vương Mẫu giao cho 12 bà mụ. Các bà mụ dùng 12 đôi tay để trổ tài khéo, mỗi người nắn và thụ một đặc tính. Tục truyền rằng 12 bà mụ này tính nế rất cẩn thận, nhưng vì đôi khi có sự sơ ý hay đãng trí, nên nắn sai và truyền thụ đặc tính sai, để xẩy ra những hậu quả cấu tạo đáng tiếc như: lé, chột, bán nam bán nữ, quái thai, v.v…
Giá trị đôi tay cũng được ghi nhận từ lúc con người sống với rừng núi (đánh đá lấy lửa, săn mồi, đốt lửa lấy ánh sáng, hơi ấm và nấu nướng) đến lúc ra khỏi rừng núi (cầy cấy, săn bắn du mục, tự vệ, chinh phục v.v…) Trong những hình cổ khắc trên vách đá thời tiền sử, nhất là hình ảnh tiền sử tại Việt Nam, đôi tay bao giờ cũng vẽ khuếch đại, để biểu hiện giá trị tiến hóa hàng đầu của con người.
2. Giá trị thực hiện:
Giá trị ưu việt thứ yếu của đôi bàn tay chính là giá trị thực hiện. Người nghệ sĩ thiếu đôi chân, có thể tiếp tục làm những công việc có tính cách sáng tạo như điêu khắc, sáng tác thi văn, tạc tượng, hội họa v.v… Nhưng nếu mất đôi tay, chắc chắn ông ta sẽ không còn được thực hiện được điều gì nữa, vì đôi tay đã mang đi mất của ông giá trị thực hiện của người nghệ sĩ. Một viên tướng giỏi nếu mất đôi chân, vẫn còn có thể chỉ huy đến toàn thắng, như trường hợp Tôn Tẩn đại thắng Bàng Quyên; nhưng ngược lại, chắc chắn vị nguyên soái Tôn Tẩn không thể nào tiếp tục sắm vai tuồng chỉ huy nếu thiếu đôi tay làm thủ lệnh.
Giá trị thực hiện của hai bàn tay cũng đồng thời bao hàm cả giá trị sáng tạo và giá trị lao động, vì mặc dầu đôi chân cũng được vận dụng vào các nghiệp vụ lao động, nhưng không thể nào đắc dụng bằng đôi tay.
Chính nhờ giá trị thực hiện này, con người đã đi từ chỗ tự tạo cho mình những tiện nghi từ thấp đến cao trong đời sống (có đánh đá lấy lửa mới nấu chín được đồ ăn, sưởi ấm được hay đá, khai phá được rừng hoang, đánh bạt được giá lạnh, thắp sáng được đuốc, đèn, nến, xua đuổi được bóng đen (đêm tối) triền miên bao phủ loài người v.v… tới trình độ sinh hoạt ngày nay) tới những công trình sáng tạo và phát minh lớn lao gần như đoạt cả kỳ công của tạo hóa.
3. Giá trị đấu tranh:
Trong cuộc phấn đấu tự tồn trường kỳ và bất tận của con người, hai đối tượng đấu tranh luôn luôn là mối ám ảnh thường xuyên: Thiên nhiên và chính con người.
– Thời tiết thay đổi: Phải đan lấy áo, khâu lấy áo che thân mà mặc.
– Nước sông lên: Phải đắp đê phòng lụt bằng đôi bàn tay hữu hạn.
– Dã thú, ác thú xuất hiện: Phải chống giữ, tiêu diệt.
– Bão tố, sóng thần, động đất v.v… phải nghiên cứu địa chất để xây dựng những công trình kiến trúc có thể bảo vệ mình, trừ trường hợp bất khả kháng.
– Ngoại xâm: đánh, để tự vệ.
– Nội loạn: đánh, để bình định.
– Giặc giã: đánh, để trị an.
– Vì sinh tồn: đánh, để chinh phục.
Chính vì phải thường xuyên lo lắng mọi dịch vụ đấu tranh chống thiên nhiên và con người, nên con người đã cố gắng tự trau dồi bản lãnh đấu tranh của mình về cả 3 phương diện: Võ học (bao gồm võ thuật và binh pháp) vũ khí (từ thô đến tinh) và tổ chức (xã hội, kinh tế, chánh trị, văn hóa v.v…).
Trong mọi trường hợp đấu tranh để sinh tồn, các dân tộc trên thế giới đều chú trọng đến “tay” trước “chân”, ngoại trừ dân tộc Ðại Hàn muốn áp dụng riêng một kỹ thuật độc đáo là dùng “chân” trước “tay” nên hình thành một ngành võ riêng là “Túc Quyền Ðạo” (Taekwondo). Nhưng chính Túc Quyền Ðạo hiện nay cũng đã được canh cải nhiều, để có thể thực dụng về “tay” cũng như “chân”.
Riêng về mặt võ học, bàn tay đã đi từ giá trị thực hiện (bấu víu, đào bới, moi móc, ôm ném, đập, gãi) tới giá trị đấu tranh giành quyền thống trị (sau 1 buổi đấu sức, kẻ thắng sẽ được suy tôn là tù trưởng, là người thống trị). Tới nay, xu hướng này vẫn còn, nhưng được biểu hiện dưới những hình thức tinh vi và tế nhị hơn (chiến lược, chiến thuật, đảo chánh cách mạng v.v…) nhưng vẫn không ra ngoài những nguyên tắc cổ điển về đấu tranh. Từ ngữ “nắm vững” (maintenir) đã mỗi ngày được hiểu theo nghĩa rộng hơn, về cả những vấn đề lớn: nắm vững quần chúng, nắm vững chánh sách v.v…
Tất cả đều không thoát ra ngoài giá trị nguyên tắc: khai triển diệu dụng của “bàn tay”.
4. Giá trị tình cảm:
Sau ba giá trị trên, bàn tay còn là một phương tiện biểu lộ tình cảm. Về tình cảm nam nữ, bàn tay được biểu hiện qua sự vuốt ve, âu yếm. Về tình bạn, bàn tay biểu hiện sự thông cảm qua cử động bắt tay. Về tình cảm kính mến, bàn tay được biểu lộ qua cử động chào kính ngưỡng. Người Công giáo tạ ơn trên bằng cử chỉ làm dấu thánh giá. Người Phật Giáo, Hòa Hảo, Cao Ðài biểu lộ bằng cử động chắp tay lên ngang ngực. Người Khổng giáo biểu lộ bằng sự chắp tay tôn vái, lễ kính nhiều lần.
Giá trị tình cảm của bàn tay còn được các nhà lãnh đạo chánh trị biểu lộ qua những thói quen riêng. Hitler đưa thẳng tay về phía trước. John F. Kennedy nắm chặt bàn tay dằn mạnh xuống mỗi khi cần nhấn mạnh. Ðó là những biểu hiện tình cảm điển hình mà nhờ bàn tay chúng ta mới có.
Khối Óc: Cơ Năng Duy Nhất Ðiều Ðộng Bàn Tay.
Quá trình diễn hóa của bàn tay cho chúng ta thấy rõ diệu dụng tuyệt vời của nó. Sáng tạo đó, hủy diệt cũng đó. Bàn tay có thể tạo ra tất cả, nhưng cũng có thể tàn phá tất cả.
Nếu võ thuật bắt nguồn từ giá trị bàn tay và chúng ta lấy ngay đó làm sự so sáng điển hình: Võ thuật chính là bàn tay thì võ đạo chính là khối óc để điều dụng bàn tay.
Cũng như diễn trình nhân loại, thuở đầu bàn tay còn vụng về, mọi giá trị nhiên hữu còn giới hạn; võ thuật cũng đi từ sơ đến tinh, từ đòn, thế, miếng, đến bài bản. Nhưng giá trị của bàn tay càng cao, giá trị của võ thuật càng cao; “Bàn Tay Võ Thuật” cần phải có sự điều dụng của một khối óc nhân đạo, công chính và tinh tế. Ðó là “Khối Óc Võ Ðạo”.
Chính “Khối Óc Võ Ðạo” đã đảm nhiệm vai tuồng điều động “Bàn Tay Võ Thuật” bằng ý thức dụng võ chân chính của mình. Nếu không có sự điều dụng của “Khối Óc”, “Bàn Tay” cuối cùng chỉ còn đồng nghĩa với sức mạnh. Thành Cát Tư Hãn, Hitler v.v… đã điều dụng sức mạnh của Bàn Tay quá với cái nó có, nên đã nhận được thành quả trái với sự mong đợi của mình.
Do đó, võ thuật khi đã được tăng triển đến một trình độ cao, sẽ hình thành một nền võ đạo mới, để “dùng khối óc điều dụng bàn tay một cách chân chính”.
Một Vài Gương Sáng Võ Thuật, Võ Ðạo Trong Lịch Sử
Yết Kiêu, Dã Tượng là hai viên dũng tướng. Nhưng hai ông yếu về đức lãnh đạo, tài chỉ huy và mưu lược hành quân. Hai ông là những người biết khai triển sức mạnh của bàn tay nhưng chưa vận dụng được sự điều hành của khối óc với bàn tay. Hai ông gần với Võ thuật và xa với Võ đạo.
Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão chẳng những “Văn võ kiêm toàn”, còn là những người biết đặt nợ nước lên trên thù nhà, luôn luôn điều dụng đức độ, mưu lược vào việc dùng binh. Ðó là những tấm gương sáng tiền Việt Võ Ðạo để muôn đời ngưỡng mộ.
Trần Bình Trọng khảng khái chọn cái chết chớ không chịu hàng giặc để phản bội tổ quốc và đồng bào, Nguyễn Cao mổ bụng moi ruột quấn vào ngón chân cái dứt đứt, cắn lưỡi và đâm mù mắt không chịu hàng Pháp (thống sứ Bihourd), sau khi nghĩa quân Cần Vương Bãi Sậy thảm bại: đó là hai vị anh hùng dân tộc tượng trưng cho tinh thần bất khuất tiền Võ Ðạo Việt Nam.
Tôn Tẫn, Bàng Quyên cùng học Quỷ Cốc Tử. Bàng Quyên thiếu tâm đạo, chỉ biết dùng tâm thuật – tức những thủ đoạn, trí trá – nên tuy thành công nhất thời vẫn bị thảm hại trước “đạo” dùng binh của Tôn Tẫn: bao gồm cả đạo đức, mưu lược dùng vào việc điều binh khiển tướng. Quan niệm dụng võ của Tôn Tẫn gần với võ đạo, quan niệm dụng võ của Bàng Quyên hoàn toàn thuộc phạm vi võ thuật.
Trong nếp sống tiền võ đạo của tiền nhân chúng ta, việc sử dụng sức mạnh bàn tay từ Phù Ðổng Thiên Vương, An Dương Vương Thục Phán đã đi lần tới quan niệm dụng võ “văn võ kiêm toàn” và “tài đức lưỡng toàn”, từ Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo, Quang Trung Nguyễn Huệ v.v… chính là càng ngày càng biết điều dụng sự linh mẫn của khối óc vào việc điều dụng sức mạnh của bàn tay, tượng hình cho sự thăng tiến của võ học Việt Nam: từ võ thuật chuyển sang võ đạo.
Trước Hiện Tình, Mối Tương Quan Ðó Ra Sao?
Con người đã bước vào kỷ nguyên nguyên tử lực.
Con người đang bước vào một kỷ nguyên chinh phục không gian.
Con người đã biết sử dụng sức mạnh tuyệt diệu của khoa học và kỹ thuật. Nhưng con người cũng tự thú nhận những bất lực của chính mình trong việc điều dụng những sức mạnh khủng khiếp đó, đồng thời với sự thú nhận bất lực về ngay những vấn đề của con người.
Ðó là một thực trạng đáng để tất cả chúng ta suy nghĩ. Công nhận sức mạnh của “bàn tay” nhưng sức mạnh càng lớn lao bao nhiêu, càng cần sự điều dụng của khối óc bấy nhiêu. Nếu không có sự điều dụng thích đáng của khối óc, sức mạnh được điều dụng sẽ chỉ còn là sự điều dụng giả tạo, không thể chấp nhận.
Trong thời đệ nhị thế chiến, Nhật Bản là quốc gia duy nhất đã điều dụng thành công tinh thần võ đạo vào việc lãnh đạo quốc gia và điều hành chiến tranh, nên đã đào tạo được một thế hệ binh sĩ có tinh thần kỷ luật và lòng hy sinh cao độ nhất. Gần tàn cuộc chiến: hàng thế hệ phi công trẻ tuổi xung phong gia nhập vào các đoàn phi công cảm tử “Kamikazé” (Thần Phong), lao máy bay vào tàu địch. Chiến tranh tàn, dân tộc Nhật đói khổ vẫn giữ nguyên tinh thần dân tộc hào hùng: mỗi ngày hàng đoàn người hướng về Hoàng cung đọc sớ, đốt sớ than khóc, rồi mổ bụng (hara-kiri) tự tử để tạ tội đã không làm trọn trách vụ công dân trong lúc quốc biến. Trên đường tiến quân vào Nhật Bản, người Mỹ dã phải ngạc nhiên tới sửng sốt khi thấy nông dân Nhật hai bên đường xây lưng lại họ. Cho tới nay, nhiều luận giả quốc tế đều cho rằng: nước Nhật tuy chiến bại, nhưng tinh thần Nhật võ đạo đã thắng. Sau đó, 50 triệu người trên thế giới vì hâm mộ tinh thần này, nên đã theo học Nhu Ðạo, mặc dù môn võ này đã không giữ được tinh thần Nhật võ dạo (Samourai xưa), tạo một thành quả bất ngờ cho một quốc gia bại trận.
Tại Việt Nam, tinh thần tiền võ đạo đã rèn luyện, hun đúc lòng ái quốc của thanh niên Việt trong những năm 1938-1940 qua sự bột phát của “Võ Tự Vệ”, chương trình huấn luyện nhập môn của môn phái Vovinam. Hào khí võ đạo bừng sống dậy trong lòng người Việt qua các khẩu hiệu “Người Việt Nam học võ Việt Nam”, “Học võ để chống Pháp giành độc lập” v.v… Phong trào “Khỏe vì nước” thời đó cũng được xuất phát từ phong trào học võ tự vệ. Từ nhà máy, xưởng thợ tới các trường học võ đã hun đúc một sinh khí mới cho dân tộc Việt, thậm chí có những lớp võ cộng đồng hàng vạn người tại Việt Nam Học Xá. Về sau, danh từ “Tự Vệ Thành” được bừng dậy với chánh nghĩa chống Pháp giành độc lập, cũng xuất phát từ ý hướng “học võ tự vệ để cứu quốc” của môn phái Vovinam.
Tất cả tâm nguyện của Cố Võ Sư Sáng Tổ là lần lượt đi từ võ thuật tới võ đạo, cũng như Nhật Bản đi từ Jiu Jitsu tới Judo. Tâm nguyện ấy được thực hiện qua biểu tượng chào “nghiêm lễ” của môn phái: Bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái.
Giấc mơ kết tinh và hình thành một nền võ đạo Việt Nam trên hai chục năm thai nghén, đã được thực hiện vào đời sống dân tộc, dù vị Sáng Tổ đã không còn nữa.
Bàn tay thép – trái tim từ ái – khối óc linh mẫn: nền võ đạo Việt Nam đang chờ đợi Việt Võ Ðạo Sinh chúng ta, tất cả làm một, một làm tất cả, đồng tâm hiệp lực nắm vững những tương quan võ thuật và võ đạo, để xây dựng một nền võ đạo dân tộc rực rỡ cho xứ sở!
Chương 25-Cách Mạng Tâm Thân – Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng
Ngày nay các nhà giáo dục đều nhận định: Một hệ thống giáo dục chỉ được coi là hoàn chỉnh khi giúp con người phát triển đều cả ba mặt: Tâm – Trí – Thể. Các hệ thống giáo dục hiện nay tuy đã chú ý đến việc rèn luyện thân thể song song với việc nâng cao trí thức, nhưng ngoài những điều giảng dạy về đạo đức vẫn chưa hình thành được phương pháp điều tâm để giúp con người thể hiện được những hiểu biết về đạo đức trong cuộc sống.
Cách Mạng Tâm Thân của Vovinam Việt Võ Đạo với hệ thống kỹ thuật võ học, với tư tưởng võ đạo, với phương pháptu dưỡng điều tâm sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống giáo dục hiện đại.
Tại sao phải cách mạng cả Tâm và Thân?
Sáng tổ Vovinam Việt Võ Đạo của chúng ta đã quay về tự nhìn vào bản thân để tìm ra con đường cách mạng tâm thân. Tức là con đường đào tạo ra những con người toàn diện, những con người “Khoẻ” về cả tinh thần và thể chất.
Nếu chỉ khoẻ về tinh thần không thôi, sẽ không đủ sức chịu đựng những gian lao, vất vả, sẽ gục ngã vì kiệt sức. Các triết gia từ Đông sang Tây, các bậc “chí sĩ nhân dân” đã nêu biết bao tấm gương xác định tính dũng cảm khôngbờbến của mình, cũng chỉ để lại cho hậu thế những xúc động và tình cảm khâm phục, tiếc thương vô hạn. Ngược lại, chỉ khoẻ về thể chất nhân thâncũng không đáp ứng được toàn diện về lý tưởng với tổ quốc và nhân loại. Trong lịch sử rất nhiều dũng tướng, lực sĩ nổi tiếng một thời rồi thôi.
Phải khoẻ cả về tinh thần lẩn thể chất. Triết học, đạo học và thể dục thể thao có thể giải quyết được một phần, chứ không giải quyết được toàn bộ vấn đề. Như vậy, phải Cách Mạng lại con người, cả Tâm và Thân, vừa giải phóng con người ra khỏi những yếu hèn về sinh lý cơ thể, vừa giải phóng con người ra khỏinhững bạc nhược, thấp kém vềtinh thần, đồng thời tổng hợp hài hòa cả hai thế mạnh đó lại, mới có thể đáp ứng được những yêu cầu về con người, xã hội, đất nước và nhân loại.
Tương liên giữa tâm và thân: giữ và phát triển chân tâm và thực thân trong cuộc sống
Như trên, chúng ta đã phân tích và nhận định: Cách Mạng Tâm Thân là một kết hợp hài hòa sự thay đổi, phát triển tổng hợp cả hai thànhphần sinh hoạt tinh thần và sinh hoạt thể chất của con người theo tiêu hướng: Khỏe mình, lợi nhà, ích nước và hòa hợp với người.
Tình trạng sức khoẻ có liên quan mật thiết đến trạng thái tâm lý. Đa số các bệnh tật đều bắt nguồn từ những căng thẳng của nội tâm. Buồn rầu, thất vọng, lo lắng, bực bội hoặc cáu kỉnh… tạo nên những chấn động gây ảnh hưởng và làm toàn bộ hệ thần kinh suy sụp, khiến mầm bệnh phát sinh. Nghành bệnh lý học và tâm sinh lý học được khai triển từ đó.
Trong mỗi con người chúng ta luôn luôn có sự thay đổi cả thân lẫn tâm, hoặc theo chiều hướng sấu đi, hoặc theo chiều hướng tốt hơn. Muốn thân thể khoẻ mạnh, phải năng vận động và tu dưỡng tâm và thân, để có sự phát triển hài hòa, mới có thể khoẻ mạnh sống vui. Ngoài ra, còn phải tu tâm luyện tánh. Phương pháp nhu khí công quyền của Vovinam Việt Võ Đạo sẽ giúp cho người tập hóa giải được sự căng thẳng của thần kinh qua sự điều hòa tim mạch. Nhịp tim có điều hòa ta mới an nhiên và thanh thoát.
Cách mạng tâm thân giúp chúng ta thay đổi, cải tạo bằng cách tu tập, để tham gia vào sinh hoạt xã hội, được tích cực hơn, thành công hơn, cũng như ý chí phải ứng dng vào thực tế hành động. Sự sinh hoạt xã hội là sinh hoạt của con người, do con người mà có. Nếu con người lành mạnh cả về tâm và thân, sinh hoạt xã hội sẽ diễn ra trong an bình, trật tự, tao an sinh xã hội cho tất cả mọi người. Cho dù gia đình có gặp khó khăn, đời sống xã hội có bất ổn đến mức tối đa, với nội tâm bình ổn, ta sẽ bớt được những căng thẳng, những âu lo phiền muộn để giữ được quan hệ tốt với tha nhân mà vượt thắng chính mình và ngoại cảnh.
Có chân tâm mới có người thật người. Chỉ với những con người thật người mới có xã hội nhân bản. Có con người thật người, có xã hội nhân bản, thế giới loài người mới thật sự có an bình trật tự. Mọi vấn nạn của thế giới hiện nay sẽ được giải quyết tận gốc rễ nếu mọi người, ngoài việc lo nâng cao đời sống vật chất còn biếtrèn luyện để điều tâm tự thắng.
Luyện Thân- Điều Tâm
Từ tâm đạo, sức sống đã cấy tự thân mỗi người, chúng ta phải biết khơi dậy sức sống, nuôi sức sống và truyền sức sống cho đời.
Về võ thuật, Vovinam Việt Võ Đạo giúp chúng ta phương pháp tự vệ chiến đấu, mà muốn tự vệ chiến đấu hữu hiệu nhất, chúng ta phải thắm nhuần tinh thần võ đạo, phải biết tự chiến thắng, phải tìm lại được con người thật của chính mình, tức là phải có tâm đạo.
Do vậy, tuy có tổ chức thi đua tranh giải để thích động phong trào, thu hút quần chúng, sự luyện tập của chúng ta không nhằm trở thành nhà vô địch quyền cước nhưng lại nghèo nàn về trí tuệ, lệch lạc về tâm hồn. Võ (luyện thân) chỉ là một trong ba phần: Tâm -–Trí -–Thể mà mỗi chúng ta cần không ngừng hoàn thiện nâng cao. Nếu quá chú trọng để chỉ lo trau giồi một phần nào đó và coi nhẹ hai phần còn lại thì sự phát triển con người thiếu toàn diện, không cân đối sẽ khó trở thành con người có nếp sống đẹp, biết sống hiến ích và hiến ích có hiệu quả.
Sức sống cấy từ mình, phải lấy mình làm gương nuôi sức sống; nghĩ, nói sao làm vậy. phải biểu lộ nhân cách hướng thượng thanh cao, biết quên mình cho tha nhân, bỏ tư lợi vào công ích, toàn tâm toàn ý dấn thân cho lý tưởng. Một nhân cách đẹp, một tấm lòng vị tha, nhiệt tình giúp tiến, hiến ích cho đời, bao giờ cũng lôi cuốn được người đến với ta, giúp ta dễ dàng trong sứ vụ truyền sức sống của hành trình cách mạng tâm thân.
Chương 26-TRIẾT LÝ VỀ VÕ ĐẠO – VSCM LÊ SÁNG
I.- KHÁI NIỆM
Khác với người Tây phương với thói quen phân tích sự việc để qui định thành từng bộ môn sinh hoạt rõ rệt, người Đông phương tường áp dụng óc tổng hợp vào mọi ngành sinh hoạt xã hội và quan niệm rằng cái “hồn” của sự vật là tâm điểm đồng qui của mọi sự việc và vật thể.
Quan niệm “Thiên Địa Vạn Nhất Thân Thể” của Nho Giáo và quan niệm “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật” của Lão Giáo chính là nguồn gốc của mọi ngành sinh hoạt xã hội, được biểu hiện bằng Dịch học.
Áp dụng vào thực tế đời sống, chúng ta thấy ngay sự cách biệt giữa một “sự việc không hồn” và một “sự việc có hồn” trong nếp sống của người Việt.
Uống trà là một nhu cầu thông thường, nhưng biết cách thưởng thức trà và ý nghĩa thanh cao của việc uống trà kết bạn, là trà đạo. Uống rượu là một thú vui, nhưng biết cách uống rượu với những nghi tắc đặc biệt và một quan niệm cao khiết về nhân tâm thế đạo, là tửu đạo. Thưởng hoa là một thú vui thông thường trong đời sống, nhưng biết cách thưởng ngoạn là nghệ thuật thưởng hoa, và nâng cao hơn nữa, là hoa đạo.
Võ học xuất phát từ Đông phương cũng đi theo định lệ ấy, theo tiến trình chung. Mới đầu, chỉ là biểu hiện sức mạnh và tài khéo của cơ thể để tấn công hay tự vệ, được chuyên hóa gọi là võ nghệ. Kế đó là những phát kiến mới về luật thăng bằng và luật quân bình của cơ thể và thân chất, tùy trường hợp mà hình thành các môn phái võ thuật. Sau cùng, qui định những luật tắc rõ rệt về triết lý và đức lý thành võ đạo, để võ học trở thành một ngành học nhân bản phục vụ và hướng thiện hữu hiệu cho xã hội, dân tộc và nhân loại.
Tiến trình của võ học do đó, đi từ “nghệ” tới “thuật” và đi từ “thuật” tới “đạo”, tức đi từ những biện pháp, cách thức và kỹ thuật dùng sức mạnh sang triết lý và đức lý dùng sức mạnh sao cho chính đáng, bênh vực lẽ phải, chánh nghĩa, bảo vệ quyền sống của con người và góp phần xây dựng xã hội – thay vì những ý đồ ngược lại, làm băng hoại con người và xã hội.
Triết lý về võ đạo khởi từ ý thức đó, đã nâng cao võ học lên địa vị một ngành học nhân bản và thực dụng ngay trong môi trường hoạt động thiết yếu của con người.
II.- TRIẾT LÝ VÕ ĐẠO TRONG TRIẾT HỆ ĐÔNG PHƯƠNG
Chúng ta đều biết võ đạo khởi từ một môn thể thao thực dụng. Mông võ đạo đầu tiên được coi như một ngành thể thao thực dụng với nhân loại, có những triết lý và đức lý được hệ thống hóa và phản ảnh tinh thần Ba-la-môn là Yoga.
Trước hết, Yoga, gốc từ tiếng Phạn, có nghĩa là kết hợp : kết hợp con người với vũ trụ, kết hợp cái hữu hình với cái vô hình, kết hợp cái hữu hạn với cái vô hạn.
Về đại cương, chúng ta thấy Yoga không những có tác dụng điều dưỡng cơ thể, kinh mạch cho máu huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái, sức khỏe dồi dào, mà còn là một môn tu tâm, để tâm hồn luôn luôn hướng thiện, trau giồi đạo đức, thoát khỏi vòng đau khổ trầm luân. Với nguyên lý căn bản “dĩ tịnh chế động”, Yoga gồm 4 ngành chính :
– (1) Karma Yoga tức Nhân quả kết hợp hoặc Kiết già phu toạ.
– (2) Hatha Yoga tức Nhật Nguyệt kết hợp hoặc Ấm Dương kết hợp.
– (3) Jnana Yoga tức Tâm Tư kết hợp (dùng triết học, suy tư để tìm chân lý).
– (4) Raja Yoga tức Vương Giả kết hợp.
Từ gốc Yoga Ần Độ, hòa thượng Đạt Ma thiền sư đã du nhập vào Trung Quốc , thái dụng với võ cổ truyền Trung Quốc mà lập ra môn phái Thiếu Lâm, chủ yếu lấy tĩnh chế động, lấy đức chế bạo. Dù sao, triết lý căn bản của môn phái này cũng biểu hiện rõ rệt triết lý và đức lý Phật Giáo. Tới Trương Tam Phong, một đạo sĩ ngoại đồ của Thiếu Lâm Tự, ông đã tách rời ra và phát huy một môn võ học riêng biệt nổi tiếng một thời là môn Võ Đang. Tuy là ngoại đồ Thiếu Lâm, nhưng vị sáng tổ Võ Đang có một quan niệm võ học khác hẳn : ông lấy triết lý căn bản võ học của môn phái mình trên tinh thần Khổng Lão truyền thống của Trung Quốc để sáng tạo ra những nguyên lý võ học thuần nhu mới, như Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm, mỗi thứ 64 thế, lấy tinh túy từ Dịch học : Thái Cựa (đầu) sinh lưỡng nghi (hai mắt), lưỡng nghi sinh tứ tượng (tay chân), tứ tượng sinh bát quái (8 đoạn xương chân tay) v.v… Hiện nay, môn Thái Cực Quyền vẫn được coi là môn thể thao thông dụng áp dụng tại học đường Trung Quốc.
Phải chờ đến năm 1659, nhà sư Thiếu Lâm có tục danh Trần Nguyên Tán lưu vong qua Nhật sau khi bị Triều đình Mãn Thanh ruồng đuổi, môn võ cổ truyền Atéwaza Nhật Bản mới được thái dụng với võ Thiếu Lâm hình thành nhu thuật vào năm 1627, bởi danh y sirobei Akiyama. Vốn là người thấm nhuần tư tưởng Phật Giáo và Thần Giáo truyền thống của Nhậ Bản, danh y sirobei Akiyama mới phát kiến ra một triết lý mới về võ học nhân một trận bão tuyết làm các cây lớn đều đổ, ngoại trừ những cây lau sậy bé nhỏ biết uốn mình theo chiều gió. Luật thăng bằng đã lóe sáng trong tâm tưởng ông một ý niệm nghịch đảo : cây sậy còn vì nó yếu. Tại sao không áp dụng một triết lý mới về võ học : lấy yếu chống mạnh, lấy mềm chống cứng ? Nhu thuật được khai sinh từ đó và tới năm 1889 mới được bác sĩ JijoroKano (1860 – 1938) biến chế, lược bỏ những thế võ độc hại và vận dụng tư tưởng Nhật Võ Đạo (Bushido) vào việc huấn võ mà hình thành, phát triển Nhu Đạo (Judo).
Cũng phát xuất từ quan niệm “Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể” của triết học Đông Phương, một môn phái khác được tách ra, với tinh lý võ học nghịch lý hẳn : lấy cứng chống mềm, lấy dài chống ngắn. Đó là môn phái Túc Quyền Đạo Đại Hàn (Tae Kwon Do), xuất phát từ sự lượng giá đặc biệt của cơ thể người Đại Hàn là chân dài hơn tay và đồng thời cũng xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của Đại Hàn trong thời Nhật thuộc bị cấm học võ dân tộc, không được dùng dao hay những đồ cứng, nhọn, theo luật lệ của kẻ thống trị đương thời, mỗi đường phố, mỗi thôn xóm Hàn Quốc chỉ được xài chung một con dao một con dao có xích buộc chặc vào thớt, để tránh những trường hợp nổi loạn “có võ khí” chống lại người Nhật thống trị. Hậu quả thật trái ngược : Người Đại Hàn tuy không có võ khí để băm chặt, nhưng đã khổ luyện đôi tay thành cứng rắn để có thể thay thế dao kiếm trong một số hoàn cảnh đặc biệt và triệt để sử dụng ưu thế về thân chất của mình là chân dài trong mọi cuộc giao đấu.
Nhìn chung, các triết lý về võ đạo Đông phương tuy bên ngoài tưởng như có vẻ xung khắc nhau, nhưng thực ra là luôn luôn bổ sung, hỗ trợ cho nhau, làm cho kho tàng nhân loại ngày càng phong phú. Tất cả, không khác hai thành tố âm dương, tức cứng mềm, sáng tối, phải quấy, ngắn dài, động tĩnh đun đẩy nhau trong một hợp thể duy nhất, một kết hợp thể duy nhất là đạo, hay thái cực. Cố Võ Sư Sáng Tổ NGUYỄN LỘC của môn phái VOVINAM Việt Võ Đạo đã phát hiện ra giá trị đặc biệt này sau một thời gian khổ công nghiên cứu các tinh hoa võ học của nhân loại và các ngành võ, vật cổ truyền dân tộc. Ông thừa nhận rằng từ võ đạo, cơ thể con người không thể thuần cương hay thuần nhu, hoặc chỉ chuyên chú vào tĩnh thể, tĩnh chất của lẽ đạo. Cần phải phát huy và phối triển lại. Cần phải có một hợp thể, một kết hợp thể mới, đầy đủ hơn. Nguyên lý võ học “Cương Nhu Phối Triển” được hình thành và chính thức ra mắt vào năm 1938 tại Hà nội với danh xưng : VOVINAM Việt Võ Đạo.
Cùng với nguyên lý “Cương Nhu Phối Triển”, tức công nhận rằng, trong sự sống có hai thành tố cương nhu biểu trưng cho hai trạng thái nghịch đối trong cuộc sống, nhưng cũng đồng thời chủ trương rằng, cần phải biết phối triển chúng để chúng trở nên hữu dụng. Chúng ta có thể so sánh trường hợp này với sự lượng giá về một đồng tiền hai mặt : nếu chúng ta chỉ chú trọng và nhận xét phiến diện về một mặt của đồng tiền, chúng ta sẽ quên mất mặt kia. Chú trọng tới cả haimặt đồng tiền cũng không phải là sự lượng giá hoàn hảo đầy đủ, vì ngoài giá trị đó còn có những giá trị khác về hình khối, phẩm chất, trọng lượng v.v… kết hợp lại, tạo thành đồng tiền. Chính cái gọi là “đồng tiền” mới là từ ngữ quán hợp, điều hợp cả hai thành tố phải trái và những yếu tố phu thuộc khác đã tạo ra nó, cũng như chính đạo thể đã tạo ra âm tố và dương tố, và con người là một công trình kết hợp kỳ diệu của tâm và thân, hoặc võ đạo là sự phối triển của cương và nhu.
Đạo thể, con người và võ đạođã tạo ra và tác thành những thành phần âm dương, tâm thân, cương nhu, tự trung, cũng chỉ là một cách diễn tả có giá trị tương đối, vì chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều từ ngữ hay ví dụ tương tự khác có ý nghĩa tương đương. Qui luật “Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể” của Đông phương lại một lần nữa được vận dụng vào triết lý Việt Võ Đạo trong sinh hoạt xã hội và nhân bản.
Chính sự vận dụng này đã là một công trình suy tư có Cố Võ Sư Sáng tổ NGUYỄN LỘC trong bối cảnh lịch sử vong quốc vào những năm 30, khi Ông chủ xướng chủ thuyết “Cách Mạng Tâm Thân” giữa lúc các chủ trương cách mạng chính trị với mục đích chống Pháp giành độc lập, đã lôi cuốn rất nhiều quần chúng yêu nước đương thời với đủ các thành phần trong xã hội khác nhau gia nhập.
Các phong trào cách mạng chính trị đương thời đều đã thâu hút một số quần chúng đông đảo nhưng thiếu huấn luyện và có thể chất suy nhược vừa vì mức sống quá thấp, vừa vì những chủ trương ngu dân đầu độc thanh niên đương thời bằng rượu tây, thuốc phiện, chính sách văn hóa lãng mạn (hiểu theo nghĩa xấu là trụy lạc). Đương thời, chỉ có Cố Võ Sư NGUYỄN LỘC là có chủ trương khác hẳn với các nhà cách mạng tiền bối hữu công : Ông chủ trương rằng, muốn đánh Pháp đòi độc lập, trước hết phài “Cách Mạng Tâm Thân”, cách mạng từ tâm hồn tới thân chất, mới có thể có một lực lượng quần chúng hùng mạnh và quyết tâm khi đảm đương sứ mạng cao cả của dân tộc.
Từ chủ thuyết “Cách Mạng Tâm Thân” môn phái VOVINAM Việt Võ Đạo đương thời chủ xướng các sứ vụ phải thực hiện :
1.- Phục hưng hào khí dân tộc (để giáo dục thanh niên từ tâm hồn, ý thức).
2.- Công nhận người là nguyên tố của sống, phải tập trung khả năng vào việc đào tạo “người:, tức thế hệ tương lai sắp đảm đương trọng trách trước lịch sử, đầy đủ cả về “Tâm” và “Thân”.
3.- Tranh thủ độc lập, công bằng xã hội và tình nhân ái.
4.- Vận dụng võ học vào mọi sứ vụ phục vụ dân tộc trên căn bản “Cương Nhu Phối Triển”.
5.- Từ võ thuật, hình thành một nền võ đạo Việt nam.
Toàn bộ chủ thuyết trên, chỉ có thể gọi vắn tắt là triết lý Việt Võ Đạo, đã được áp dụng tuần tự một cách có hệ thống trong mọi ngành sinh hoạt xã hội và nhân bản trưởng triển từ năm 1938 tới nay, đóng góp một nguồn nhân lực lớn lao trên mọi lĩnh vực sinh hoạt xã hội trong mọi cảnh huống và tình huống lịch sử.
III.- KẾT LUẬN
Triết lý võ đạo tự nó không phải là một động lực kinh tế. Nhưng triết lý võ đạo đã đương nhiên trở thành một sức mạnh kỳ diệu của một dân tộc và còn phát triển mạnh vào cộng đồng nhân loại. Trong những năm 1940, chúng ta đã được kiểm kiến về hào khí của tinh thần Nhật Võ Đạo trong mọi sứ vụ phục vụ quốc gia của họ. Trong những năm 1950, chúng ta càng ngạc nhiên khi thấy một quốc gia chiến bại và suy sụp như Nhật Bản, đã sớm phục hồi và phát triển với nhiều triển vọng lớn lao, cũng nhờ tinh thần Nhật Võ Đạo (Bushido) của họ và đồng thời còn được chứng kiến thêm tinh thần cũng như khả năng phục hồi và phát triển của Đại Hàn trước và sau cuộc chiến Nam – Bắc.
Chắc chắn trong tương lai võ đạo Việt nam không những đem lại cho chúng ta những giá trị triết lý về sự sống hào hùng, cao cả, mà còn đem lại những giá trị đức lý đặc biệt trong việc phổ cập ý thức công dân và tinh thần nhân bản trong mọi ngành sinh hoạt xã hội.
Chương 27 – Vài nét định hướng thể hiện nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo – VSCM Lê Sáng
I.- TỔNG QUAN
Mỗi người, mỗi lớp người, tùy theo nghề nghiệp, tuổi tác, ảnh hưởng giáo dục, đều có một nếp sống tình cảm riêng biệt. Nếp sống tình cảm đó, một phần do thiên tính, nhưng phần lớn do ảnh hưởng giáo dục và phong tục tập quán tạo nên. Phần còn lại, do ảnh hưởng sức khỏe tạo thành. Sự thể hiện nếp sống tình cảm của mỗi lớp người có thể đi từ nhân vật lý tưởng (personage idéal) tới những hình ảnh kiểu mẫu (máquette) nếu cùng có chung một nếp sống tình cảm, hoặc những người máy (automate) nếu cùng hủy diệt hoàn toàn nếp sống tình cảm, hay những hiện tượng, quái tượng (phénomène) nếu có một nếp sống tình cảm quái dị, thất thường (déséquilibre).
Nhân vật lý tưởng “quân tử” của “Không Tử”, “đại trượng phu” của “Mạnh Tử” và “kẻ sĩ” thời xuân thu chiến quốc kinh qua gần hai ngàn năm du nhập, đã biến thành mẫu hình nhà nho bảo thủ của Việt nam vào thế kỷ 19. Tính tình cố chấp, áo the, khăn đóng, đầu búi tó, móng tay dài, ngại tắm rửa v.v… nhưng mỗi khi cần phát biểu ý kiến, thường ưa đem “kinh sách thánh hiền” (tiếng nho) ra đọc vanh vách. Cụ Trần Tế Xương đã có lần mô tả nếp sống tình cảm của mẫu hình nhà nho bảo thủ của Việt nam hồi thế kỷ thứ 19 là “Sĩ khí rụt rè gà phải cáo, văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi”…
Nhiều hạng người thuộc một số đẳng cấp xã hội, cũng gợi lên trong tâm trí chúng ta những hình ảnh nhân vật lý tưởng, những mẫu hình hay những hiện tượng. Ví dụ: khi nói đến “nhà sư”, chúng ta nghĩ ngay đến hình ảnh một cao tăng điềm đạm có nếp sống từ bi hỉ xả, khi nói đến “người lính quốc xã”, chúng ta nghĩ ngay đến những con người cuồng tín như những người máy không có trái tim, khi nói đến “hiệp sĩ”, chúng ta nghĩ ngay đến hình ảnh một tay kiếm giang hồ trừ gian diệt bạo, bênh yếu chống mạnh, khi nói đến “thám tử”, chúng ta nghĩ ngay đến những con người lầm lỳ bận pardessus, đội mũ chùm hụp, đôi khi còn mang mặt nạ, khi nói đến “hippy”, chúng ta nghĩ ngay đến những thanh niên tóc dài mặc những y phục lập dị, lố lăng, có nếp sống phóng túng bừa bãi, v.v… Tựu trung mỗi nhân vật lý tưởng, mẫu hình hay hiện tượng, đều có nếp sống riêng, bao gồm cả nếp sống tình cảm.
Nếp sống tình cảm biểu hiện quan niệm tư tưởng con người nhưng đồng quan niệm tư tưởng mà khác nếp sống tình cảm vẫn không hòa hợp sống chung với nhau được. Như trường hợp đứa trẻ xuất ngoại quá sớm, độ mươi, mười lăm năm sau lớn lên tuy tinh thần yêu nước, thương nhà dâng cao độ, có tư tưởng mãnh liệt về phục vụ đất nước, gia đình, nhưng không thể nào về sống nơi quê hương bản quán được, vì nếp sống tình cảm đã Ấu Mỹ hóa. Ngay như tôn giáo cũng có những dòng và những pháp môn khác nhau dành cho những người chung tâm đạo, chí hướng nhưng khác nếp sống tình cảm.
Việt Võ Đạo là một đoàn thể võ học, có nếp sống riêng trong cộng đồng dân tộc, do đó, các môn sinh đều thể hiện nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo của mình trong đời sống công cộng (sinh hoạt cộng đồng). Tùy theo mức độ lãnh hội, mỗi môn sinh có thể trở thành nhân vật lý tưởng, mẫu hình – hoặc rất có thể một “hiện tượng” trong đời sống bằng sự thể hiện nếp sống tình cảm của mình.
Việc thể hiện nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo của môn sinh không những biểu dương uy tín của môn phái, mà còn biểu dương ngay chính phẩm cách của môn sinh trong sinh hoạt xã hội.
Nhìn chung, sự thể hiện nếp sống Việt Võ Đạo không nhằm vào việc hủy diệt cá tính (caractères particuliers), nhưng đòi hỏi sự hội nhập của mỗi cá nhân vào việc phát huy thông tính (caractères généraux) Việt Võ Đạo.
II.- NGUYÊN TẰC ĐỊNH HƯỚNG
Nếp sống tình cảm của chúng ta thường biểu hiện ở ba thành tố chính:
1.- Ảnh hưởng xã hội (phong tục, tập quán, hoàn cảnh).
2.- Ảnh hưởng giáo dục (những gì đã hấp thụ được trong gia đình, trường học và trường đời).
3.- Ý hướng cá nhân (nguyện vọng, tu dưỡng…)
Trong 3 thành tố trên, chúng ta thấy trình tự lần lượt tiến lên từ thấp đến cao: đại đa số đều chịu ảnh hưởng xã hội, trong đó chỉ có một số ớ mức cao hơn mới nhận chịu ảnh hưởng giáo dục và một thiểu số ít hơn nữa mới có ý hướng cá nhân.
Thừa nhận ảnh hưởng xã hội, ảnh hưởng giáo dục và ý hướng tiến thủ cá nhân, nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo gồm bốn nguyên tắc định hướng :
– Nguyên tắc 1 : Nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo phải là sự biểu hiện quan niệm sống Việt Võ Đạo
Nếp sống tình cảm của Việt Võ Đạo không phải là những tình cảm rời rạc, thất thường, những xúc động nhất thời mà là tập hợp những tình cảm tốt đẹp, cao thượng, biểu hiện quan niệm sống Việt Võ Đạo: sống, để người khác sống và sống cho người khác.
Quan niệm sống của Việt Võ Đạo được qui định rõ rệt trong nhân sinh quan Việt Võ Đạo với hình ảnh điển trưng cho hai đức tính cương quyết và từ ái song hành (bàn tay thép đặt trên trái tim từ ái) trong mọi sứ vụ phục vụ dân tộc và nhân loại.
– Nguyên tắc 2: Nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo biểu hiện khuynh hướng hướng thượng đạt tới lý tưởng Việt Võ Đạo
Hội nhập vào đại gia đình Việt Võ Đạo, là chúng ta đã tự nguyện theo đuổi lý tưởng Việt Võ Đạo: cố gắng đạt tới cao độ của nghệ thuật để phục vụ dân tộc và nhân loại, trên những căn bản phục hưng hào khí dân tộc, tôn trọng con người trên những phẩm cách độc lập, công bằng xã hội và tình nhân ái.
Lý tưởng đó được biểu hiện ngay bằng chính nếp sống của chúng ta, trong đó nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo chiếm một phần quan trọng.
– Nguyên tắc 3: Nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo biểu hiện khả năng tự chế và tự tu, để phát huy những tình cảm hào hùng, cao thượng và quảng đại
Võ đạo khác với võ phu chính là ở nếp sống tình cảm đặc biệt của mình, bằng cách luôn luôn biểu hiện khả năng tự chế và tự tu dưỡng cao độ, trước mọi cám dỗ của tham vọng, dục vọng và ngoại cảnh, để phát huy những tình cảm hào hùng, cao thượng, quảng đại của chính mình ngay trong thực tế sinh hoạt.
Nên nhớ: hiệp sĩ, anh hùng, vĩ nhân, danh tướng… cũng chỉ là người thường như mọi người, nhưng vượt lên khỏi được sự tầm thường vì có khả năng tự chế và tự tu cao, đồng thời biểu hiện những tình cảm hào hùng, cao thượng và quảng đại được mọi người chiêm ngưỡng.
– Nguyên tắc 4: Nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo loại trừ những tập quán xấu, tăng cường những tập quán tốt, nhất là những tập quán Việt Võ Đạo
Nếp sống tình cảm của con người tạo ra những tập quán (thói quen) cả tốt lẫn xấu. Ví dụ: có những người lúc bình thường rất quảng giao, hiếu khách, nhưng khi ham vui quá chén, lại hay kể lể, gây gổ với mọi người nên làm mọi người lảng tránh. Tập quán trên là một tập quán tốt (tương đối, vì cần tùy theo phẩm tính người và việc) nhưng tập quán dưới là một tập quán xấu, cần được loại trừ.
Cùng với những tập quán tốt cố hữu, môn sinh Việt Võ Đạo còn cần phải tăng cường những tập quán tốt của Việt Võ Đạo như đến đâu làm ổn định, tốt đẹp đó; tự động giúp người; không dành khôn trịch thượng với người; luôn luôn tự lập và chủ động; hội nhập đời tư và đời công; không chống đối, đả phá bất công, bạo ngược một cách ồn ào, hình thức mà bình thản, nhẫn nhịn, cần cù làm việc đem lại công bằng, nhân ái với thái độ ôn hòa, trầm tĩnh, chỉ xây dựng chớ không phá hoại, ươm trồng cây mới, chớ không đốn ngã những cây cỗi mục; tập quán sống hết mình, ở hết lòng, làm hết sức; tương nhượng trên tinh thần đồng nhất; cương nghị mà tế nhị; tin tưởng, yêu đời trong cả thuận cảnh và nghịch cảnh; tập quán cứu trợ tha nhân gặp nạn (cứu trợ nạn đói, cứu trợ đồng bào tị nạn) v.v…
4 nguyên tắc trên đây là những tiêu chuẩn chính cho mỗi môn sinh trong sự biểu hiện nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo.
III.- SỰ THỂ HIỆN NẾP SỐNG TÌNH CẢM VIỆT VÕ ĐẠO
Sự thể hiện nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo được áp dụng trong hai tình huống: tiểu xã hội và đại xã hội.
Mỗi chúng ta đều được nuôi dưỡng và trưởng triển trong hai tình huống đó; mỗi người đều có một xã hội thâu hẹp (tiểu xã hội) của mình để làm điểm tựa và cũng đều có một xã hội mở rộng (đại xã hội) để hoạt động, thi triển tài năng.
Tiểu xã hội của chúng ta gồm có : bản thân, gia đình, tha nhân.
Đại xã hội của chúng ta gồm có : môn phái, xã hội, tổ quốc.
A.- TÌNH HUỐNG TIỂU XÃ HỘI
a) Với bản thân: Con người có thể nhìn xa, trông rộng, nhưng vẫn mang một nhược điểm: không nhìn thấy gáy của chính mình. Nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo của chúng ta khởi đầu từ xuất phát điểm của tình huống tiểu xã hội. Nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo với bản thân – tức coi bản thân như một khách thể nghĩa vụ và tình cảm gồm 6 tiêu chỉ chính:
1.- Luôn luôn tự kiểm, tự trọng, tự luyện, tự tin và tự chủ nhưng khiêm nhường, lễ độ bằng cách phát huy khả năng tự chế trong mọi trường hợp. Biết vượt lên cái Ta (tiểu ngã) để nghĩ đến tập thể và mọi người trong tập thể (đại ngã).
2.- Luôn luôn sống gương mẫu để hướng dẫn mọi người, nhất là trong những trường hợp khó khăn, nhiều trở ngại.
3.- Sống một nếp sống thanh đạm: giản dị mà phong lưu, hào sảng. Bình nhật sống đạm bạc thanh cao như đạo sĩ, nhưng biết thưởng thức những tinh hoa, nghệ thuật và những thú giải trí lành mạnh như một nghệ sĩ chân chính.
4.- Không bon chen kiếm tiền một cách đam mê quá độ để cung ứng cho những nhu cầu vật chất thế thường, ngõ hầu tập trung được khả năng và thời giờ vào những việc công ích.
5.- Hiểu rõ giá trị tiền bạc, biết cách làm chủ tiền bạc và không bao giờ bị lệ thuộc thái quá với một nghệ thuật chi tiêu hợp lý và xứng đáng.
6.- Phải tạo được nếp sống đặc biệt Việt Võ Đạo với các đức tính: thanh cao, thành tín, hào hiệp, nhã nhặn, cương trực và tế nhị trên những căn bản phát huy sự cao cả của tâm hồn (granduer de Tâme), sự xứng đáng về nhân cách (dignité personnelle) và giá trị cá nhân (valuer individuelle). Nếp sống đặc biệt này sẽ làm mọi người kính trọng, nể vì, nhưng vẫn gần gũi với mọi người một cách tự nhiên không câu thúc, bằng một lối sống mẫu mực mà khoáng đạt, nghiêm chỉnh mà hòa đồng.
b) Với gia đình:
Khác với các xã hội Tây phương lấy cá nhân làm đơn vị căn bản của xã hội, xã hội Đông Phương lấy gia đình làm căn bản của xã hội và trở thành một truyền thống lâu đời phân biệt hẳn với nhau. Gia đình vì thế, có ảnh hưởng rất lớn với con người và trong nhiều trường hợp, sự lượng giá gia cảnh với sự định giá cá nhân là một.
Cũng theo truyền thống Đông Phương, gia đình Việt nam thường được chia làm: đại gia đình và tiểu gia đình. Đại gia đình bao gồm nhiều thế hệ, bao gồm cả cha mẹ, anh em. Tiểu gia đình thâu hẹp trong khuôn khổ vợ chồng, con cái. Nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo đối với gia đình do đó, bao gồm hai phần vụ :
I. Đại gia đình:
1- Duy trì và biểu dương các quan hệ gia đình theo tinh hoa truyền thống, sau khi lọc bỏ những ràng buộc, câu nệ, lỗi thời và bất ưng như: quan niệm câu nệ về hiếu đại “bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại”, “phụ mẫu tại đường bất khả viễn du”, quan niệm tôn Quân, quan niệm trọng nam khinh nữ, quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân” v.v…
2- Trong những trường hợp có mâu thuẫn, lộn xộn, can gián, hòa giải, giải quyết với tinh thần hòa ái.
3- Cảm hóa đại gia đình, làm thăng tiến đại gia đình, cả tinh thần và vật chất, để thích ứng với nếp sống Việt Võ Đạo.
II. Tiểu gia đình :
Tiểu gia đình là gia đình nhỏ, riêng biệt của người môn sinh Việt Võ Đạo, cần được chuẩn bị đầy đủ nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo để hội nhập chung vào sinh hoạt của môn phái.
Tiểu gia đình do đó, được kinh qua 2 giai đoan : từ chuẩn bị hôn nhân đến nghĩa vợ chồng.
Với Ý Trung Nhân (người yêu trong tâm ý của mình) người mà mình chọn để kết hợp, là người của giai đoạn trung gian giữa tình yêu và tình vợ chồng, cần được cân nhắc kỹ lưỡng để phối hợp đời tư và đời công, với nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo.
Tình yêu Việt Võ Đạo mở đầu cho tình vợ chồng Việt Võ Đạo. Do đó, tình yêu Việt Võ Đạo phải được đặt trên căn bản thông cảm toàn diện về nhau, trong đó hai người nam và nữ yêu nhau, hiểu nhau, tôn trọng nhau, trên tinh thần bình đẳng, chân thành cộng tác để hỗ trợ xây dựng cuộc sống chung. Đời sống lứa đôi có ổn định thăng tiến thì sự nghiệp môn phái mới có những bàn tay đắc lực vun bồi, xây đắp.
Tiêu chí thông cảm chính là lý tưởng Việt Võ Đạo : “Yêu, không chỉ ngồi nhìn nhau, mà là cùng nhìn chung về một hướng”. Sự lựa chọn tình yêu theo những tiêu chuẩn lý tưởng không phải là một trường hợp mới. Trường hợp Thi Sách – Trưng Trắc, Trần Quang Diệu – Bùi Thị Xuân là những ví dụ điển hình. Gần chúng ta hơn cả, là tình yêu Nhật Võ Đạo với những trường hợp tự sát từng cặp vợ chồng tướng lãnh khi nước Nhật bại trận vào năm 1945 (đàn ông mổ bụng tự sát, đàn bà thắt cổ tự ải) và tình yêu tôn giáo (đồng giáo) tại Do Thái hoặc những điều kiện ràng buộc tình yêu của người nữ Do Thái đặt ra với người nam ngoại nhân đã chứng tỏ giá trị đặc biệt của tình yêu thông cảm.
Do đó, khi lựa chọn ý trung nhân để thành lập gia đình, người môn sinh Việt Võ Đạo phải tự quyết định trước con đường mình phải đi tức nghiệp võ của mình.
2 trường hợp lựa chọn là :
1.- Nếu lấy võ nghiệp làm chính :
Những môn sinh lấy võ nghiệp làm chính là những môn sinh gắn liền đời sống của mình vào đời sống môn phái dưới bất cứ hình thức nào, nghiệp vụ nào.
Trong những trường hợp này, ý trung nhân của môn sinh sẽ được môn phái hướng dẫn, xếp đặt. Tuyệt đối tránh mọi tình huống thế thường có thể gây ngộ nhận cho phẩm cách môn sinh Việt Võ Đạo.
2.- Nếu chỉ hoạt động võ đạo bán thời gian :
Những môn sinh chỉ hoạt động võ đạo bán thời gian là những môn sinh chỉ hoạt động với môn phái hoặc dạy võ ngoài thời giờ làm nghề chính (như luật sư, bác sĩ, giáo sư v.v…)
Trong trường hợp này, môn sinh có thể lựa chọn ý trung nhân và sắp xếp lấy việc hôn phối của mình, nhưng phải xin sự chấp thuận và làm hôn lễ theo nghi thức môn phái.
Với tha nhân :
Tha nhân, bao gồm từ bạn đến thù, từ sơ đến thân, từ đồng bào đến ngoại nhân, v.v… Tựu trung, chúng ta có thể sắp xếp theo 3 đẳng loại chính: bạn, thù và mọi trường hợp bình thường.
– Với bạn: giúp đỡ tận tình để cùng tiến bộ. Bạn giỏi, đúng, khuyến khích, cổ võ. Nếu bạn sai lầm, dẫn dụ cảm hóa trong tình yêu thương xây dựng.
– Với thù: (riêng tư cá nhân) xa lánh hoặc thẳng thắn cảnh cáo rồi tha thứ khi khả hữu để cảm hóa, biến thù thành bạn.
– Với trường hợp bình thường: chân thành quảng giao, liên ái và nhiệt tình.
B.- TÌNH HUỐNG ĐẠI XÃ HỘI
a. Với môn phái :
– (1) Tuyệt đối tuân hành môn quy, tránh mọi trường hợp có thể gây mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Việt Võ Đạo.
– (2) Ý thức minh bạch mối tương quan giữa cá nhân với tập thể và sự “đồng nhất ý chí, thống nhất hành động”.
Sự giao phó sứ vụ cho môn sinh được áp dụng với các tiêu chuẩn : thành tâm thiện chí, khả năng, đạo đức, tác phong và tinh thần làm việc. Không phe phái, trao việc và làm việc không vì cá nhân tư vị mà vì sự ích dụng cho tập thể.
– (3) Trong mọi trường hợp, người trên luôn luôn hướng dẫn, mở đường tiến cho người dưới với tấm lòng rộng lượng, bao dung. Người dưới chấp hành sứ vụ nghiêm chỉnh, luôn luôn giữ tôn ti trật tự và kỷ luật.
– (4) Mọi trường hợp tự đề cao, kể công, tranh quyền đoạt vị đều bị loại bỏ. Óc hãnh tiến quá lố và công thần chủ nghĩa đều không xứng hợp với phẩm cách Việt Võ Đạo. Môn sinh càng có đẳng cấp cao, càng phải tự chế để loại trừ mọi mầm mống tranh chấp nhỏ có thể phát sinh tranh chấp lớn.
– (5) Luôn luôn đặt quyền lợi tập thể lên trên tư lợi. Luôn luôn hành xử với tinh thần cởi mở, kỷ luật, nhưng hợp tình hợp lý.
– (6) Bình đẳng trong hành động, xử thế. Bình nhật người dưới có bổn phận chăm sóc người trên để tỏ lòng kính quí, song khi người dưới bận rộn công tác và sứ vụ, người trên luôn luôn hòa đồng tiếp tay chung lo với người dưới.
b) Với xã hội
– (1) Môn sinh Việt Võ Đạo tuy là một giới, nhưng không phải là một đẳng cấp xã hội, nên đứng ngoài mọi tranh chấp về đẳng cấp xã hội. Tuy nhiên, đứng ngoài những xung đột đẳng cấp xã hội không phải là xa lánh, mà là luôn luôn hội nhập vào sinh hoạt chung để giúp ích, hiến ích và hòa giải khi có những điều kiện khả hữu.
– (2) Trong mọi trường hợp, luôn luôn xiển dương thanh vọng của môn phái để vừa giúp đỡ mọi người hiểu được sinh hoạt và nếp sống Việt Võ Đạo, mà còn làm tăng triển uy tín của môn phái với mọi ngành sinh hoạt xã hội, nhất là các bộ môn thanh niên thể thao.
– (3) Trong mọi dịch vụ giao tế nhân sự, luôn luôn chú trọng tới các yếu tố về tình cảm công việc và tâm lý người đối thoại, để tránh những lầm lỗi giao tế ấu trĩ hay vô tình.
c) Với cộng đồng dân tộc (Tổ quốc)
– (1) Tận tụy phục vụ làm vinh danh Tổ quốc. Muốn thế phải hội nhập vào sinh hoạt chung với tinh thần chiến sĩ tiền phong (avantgardiste).
– (2) Bảo vệ, triển khai, xây dựng và phát huy Tổ quốc về mọi mặt. Hoàn thành tốt đẹp nghĩa vụ công dân, nhưng phải thường xuyên tự cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn bất xứng.
– (3) Với đồng bào, luôn luôn giúp đỡ. Với ngoại nhân, xiển dương thanh vọng người Việt và nước Việt, để tranh thủ những tình cảm ngưỡng mộ. Hội nhập vào mọi ngành sinh hoạt dân tộc để hòa đồng với hoàn cảnh chung, với tinh thần bất vụ lợi.
IV.- KẾT LUẬN
Nếp sống tình cảm của Việt Võ Đạo Sinh không phải là một nếp sống kỳ bí, lập dị và cách biệt với mọi người, mọi giới mà là nếp sống luôn luôn hòa đồng sinh hoạt chung với tinh thần bất vụ lợi, tuy vẫn luôn luôn biểu hiện những phẩm cách cao quí đặc thù của người Việt Võ Đạo trước mọi tình huống, hoàn cảnh.
Nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo cũng không phải là một nếp sống tùy hứng rời rạc, mà là nếp sống nhiệt thành, hồn hậu, dung dị mà linh động theo một cách thể riêng, luôn luôn giúp ích và hiến ích bằng võ đạo.
Nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo được định hướng bởi môn qui và các cấp lãnh đạo môn phái, nhưng cũng không phải là nếp sống khắc khổ với những kỷ luật nghiệt ngã mà được thể hiện bằng cả kỷ luật tinh thần và ý hướng tự nguyện, tự hành.
Tất nhiên, nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo không phải là một môn học thuần túy lý thuyết được thể hiện bằng các luật tắc luân lý, mà là một môn học thực hành được thể hiện bởi chính những người đã lãnh hội, rồi đem áp dụng vào thực tế sinh hoạt xã hội bằng các ngôn ngữ, văn tự, hành động, các đối xử, quan niệm luyến ái, khiếu thẩm mỹ, sự biểu hiện đạo đức, tác phong cá nhân cùng với các điều hướng, quản trị, chuyên môn, v.v…
Thể hiện được đúng mức, tất cả những gì mà chúng ta đang cố gắng hành xử sẽ đương nhiên trở thành nếp sống của ta, một nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo đặc biêt được hình thành bởi các tình cảm đặc thù, hào hùng, cao thượng và tôn quí.
Có như thế, nếp sống tình cảm Việt Võ Đạo, mới trở thành người Việt Võ Đạo, một danh xưng cao trọng tượng trưng cho phẩm cách và cá tính toàn thể Việt Võ Đạo Sinh trong cuộc sống.
Tính việc thận trọng, vào việc quyết tâm, là hai yếu tính quyết định sự thành công của mỗi cá thể.
Tâm ý tương thông, đồng nhất ý chí, thống nhất hành động, là một công thức hữu hiệu nhất kết hợp mọi người trong tập thể gắn bó với nhau, nỗ lực thi đua làm việc.
Chương 28-BA ĐỊNH HƯỚNG LẬP THÂN CỦA NGƯỜI MÔN SINH VIỆT VÕ ĐẠO – VSCM Lê Sáng
I.- TỔNG QUAN
Thông thường, chúng ta vẫn được nghe một số lời phàn nàn xung quanh về tình trạng “sinh bất phùng thời” của một số người bất đắc chí, như: sanh dưới một ngôi sao xấu, xã hội tồi tệ nên không có đất đứng, đời không trọng dụng nhân tài, thiên hạ thiếu người có “thanh nhãn” (mắt xanh), người đời dễ lầm lộn vàng thau… Nhưng nếu chúng ta đặt vấn đề ngược lại với họ “liệu họ đã chuẩn bị gì chưa cho sự lập thân của họ và định hướng lập thân của họ ra sao? Chắc chắn phần đông đều lúng túng và nêu lên một vài định hướng lập thân thiếu thực tế, thiếu xác thực hay không tưởng. Một số khác, trái lại, đã phối triển khuynh hướng cơ hội và khuynh hướng hiện sinh vào việc trù hoạch một dự tính lập thân mới mà họ cho là “thực tế”, vì thấy trong tình trạng bất ổn của quốc gia Việt nam hiện nay có nhiều “anh hùng cơ hội”, những kẻ tham nhũng, hối mại quyền thế, gian thương rất dễ thành công. Thực ra, điểm cho kỹ “anh hùng cơ hội” đâu có nhiều và chắc chắn thành công hoàn toàn nhờ cơ hội sẽ không được lâu bền vì thiếu căn bản chân chính để duy trì và phát triển. Số độc đắc nào cũng có người trúng, nhưng đâu phải vì thế mà chúng ta chỉ nhắm mua số để cải thiện đời sống.
Người môn sinh Việt Võ Đạo không chấp nhận lối sống thiếu định hướng lập thân hoặc có những định hướng lâp thân không tưởng, thiếu thực tế hay thiếu xác thực như vậy. Thành công trên đường đời không tạo bởi những cảm hứng nhất thời, mà chỉ được tạo ra bằng những công trình làm việc có định hướng. Ngay cả với những văn nghệ sĩ tên tuổi trong văn học sử mà chúng ta tưởng như họ chỉ là người tạo được sự nghiệp nhờ cảm hứng phong phú, cũng là những người có định hướng lập thân rõ rệt, bằng khuynh hướng văn nghệ.
Do đó, thành công trên đường đời chính là thành quả làm việc của mỗi người, nhưng là sự làm việc được chuẩn bị với những tiêu chuẩn rõ rệt. Những gì chúng ta có hôm nay chính là do kết quả làm việc của ngày hôm qua. Như vậy, tương lai, sự nghiệp của chúng ta không phải là những điều ngẫu nhiên sẽ tới trong những ngày sắp tới, mà được quyết định ngay từ sự chuẩn bị trong ngày hôm qua. Tài cầm quân của Phạm Ngũ Lão không xảy ra do ngẫu nhiên trong một xã hội trọng dụng nhân tài, mà chính do sự chuẩn bị của ông từ nhỏ:
– Luyện tập võ nghệ, học binh thư say mê, thậm chí ngồi giữa chợ đan mây, bị lính dẹp đường đâm thủng đùi vẫn không biết. Kissinger, nhân vật thời danh hiện đại, trước khi thành danh như ngày nay, đã có những định hướng lập thân được chuẩn bị kỹ lưỡng, để từ một binh nhì học hành dỡ dang, giải ngũ học lấy bằng tiến sĩ, rồi giáo sư đại học, nghiên cứu chính trị học và ngoại giao học say mê để tự tiến thân (nhờ có một tác phẩm về nền hòa bình nhân loại có triển vọng lâu dài được Nixon hâm mộ).
– Chính sự chuẩn bị định hướng lập thân đã tạo điều kiện thành công cho mỗi cá nhân. Đặc biệt với môn sinh Việt Võ Đạo, các hướng tiêu chuẩn phải được lý tưởng võ đạo hướng dẫn hoặc được trù hoạch trên căn bản tinh thần võ đạo.
II.- GIÁ TRỊ VÕ ĐẠO VÀ SỰ TRÙ HOẠCH ĐỊNH HƯỚNG
Sự trù hoạch định hướng của mỗi cá nhân đều được thực hiện với ý hướng riêng: người có ý hướng tốt không thể nào có những định hướng tiêu chuẩn xấu và ngược lại những người có ý hướng xấu không thể nào có những định hướng tốt. Ý hướng là tiêu điểm của khuynh hướng. Nếu ý hướng đó thiện mỹ sẽ trở thành lý tưởng: lý tưởng là tiêu điểm của khuynh hướng hướng thượng.
Giá trị của võ đạo trong sự trù hoạch khuynh hướng chính là những giá trị tinh thần căn bản cho chí tiến thủ của mỗi người, được trù hoạch thành những định hướng tiêu chuẩn :
1.-Lý tưởng võ đạo cho chúng ta sự hướng dẫn tiêu điểm các định hướng tiến tới.
2.-Tinh thần võ đạo cho chúng ta những đức tính, ý chí, nghị lực và sự minh mẫn để thực hiện các định hướng tiêu chuẩn.
Lấy Nhật Bản làm một ví dụ điển hình: nước Nhật sau 20 năm chiến bại bi thảm, đã phục hồi và phát triển nhanh chóng nhờ tinh thần võ đạo của họ (tinh thần Bushido – Hiệp Nghĩa Đạo – thường được gọi là tinh thần võ sĩ đạo, vì lầm lẫn với tinh thần Samourai). Nói đến tinh thần Nhật Võ Đạo là chúng ta hình dung ngay đến một số đức tính đặc biệt của dân tộc Nhật do tinh thần Võ Đạo giáo hóa: ngay thẳng tức công bằng, can đảm, nhân từ, lễ phép, tự kiểm, vâng lời, trung tín và yêu việc. Đó là những đức tính của người Nhật Võ Đạo và cũng là những đức tính của người Nhật, do tinh thần võ đạo đào tạo, được dùng làm căn bản cho những chương trình phục hồi và phát triển của người Nhật và nước Nhật, tức những định hướng tiêu chuẩn của dân tộc Nhật và quốc gia Nhật.
Trở lại những giá trị võ đạo với Việt nam và những môn sinh Việt Võ Đạo, chúng ta thấy rõ những giá trị căn bản của lý tưởng Việt Võ Đạo và tinh thần Việt Võ Đạo trong việc hình thành và tác thành các định hướng tiêu chuẩn cho cá nhân môn sinh. Nhờ những giá trị võ đạo điểm hóa, mỗi chúng ta đã có một thân thể khỏe mạnh, một sức lực dẻo dai, một trí tuệ minh mẫn, trong một tâm hồn cao thượng, hội đủ những yếu tố về ý chí, nghị lực và đức tính cần thiết cho mọi trường hợp sinh hoạt. Từ những giá trị căn bản đó, chúng ta sẽ trù hoạch những định hướng tiêu chuẩn thực tế trong sứ vụ tiền phong với các công cuộc cứu nước và dựng nước, cải tạo xã hội, phục hồi và tái thiết xứ sở. Do đó, ngay tự bây giờ, chúng ta phải trù hoạch định hướng lập thân tiêu chuẩn cho chính mình, rồi quyết tâm theo đuổi và thực hiện đến cùng. Mọi thái độ bất nhất, đứng núi này trông núi nọ, chỉ là những yếu tố phá hoại nghị lực và quyết tâm của con người, để dồn đẩy con người xuống hố sâu thất bại hoàn toàn.
Mỗi môn sinh Việt Võ Đạo đều phải tự trù hoạch một định hướng lập thân tiêu chuẩn cho mình. Tương lai và sự nghiệp cá nhân môn sinh chính nằm trong sự quyết định tất yếu này, nên cần vô tư và sáng suốt trong việc trù hoạch, mới có thể tạo điều kiện thành công trong tương lai.
III.- 3 ĐỊNH HƯỚNG LẬP THẤN TIÊU CHUẪN CỦA MÔN SINH VIỆT VÕ ĐẠO
ĐỊNH HƯỚNG 1 : CON ĐƯỜNG THÀNH NGƯỜI HỮU DỤNG
Muốn thành người hữu dụng, trước hết phải là người công dân tốt, sau đó tích cực trau giồi khả năng để có thể đóng góp hữu hiệu vào mọi sinh hoạt quốc gia.
Trau giồi khả năng bằng học tập và kinh nghiệm. Đối với tuổi trẻ, nên dồn mọi nỗ lực học tập vào học đường vì học đường là môi trường thuận lợi nhất cho việc trau giồi khả năng. Đối với những người thiếu hoàn cảnh hoặc lớn tuổi có thể tìm thấy nhu cầu trau giồi khả năng của mình trong các loại sách báo.
Dù bằng phương cách học tập nào, chúng ta cũng chỉ có thể ứng dụng một trong năm ngả đường dưới đây:
1.- Hoặc trở thành trí thức hay chuyên viên
Trí thức là những người có học lực cao hay kiến thức rộng. Chuyên viên là những người chuyên về một bộ môn đặc biệt nào đó về khoa học, nghệ thuật và kỹ thuật.
Nếu đi theo ngả đường này, người môn sinh có thể tự lựa chọn một trong những ngành hoạt động thích hợp với mình như: Bác sĩ, giáo sư, kỹ sư, luật sư, hành chánh gia, quản trị gia v.v… vì đó là những nghề cao đẳng, đòi hỏi người học phải bỏ ra một thời gian khá dài để theo đuổi tới khi tốt nghiệp.
2.- Hoặc trở thành người thợ giỏi
Một người thợ giỏi – tức một chuyên viên “trên thực tế” là một tài nguyên tối cần cho một quốc gia đang phát triển. Do đó, nếu không có điều kiện học tới cấp cao để trở thành chuyên viên, cũng có thể trau giồi khả năng chuyên môn để trở thành người thợ giỏi. Một người thợ giỏi có khi còn cao giá hơn một chuyên viên loại kém. Câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” là một thành ngữ khích lệ nhưng rất xác thực.
Muốn trở thành người thợ giỏi phải : 1-Yêu nghề, 2-Tìm người giỏi để học, 3-Cốt giỏi nghề, không nhắm kiếm tiền ngay, 4-Tận tâm làm ngoài cả nhiệm vụ để được thương mến và truyền thụ bí quyết.
3.-Hoặc trở thành người quân nhân xứng đáng
Một quân nhân xứng đáng có nghĩa là một quân nhân ưu tú về nhiều mặt chớ không nhất thiết là ở cấp bậc cao. Có tinh thần phục vụ cao, có tinh thần trách nhiệm và tinh thần kỷ luật cao cũng đã trở thành một quân nhân xứng đáng. Nhưng phải có bằng trung học và gia nhập từ trẻ.
4.-Hoặc trở thành môt thương gia, một kỹ nghệ gia, một nông gia, một nghiệp chủ, một trại chủ
Nếu có khiếu hay khả năng hoạt động về các ngành này, người môn sinh Việt Võ Đạo có thể đóng góp rất nhiều vào nền kinh tế quốc gia và những hoạt động phát triển kinh tế quốc gia trong thời hậu chiến và do đó, có thể tạo lập được công nghiệp đáng kể cho mình và môn phái.
5.-Hoặc trở thành các văn gia, học giả, nghệ sĩ có chân tài
Ngả đường này đòi hỏi nhiều tài năng thiên phú, bên cạnh thực học cần thiết cho nhu cầu sáng tác. Do đó, những người đi theo ngả đường này phải là người có óc tưởng tượng phong phú, nhạy cảm và đa năng.
ĐỊNH HƯỚNG 2 : CON ĐƯỜNG THÀNH NHÂN VẬT LÃNH ĐẠO QUỐC GIA
Những nhân vật lãnh đạo quốc gia là những người nắm vận mệnh đất nước, vận mệnh quần chúng, vận mệnh dân tộc. Do đó, công việc này có những nhu cầu riêng và được khởi phát từ lòng yêu nước sâu xa.
Ngoại trừ những người mà chúng ta gọi là “chánh khách xôi thịt” và “chánh trị hoạt đầu”, nguyện vọng trở thành nhân vật lãnh đạo quốc gia đòi hỏi ở mỗi người chúng ta một công trình chuẩn bị to lớn :
– Chuẩn bị khả năng: học tập (học đường, sách báo, đoàn thể xã hội).
– Chuẩn bị tinh thần: lập đức (bằng tu dưỡng).
– Chuẩn bị đường hướng: xây dựng lý tưởng, hoạch định chương trình hoạt động cụ thể với những mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và kế sách trị quốc an dân.
– Chuẩn bị nhập cuộc: hoạt động lập thành tích, tổ chức, vận động để thâu thái kinh nghiệm.
Ngoài ra, phải tạo hay qui tụ được những nhóm (équipe) đấu tranh mới, hoặc đỡ tốn công hơn, gia nhập nhóm hay chính đảng đã sẵn có. Ứng cử dân biểu hoặc nghị sĩ.
ĐỊNH HƯỚNG 3 : CON ĐƯỜNG VÕ HỌC VIỆT VÕ ĐẠO
Đây là con đường gần gũi nhất với chúng ta, có những môi trường thuận lợi nhất cho việc phát huy sở năng và thực thi chủ thuyết “Cách Mạng Tâm Thân” để phục vụ hữu hiệu cho lý tưởng Việt Võ Đạo (phát triển người Việt và nước Việt với tinh thần võ đạo).
Muốn hội nhập vào võ đạo, trước hết, người môn sinh phải hiến mình cho võ đạo bằng nỗ lực tu tập để trở thành một võ sư gương mẫu. Muốn trở thành võ sư gương mẫu, người môn sinh phải trải qua những phần vụ học tập và tu dưỡng công phu:
– Tu tập văn võ song hành: song song với việc luyện tập võ thuật, người môn sinh phải trau giồi văn hóa (học đường, sách báo, v.v…) để tăng cường kiến thức.
– Học tập điều hành chỉ đạo: kế đó người môn sinh phải tích cực học tập điều hành, tức bộ môn lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức, quản trị… để phối hợp với khả năng, kỹ thuật của mình.
– Hàm dưỡng tinh thần Việt Võ Đạo: cuối cùng là phần vụ tu đức, tức hàm dưỡng tinh thần Việt Võ Đạo, để hội đủ điều kiện hướng dẫn mọi người sống theo nếp sống và phong cách Việt Võ Đạo, như: tự tin, tự chủ, tự thắng, tự lập, tự trọng, hào hiệp, dũng cảm v.v… Đồng thời phải tự tạo lấy võ đạo đường để thực thi sứ vụ.
IV.- KẾT LUẬN
Người môn sinh Việt Võ Đạo không thể chỉ bày tỏ nguyện vọng xây dựng môn phái bằng những ý kiến xuông mà phải đầu tư kiến thức, khả năng, sự nghiệp của mình vào những hooạt động xây dựng môn phái một cách thực tế. Cách thực tế nhất với việc phục vụ môn phái là phải chuẩn bị cho mình một sự nghiệp vững vàng. Sự nghiệp vững vàng chỉ có nếu có định hướng lập thân tiêu chuẩn ngay từ túc còn trẻ, còn dồi dào sinh lực.
Muốn thế, phải tự tin, đừng để bị lệ thuộc vào dư luận, nhất là những dư luận mơ hồ, thành kiến. Đã là môn sinh Việt Võ Đạo, là phải hội nhập công danh, sự nghiệp cá nhân của mình vào thanh vọng sự nghiệp môn phái. Một gia đình chỉ thăng tiến khi có những người con lỗi lạc. Môn phái cũng vậy, chỉ phát triển mạnh khi có những môn sinh tài giỏi, lỗi lạc, có danh vọng, địa vị xã hội ổn định.
Một môn sinh trung thành với môn phái, nhưng không có danh vọng, địa vị, uy tín xã hội đáng kể, khả năng phục vụ sẽ chẳng có bao nhiêu. Do đó, người môn sinh đúng danh nghĩa, muốn phục vụ môn phái hữu hiệu và tích cực, phải trù hoạch ngay từ bây giờ bằng một con đường lập thân nhiều triển vọng. Muốn thế, phải trù hoạch từ trẻ một định hướng lập thân rõ rệt và quyết tâm theo đuổi để đạt tới.
Lịch sử không tạo ra bằng những lời hứa nguyện, mà bằng sự việc cụ thể. Võ sử không tạo ra bằng số lượng mà bằng chất lượng. Sự nghiệp môn sinh không tạo ra bằng may rủi, mà bằng định hướng lập thân được thực hiện thành công.
Đó chính là tinh nghĩa của sự nghiệp môn sinh Việt Võ Đạo đóng góp vào sự nghiệp môn phái Việt Võ Đạo.
Chương 29- QUAN NIỆM HÀNH XỬ CỦA NGƯỜI VÕ SƯ VIỆT VÕ ĐẠO
I.- TỔNG QUAN
Thông thường, mỗi cá nhân, mỗi nhân vật trước khi hội nhập vào sinh hoạt xã hội đều được chuẩn bị đầy đủ và triển khai khả năng học tập tới mức tối đa. Người sĩ quan trước khi đảm nhiệm vai tuồng chỉ huy, được huấn luyện kỹ về mọi điều kiện thành người chỉ huy. Người điều khiển hành chánh, trước khi thực thụ hành nghề, được huấn luyện đầy đủ kiến thức tổng quát và kiến thức chuyên môn về quản trị hành chánh. Người thợ cả, người kỹ sư, kỹ thuật gia cũng được luyện tương tự để điều hành công việc.
Người võ sự Việt Võ Đạo chúng ta cũng vậy: trước khi thực thụ hành nghề và hội nhập vào sinh hoạt xã hội, cũng phải được huấn luyện, đào tạo như mọi nhân vật xã hội khác. Đặc biết với nếp sống Việt Võ Đạo, người võ sư Việt Võ Đạo không phải chỉ đơn thuần là một “Ông thầy dạy võ” mà còn là một cán bộ cao cấp của môn phái vừa điển trưng cho uy tín và danh dự của môn phái, vừa có trách nhiệm xiển dương và quảng bá nếp sống Việt Võ Đạo cùng tinh thần Việt Võ Đạo trong đại chúng. Do đó, quan niệm hành xử (làm việc và xử sự) của người võ sư Việt Võ Đạo phải được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi hội nhập vào sinh hoạt xã hội, cũng như được huấn luyện đầy đủ về tổ chức đời sống và được chỉ đạo theo những định hướng có những mục tiêu rõ rệt và thực tế.
Lời giới thiệu điển hình nhất về sự huấn luyện người điều khiển công việc, có thể là lời của Tổng thống Mỹ Eishenhower khi giới thiệu ứng cử viên Nixon với nhân dân Mỹ: “Ông (Nixon) đã được huấn luyện đầy đủ để lãnh đạo quốc gia”. Câu nói thông lệ xủa sự giới thiệu những nhân vật mới hội nhập vào sinh hoạt xã hội thường có nội dung tương tự: “đã được hướng dẫn đầy đủ…”, “đã được học tập đầy đủ…”, “đã được chuẩn bị đầy đủ…”. Môi trường hoạt động càng phức tạp, tế nhị bao nhiêu, sự chuẩn bị càng cần đa diện, đa năng, đa hiệu bấy nhiêu.
Môi trường hoạt động võ đạo tại Viêt Nam chính ở trường hợp trên: phải huấn luyện đầy đủ, để người võ sư Việt Võ Đạo khi bước vào thực tế hoạt động xã hội có đầy đủ khả năng (đa năng) và hiệu năng (đa hiệu) trên mọi lĩnh vực hoạt động.
II.- CHUẪN BỊ HỘI NHẬP SINH HOẠT XÃ HỘI: LẬP THÂN, LẬP ĐỨC, LẬP CHÍ
Như vậy, trước khi hội nhập vào sinh hoạt xã hội, người võ sư Việt Võ Đạo cần phải được chuẩn bị ra sao?
3 phần vụ cần thiết để hội nhập vào sinh hoạt xã hội của người võ sư Việt Võ Đạo là :
– Lập thân.
– Lập đức.
– Lập chí.
- A) PHẦN VỤ 1 : LẬP THÂN
Phần vụ lập thân chính là những căn bản tạo điều kiện xây dựng sự nghiệp cho mỗi cá nhân.
Đa số những anh hùng, vĩ nhân đều xuất thân từ nghịch cảnh. Nhưng họ tự thoát ra khỏi nghịch cảnh của họ, bằng cách tự xây dựng để có được một thế đứng trong xã hội, và rồi từ đó, mới có thể xây dựng được sự nghiệp một cách vững chắc.
Trong lịch sử Việt nam, chúng ta thấy : Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Mạc Đăng Dung, Phan Đình Trọng v.v… đều là những võ tướng nổi tiếng xuất thân từ chốn hàn vi. Nhưng nhờ quyết tâm học tập cả văn lẫn võ, nên họ đã vượt thoát ra được hoàn cảnh của chính họ để bước sang một môi trường hoạt động mới, khi đã “đứng” được và có “chỗ đứng”, “đất đứng” trong xã hội. Ngược lại, nếu chúng ta đặt giả thuyết rằng đó chỉ là những con người thụ động, không có chí tiến thủ, tức không có tiêu chuẩn lập thân định hướng sinh hoạt cho họ, tất nhiên họ sẽ chỉ là những con người chìm lẫn vào đám đông, không tên tuổi, không sự nghiệp.
Hitler – Churchil – Stalin – Mao Trạch Đông – Hồ Chí Minh là những mẫu người vĩ đại, tiến thân và thành công chỉ bằng cách nỗ lực tự học và dấn thân. Lincohn là con nhà nghèo, nhờ quyết chí lập thân bằng học vấn, nên ông mới có cơ hội ra ứng cử dân biểu, rồi Tổng thống, sau khi tốt nghiệp luật khoa và hành nghề luật sư. Chính nghề luật sư đã tạo điều kiện cho ông tiếp xúc với quần chúng và có thế giá trong xã hội , làm đà tiến trong sự nghiệp vĩ đại của ông sau này. Gần chúng ta hơn cả, con người Henry Kissinger xuất hiện như một huyền thoại trên chính trường. Mới đầu ông chỉ là một thiếu niên nghèo khổ có một quá khứ “bụi đời”. Ông đi quân dịch thành binh nhì. Và mọi chuyện chẳng có gì đáng nói nữa, khi anh binh nhì Kissinger an phận, không có chí tiến thủ và không biết lập thân. Nhưng anh binh nhì này đã thoát ra, biết lập thân, nhờ sự khích lệ của một giáo sư đại học khi thấy anh có óc thông minh. Cuối cùng anh binh nhì Kissinger thất học đã trở thành một nhà ngoại giao thời danh.
Phần vụ lập thân với người võ sư Việt Võ Đạo, do đó, phải được coi là hàng đầu, qua những kinh nghiệm thực tế và những bài học đắt giá về cuộc đời của các danh nhân. Chúng ta có thể đúc kết phần vụ lập thân theo 4 chỉ tiêu dưới đây:
Chỉ tiêu lập thân 1:Tăng triển học lực (capacité) và căn bản văn hóa (culture de base) bằng học đường (học theo chương trình) và tự học. Đó là con đường bình thường và phổ thông nhất để đem lại tiến bộ về tri thức mà nhân loại vẫn áp dụng từ xưa tới nay và đã áp dụng thành công.
Chỉ tiêu lập thân 2: Tăng triển kinh nghiệm sống, từ giao tế nhân sự tới xử thế. Nên nhớ, dù trong trường hợp thù nghịch, vẫn cần biết mình (tri kỷ), biết người (tri bỉ) mới có thể trăm đánh trăm thắng (bách chiến bách thắng) như binh pháp Tôn Tử đã đề xướng.
Chỉ tiêu lập thân 3: Trù hoạch những mục tiêu ngắn hạn bản thân, tức trau giồi bản lãnh tự lập và tự chủ, bằng cách tự hoạch định những chương trình ngắn hạn phải thực hiện và phải thành công.
Chỉ tiêu lập thân 4: Xác định lý tưởng, ước vọng và sự thực hiện, tức trù hoạch những mục tiêu dài hạn cùng những vấn đề phụ thuộc phải theo đuổi lâu dài hay suốt đời, với quyết tâm thực hiện của chính mình, sau khi đã thành công được ở mục tiêu ngắn hạn.
- B) PHẦN VỤ 2 : LẬP ĐỨC
Song song với phần vụ lập thân, người võ sư Việt Võ Đạo phải đồng thời lập đức cho chính mình, mới có thể tồn tại và trưởng triển. Khác với phần vụ lập thân thường thực tế và dễ lượng giá, sự lập đức của mỗi cá nhân thuộc sinh hoạt tinh thần nên có tính cách trừu tượng và chỉ có thể lượng giá trong những trướng hợp tự quyết và tự nguyện. Thông thường, khi chúng ta lượng giá tha nhân và bị tha nhận lượng giá không những về tài năng, địa vị, đời tư, mà còn cả về đạo đức cá nhân. tất nhiên, sự lượng giá thường được biểu hiện bằng 3 loại từ ngữ phát biểu: mỹ từ, xú từ và ẩn từ. “Ông ta là một người tháo vát, lịch duyệt, nhưng dễ bị mua chuộc bằng những tình cảm lặt vặt…”, “Đó là một tay thủ đoạn, thích thành công bằng sự đau khổ của người khác…”, “Ông ta là một người đức độ nhưng cổ hủ và không thực tế…”, v.v… là những lời lượng giá cá nhân điển hình mà chúng ta thường được nghe trong đời sống công cộng.
Đối với người thường đã vậy, đối với người võ sư Việt Võ Đạo sự lập đức còn quan trọng hơn bội phần, vì những đức tính được lượng giá của người võ sư Việt Võ Đạo không phải chỉ biểu hiện phẩm cách cá nhân mà còn biểu hiện cả tinh thần võ đạo và uy tín của môn phái (nhất là về phương diện giáo dục, đào tạo). Do đó, có những công việc liên quan đến phẩm cách cá nhân mà một người thường làm được, người võ sư Việt Võ Đạo không thể làm được, cũng như có những việc mà một người thường chỉ cần làm được ở mức trung bình đã được ca ngợi, nhưng nếu người võ sư Việt Võ Đạo chỉ làm được ở mức trung bình, sẽ bị chê trách.
Tựu trung, phần vụ lập đức của người võ sư Việt Võ Đạo có 3 chỉ tiêu :
Chỉ tiêu 1 : Phát triển những đức tính tự nhiên
Mỗi cá nhân khi vào đời đều có một số đức tính tự nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà có như: ảnh hưởng di truyền, thành quả giáo dục của gia đình, do thiên bẩm, do những yếu tố về tâm, sinh lý v.v…
Tất nhiên, những đức tính tự nhiên là sự biểu hiện tính tình theo chiều hướng thuận để trở thành đức tính, chớ không bao giờ cả những tính tình xấu do sự biểu hiện tính tình theo chiều hướng nghịch. Do đó, chỉ tiêu đầu tiên của sự lập đức của người võ sư Việt Võ Đạo chính là sự phát triển những đức tính tự nhiên, vì chính những đức tính tự nhiên này là những yếu tố đặc biệt để phát huy phẩm cách cá nhân.
Chỉ tiêu 2 : Phát huy những đức tính do tự tập mà có
Những đức tính do tự tập mà có thuộc nhiều nguồn ảnh hưởng khác nhau:
– Do ảnh hưởng quần chúng.
– Do ảnh hưởng bạn bè.
– Do ảnh hưởng học đường.
– Do ảnh hưởng văn hóa.
– Do ảnh hưởng học tập.
Chỉ tiêu 3 : Phát huy những đức tính Việt Võ Đạo
Những đức tính Việt Võ Đạo do ảnh hưởng giáo dục Việt Võ Đạo mà có, tuy thuộc chỉ tiêu thứ 3 theo thứ tự hấp thụ, nhưng chính là những đức tính căn bản của người võ sư Việt Võ Đạo, vì tha nhân bao giờ cũng lượng giá tiên quyết giá trị của người võ sư Việt Võ Đạo bằng những đức tính Việt Võ Đạo.
Những đức tính Việt Võ Đạo bao gồm tất cả những đức tính đã được truyền thụ bởi môn phái, từ môn sinh tới võ sư, được đúc kết đại cương thành 8 đức tính căn bản (đây chỉ là những “xác chữ” phải hiểu theo tinh thần Việt Võ Đạo) :
(1) – Thành : thành thật.
(2) – Tín : tín nghĩa, đã nói là làm.
(3) – Trung : với dân tộc, môn phái.
(4) – Chính : chính trực, quang minh.
(5) – Nhẫn : kiên trì, chịu đựng.
(6) – Từ : từ ái, nhu thuận với tha nhân.
(7) – Hào : hào sảng, quảng đại
(8) – Dũng : can đảm quyết tâm, không lùi bước trước mọi trở ngại.
Ngoài ra, người võ sư Việt Võ Đạo còn phải tự tín, tự trọng, tự chủ, tự lập, tự kiểm, khiêm cung, hòa hiệp, độ lượng và tế nhị trong mọi hành động và xử thế.
- PHẦN VỤ 3 : LẬP CHÍ
Lập thân và lập đức phải đồng thời thể hiên ý hướng lập chí của mỗi cá nhân. thiếu ý hướng lập chí, người võ sư Việt Võ Đạo sẽ là một người có nhiều khả năng và đức độ, nhưng chỉ là một người mù có nhiều khả năng và đức độ độc hành trong đêm tối. Chính sự lập chí sẽ giúp chúng ta những định hướng phải đi tới trong đời sống. Sự lập chí sẽ giúp chúng ta biểu lộ hết được khả năng của chúng ta trong thực tế hoạt động xã hội. Thiếu lập chí, con người sẽ không biết sử dụng khả năng và đức độ của mình vào việc gì và dễ dàng bị lạc hướng theo những chiều hướng ngoại cảm.
Tựu trung, sự lập chí của người võ sư Việt Võ Đạo phải quy định rõ rệt chí hướng của mình để tự tạo tương lai sự nghiệp cho mình và là một thành tố quyết định cho giá trị của mỗi người khi hội nhập vào xã hội.
Nếu tự thấy có khả năng tham gia vào sinh hoạt lãnh đạo quốc gia, cần phải lập chí rõ rệt trên những yếu tố thực tế, chứ không phải chỉ bằng sự lượng giá quá cao nhưng không tưởng.
Một trong 5 ngả đường cần phải lựa chọn dứt khoát là :
1- Ngả đường tiến thân bằng cấp lớn
Đây là ngả đường thông dụng nhất cho các thành phần từ trung lưu trở lên, rất thích dụng với các quốc gia đang mở mang tại Á Phi và Nam Mỹ, đặc biệt thích hợp với lối học xuất sĩ từ chương (khoa cử) truyền thống của Việt nam. Lối tiến thân trên đây hoàn toàn ảnh hưởng bởi sự phát triển của từng xã hội. Như tại một số quốc gia chậm tiến Phi Châu, trí thức kỹ thuật (chuyên viên) bị thất nghiệp vì khả năng kỹ nghệ còn quá yếu kém, trong lúc tại Việt nam, thành phần trí thức kỹ thuật là quá ít không đủ dùng. Ngược lại, tỷ lệ trí thức “không chuyên môn” lại quá nhiều, trở thành một mối bận tâm chung. Ví dụ: tại các cơ qaun công quyền sự sắp xếp ngạch trật thường được sắp xếp thành các loại A (đại học), B1 (tốt nghiệp trung học đệ nhị cấp), B2 (trung học đệ nhứt cấp v.v…) không cần chú trọng tới ngành học, tức khả năng chuyên môn, trong lúc các cơ sở tư nhân chỉ chú trọng tới khả năng chuyên môn thay vì các cấp học tổng quát.
Muốn tiến thân bằng ngả đường này, người võ sư Việt Võ Đạo phải có hoàn cảnh, phương tiện và thời giờ để thực hiện trong thời gian theo đuổi. Tùy ngành học, người tốt nghiệp sẽ hội nhập vào thành phần trí thức, thành phần được coi là ưu tú của quốc gia, dù có chuyên môn hay không chuyên môn.
2- Ngả đường binh nghiệp
Đó là ngả đường tương cận với võ học hơn cả, thích dụng với bối cảnh chiến tranh hơn cả, phù hợp với khả năng của một gia đình Việt nam trung lưu hơn cả và chỉ đòi hỏi một trình độ học vấn ở mức trung bình (tốt nghiệp trung học). Khác với những công việc văn phòng, công việc này đòi hỏi những khả năng đặc biệt về quân sự và tổ chức, rất thích hợp với những người hoạt động. Do đó, nếu ai tự xét thấy có khả năng quân sự và tổ chức trong lúc trình độ học vấn chỉ ở mức trung bình trở lên, có thể gia nhập quân đội để tiến thân ngay khi còn trẻ tuổi.
Con đường binh nghiệp luôn luôn đòi hỏi ở người theo đuổi một tinh thần kỷ luật cao độ, cùng những khả năng mau lẹ, tháo vát, can trường và quyết định mau chóng… Thời gian và thành tích phục vụ sẽ giúp người sĩ quan trẻ được thăng cấp tuần tự, để rồi có thể bước lên hàng tướng lãnh, nắm giữ một vai trò đáng kể trong guồng máy lãnh đạo quân đội. Ngoài ra, nếu còn có chí tự học, cũng có thể “vừa làm vừa học” để tô bồi thêm cho sự nghiệp quân đội của mình. Nhìn chung, chúng ta thấy ngả đường binh nghiệp tuy có nhiều gian truân, cực nhọc và nguy hiểm, nhưng chắc chắn cũng có nhiều vinh quang, hiển hách xứng đáng.
3- Ngả đường kinh doanh
Ngả đường này gồm những nghiệp vụ: thương gia, công, kỷ nghệ gia, hoặc nông gia, nghiệp, trại chủ. Có thể nói đây là “phú lộ” tức con đường đi tới giàu sang. Thông thường, những người thành công bằng ngả đường này đều, hoặc được thừa hưởng di sản kinh doanh của ông cha để lại, hoặc gặp được ít nhiều may mắn trời cho, hoặc có những sáng kiến đặc dị, hoặc do tự nỗ lực phát triển bằng nhiều cách khác nhau (đại phú do thiên, tiểu phú do cần…), kể cả những phương cách thiếu lương thiện.
Đây là ngả đường thực tế nhất và dễ phù hợp với tham vọng cá nhân của phần lớn nhân loại (có tiền mua tiên cũng được). Tại các quốc gia tư bản và tôn trọng tư sản nhân quyền, ai cũng mong muốn giàu có, vì giàu có sinh tạo thế lực và danh tiếng, do đó sẽ có ảnh hưởng lớn đến xã hội và chi phối được quần chúng. Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy giá trị đặc biệt của những nhà tài phiệt và tư bản trong guồng máy sinh hoạt quốc gia và quốc tế.
4- Ngả đường chánh khách
Ngả đường chánh khách này sinh tạo quyền lực và tham vọng được coi là ngả đường quyền quí rất hấp dẫn với trí thức trẻ tuổi. Trên nguyên tắc, ngả đường này thường gắn bó mật thiết với nguyện vọng quốc gia và chủ trương đường lối lãnh đạo quốc gia, nên rất hấp dẫn với những người trẻ tuổi, đây là ngả đường hội đủ những yếu tố tham vọng, ước vọng, lý tưởng và đam mê, do đó, rất dễ trở thành ngả đường phiêu lưu cho những con người thiếu khả năng tự chế và tự chủ.
Muốn theo đuổi ngả đường này, không những chỉ sống nhiều, biết rộng, can đảm, kiên nhẫn, mà còn phải có nhiều khả năng (nhất là thiên khiếu) về sinh hoạt quần chúng và chinh phục quần chúng. Có thể nói ngả đường chánh khách tuy dễ đem lại thành công, nhưng cũng dễ hủy diệt ngay thành công đó, và ngay cả sự nghiệp của người theo đuổi. Vì vậy, muốn theo đuổi ngả đường chánh khách phải là người có thực tài, thực trí, thực đức (ngoại trừ trường hợp cơ hội chủ nghĩa).
5- Ngả đường tiến thân bằng cấp lớn
Cuối cùng, ngả đường danh nhân văn hóa là ngả đường đặc biệt chỉ dành cho những người có khả năng thiên bẩm, những thiên tài: tư tưởng gia, thi sĩ, văn gia, nghệ sĩ, kịch tác gia, họa sĩ, các nhà soạn nhạc v.v…
Đây là ngả đường đặc dị không phải ai “muốn” là cũng có thể đạt tới được, do đó, chỉ là những trường hợp đặc biệt do thiên khiếu mà có. Tuy nhiên, cũng vẫn cần sự quyết tâm và nỗ lực mới có được những công trình đáng kể.
III.- TỒ CHỨC ĐỜI SỐNG : ĐỜI TƯ VÀ ĐỜI CÔNG
Chúng ta đã chấp nhận về xuất phát điểm của quan niệm hành xử của người võ sư Việt Võ Đạo bắt nguồn từ sự chuẩn bị hội nhập vào sinh hoạt xã hội: từ lập thân, lập đức đến lập chí. Như vậy, chúng ta cũng mặc nhiên chấp nhận căn bản của sự chuẩn bị đó là những điều kiện thực tế đã ràng buộc nó. Muốn học cao, nhưng túi tiền ít, muôn sống đạo đức, nhưng đói, muốn làm lớn, nhưng không có điều kiện chứng tỏ khả năng lãnh đạo thì phải làm sao?
Phương pháp giải đáp bài toán trên chỉ là tổ chức lại đời sống, kể cả đời tư và đời công, để có thể theo đuổi những mục tiêu trù hoạch.
A)-TỔ CHỨC ĐỜI TƯ
1)-Phải giữ nếp sống thanh đạm, giản dị để tiết kiệm chi phí.
2)-Phải biết tiết kiệm thời giờ, để có thời giờ lo việc lập thân, lập đức và lập chí.
3)-Phải cân nhắc kỹ lưỡng việc lập gia đình khi muốn “nuôi” sự nghiệp. Nên nhớ: gia đình càng ngày càng phát triển, dịch vụ và nhu cầu lần lần toàn chiếm đại đa số thời giờ của cá nhân.
4)-Phải dè dặt trước tình yêu: tình yêu có thể nuôi sống hay giết chết sự nghiệp.
5)-Phải biết tự chế trước đam mê, vì nếu không, mọi chuyện sẽ chỉ còn là ảo tưởng.
B)-TỔ CHỨC ĐỜI CÔNG
1)-Trù hoạch thời giờ làm việc thật gọn và hợp tình, hợp lý. Tránh phung phí thời giờ vào những việc bất xứng.
2)-Xây dựng một tiểu xã hôi lý tưởng cho mình, để cùng hỗ trợ nhau trong mọi trường hợp.
3)-Nắm vững kỹ thuật điều khiển nhân sự.
4)-Phát triển giao tế nhân sự vừa phải, để có thể vừa có nhiều hậu thuẫn, vừa sử dụng được thời giờ còn lại vào những nhu cầu khác.
5)-Phát triển khả năng chuyên môn để có thể kiếm tiền thêm, làm phương tiện xây dựng tương lai và theo đuổi chí hướng.
VI.- KẾT LUẬN
Địa vị, sự nghiệp, lý tưởng, ước vọng, đam mê, hiện tại, tương lai: đó là một mê hồn trận của xã hội đang chờ đón tất cả chúng ta. Nếu có một quan niệm hành xử mơ hồ, chúng ta sẽ bị lôi cuốn vào những sai lầm không thể cứu vãn. Ngược lại, nếu biết bình tĩnh tìm “sinh môn” của mê hồn trận, chúng ta sẽ thoát ra dễ dàng và đắc thắng. Sinh môn của mê hồn trận xã hội chính là quan niệm hành xử chính xác và đúng đắn của mỗi chúng ta. Không thể coi thành công như một dịp may của cuộc chơi xổ số hay đoạn chót của một canh bạc. Thực ra, sự nghiệp của mỗi người đều đã được định đoạt, sắp xếp bởi chính người đó.
Dầu vậy, “sông dài có sông dài hơn, biển rộng có biển rộng hơn, núi cao có núi cao hơn” – câu thành ngữ cổ xưa đáng để cho chúng ta suy nghĩ. Do đó, tất cả những cố gắng vùng vẫy, tung hoành của chúng ta trong xã hội chỉ có giá trị tương đối. Hiểu được cái tương đối đó trong đời sống để hướng nó theo chiều thuận, đó là điều chỉ những người có khả năng tự chế cao mới làm nổi. Đó cũng là điều mà người võ sư Việt Võ Đạo phải hiểu rõ để xác định và phát huy quan niệm hành xử của mình, mới có thể có sự nghiệp trong tương lai.
Đừng “sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật” mà hãy sống thật và sống thực tế, với một quan niệm hành xử thực tế, giúp ích và khiêm nhường: đó là sự thái dụng nguyên lý “cương nhu phối triển” vào thực tế hành xử của người võ sư Việt Võ Đạo.
Chương 30-TIÊU CHUẨN TUYỂN CHỌN CHƯỞNG MÔN ĐỜI THỨ III – VSCM LÊ SÁNG
Trong buổi lễ bế giảng khóa Học Hội Tưởng Niệm Sáng Tổ năm 1973, tôi đã bộc lộ tâm nguyện về việc tuyển chọn sứ vụ truyền kế Võ Sư Chưởng Môn trong 10 năm nữa, tức năm 1983.
Hôm nay, tôi muốn xác định lại một lần nữa ý định trên, cùng với những tiêu chuẩn về sự lựa chọn Võ Sư Chưởng Môn và một số vấn đề liên hệ:
HAI SỨ VỤ PHÂN LẬP
– Võ Sư Chưởng Môn.
– Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Huấn Luyện.
Hiện nay tôi đang kiêm nhiệm cả hai sứ vụ : Võ Sư Chưởng Môn và Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Huấn Luyện.
Võ Sư Chưởng Môn trên tinh thần và danh nghĩa có toàn quyền điều hành Môn Phái, cắt cử, chỉ định, thay đổi bất cứ một chức vụ nào trong môn phái, nhưng đó chỉ trong phạm vi lập quy của môn phái, quyền trực tiếp, được chính quyền công nhận, điều hành môn sinh – thuộc phạm vi “hành pháp” hay “hành khiển” (executive) – thuộc trách nhiệm của Tổng Cục huấn Luyện. Đối với Môn Phái VOVINAM Việt Võ Đạo cũng như các tổ chức chú trọng về giáo dục, huấn luyện, công tác huấn luyện bao giờ cũng là công tác hàng đầu và tiên quyết. Mọi công tác khác như: sinh hoạt thanh niên, cứu tế xã hội v.v… chỉ là thứ yếu.
Trong đời thứ hai, sở dĩ tôi phải đảm nhiệm cả hai sứ vụ này, vì các môn sinh lớn tuổi do chính Sáng Tổ đào tạo đều bị phân hóa hoặc bỏ mình trong chiến tranh kháng Pháp 1946 – 1954 và các môn sinh ưu tú lớp sau chưa có nhiều tuổi đời, kinh nghiệm và căn bản võ học chưa đủ chín, để có thể đứng ra đảm nhiệm sứ vụ trong một hoàn cảnh khó khăn.
SẼ LỰA CHỌN RIÊNG BIỆT HAI SỨ VỤ
– Võ Sư Chưởng Môn.
– Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Huấn Luyện.
Tới nay, hoàn cảnh khó khăn đã vượt thắng. Nhân sự của chúng ta đã sung mãn và trưởng triển, cùng lúc với công cuộc quảng phát môn phái đòi hỏi một lề lối làm việc và sự sắp xếp qui mô hơn, mới có thể tránh được tình trạng bao biện của Võ Sư Chưởng Môn và Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Huấn Luyện khi kiêm nhiệm quá nhiều việc.
Sự phân quyền này, bên cạnh những lợi ích về sự giải tỏa trách nhiệm, để ai nấy đều có cơ hội tập trung khả năng và nghị lực vào những công việc rõ rệt, tôi hiểu còn có những mối lo ngại khác về những vấn đề chuyên quyền hay mâu thuẫn nội tại xảy đến cho vị Võ Sư Chưởng Môn tương lai và Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Huấn Luyện tương lai.
Những lo ngại này chỉ là dự phòng cho được bao quát mọi mặt. Tôi tin rằng với truyền thống tốt đẹp sẵn có, môn phái VOVINAM Việt Võ Đạo trước đây đã không có sự tranh giành một sứ vụ Chưởng Môn, trong tương lai chẳng những không có sự tranh giành một sứ vụ, mà còn không có cả sự tranh chấp quyền hành giữa hai sứ vụ: Chưởng môn và Tổng Cục Trưởng. Tuy nhiên để công việc điều hành Môn Phái được nhịp nhàng, gắn bó, tôi sẽ tạo những điều kiện chuẩn bị đầy đủ cho cả hai chức vụ.
– Với chức vụ Võ Sư Chưởng Môn, tôi dành một thời lượng chuẩn bị là 10 năm, tức sẽ truyền kế sứ vụ Chưởng Môn vào năm 1983.
– Với chức vụ Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Huấn Luyện, tôi sẽ lần lượt mời một số võ sư cao cấp đảm nhiệm sứ vụ điều hành Tổng Cục Huấn Luyện từng nhiệm kỳ từ 1 đến 2 năm, để:
1- Toàn thể môn phái thấy rõ tinh thần và khả năng làm việc của từng vị và được thấy sự tuyển chọn Chưởng Môn sau này của tôi rất vô tư, minh chính.
2- Chính các vị đó thấy rõ mức quan trọng của công việc điều hành môn phái trong khi trực tiếp làm việc với tôi, ngõ hầu tránh được mặc cảm, lúc hợp tác điều hành môn phái với vị Chưởng Môn. Đồng thời, tôi cũng tuyển định luôn Tổng Đoàn Trưởng Tổng Đoàn Thanh Niên để chăm sóc phần sinh hoạt văn hóa và cứu tế xã hội của các môn sinh với từ nhiệm kỳ như Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Huấn Luyện.
TRỌNG TRÁCH CỦA MÔN PHÁI TRONG THẬP NIÊN 1973 – 1983
Như đã nhiều lần tôi nhấn mạnh về trọng trách với môn phái trong thập niên còn lại của tôi, tôi xin lập lại tâm nguyện này một lần nữa với 3 công tác tối trọng yếu:
1.-Đào tạo và kiện toàn nhân sự cốt cán của môn phái.
2.-Xây dựng cho mỗi Cục Huấn luyện một trụ sở.
3.-Sắp xếp lại những căn bản triết lý và đường hướng môn phái thành một tư tưởng rõ rệt.
ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT TRONG VIỆC TUYỂN CHỌN VÕ SƯ CHƯỞNG MÔN
Có 5 điều kiện tiên quyết trong việc tuyển chọn vị Chưởng Môn tương lai :
(1)-Trước hết, vị Võ Sư Chưởng Môn tương lai phải có trình độ đẳng cấp Việt Võ Đạo tối thiểu từ Võ Sư Hoàng Đai Đệ Lục Cấp (tức Hồng Đai Đệ Tam), nộp được luận án xuất sắc để lên Đệ Thất Cấp và được chân truyền bí pháp.
(2)-Thứ hai, môn sinh được tuyển chọn phải là nội đồ, tức môn sinh dâng hiến cả cuộc đời cho Võ Đạo, lấy việc phục vụ cho Việt Võ Đạo là chánh, những hoạt động nghề nghiệp khác nếu có chỉ là phụ. Tuy nhiên, việc qui định này cũng rất tế nhị, trong những trường hợp thời trình hành võ và thời trình hành nghề không nghịch nhau (dạy võ buổi chiều và tối, hành nghề ngoại phụ buổi sáng) và có mục đích mưu tìm phương tiện phục vụ môn phái được hữu hiệu hơn.
(3)-Thứ ba, môn sinh được tuyển chọn phải do môn phái hướng dẫn lựa chọn ý trung nhân và tác thành hôn lễ theo những điều kiện chung của môn phái. Vì trên cương vị Võ Sư Chưởng Môn, dầu ở thời nào, cũng phải hội nhập đời tư mình vào đời công của môn phái, mà ngườiu bạn đời của Võ Sư Chưởng Môn sẽ có ảnh hưởng trực tiếp ngay vào sự nghiệp của Chưởng Môn và sự nghiệp của môn phái.
Tất nhiên, điều kiện tiên quyết này không áp dụng với những môn sinh có ý nguyện sống độc thân để phục vụ môn phái.
(4)-Thứ tư, môn sinh được tuyển chọn phải là vị Võ Sư đào tạo được nhiều môn đệ ưu tú, có tinh thần môn phái cao, có khả năng cũng như uy tín dung hòa và kết hợp được mọi người trong môn phái.
(5)-Cuối cùng, môn sinh được lựa chọn phải là người có lý lịch hoàn hảo về các phương diện :
– Tư pháp lý lịch (ngoài trừ những trường hợp đặc biệt về chánh trị và được xếp vào quá vãng)
– Có uy tín ngoài xã hội ; được gia đình, họ hàng trọng nể yêu thương và bà con lối xóm thân hữu kính mến. Yếu tố này được duyệt xét rất tế nhị: gây được một tiểu xã hội sẵn sàng hỗ trợ mình, nhưng không vì thế mà gây ảnh hưởng cá nhân với những ý đồ kết phe phái, đem thân bằng quyến thuộc vào thao túng, lũng đoạn môn phái.
Ý THỨC HÀNH VÕ CỦA CHƯỞNG MÔN
Sau 5 điều kiện tiên quyết, vị Chưởng Môn phải là người có ý thức hành võ cao, theo chiều hướng thăng tiến của võ sử: Võ Sư Chưởng Môn đời thứ III phải có nhiều ưu điểm hơn Võ Sư Chưởng Môn đời thứ II và cứ thế tiếp tục mãi, mới có thể đáp ứng được nhu cầu quảng phát của môn phái và ý chí vượt tiến của người môn sinh trước tiến trình ngày càng rộng lớn hơn, đòi hỏi một hệ thống lãnh đạo đa năng hơn.
Ý thức hành võ cũng biểu hiện ở tinh thần võ đạo cao, và tinh thần võ đạo cao biểu hiện không riêng cá nhân Võ Sư Chưởng Môn mà còn chung cho cả môn phái.
CÁC TIÊU CHUẪN TUYỂN CHỌN
Sau khi hội đủ 5 điều kiện tiên quyết và ý thức hành võ sẽ có 8 tiêu chuẩn tuyển chọn Võ Sư Chưởng Môn đời thứ III, về các phương diện :
–
– Nghi diện (protocole).
– Cốt cách.
– Đức độ.
– Ý chí.
– Kiến thức.
– Khả năng.
– Nếp sống.
– Lề lối làm việc.
1.- TIÊU CHUẪN VỀ NGHI DIỆN
– Nghi diện – tức nghi thức và diện mạo – đối với người thường đã quan trọng, càng quan trọng đối với vị Chưởng Môn tương lai của môn phái.
Giá trị của nghi diện không phải chỉ quan trọng cho những vấn đề giao tế nhân sự, mà còn là một hấp lực đặc biệt của người lãnh đạo trước quần chúng.
Nhìn chung, nghi diện của vị Chưởng Môn đời III gồm các đặc điểm :
– Vóc dáng đường bệ (không quá mập hay quá ốm).
– Thần sắc tốt.
– Tướng diện tốt.
– Và nếu có thể : có hấp lực với mọi người xung quanh.
2.- TIÊU CHUẪN VỀ CỐT CÁCH
Tiêu chuẩn về cốt cách là tiêu chuẩn nửa lắng chiều sâu, nửa biểu lộ trưóc mọi người, với những đặc điểm :
– Bình dị mà cao sang.
– Thanh đạm nhưng tiêu sái.
– Nhàn nhã, ung dung nhưng nhặm lẹ, gọn gàng.
3.- TIÊU CHUẪN VỀ ĐỨC ĐỘ
Ngoài những đức tính về võ đạo và người lãnh đạo thông thường, tiêu chuẩn về đức độ còn biểu hiện :
– Bao dung người dưới với mục đích cảm hóa, cải thạo, hướng thiện.
– Cởi mở nhưng quyết tâm, kiên trì chịu đựng trước mọi thử thách.
– Ứng biến những trung thực, đôn hậu.
– Hòa hợp với mọi người nhưng không su mị, mua chuộc, gây phe phái, thanh thế riêng tư.
– Luôn luôn vì người nhưng phải hợp lý và đúng lúc để nêu gương và dẫn đạo mọi người.
4.- TIÊU CHUẪN VỀ Ý CHÍ
– Phải có chí tiến thủ.
– Phải có tinh thần xung phong, quyết tâm nhập cuộc.
– Phải có tư tưởng lớn, hoài bão lớn, ý lực mạnh mẽ nhưng biết giới hạn bằng định lực.
Có định hướng rõ rệt khi điều hướng công việc và biết phân định rõ rệt từng giai đoạn thực hiện, hợp với sức mình.
5.- TIÊU CHUẪN VỀ KIẾN THỨC
– Có tinh thần cầu tiến, học hỏi không ngừng.
– Đọc nhiều, hiểu rộng, kinh nghiệm sống phong phú.
6.- TIÊU CHUẪN VỀ KHẢ NẮNG
Sứ vụ lãnh đạo và điều hướng tổng quát mọi ngành sinh hoạt của môn phái đòi hỏi nơi vị Chưởng Môn những khả năng đa năng, đa hiệu. Do đó, ngoài khả năng võ học, vị Chưởng Môn còn phải có :
– Khả năng lãnh đạo, tổ chức, chỉ huy.
– Khả năng diễn thuyết và biên tập.
– Khả năng đặc biệt (văn chương, nghệ thuật, khoa học v.v…)
7.- TIÊU CHUẪN VỀ NẾP SỐNG
Nếp sống, phần nhiều biểu hiện của tinh thần, tư tưởng, đem tinh thần, tư tưởng thể hiện vào đời sống. Nhìn vào nếp sống, ngưòi ta có thể phán đoán được phẩm cách và chí hướng của một người, một tập thể. Do đó, vị Chưởng Môn tương lai phải có nếp sống biểu dương được phong thái cao nhã, lịch duyệt của con người Việt Võ Đạo.
Đại để, nếp sống của vị Chưởng Môn tương lai phải :
– Thanh cần, gương mẫu, quang minh chính đại.
– Hoàn cảnh nào cũng thích ứng, hòa hợp được với tinh thần tự chủ, tự chế, tự lập.
– Tiết kiệm với mình, hào phóng với người.
– Tin tưởng, lạc quan, nhưng nghiêm chỉnh, trầm lắng.
– Kiên trì chịu đựng, tránh mọi hơn thua vì tự ái, hãnh diện nhất thời.
8.- TIÊU CHUẪN VỀ LỀ LỐI LÀM VIỆC
– Tính toán kỹ, giải quyết ngay, không để “nước đến chân mới nhẩy”.
– Mọi việc lớn, nhỏ đều được chuẩn bị trước, tiên đoán sẵn những trở ngại có thể gặp để kịp thời ứng phó.
– Làm hết sức và mau lẹ để có thì giờ nghỉ ngơi, suy tư, nghiên cứu.
– Tin tưởng ở thành quả công việc.
– Ý thức được trách nhiệm và tinh thần tập thể.
– Nhiều sáng kiến nhưng thận trọng, kỷ luật. Trước khi quyết định cần hội ý với những bộ thuộc liên hệ, để :
* Hướng dẫn và tỏ lòng ưu ái, tôn trọng thuộc cấp.
* Tác động tinh thần thuộc cấp trước khi giao phó nhiệm vụ.
TRIỂN VỌNG
Nhu cầu quảng phát của môn phái đòi hỏi ở vị Chưởng Môn đời thứ III nhiều đáp ứng đặc biệt hơn hai đời trước. Trong tương lai, Việt Võ Đạo sẽ quảng phát về khắp các nông thôn và các cơ sở kỹ nghệ, cùng với mọi hoạt động phát triển tại học đường, quân đội, cán bộ hành chánh v.v…
Nhu cầu ngày càng gia tăng, càng đòi hỏi ở hệ thống lãnh đạo và chỉ huy môn phái những đáp ứng tinh tiến, đa năng đa hiệu trong mọi tình huống và cảnh huống. Chuyển sang hòa bình, môn phái còn có nhiệm vụ quảng phát tại quốc ngoại, khiến các cơ cấu điều hướng phải phát triển tương ứng.
Tất cả kỳ vọng ở vị Chưởng Môn đời thứ III và trước mọi sứ vụ đang chờ đợi cùng triển vọng thành công đang đón đợi sự đóng góp của toàn thể chúng ta.
Chương 31-CÁC THỜI KỲ VÕ HỌC VÀ ĐẶC TÍNH
I)- DẪN NHẬP
Lịch sử một nước, được phát triển do nhiều động cơ quyết định: địa thế, ý chí, tài nguyên và kinh tế, khả năng và truyền thống lãnh đạo quốc gia, văn hóa, võ học v.v… Trong các động cơ này, động cơ võ học thường được coi như động cơ quyết định cho sự tồn tại của một quốc gia, nhất là đối với những quốc gia phải thường xuyên tranh đấu để tồn tại. Thời trung cổ, Carthage là đô thị phồn thịnh nhờ thương mại, nhưng bị La Mã thanh toán, chỉ vì động cơ võ học yếu kém. Chiêm Thành, Chân Lạp, Bồn Man tuy có những khả năng kinh tế và địa thế tốt không kém Việt nam, nhưng lần hồi bị tiêu diệt cũng trong những trường hợp tương tự.
Do đó, nhìn vào địa thế Việt nam trước các quốc gia lân bang thường xuyên có sự tranh chấp với Việt nam, chúng ta thấy ngay nhu cầu tranh đấu để tồn tại bao giờ cũng được xếp hàng đầu, để hình thành và kiện toàn một nền võ học dân tộc. Đặc biệt nhu cầu tranh đấu để tồn tại của chúng ta không phải chỉ giới hạn võ học trong vị thế tự vệ, mà còn mở rộng ra những lãnh vực Bắc phạt (thời Lý, Lý Thường Kiệt, Tôn Đản đánh 3 châu Khâm, Ung và Liêm), Nam tiến (với Chiêm Thành, Bồn Man, Chân Lạp) và Tây tiến (với Lão Qua).
Xác định giá trị của nhu cầu tranh đấu để tồn tại của dân tộc Việt nam rồi, chúng ta cũng cần xác định thêm định nghĩa về võ học trong phạm trù Lược sử Võ học Việt nam.
Tựu trung, có 3 loại định nghĩa về võ học, tùy theo từng trường hợp:
(1) Trước hết, võ học được hiểu theo nghĩa thuần túy nhất, tức “kỹ thuật đấu tranh bằng sức”.
(2) Kế đó, võ học được hiểu theo nghĩa đấu tranh, tức tất cả những gì không phải là văn đều là võ, như lối diễn ý của cổ nhân trong thành ngữ “văn võ kiêm toàn” để trở thành nhân tài lý tưởng đương thời: phi ngựa giỏi cũng là võ, chạy nhanh cũng là võ v.v…
(3) Cuối cùng, võ học được hiểu theo nghĩa binh gia và có giá trị tương tự như quân sự học. Ví dụ: khi nói “võ tướng” là “tướng quân sự”, “võ nghiệp của một danh tướng” tức sự nghiệp binh gia của một vị võ tướng v.v…
Chúng ta sẽ tìm hiểu lược sử võ học Việt nam với cả 3 định nghĩa trên, tuần tự từ các thời đại võ học và đặc tính, tiến trình thí võ qua các thời đại võ học và võ học Việt nam hiện đại.
II)- CÁC THỜI ĐẠI VÕ HỌC VÀ ĐẶC TÍNH
10 thời kỳ võ học được qui định và phân biệt theo các biến cố lớn của quốc gia:
(1) Thời huyền sử: chế độ thị tộc (2879 – 111 trước công nguyên)
(2) Thời bắc thuộc: 111 trước công nguyên – 906
(3) Thời kỳ thành lập quốc gia: Ngô, Đinh, Tiền Lê (906 – 1009)
(4) Thời kỳ hoàn bị quốc gia: Lý, Trần (1010 – 1341)
(5) Thời kỳ trung suy: Trần mạt, Hồ, Minh thuộc (1341 – 1427)
(6) Thời kỳ phục hưng: Hậu Lê, Mạc (1427 – 1540)
(7) Thời kỳ phân ly: Lê-Mạc, Trịnh-Nguyễn, Tiền-Nguyễn (1540 – 1802)
(8) Thời kỳ thống nhất: Hậu Nguyễn (1802 – 1883)
(9) Thời kỳ Pháp thuộc (1883 – 1945)
(10) Thời hiện kim (1945 tới nay)
- A) VÕ HỌC THỜI HUYỀN SỬ : CHẾ ĐỘ THỊ TỘC
(2879 – 111 trước công nguyên)
Võ học thời huyền sử, vì không có sử sách biên niên, nên chỉ có thể căn cứ vào huyền thoại và những hình vẽ trên đá, những cổ vật đào thấy tại Đông Sơn (Thanh Hoá) và Chapa (Lào Cai).
Tựu trung, võ học trong thời kỳ này có những đặc tính nổi bật:
* Đặc tính 1 : Văn, võ song hành
Đặc tính văn võ song hành được biểu lộ ngay từ tổ chức xã hội: Lạc Long Quân, Ấu Cơ không những là nhà tổ chức giỏi, còn là những nhà lãnh đạo đấu tranh thiên tài, với cả người, vật và thiên nhiên, khi lập quốc.
Về tổ chức xã hội, ngoài nhà vua là một bậc văn võ song toàn, các chức văn cũng được phân biệt thành hai ngành văn, võ song hành với nhau, là các chức quan Lạc hầu và Lạc tướng.
* Đặc tính 2 : đã biết sử dụng vũ khí và kỹ thuật dụng võ
Qua những sử liệu, chứng tích lịch sử như trống đồng Ngọc Lữ và các vũ khí đào được, chúng ta có thể ước đoán về các loại vũ khí được sử dụng và kỹ thuật dụng võ trong thời huyền sử như sau:
1.- Búa rìu: xuất hiện trên trống đồng Ngọc Lữ với thế nhảy múa và biểu diễn. Ước đoán: có thể đi tới cân pháp, tức phép đánh búa rìu.
2.- Dao ngắn : qua những di tích đào được bằng đá và bằng đồng. Ước đoán: có thể đi tới đoản đao pháp (phép đánh dao ngắn).
3.- Lao, dáo: qua những hình vẽ cổ, mới đầu chỉ là võ khí dài, hoặc bằng tre, hoặc bằng một thứ cây cứng, nhỏ, có đầu nhọn, để dùng vào việc săn bắn và đánh cá. Sau, được lắp thêm một bộ phận đá mài, đồng hay sắt vừa sắc vừa nhọn, có thể phóng đi hay đánh sáp chiến. Ước đoán : có thể đi tới thương pháp (phép đánh dáo, thương) và mâu pháp (phép đánh mâu).
4.- Cung, nỏ, tên: qua các hình vẽ cổ và truyền thuyết “nỏ thần” An Dương Vương, cung, nỏ, tên được điều dụng với cả thế bắn. Ước đoán: người huyền sử đã biết khai dụng lối đánh viễn chiến (đánh xa) và tiễn pháp (phép dùng tên) và viễn xạ pháp (phép bắn xa).
5.- Gươm: qua các truyền thuyết về Lạc Long Quân đánh Ngư tinh bằng “khối sắt đỏ” và dùng “gươm sắt” chém đầu đối thủ, truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương dùng gươm sắt, ngựa sắt đuổi giặc Ấn, truyền thuyết An Dương Vương dùng gươm chém Mỵ Châu ngồi sau lưng ngựa v.v…Gươm được biến chế từ dao ngắn, hoặc do Trung Quốc du nhập, đã nâng cao kỹ thuật cận chiến của người huyền sử. Ước đoán: có thể rút tỉa kinh nghiệm từng đòn, thế, miếng mà lập ra kiếm pháp (phép đánh gươm).
6.- Thuyền: qua các hình vẽ cổ, một phương tiện chuyển vận và tiếp tế bằng đường thủy và hàng hải, rất tiện dụng trong những trường hợp thủy chiến. Ưóc đoán: người huyền sử đã biết sử dụng thuyền làm một phương tiện khai thác thiên nhiên và thủy chiến, có thể kết hợp thành thủy chiến pháp, ứng dụng trong giai đoạn lịch sử nghiêm trọng.
7.- Ngựa: qua các hình vẽ cổ, một phương tiện chuyển vận bằng đường bộ nhanh chóng và hữu hiệu nhất đương thời. Ước đoán: sự biết sử dụng và khai thác khả năng chuyên chở và tốc hành là động cơ chính cho những hoạt động giang hồ hành hiệp, rồi đi tới thiết kỵ chiến pháp, mã chiến và xa mã chiến pháp, mở đầu cho hàng loạt những kỹ thuật sử dụng võ học và áp dụng binh pháp.
* Đặc tính 3: biết đưa võ học vào binh pháp
Vì thiếu sử liệu chính xác, nên chúng ta chỉ có thể ước đoán qua những truyền thuyết:
– Cuộc chiến tranh giữa An Dương Vương và Lạc Vương (Hùng Vương): Hùng Vương thắng nhiều nên kiêu, cuối cùng thua về tay An Dương Vương nhờ mưu lược.
– Cuộc xâm lăng của Triệu Đà “giao hảo kế”: An Dương Vương tuy có “nỏ thần” và hệ thống kiến trúc tinh vi của thành Cổ Loa, rút cuộc vẫn thua vì mắc mưu “lông ngỗng đưa đường” của Trọng Thủy.
– Những trận chống Tần, giết tướng Tần Đồ Thư: đưa võ học lần lần vào binh pháp.
Tóm lại, võ học trong thời huyền sử, đã đi từ đơn đấu đến quần đấu, rồi thâm nhập hẳn vào binh pháp. Hiện tượng này khởi đầu bằng giao đấu cá nhân (như trường hợp lạc Long Quân đánh Ngư tinh, Sơn Tinh đấu với Thủy Tinh) chuyển sang trường hợp quần đấu “nhất hổ địch quần hồ” theo lối Phù Đổng Thiên Vương phá giặc Ân, rồi mới tới trình độ đưa võ học vào binh pháp như các trận đánh An Dương Vương – Hùng Vương thứ 18 v.v…
B) VÕ HỌC THỜI BẮC THUỘC (111 trước công nguyên – 906)
Sự nô thuộc vào người Tàu là một cơ hội un đúc tinh thần bất khuất và khả năng võ học của người việt đương thời, làm phát triển cả 3 ngành võ học: võ thuật, kỹ thuật đấu tranh, binh pháp và quân sự học.
Trong thời kỳ này hai phát kiến mới được hình thành:
1-Xu hướng hâm mộ anh hùng của quần chúng: quần chúng bị áp bức, thường có xu hướng hâm mộ những vị anh hùng đã giải thoát họ, như những vị hiệp sĩ, nữ kiệt và võ dũng, mở đầu cho những lực lượng kết hợp chống ngoại xâm. Nhân vật điển hình trong thời kỳ nay đều là những bậc võ dũng và có tài lãnh đạo quần chúng như : Triệu Quang Phục, Trưng Nữ Vương, Triệu Trinh Nương, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương V.V…
2-Xu hướng phát triển chiến pháp kỳ tập (du kích chiến) và chiến pháp “dĩ nhược thắng cường, dĩ đoản thắng trường” (lấy yếu chống mạnh, lấy ngắn chống dài) do các lực lượng nghĩa binh được học để chống quan quân nhà Hán. Triệu Quang Phục, người rút quân về Bãi Sậy (Hưng Yên) chống quân Hán được coi như vị thủy tổ du kích chiến của Việt nam.
C) THỜI KỲ THÀNH LẬP QUỐC GIA (906 – 1009)
Thời kỳ này bắt đầu từ họ Khúc dấy nghiệp tới chấm dứt nhà Tiền Lê.
Điểm đặc biệt nhất trong thời kỳ này là võ thuật đã thâm nhập hẳn vào binh pháp và trở thành một yếu tố quyết định trong sự thành lập và duy trì sự thành lập của quốc gia.
Tinh thần thành lập quốc gia được phôi thai từ học Khúc, được thử thách quyết định bằng trận Bạch Đằng Giang năm 931 của Ngô Quyền đại phá quân nam Hán và với nguy cơ sụp đổ vì nạn “Thập Nhị Sứ Quân” được Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan và thống nhất lại quốc gia.
Võ học hội nhập vào binh pháp trong thời kỳ này đã được nâng cao và phát triển mạnh về phương diện:
1-Thủy chiến (thời Ngô Quyền).
2-Bộ chiến (thời Đinh Bộ Lĩnh).
3-Lâm chiến (thời Đinh Bộ Lĩnh – Lê Hoàn).
4-Kỹ thuật phối hợp tác chiến thủy bộ (Ngô Quyền – Đinh Bộ Lĩnh).
5-Tổ chức quân đội (thời Đinh: mỗi “đạo” quân gồm 100.000 binh sĩ. Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn chỉ huy 10 “đạo” là 1 triệu quân).
D) VÕ HỌC TRONG THỜI KỲ HOÀN BỊ QUỐC GIA (1010 – 1341)
Thời kỳ hoàn bị quốc gia bao gồm 2 triều đại Lý, Trần, đã phát huy võ học không những vào mọi tầng lớp xã hội, mà còn phát huy cả ý thức dụng võ bằng tinh thần Phật giáo đời Lý và tinh thần Tam giáo đời Trần, vào cả những công cuộc chống xâm lăng, bình định nổi loạn, khẩn hoang lập ấp và mở rộng lãnh thổ.
Ý thức dụng võ nâng cao thành tinh thần thượng võ được khuyến khích triệt để trong mọi tầng lớp xã hội bằng các sự việc :
1-Tại kinh đô, có Giảng Võ Đường thành lập song hành với Quốc Học Viện, để đào tạo những nhân tài “văn võ kiêm toàn”.
2-Công chúa, phi tần, công tử, văn quan, thứ dân đều phải cưỡng bách học võ (múa gươm, cưỡi ngựa).
3-Mỗi vị võ dũng hữu trách đều phải chiêu mộ dân chúng khẩn hoang lập ấp.
4-Binh pháp Lý Thường Kiệt chủ về công, binh pháp Trần Hưng Đạo chủ về tự vệ, được phát huy rộng rãi, làm nền tảng cho binh pháp học Việt nam.
5-Các chiến công lừng lẫy của Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo đã làm các nước lân bang kính nể, tạo được một thời kỳ ổn định, kiến thiết và phát triển lâu dài.
6-Tinh thần Tam giáo đã được hội nhập vào võ học, để làm nền tảng khởi thủy cho tinh thần võ đạo Việt Nam (được gọi là tinh thần tiền võ đạo).
7-Việt Nam đã khởi phát những chương trình Tây tiến và Nam tiến để mở rộng lãnh thổ, chinh phục các quốc gia Lão Qua, Chiêm Thành và Bồn Man.
Đ) VÕ HỌC TRONG THỜI KỲ TRUNG SUY (1341 – 1427)
Thời kỳ này bắt đầu từ thời Trần mạt tới lúc chấm dứt Minh thuộc vào năm 1427.
Trong thời kỳ này, mặc dầu vận nước suy đồi, võ học vẫn tiếp tục phát triển với ý chí phục thù nhà, đền nợ nước, tranh thủ độc lập cho dân tộc.
Điểm đặc biệt cần ghi nhận trong thời kỳ này là, sự phát triển mạnh của võ học và hội nhập võ học vào binh pháp, ý thức dụng võ cao độ phối triển với ý thức quốc gia vững mạnh, đã rút ngắn hẳn thời Minh thuộc, dù luôn luôn bị đàn áp khốc liệt và vô nhân đạo chưa từng thấy trong lịch sử (giết hàng loạt, rút ruột người treo lên cây, tập trung xác chết và xương thành núi để khủng bố và làm tê liệt ý chí đề kháng v.v…). Cụ thể hóa là mặc dầu xẩy ra các cuộc khởi nghĩa thất bại của Giản Định Đế và Trần Quý Khoách với những vị liệt sĩ tuấn quốc dũng cảm như Nguyễn Cảnh Chân, Đặng Tất, Đặng Dung v.v… tinh thần kháng Minh cứu nước vần tiếp tục trường kỳ tới thành công, bằng những hoạt động huấn võ bí mật tại rừng Lam Sơn (của Lê Lợi) và sự áp dụng binh pháp Việt Nam truyền thống của Nguyễn Trãi, bên cạnh ý chí phục quốc mãnh liệt của toàn quân và toàn dân đương thời.
E) THỜI KỲ PHỤC HƯNG (1427 – 1540)
Thời kỳ này khởi đầu từ nhà Lê, và chấm dứt từ năm 1540 (Nguyễn Kim phù Lê diệt Mạc).
Thời kỳ này có 3 đặc điểm về võ học :
1-Võ học dân dã đã lần đầu thay thế hẳn võ học quí tộc trong mọi trách vụ quốc gia: trong thời Minh thuộc, hệ thống võ học quí tộc tại các vùng thị trấn bị hoàn toàn tiêu diệt và quan quân nhà Minh triệt để cấm dân chúng học võ bằng cách kiểm tra dân số, bắt đeo “hộ thiếp”, nhưng võ học dân dã vẫn phát triển, qua các tổ chức huấn võ tại các địa điểm bí mật. Do đó, khi nắm chánh quyền, Bình Định Vương chú trọng đặc biết tới việc phát triển võ học tại dân dã, bằng cách tổ chức các khoa thi “Minh Kinh Khoa” cả văn lẫn võ để tuyển dụng nhân tài võ học và văn học.
2-Cưỡng bách học võ: các khoa “Minh Kinh Khoa” cũng đặc biệt áp dụng cho cả các quan văn từ hàng tứ phẩm trở xuống, phải trúng tuyển mới được lưu dụng.
3-Ý thức võ học, tức tinh thần tiền võ đạo giảm sút:
Vì quá chú trọng tới võ học dân dã và coi nhẹ võ học quí tộc, nên Lê triều đặc biệt chỉ chú trọng tới võ học thuần túy, cuối cùng tự chuốc lấy những hậu quả trầm trọng mở đường cho một thời kỳ phân ly lâu dài trong Việt sử: trường hợp Mạc Đăng Dung giỏi võ và thí võ, đậu Đô Lực Sĩ được trọng dụng rồi âm mưu phản loạn, đã khởi đầu từ ngay chính sách “trọng võ khinh văn” đặc biệt của Lê triều.
G) VÕ HỌC TRONG THỜI KỲ PHÂN LY (1540 – 1802)
Thời kỳ này khởi đầu từ năm Nguyễn kim khởi nghĩa mở đầu tình trạng phân ly Lê – Mạc, rồi Trịnh – Tiền Nguyễn, Tiền Nguyễn (Tây Sơn) và chấm dứt vào năm 1802, khi Nguyễn Ánh thống nhất lãnh thổ.
Võ học thời kỳ này có 3 đặc điểm :
1-Võ học quí tộc được phục hồi và phát triển song song với võ học dân dã.
2-Các danh tướng của các trận tuyến đối nghịch đều xuất thân từ cả hai hệ thống võ học trên.
3-Võ học dân dã đã có lúc lấn lướt võ học quí tộc (nhà Tây Sơn đuổi Nguyễn, dẹp Trịnh) với các danh tướng xuất thân từ võ học dân dã, nhưng vì vua Quang Trung đột ngột qua đời, nên võ học quí tộc (Gia Long), với các danh tướng xuất thân từ võ học quí tộc, đã phục thù được và thống nhất lãnh thổ.
H) VÕ HỌC TRONG THỜI KỲ THỐNG NHẦT (1802 – 1883)
Thời kỳ này khởi đầu từ khai nguyên nhà Hậu Nguyễn tới năm chính thức đặc chế độ Pháp thuộc.
Võ học trong thời kỳ này có 5 đặc điểm:
1-Các vua chúa triều Nguyễn vì có tự ti mặc cảm với võ học dân đã qua sự xuất hiện của Tây Sơn, nên không khuyến khích võ học dân dã phát triển.
2-Các chức võ quan bị đặt dưới các chức văn quan, tạo thành một quan niệm đặc biệt “trọng văn khinh võ”.
3-Văn học phát triển độc lập, lần đầu đưa giáo dục vào khuôn khổ hư văn, cử tử.
4-Võ học suy yếu, phải dùng văn quan chỉ huy binh sĩ (Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản v.v…) nên thiếu khả năng đấu tranh chống ngoại xâm, khi quân Pháp tấn công.
5-Quan niêm “trọng văn khinh võ” đã đưa quốc gia tới tình trạng suy sụp, mở đầu thời Pháp thuộc.
I) VÕ HỌC TRONG THỜI KỲ PHÁP THUỘC (1883 – 1945)
Trong thời kỳ này, võ học bị biến thể và chìm đắm trong chính sách ngu dân của người Pháp, đã mang 6 đặc điểm:
1-Võ học bị tách khỏi quân sự học.
2-Võ học không còn được coi là một ngành học quan yếu cho sự sinh tồn của một quốc gia, mà chỉ còn được coi là một nghành thể thao có tính cách giải trí.
3-Chính sách ngu dân (phong trào lãng mạn, rượu ty, thuốc phiện) đã làm suy nhược tinh thần người Việt, để làm tê liệt hay suy giảm tinh thần và khả năng đề kháng.
4-Sự du nhập võ học Nhật Bản (Jiu Jitsu, Judo…) đã kích thích tinh thần thượng võ của người Việt, đem lại cho dân tộc Việt một nguồn hứng khởi mới.
5-Tự ái võ học bùng dậy: người Việt bắt đầu “về nguồn” võ học và hình thành một nền võ đạo Việt Nam vào năm 1938 gọi là Vovinam Việt Võ Đạo.
6-Võ đạo bừng dậy, nâng cao tinh thần ái quốc và cứu quốc của người Việt, để chấm dứt thời Pháp thuộc vào năm 1945.
K) VÕ HỌC TRONG THỜI HIỆN KIM (1945 tới nay)
Thời kỳ này bắt đầu từ năm 1945 – năm cao trào tranh thủ độc lập dân tộc bừng dậy – tới nay.
Võ học trong thời kỳ này mang 5 đặc điểm :
1-Võ học dân tộc sau khi hình thành từ năm 1938 đã phát triển mạnh trong các ngành sinh hoạt xã hội, nâng cao giá trị võ học từ một bộ môn giải trí lên võ đạo (1963), với danh xưng Việt Võ Đạo.
2-Song song với võ đạo dân tộc (Việt Võ Đạo) các môn phái võ đạo du nhập cũng hoạt động và phát triển mạnh : Nhu đạo, từ 1946, Không Thủ Đạo (Karatédo), từ 1954, Túc Quyền Đạo (Tae Kwon Do) từ 1964, gây một tinh thần hiếu võ sôi nổi trong các tầng lớp xã hội, cùng với các môn võ khác như Yoga, Aikido (Hiệp Khí Đạo) v.v…
3-Võ học lại một lần nữa, hội nhập vào binh pháp và các hoạt động an ninh xã hội : các quân binh chủng và các lực lượng an ninh, cán bộ đều có chương trình huấn luyện võ thuật để thực dụng ngay vào công tác thực tế.
4-Võ học – nhất là Vovinam Việt Võ Đạo – đã hội nhập vào một số chương trình giáo dục học đường và chương trình huấn luyện Cán bộ Phát triển Nông thôn, Cán bộ hành chánh v.v…
5-Tinh thần võ đạo đã được biểu hiện trong nhiều ngành sinh hoạt xã hội như cứu đói, cứu trợ nạn nhân chiến họa, nạn nhân bão lụt, khẩn hoang lập ấp và đặc biệt được sử dụng trong nhiều trường hợp cận chiến trên chiến trường Việt Nam.
III.- KẾT LUẬN
Vai tuồng của võ học trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam là một vai tuồng thực dụng; và trong nhiều triều đại, đã trở thành một bộ môn giáo dục căn bản của người Việt.
Tùy theo từng chính sách giáo dục trong các thời kỳ lịch sử, võ học có khi thăng khi trầm, nhưng vẫn luôn luôn tạo điều kiện phát triển trong mọi hòan cảnh lịch sử.
Giá trị thực dụng của võ học chính là động cơ quan yếu đã kiến tạo lịch sử : từ giao đấu cá nhân tới vận dụng vào các kỹ thuật tranh đấu chống thiên nhiên, đối nhân và đối vật, cuối cùng hội nhập vào binh pháp để trở thành một phương tiện quan yếu trong mọi trường hợp tự vệ và mở rộng lãnh thổ.
Trong các thờ kỳ lịch sử, võ học đã hình thành 2 khuynh hướng rõ rệt là võ học quí tộc và võ học bình dân, và đã có những cơ hội thi triển và đối nghịch mạnh mẽ, nhưng rồi vẫn kết hợp lại, thành bộ môn võ học dân tộc duy nhất. Cùng với đà tiến triển của nền võ học nhân loại, võ học Việt nam đã đi từ thô đến tinh, từ cá nhân tới tập thể, và luôn luôn chứng tỏ giá trị hữu hiệu tự thân trong mọi sứ vụ với xã hội và đất nước, và đạt tới sự hình thành một nền võ đạo Việt Nam.
Chương 32-TIẾN TRÌNH THÍ VÕ VÀ VÕ HỌC HIỆN ĐẠI – VSCM LÊ SÁNG
(Tóm Lược)
I).- DẪN NHẬP
Thông thường, võ học của một quốc gia thường có 5 sứ vụ : (1) trừ gian diệt bạo, (2) phò minh chúa, (3) cứu quốc, (4) kiến quốc, và (5) khai quốc.
Trong 5 loại sứ vụ trên, chỉ có sứ vụ trừ gian diệt bạo (dưới mọi hình thức) là một sứ vụ hành võ tự do, thích hợp với phong độ của những hiệp sĩ “giang hồ hành hiệp” tại những vùng rộng lớn chưa ổn định, các cơ cấu cai trị và luật pháp còn lỏng lẻo, 3 sứ vụ sau đòi hỏi sự dấn thân của người hành võ trong một khuôn khổ kỷ luật, của quốc gia hay của một “minh chúa”.
Việt nam không có đất đai rộng lớn và những vùng bất ổn mênh mông như Trung Quốc và Hoa Kỳ, nên không có nhiều hiện tượng “hiệp sĩ gian hồ” như Trung Quốc hay anh hùng “cowboy” miền viễn tây Hoa Kỳ, mặc dù vẫn có một số hiệp thoại đặc biệt như Lãnh Tạo, Cố Bu, Chàng Lía v.v… xuất hiện trong dân dã. Ngược lại, vị thế “tứ diện thọ địch” của Việt nam với những cuộc chiến tranh chống xâm lăng, trừ nội loạn và mở mang bờ cõi liên tục đã làm xuất hiện bằng hàng ngàn vạn anh hùng chiến sử. Rõ rệt là nhu cầu quốc gia của chúng ta luôn luôn cần tới những anh hùng chiến sử, hơn là những hiệp sĩ giang hồ.
Do đó, võ học của Việt nam là nền võ học mang nặng những sứ vụ đấu tranh phục vụ quyền lợi chung của quốc gia, dân tộc, thay vì chỉ phục vụ cho một gia đình, một xóm ấp, một lớp người giới hạn trong một môi trường nhỏ hẹp. Người học võ mặc nhiên chấp nhận truyền thống hành võ chung, nên luôn luôn mong mỏi được có cơ hội thi thố tài năng phò vua, giúp nước.
Muốn phò vua giúp nước, phải khổ luyện tài năng và tìm cơ hội tiến thân. Cơ hội tiến thân của người võ sĩ, chính là các cuộc thí võ của các triều đại lịch sử. Tới nay, mặc dầu các “cuộc thí võ” để tuyển dụng nhân tài võ học thuần túy không còn giữ những khuôn thước cũ, nhưng cũng vẫn được coi là những tiêu chuẩn thích dụng nhất trong một số nghiệp vụ, như: huấn luyện võ thuật học đường, quân đội, cán bộ, cảnh sát v.v… Tất nhiên, tiến trình thí võ truyền thống đã được cải biến và chuyên hóa trong thời hiện đại, nhưng không phải vì thế mà võ học thời hiện đại bỏ qua những sứ vụ truyền thống với dân tộc.
Trong mọi cảnh huống và tình huống lịch sử, mặc dầu chương trình thí võ có đổi thay, nhưng những tiêu chuẩn chính của thí võ vẫn còn được duy trì, để xếp hạng và tuyển lựa nhân tài võ học phục vụ trong mọi ngành sinh hoạt xã hội và quốc gia.
II).- TIẾN TRÌNH THÍ VÕ QUA CÁC THỜI ĐẠI VÕ HỌC
Vì nước nhỏ, lãnh thổ hẹp, nên Việt Nam không có nhiều huyền thoại về “hiệp sĩ giang hồ” như Trung Quốc và Nhật Bản ; nhưng đổi lại, võ học đã hội nhập nhanh chóng vào các sinh hoạt cộng đồng – đặc biệt trong các lĩnh vực phục vụ quốc gia. Do đó, thay thế vào những hoạt động “hành hiệp giang hồ” của từng cá nhân hay từng nhóm cá nhân rời rạc, chúng ta có rất nhiều võ tướng phục vụ quốc gia đắc lực. Mặt trái của sự ứng dụng những hoạt động võ học vào các sinh hoạt cộng đồng, là tình trạng nội loạn và giặc giã, trong đó những kẻ cầm đầu đều là những người võ dũng.
Tiến trình thí võ qua các thời đại võ học, đi từ biểu dương tài nghệ và thành tích, tới các cuộc thi trắc nghiệm, rồi tới những cuộc thi võ có qui chế rõ rệt.
A) BIỂU DƯƠNG TÀI NGHỆ VÀ THÀNH TÍCH
Trước khi có những qui chế rõ rệt về việc tuyển dụng nhân tài võ học, sự sử dụng nhân tài võ học, được ước đoán là không ngoài sự biểu dương thành tích. Sự biểu dương tài nghệ thường chú trọng tới sức khỏe (vác tạ, cử đình…), thập bát ban võ nghệ (nhất là kiếm pháp và thương pháp), tài khéo đặc biệt (cưỡi ngựa, bơi lặn, nhảy cao, chạy xa…). Sự biểu dương thành tích có thể căn cứ vào những buổi hội làng có đấu võ và đấu vật, và các thành tích võ học đạt được ở địa phương (như : đánh cướp, bẻ sừng trâu v.v…).Trong những trường hợp nhân tài tuyển dụng sẽ được điều dụng vào những chức vụ cao, sẽ có những cuộc đàm thoại trắc nghiệm đặc biệt về binh pháp học.
Lối tuyển dụng nhân tài theo phương pháp trắc nghiệm gián tiếp bằng cách đòi hỏi biểu dương tài nghệ và thành tích cá nhân, được áp dụng cho tới năm 1253, năm thành lập Giảng Võ Đường dưới thời Trần Thái Tông.
B) THI TRẮC NGHIỆM VÕ HỌC
Trước khi có những qui chế thí võ rõ rệt, nước ta đã áp dụng những cuộc thi trắc nghiệm từ đời Trần Thái Tông. Sở dĩ võ học đời Trần tuy phát triển mạnh nhưng không thể có qui chế thí võ rõ rệt, vì các triều đại nhà Trần bị ảnh hưởng mạnh bởi tư tưởng Trần Thủ Độ, người khai sinh ra triều đại. Ở Trần Thủ Độ, nhiều tư tưởng thiện ác đối nghịch nhau và đôi khi pha trộn hỗn độn tới mức khó có thể phân biệt chúng: ông vừa là đại gian thần nhà Lý, vừa là đại trung thần nhà Trần; vừa là một lãnh tụ phi nhân (lập mưu giết hết con cháu nhà Lý để trừ hậu họa), vừa là một lãnh tụ vị tha (quyết liệt chống Mông Cổ để giữ nước, cứu dân: đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!); vừa muốn tập trung quyền lãnh đạo trong tay con cháu nhà Trần, vừa muốn tận dụng nhân lực quốc gia để chống ngoại xâm, mở mang bờ cõi và chiêu dân lập ấp; vừa muốn cưỡng bách học võ cho mọi người không phân biệt đẳng cấp xã hội; vừa muốn tập trung binh quyền trong tay con cháu nhà Trần.
Việc thí võ theo qui chế Giảng Võ Đường để tuyển dụng nhân tài võ học do đó, chỉ áp dụng với thường dân chớ không áp dụng với quý tộc. Mặc dầu quý tộc (vương gia) nhà Trần, từ công chúa, phi tần tới các văn quan đều bị cưỡng bách học võ với các môn chính như múa gươm, cưỡi ngựa và binh pháp, rồi được tự do tổ chức và huấn luyện những đội quân riêng để đi khẩn hoang lập ấp, được gọi là các đội quân “Vương gia hầu đô”. Chắc chắn lối thí võ giành riêng cho quý tộc nhà Trần chỉ là một lối thi biểu diễn tài nghệ, và có tính cách khích lệ nhiều hơn lượng giá phối kiểm.
C) NHỮNG CUỘC THÍ VÕ CÓ QUI CHẾ RÕ RỆT
Những cuộc thí võ có qui chế rõ rệt được áp dụng từ đời Lê Thái Tổ, với chế độ Minh Kinh Khoa, và tùy theo chính sách võ học của từng triều đại mà thay đổi. Những triều đại ấn định qui chế rõ rệt cho những cuộc thí võ có thể lấy 3 triều đại Lê Thái Tổ, Gia Long và Minh Mạng làm điển hình.
1- Qui chế thí võ thời Lê Thái Tổ
Qui chế thí võ thời Lê Thái Tổ được ấn định ngay từ sau khi phục hưng độc lập quốc gia, đánh đuổi được quân Minh khỏi bờ cõi.
Qui chế này mang 3 đặc điểm :
* Song song với việc mở trường tại khắp các lộ, các phủ để dạy cả văn lẫn võ, có tính cách cưỡng bách giáo dục cho cả con quan và con cái thường dân, triều đình mở các khoa thi “Minh Kinh Khoa” để chọn lọc và tuyển lựa nhân tài trong dân dã, gồm cả các môn thi về kinh sử và võ học.
* Các quan văn từ tứ phẩm trở xuống, bị bắt buộc phải học và thi đậu “Minh Kinh Khoa” mới được lưu dụng.
* Các tăng nhân cũng phải khảo hạch “Minh Kinh Khoa”, ai trượt, sẽ phải hoàn tục.
Điểm đặc biệt cần ghi nhận ở đây là, Lê Thái Tổ là một vì vua rất trọng võ, nhất là võ học dân dã. Hơn ai hết, ông hiểu rằng cuộc kháng chiến chống Minh sở dĩ thành công, chính là nhờ ở những tài nguyên võ học dân dã, chớ không phải là nền võ học quí tộc đã bị ngoại xâm khống chế, và nhất là không tùy thuộc ở những văn quan trong thời chiến.
2-Qui chế thí võ dưới thời Gia Long
Gia long phục quốc được chỉ nhờ một phần nhỏ vào tài nguyên võ học trong nước. Phần lớn cơ nghiệp của ông, là do khả năng lãnh đạo, mưu lược, sức chịu đựng, tài ngoại giao và sự yểm trợ của ngoại quốc. Do đó, ông lượng giá rất cao về mưu lược, và đồng thời đánh thấp khả năng võ học được tuyển dụng, nhất là những khả năng võ học xuất phát từ dân dã. Tựu trung, qui chế thí võ dưới thời Gia Long đã phản ảnh khá chính xác quan niệm tuyển dụng nhân tài của ông, với 4 đặc điểm:
* Lập các khoa thi võ tương tự hư những khoa thi “văn”, có đủ cả thi Hương, thi Hội, thi Đình, nhưng áp dụng nguyên tắc “võ tôn văn nhất trật”, tức cùng một danh xưng, nhưng đậu về “võ” bao giờ cũng kém đậu về “văn” 1 trật. Ví dụ: đỗ “võ cử nhân” thì hàm tùng lục phẩm, còn đỗ “văn cử nhân” thì được hàm chánh lục phẩm.
* Thi võ tuy cũng có Đình thi, nhưng không lấy Võ Trạng Nguyên, Võ Bảng Nhỡn, Võ Thám Hoa, mà chỉ lấy “Võ Tiến Sĩ”. Điều kiện dự thi Võ Tiến Sĩ là phải tình nguyện thi 1 bài bằng chữ nho, với chủ đề về binh pháp (binh thư đồ trận, địa thế hành binh v.v…). vì võ không được khuyến khích, và những người nếu giỏi về Hán Văn thường ít có khuynh hướng học võ vì bị bạc đãi và phải chịu đựng nhiều cực nhọc, nguy hiểm, nên hầu như không có ai dự thi Đình về võ để hy vọng đậu Võ Tiến Sĩ.
* Thể lệ thi võ về Hương thì phải qua 4 trường : (1) cử trượng (tạ), bắn bia (9 mũi tên, xa 30 trượng, trúng đích cả), (3) quyền thuật (đoản côn) đánh thắng 3 độ và (4) một kỳ chung kết bao gồm cả 3 môn thi trên.
* Thể lệ thi võ về Hội thì có 5 kỳ, được dành cho những thí sinh đã đậu Hương thì được gọi là Võ Cử Nhân. Các thí sinh Võ Cử Nhân được dự thi Hội tại kinh đô, cũng phải qua 3 kỳ đầu như ở Hương thí, nhưng điều kiện thi nặng hơn: xách nặng hơn nửa tạ trên thao trình xa hơn 10 trượng, bắn 12/12 mũi tên trúng đích, đánh thắng 4/4 độ đoản côn. Kỳ thứ 4 được gọi là đánh “lăn khiên” (giám khảo cầm cây dáo quấn miếng vải nhúng mực đánh, biết tránh né không để đầu khiên có chấm mực làm trúng) và kỳ cuối cùng bao gồm cả 4 môn trên.
3- Qui chế thí võ dưới thời Minh Mạng
Từ thời Minh Mạng trở đi, qui chế thí võ được ấn định làm 2 loại, tới triều Triệu Trị, mới trù hoạch thời điểm rõ rệt hơn: võ Hương thí được ấn định vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Tuy nhiên, nội dung các kỳ thi có một số môn được cải đổi hay thay đổi, để thích hợp với trình độ quân sự mỗi ngày một thêm phát triển, với đặc điểm như sau :
a) Môn giao đấu đoản côn được thay đổi bằng màn múa côn, sang độc diễn: múa côn nửa tạ (30kg) cầm vào khoảng 1/3 vừa đi vừa múa, nhảy nhót, đâm đánh, né tránh, đỡ gạt theo bài, miếng thế, đòn đã định sẵn. Đi múa ngoài 60 trượng là ưu hạng, ngoài 50 trượng là bình hạng, ngoài 40 trượng là thứ hạng.
b) Môn múa sang được bổ túc vào môn thứ 2 : sang là một ngọn dáo dài 7 thước 7 tấc ta, phải cầm vào giữa để múa theo bài, nhảy nhót độ 3,4 bước rồi nhắm người bù nhìn ở cách xa 3 trượng thật kỹ, rồi chạy thẳng tới đâm vào giữa rốn. Đâm trúng, xuyên qua là ưu hạng. Đâm trúng, không xuyên qua là bình hạng. Đâm trúng, chỉ xượt qua là thứ hạng.
c) Môn bắn tên được thay thế bằng môn bắn súng hiệp, 6 phát, cách 20 trượng 5 thước ta, nhắm vào bia (có vành tròn và hồng tâm) đặt trước chiếc ụ. Nếu 2 phát trúng hồng tâm, 1 phát trúng vành tròn, 3 phát trúng ụ đất, là ưu hạng. Nếu 1 trúng hồng tâm, 1 trúng vành tròn, 4 trúng ụ đất, là bình hạng. Nếu 2 trúng vành tròn, 4 trúng ụ đất, là thứ hạng.
d) Môn thi thứ tư của Hương thí được thay đổi hẳn bằng phúc hạch về võ kinh, để xếp hạng các tân khoa.
e) Thi Hội cũng có những môn như thi Hương, nhưng tạ nặng hơn (65 cân ta), đi xa hơn (20 trượng), côn và sang nặng hơn, người bù nhìn ở xa hơn, bắn súng hiệp đứng xa hơn.
f) Đậu thi Hội được vào thi Đình lấy Võ Tiến Sĩ, gọi là “Tạo sĩ”, gồm 1 bài hỏi về võ kinh, 1 vài điều yếu lược trong cách dùng binh của các danh tướng triều Nguyễn và 1 vài câu hỏi về thời sự. Không biết chữ có thể xin miễn.
g) Các tân khoa “võ” được đãi ngộ ngang hàng với các tân khoa “văn’, chớ không còn chênh lệch như triều Gia Long.
Võ học Việt nam, qua qui chế thí võ như vậy, đã trải qua một thời “trọng văn khing võ” dài suốt 143 năm, qua các chính sách giáo dục của vua chúa triều Nguyễn. Do đó, chúng ta thấy một hiện tượng quái dị phát sinh: các vị võ tướng giỏi, thường là những người chỉ giỏi binh pháp chớ không giỏi (một đôi khi, không hiểu hay không biết) về võ thuật, và những người giỏi về võ thuật lại rất ít hiểu biết về binh pháp, chỉ vì lý do không biết chữ (nên không có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu). Hiện tượng quái dị này để lại những thời tích đặc biệt trong Việt Sử: các văn quan có đức độ tốt, phẩm trật cao, thường được giao phó cho những trách nhiệm điều binh khiển tướng, như cụ Hoàng diệu, xuất thân từ Phó bảng, sau được bổ nhiệm Tổng Đốc và Binh Bộ Thượng Thư, cụ Phan Thanh Giản, xuất thân từ Phó bảng, sau tuẫn quốc với chức vụ Kinh lược sứ, trong khi có những nhân tài võ học xuất sắc như Tôn Thất Hội, nổi tiếng võ dũng suốt vùng Thừa Thiên, và thi đậu cử nhân thời Gia Long, vẫn không được chấp chưởng binh quyền.
Hậu quả của qui chế thí võ thời Hậu Nguyễn, là không những võ học Việt nam bị đẩy lùi lại hàng chục thế kỷ, mà võ học càng ngày càng tách rời khỏi văn học, và cuối cùng lại tách rời ra khỏi văn học, và cuối cùng tách rời ra khỏi binh pháp, để chỉ đào tạo được những nhân tài “võ phu” hay “võ biền”, tức những người giỏi võ, tuy đậu tới võ cử nhân và có công trạng lớn, địa vị cao, nhưng vẫn không biết chữ (vì qui chế thí võ không cần tới điều kiện này), khác hẳn với hệ thống Giảng Võ Đường và Quốc Học Viện song hành thời Trần, đã đào tạo được hàng loạt nhân tài võ học “văn võ song toàn”.
IV.- VÕ HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
Thời Pháp thuộc nối tiếp nhà Hậu Nguyễn tuy có cải tổ chính sách giáo dục, nhưng lại hướng võ học Việt Nam sang ngành học thư lại và chính sách văn hóa ngu dân. Võ học suốt trong thời kỳ này (tới năm 1938) chỉ gồm một số hoạt động võ thuật rời rạc, lẻ tẻ, dù có những xu hướng Cần Vương Văn Thân chú trọng tới võ học trong việc chống Pháp. Loại võ học ra khỏi chính sách giáo dục, người Pháp cũng đương nhiên loại bỏ võ học ra khỏi tổ chức quân đội. Chương trình thí võ trong quân đội đương nhiên được thay thế bằng chương trình huấn luyện võ khí, tác xạ và kỹ thuật tác chiến. Võ học Việt nam trong thời kỳ này, gần như chỉ còn được coi là một ngành thể thao có tác dụng giải trí công cộng, rập khuôn quan niệm đơn giản về thể thao của người Pháp.
Mãi tới cuối thập niên 30, võ học Việt nam mới có cơ hội bùng dậy, sau những thất bại của những phong trào kháng Pháp và sự học hỏi tinh thần tự cường của Nhật Bản được biểu hiện bằng tinh thần Nhật Võ Đạo (Bushido) và các chiến tích võ sĩ đạo (Samourai) của họ.
Sau sự ra mắt của môn phái Vovinam vào năm 1938 tại Nhà hát lớn Hà Nội, một phong trào học “Võ Tự Vệ” và “Vovinam của người Việt Nam” được bừng dậy trong giới thanh niên – sinh viên, học sinh, viên chức – tại Bắc Việt, khích lệ thêm cả những dịch vụ du nhập võ học ngoại quốc vào Việt Nam, đặc biệt là Nhu Thuật (Jiu Jitsu) và võ Thiếu Lâm. Sau 1945, Nhu Đạo (Judo) được du nhập Việt Nam, cùng với môn Yoga (Du Già).
Tuy nhiên, trong các môn phái võ học trên, chỉ có môn phái Vovinam là phát triển mạnh nhất, do cao trào đấu tranh chống Nhật-Pháp đương thời. Vụ đụng độ điển hình nhất xảy ra vào năm 1942, giữa 2 lớp sinh viên Việt và Pháp tại Hà Nội, đã gây ảnh hưởng tốt đẹp trong dư luận Hà Nội: những sinh viên Việt thấp bé, gầy yếu đã sử dụng tay không đại thắng các sinh viên Pháp cao to, có vóc dáng bên ngoài rất đường bệ. Từ đó, phong trào học “Võ Tự Vệ” (danh xưng võ trình nhập môn của Vovinam đương thời) và “Vovinam” bừng dậy mãnh liệt tại khắp nơi: sân Septo, các trường trung tiểu học, trường Sư phạm v.v…, mặc dầu tại một vài nơi, người Pháp đã quyết liệt áp dụng những biện pháp chế tài tối đa, như cấm học Vovinam trong khu vực quyền hạn của họ.
Sau 19-8-1945, phong trào học Vovinam trở thành một phong trào bộc phát tại Hà Nội, các tỉnh lỵ Bắc Việt và miền Bắc Trung Việt. Tại Hà Nội, phong trào Vovinam đôi khi đã mang tính chất nồng nhiệt và quá độ, như sự xuất hiện của các khẩu hiệu: Người Việt Nam học Võ Việt Nam, học Vovinam để đánh Pháp tranh thủ độc lập, không học Vovinam không phải là người yêu nước v.v…
Trong thời gian này, phong trào học Vovinam để chống Pháp đã mở rộng ra các vận động trường và sân Đại Học Xá Hà Nội, với những lớp võ cộng đồng hàng ngàn người tới hàng chục ngàn người. Trận đánh điển hình nhất là trận cận chiến bằng dao găm và lưỡi lê, giữa một bên là Tự Vệ Thành Hà Nội, một bên là lính Phi Châu thuộc Pháp. Tuy nhiên, điểm đặc biệt cần ghi nhận trong thời gian này là: môn phái Vovinam dưới sự lãnh đạo của Cố Võ Sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc, đã cương quyết không làm chính trị và không hội nhập vào chánh trị, mặc dầu đã góp công đào tạo rất nhiều cấp chỉ huy kháng chiến qua các lớp huấn luyện các cấp bộ đại đội trưởng và trung đội trưởng dân quân du kích tại Chế Lưu Ầm Thượng, Thanh Hương, Đan La, Đan Phú v.v… ; và các lớp huấn luyện võ thuật cho bộ đội Nhà Chung Phát Diệm vào năm 1948, do ông Trần Thiện làm Tổng Chỉ Huy.
Tới năm 1954, các môn phái võ học du nhập cũng bắt đầu tạo lập được ảnh hưởng mới tại Việt Nam, như Nhu Đạo, Không Thủ Đạo, Yoga và một số lò võ Thiếu Lâm độc lập, nhưng vẫn chưa phát triển được sâu rộng trong các tầng lớp dân chúng, vì chánh quyền đệ nhất Cộng Hòa không có ý hướng khuyến khích phát triển võ học. Mãi tới sau cuộc chính biến 01-11-1963, hào khí học võ mới bùng dậy gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong các tầng lớp xã hội, đặc biệt trong các giới thanh thiếu niên và sinh viên học sinh, bởi các động cơ:
1-Chiến tranh mở rộng làm nổi bật giá trị thực dụng của võ học trong cả hai trường hợp tự vệ và tấn công.
2-Các chánh quyền chuyển tiếp đều mặc nhiên khuyến khích các hoạt động võ học (khuyến khích các hoạt động thể thao, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động võ học).
3-Nhu Đạo, nhờ thế tranh đấu của Phật giáo qua các vị thượng tọa võ sư Nhu Đạo, có điều kiện phát triển mạnh mẽ.
4-Túc Quyền Đạo (Tae Kwon Do) hay Võ Đại Hàn (vẫn được gọi là Thái Cực Đạo – vì tương tự với Karatedo của Nhật Bản) được quân đội Nam Hàn phổ biến mạnh mẽ tại Việt Nam, đã chứng tỏ rất hiệu nghiệm trên các chiến trường du kích và cận chiến.
5-Các môn phái võ đạo của Nhật cũng du nhập mạnh mẽ cùng với ưu thế thương mại của Nhật Bản: Atémi, Aikido, Karatédo, v.v… xuất hiện tại Việt Nam với nhiều võ đường do các võ sư Nhật và Việt điều khiển.
6-Môn phái Vovinam bước sang giai đoạn quảng bá mạnh mẽ với danh xưng Vovinam – Việt Võ Đạo, và hội nhập vào các chương trình huấn luyện cộng đồng: quân đội, cảnh sát, cán bộ phát triển nông thôn, cán bộ hành chánh, các trường đại học và trung học v.v… đồng thời khởi sự quảng bá ra nước ngoài.
7-Các môn võ Việt Nam cổ truyền cũng bừng sống lại và hoạt động khá mạnh mẽ như : võ Bình Định, Lam Sơn Võ Thuật Đạo v.v…
Hiện nay, giá trị thực dụng của võ học đang được ứng dụng vào cả các lĩnh vực chiến tranh và hòa bình, chắc chắn sẽ đẩy mạnh sự trưởng triển của võ học Việt nam và tinh thần võ đạo Việt Nam.
V.- KẾT LUẬN
Qua các thời kỳ lập võ và hành võ tại Việt Nam, chúng ta thấy rõ ràng, mặc dầu tủy bối cảnh lịch sử mà phát triển mạnh hay yếu, võ học vẫn luôn luôn là một động cơ tranh đấu hữu hiệu nhất trong cả 3 sứ vụ: cứu quốc, kiến quốc và khai quốc.
Trong cả 3 sứ vụ, võ học Việt Nam đã luôn luôn đóng một vai tuồng đặc biệt, vượt ra ngoài khuôn khổ hoạt động thể thao như tại một số quốc gia Tây Phương. Đặc biệt với Việt Nam, võ học không phải chỉ là kỹ thuật vận dụng sức mạnh hay kỹ thuật tranh đấu, mà còn hội nhập cả vào quân sự học qua ngả đường binh pháp, và hội nhập với triết học và văn học, để hình thành một hệ thống tiền võ đạo Việt Nam và võ đạo Việt Nam.
Trong một vài tình huống lịch sử, võ học Việt nam có khi được tạm thời phân lập làm 2 ngành chuyên biệt là võ học quí tộc và võ học dân dã, nhưng cuối cùng cũng kết hợp lại thành một ngành giáo dục chuyên nhất không phân biệt đẳng cấp xã hội.
Trong một vài cảnh huống lịch sử, võ học Việt nam có thể phối kết với văn học và triết học, có khi lại tách rời ra thành một ngành học độc lập và hoàn toàn kỹ thuật, nhưng cuối cùng vẫn trưởng triển trong tinh thần thượng võ và ý thức võ đạo, quán hợp cả những tinh lý triết học và văn học phù hợp.
Đặc biệt với võ học Việt Nam trong hậu bán thời kỳ thống nhất, qui chế thí võ biểu dương đầy đủ cho chính sách võ học của triều đại đương thời. Qui chế này đã đem lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quí báu, một mặt vừa khuyến khích võ học, mặt khác làm suy yếu giá trị võ học với quan niệm trọng văn khinh võ và tách biệt hẳn văn học ra khỏi võ học (võ cử nhân không cần biết chữ). Một đặc điểm khác là qui chế thí võ thời Nguyễn đã tỏ ra có ý hướng nghiêng về kỹ thuật hóa và hoàn toàn lúng túng trong vấn đề này: từ cung tên đổi thành môn bắn súng hiệp, một thứ kỹ thuật quân sự học thuần túy. Từ căn bản muốn hội nhập võ học vào kỹ thuật tác chiến hiện đại, chính sách tuyển dụng nhân tài võ học đã tỏ ra lúng túng trong việc phân biệt ngành học, khi kỹ thuật bắn súng hiệp đòi hỏi những điều kiện về xạ trường và võ khí sử dụng khác hơn sự biểu hiện tài khéo và công phu luyện tập bằng chân tay. Chính sách sử dụng nhân tài võ học yếu kém từ căn bản, lại được áp dụng trái ngược ngay trên thực tế, bằng sự điều dụng các vị quan văn lỗi lạc chỉ huy trực tiếp các võ quan, nên đã để lại những vết thương khá lớn cho lịch sử dân tộc Việt khi phải đụng độ với chiến tranh cơ khí của người Pháp.
Tới nay, sự phục hưng và trưởng triển vị thế của võ học trong cộng đồng quốc gia tuy đem lại cho chúng ta nhiều khích lệ mới và thành tích mới, nhưng còn đòi hỏi chúng ta nhiều công trình kiến tạo lớn lao hơn nữa, để tô bồi nền võ học Việt Nam và tinh thần võ đạo Việt Nam được vinh danh với các cộng đồng nhân loại.
Việt Võ Đạo đòi hỏi thực hiện sự công bằng cho mọi người. Trước hết, hãy thực hiện công bằng ngay trong hàng ngũ môn sinh. Môn sinh nào biết nghe lời bậc trưởng thượng, biết vì môn phái mà làm việc, sẽ được bậc trưởng thượng giải quyết cho những việc riêng tư và toàn thể môn phái tiếp tay góp sức. Trái lại, nếu tự cho là có ý chí mạnh, chỉ làm theo ý mình, thì bậc trưởng thượng sẽ không biết tới nữa và môn phái không thể hỗ trợ. Tóm lại, tất cả mọi việc làm của chúng ta đều phải trả giá, vì môn phái sẽ được môn phái đáp ứng, làm việc cho tha nhân sẽ được tha nhân đền trả, và ngược lại. Không thể vì tình cảm riêng tư hoặc nghĩ rằng, để cảm hóa môn sinh vượt ngoài khuôn phép, ta cần bao dung, nương theo ý họ. Họ sẽ tự cho là quan trọng, không sửa đổi được gì cả. Phải để cho họ trả giá mà tự giác ngộ, đến lúc đó mới cứu vớt và giáo hóa họ được. Tình cảm không đúng chỗ và không hợp lý chỉ là tình phe phái hạn hẹp, không thể vươn lên thành tình môn phái trải rộng ra cùng khắp.
Chương 33-Tuyên đọc vài nét về Sáng Tổ Nguyễn Lộc trong lễ tưởng niệm
Dáng người dong dỏng cao oai dũng. Mắt sáng quắc một đức tín mãnh liệt: lối nhìn thẳng, sắc thăm thẳm. Trán rộng, cằm nở. Nét mặt trầm mặc, cương nghị. Tiếng nói uy nghiêm, hòa ấm, thân mật. Nụ cười cởi mở, khoan dung, độ lượng.
Đó là những nét độc đáo của một nhân dáng siêu phàm. Một bậc thầy tôn qúy, một đấng sinh thành của một môn phái võ đạo, với sứ vụ duy trì, bảo vệvà phát triển truyền thống võ học hào hùng, bất khuất của dân tộc Việt.
Một người tiên phong đầy tinh khai phá và sáng tạo trong cuộc chinh phục lớn lao của thế kỷ: Vượt thắng sự hèn yếu của thể chất và tinh thần con người trước mọi trường hợp và hoàn cảnh.
Nhân dáng siêu phàm, đó chính là hình ảnh bất diệt của Cố Võ Sư Nguyễn Lộc Sáng Tổ Môn Phái Vovinam Việt Võ Đạo.
Ông Nguyễn Lộc sinh ngày 8 tháng 4 năm Nhăm Tý 1912, tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Ông lớn lên trong thảm cảnh mất nước, giữa lúc các phong trào cách mạng và phóng đãng đang phát triển trên đất nước.
Một bên, các nhà chí sĩ cách mạng âm thầm vận động, cổ súy tinh thần yêu nước trong quốc dân để thúc đẩy thanh niên đi vào con đường bạo lực cách mạng.
Một bên, bọn thực dân thống trị dùng mọi thủ đoạn rungủ quần chúng, đem lợi danh ra mua chuộc, ngụy trang bằng cái võ tự do, phóng khoáng của nền văn hóa Âu Tây, để huyễn hoặc thanh niên, biến họ thành đạo quân tiền phong của phong trào xa hoa, trụy lạc, khiến các nhà ái quốc khó có đất mà gieo mầm cách mạng, chống đối bọn thực dân thống trị và bè lủ bán nước.
Ông đả đảo và lên án gắt gao dã tâm của bọn thực dân và ông quan niệm: muốn đưa cuộc cách mạng dân tộc đến chổ thành tựu, cần phải gây cho thanh niên một ý thức cách mạng, một tinh thần quật cường, một nghị lực quả cảm song song với một thân thể đanh thép, vững chắc, sức lực mạnh mẽ dẻo dai, có đầy đủ khả năng tự vệ.
Làm cách mạng để tiến tới thành công là một điều rất khó, songbảo vệ thành quả cách mạng để bước sang giai đoạn kiến thiết lại là điều khó hơn. Ông Nguyễn Lộc muốn nung đúc để cống hiến cho đất nước những người con yêu đủ năng lực và ý chí tất thắng. Với quan niệm đó, ông chú trọng hướng dẫn thanh niên về mặt Tâm Thân Cách Mạng.
Mang hoài bão lớn lao ấy, ngoài việc trau dồi học vấn và đạo đức, ông còn nổ lực sưu tầm học hỏi, luyện tập hầu hết các môn võ thuật. Ông nhận thấy môn võ nàocũng có ưu điểm, song nếu chỉ đem phổ biến một phương pháp nào thôi, đối với thể tạng mảnh khảnh, nhỏ bé của người Việt thì khó mà đạt được kết quả như ý.
Hơn nữa, trong mọi cuộc chiến đấu, vấn đề tinh thần và danh dự vẫn là 2 yếu tố quan trọng để quyết định sự thành bại. Bởi vậy, ngoài phần võ thuật và tinh thần võ đạo, ông còn muốn ràng buộc các môn đồ sau này vào danh dự của tổ quốc. Nghĩa là thanh niên Việt Nam phải có phương pháp tự vệ mang danh dân tộc Việt Nam, tiêu biểu cho tinh thần bất khuất tự chủ của tiền nhân để khi chiến đấu phát huy được cái hùng khí, quyết bảo vệ và đem vinh quang về cho tổ quốc, cho môn phái.
Ông còn nhận định rằng, muốn đất nước thoát khỏi vòng nô lệ để độc lập tự cường, phải có những thế hệ thanh niên vừa biết trau dồi trí thức, vừa lo rèn luyện thân thể mới có khả năng tự vệ chiến đấu, có ý chí quật cường, có tâm hồn lành mạnh, có đích sống cao đẹp.
Với luận cứ đó, ông Nguyễn Lộc đã không ngừng tìm tòi học hỏi, nghiên cứu từ môn võ và vật cổ truyền ViệtNam đến đạo lý truyền thống Á Đông để hình thành một nền tảng kỹ thuật võ học và tư tưởng võ đạo chú trọng tới tính thực tế hữu hiệu. Ngoài ra ông còn phối hợp và thái dụng mọi tinh hoa võ thuật trên thế giới để sáng tạo thành một môn phái riêng biệt đặt tên là Vovinam. Sau khi cuộc nghiên cứu hoàn tất, ông đem Vovinam ra huấn luyện cho một số thân hữu cùng lứa tuổi vào năm 1938.
Ngót một năm sau, mùa thu năm 1939, ông đem lớp võ sinh đầu tiên công khai ra mắt dân chúng tại Nhà Hát lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thành công rực rỡ, nên Hội Thân Hữu Thể Dục mời ông cộng tác tổ chức những lớp võ công khai cho thanh niên HàNội. Lớp võ đầu tiên khai giảng vào mùa Xuân 1940 tại trường Sư Phạm Hà Nội.
Sau đó, nhiều lớp võ liên tiếp được tổ chức. Môn sinh Vovinam thời đó rất tiến bộ nhờ phương pháp huấn luyện khoa học, thực tiễn và tinh thần đạo đức dân tộc sáng chói của môn phái và nhất là ảnh hưởng trực tiếp cái gương “uy vũ bất năng khuất” của Cố Võ Sư Sáng Tổ.
Trong một buổi biểu diễn võ thuật vào mùa Thu năm 1940, có một viên chức cao cấp Pháplà Ducoroy chủ tọa, vì hắn tượng trưng cho bọn thực dân thống trị ngồi trên khán đài. Nên ông Nguyễn Lộc không cho môn sinh “nghiêm lễ” ngoài sân như thường lệ, mà dẫn môn sinh vào hậu trường nghiên mình làm lễ trước bàn thờ Tổ Quốc. Giữa cuộc biểu diễn, vị Hội Trưởng thân hữu TDTT mời ông lên khán đài để Ducoroy tặng huy chương, khi rời khán đài, ông điềm nhiên gỡ tấm huy chương bỏ vào túi và tiếp tục điều khiển cuộc biểu diễn.
Tất cả những hành động kể trên không những làm bẽ mặt chức quyền bảo hộ mà còn gây xúc động tâm lý sâu xa về ý thức quốc gia. Ý thức dân tộc trong giới thanh niên, nhất là môn sinh Vovinam thời đó.
Từ đó, Vovinam luôn luôn châm ngòi chophong trào công khai chống Pháp, Phong trào đó được phát động mạnh vào năm 1942, từ vụ đụng độ chính thức giữa hai giới sinh viên Việt Pháp tại trường Đại Học Hà Nội, và công chức tại Sở Canh Nông… đều do các sinh viên và viên chức môn sinh Vovinam chủ xướng. Vì thế, bọn thực dân Pháp ra lệnh đình chỉ các lớp võ thuật tại trường Sư Phạm, cắm chỉ ông Nguyễn Lộc hoạt động.
Đây chính là giai đoạn thử thách quan trọng nhất của môn phái Vovinam. Ông vẫn bí mật dạy một số môn đệ tâm huyết ở nhà riêng và phát động phong trào công khai chống Pháp trong quảng đại quần chúng.
Ít lâu sau, Vovinam cộng tác với các đoàn thể ái quốc tổ chức các ngày giổ Tổ Hùng Vương, Kỷ niệm Hai Bà Trưng, các công cuộc cứu tế xã hội, triệt hạ tượng đồng thực dân tại các vườn hoa Paul Bert, Canh Nông… Đồng thời nhiều lớp võ tự vệ được mỡ ra tại nhiều nơi ở Hà Nội thu hút hàng chục ngàn học viên.
Sự hăm mộ Vovinam trong quần chúng thời đó được bộc lộ bằng những khẩu hiệu “Người Việt học Võ Việt”, “Không học Vovinam không phải là người yêu nước”… Tinh thần ái quốc và tiềm lực dân tộc được khơi vùng dậy.
Tháng 4 năm 1945, từng đợt Võ Sư Vovinam được tung đi khắp toàn quốc để quảng bá và giúp cho thanh niên có một lợi khí chống xâm lăng hữu hiệu.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhiều môn đồ Vovinam đã tham gia và hy sinh oanh liệt. Một số trở thành cấp chỉ hy nổi tiếng trong những ngày đầu kháng chiến.
Riêng ông đã cùng môn đệ mở nhiều lớp huấn luyện cho mọi tầng lớp quân dân chính như: Lớp cho thanh niên toàn huyện thạch Thất, các lớp dân quân du kích v.v..
Tháng 8 năm 1948, ông trở lại Hà Nội tái mở những lớp võ thanh niên để gâydựng lại phong trào học Vovinam, kiến thiết lại đời sống xã hội, khơi lại lòng tin yêu của thanh niên trong việc tu dưỡng tinh thần và rèn luyện thân thể.
Năm 1951, cộng tác với một số nhân sĩ, ông thành lập Việt Nam Võ Sĩ Đoàn với những lớp võ đại chúng tại sân trường Hàng Than, Hà Nội.
Tháng 7 năm 1954, Ông vào Nam cùng một số môn đệ tâm huyết và mở trường dạy võ tại đường Thủ Khoa Huân và một vài nơi khác.
Ông Nguyễn Lộc mất mồng 4 tháng 4 năm Canh Tý (nhằm ngày 30/4/1960) tại Sài Gòn và an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, sau khiủy thác quyền lãnhđạo môn phái cho người môn đồ tâm huyết là Võ Sư Lê Sáng, chưởng Môn Vovinam.
Hiện nay, di cốt Cố Võ Sư Sáng Tổ được bảo quản tại Tổ Đường môn phái số 31 đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TPHCM.
Suốt cuộc đời tận tụy, hy sinh xây dựng nền võ đạo cho dân tộc, ông đã để lại một sự nghiệp võ học phi thường cho hậu thế. Hàng năm, những môn đệ kế nghiệp từ bốn phương trời hướng về ngày giỗ Ông – bậc Thầy của nền võ đạo dân tộc -–đốt nén hương tưởng niệm. Đặt bàn tay thép lên trái tim từ ái, cùng cúi đầu thầm nhắc nhở để dâng hiến năng lực và tâm huyết cho tương lai, cho đại nghĩa.
Chương 34-Sơ nét về gia đình và phong thái của Võ Sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc – VS Chưởng Môn Lê Sáng
Ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Tý (24/5/1912) ông Nguyễn Lộc cất tiếng chào đời tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây.
Ông là trưởng nam trong một gia đình có 5 anh em (Nguyễn Thị Thái, Nguyễn Dần, Nguyễn Ngọ và Nguyễn Thị Bích Hà). Thân phụ là cụ ông Nguyễn Đình Xuyến, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Hoà. Gia tộc cụ ông từng sinh sống làm ăn lâu đời tại làng Hữu Bằng. Một thời gian sau, vì sinh kế và muốn tiếp xúc với đời sống văn minh thành thị, cụ chuyển gia đình về Hà Nội và ngụ trong một ngôi nhà ở đường Harmand Rousseau (phía sau chợ Hôm). Khi người con trai đầu lòng cấp sách đến trường, cụ ông đã về làng đón một vị lão võ sư lên Hà Nội khai tâm cho con mình những thế võ và vật dân tộc để rèn luyện sức khoẻ và phòng thân.
Do óc thông minh, có năng khiếu võ thuật và nhờ sự khuyến khích của thân phụ, ông đã nổ lực luyện rèn, rồi sưu tầm, nghiên cứu nhiều môn võ. Ngày đêm ông thường bầu bạn với nhiều loại sách báo khác nhau, từ Triết học, Văn học, Sử học… đến cả Y học, Cơ thể học. Tất cả những ý tưởng quan trọng về võ học và những vấn đề liên quan đều được ông ký chú, phân loại cụ thể. Ngoài ra, ông còn đến tham quan các võ đường, dự khán những trận tỷ thí võ đài, mạn đàm cùng một số võ sư thời danh để tìm hiểu thêm về mọi môn võ thuật. Qua đó, ông đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu: môn võ nào cũng có ưu điểm, nhưng có môn qúa thiên về cương, hoặc lại thuần nhu. Trong khi sử dụng võ thuật, muốn đạt được tinh diệu phải phối hợp giữa cương và nhu , linh động biến hóa tùy theo thể tạng mỗi người, mỗi địa phương. Do đó, thông qua những bài bản xưa, những kỹ thuật nghiêng về hoa mỹ nhưng kém hiệu qủa, ông đã đào sâu và tìm ra phương pháp huấn luyện mới đáp ứng được tính khoa học hiện đại, thực tiển, phù hợp với nếp suy tưởng và sinh hoạt văn hóa thời đại mà vẫn giữ được tính dân tộc.
“Cương nhu phối triển” là tinh lý võ học ông đã vận dụng làm nền móng căn bản cho mỗi đòn thế của Vovinam, cũng như “Cách Mạng Tâm Thân” là định hướng tinh thần cho mỗi môn sinh trên đường tu dưỡng, rèn luyện. Đường hướng sinh hoạt của Vovinam đã có từ thời Sáng Tổ, tôm trọng trật tự, kỷ cương, truyền thống nhưng phóng khoáng, hào hiệp, dân chủ. Tư Tưởng triết lý đầy dân tộc tính của ông lúc bấy giờ là hấp lực dẫn dắt thanh niên vào mọi cuộc tu tập và chiến đấu vì danh dự tổ quốc.
Năm 1945, ông Nguyễn Lộc lập gia đình cùng cô Nguyễn Thị Minh (Thanh), học sinh trường Félix Faure, con gái thứ hai một đại điền chủ ở Thái Nguyên, là cụ ông Nguyễn Ngọc Hoán và cụ bà Bùi Thị Ngọ với 6 người anh em (Nguyễn Ngọc Liêu, Nguyễn Thị Lịch, Nguyễn Thị Kim, Ngyuễn Ngọc Văn, Nguyễn Ngọc Chương, Nguyễn Ngọc Điền, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Thị Viên).
Ông có 9 người con (3 trai 6 gái) là Nguyễn Đạo, Nguyễn Chính, Nguyễn Quang, Nguyễn Thanh Phương, Nguyễn Thanh Mai, Nguyễn Thanh Nga, Nguyễn Thanh Phú, Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Thanh Mỹ.
Tuy là một nhà võ nhưng ông có cốt cách, dáng vẻ của một văn nhân: Người dong dng cao, mắt sáng, trán rộng, cằm nở, gương mặt trầm tư, giọng nói ấm áp chân tình, nụ cười hiền hòa cởi mở. Thường nhật phải khắc khổ luyện tập để đạt tới đỉnh cao của võ thuật, nhưng trong con người ông vẫn tuôn chảy một dòng máu nghệ sĩ. Bên bình trà và bao thuốc lá, ông thường mải mê, nồi đàm luận thơ văn, hội họa, nghệ thuật nhiếp ảnh… suốt buổi sáng hoặc trọn đêm với môn đệ, bạn bè. Ông thân mật, hòa đồng, giản dị với tất cả mọi người. Những học trò sống cận kề ông đều được hưởng những cảm tình đôn hậu và sự chăm lo chu đáo tận tình. Tuy vậy, khi bắt tay vào công việc, học tập, ông Nguyễn Lộc lại rất nghiêm túc, cẩn trọng, luôn đặt yêu cầu cao đối với bản thân và các cộng sự. Giao lưu rộng rãi, tính tình hào hiệp, con thiếu sữa vẫn mang gạo tiền giúp đỡ bạn bè khi gặp cơn bĩ cực; vì thế ông đã có một ảnh hưởng lớn lao và được mọi người chung quanh tin yêu, quý trọng, gắn bó.
Sự nghiệp của ông Nguyễn Lộc sáng tạo và xây dựng ngắn ngủi chỉ có 36 năm nhưng ảnh hưởng của nó lớn rộng khắp năm châu và tồn tại ngàn đời… qua các thế hệ môn đồ nối tiếp nhau xây dựng và phát triển bằng bàn tay thép và trái tim từ ái.
(Trích Vovinam VVD – 60 năm xây dựng và phát triển)
Chương 35- DIỄN VĂN DỰNG TƯỢNG SÁNG TỔ
Ðã 10 năm qua, 10 năm nhằm nối tiếp ý chí khai phá liên tục hầu vượt thoáùt mà sáng tạo của Cố Võ Sư Nguyễn Lộc, Sáng tổ môn phái VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO.
Hôm nay, ngày giỗ lần thứ 10, để tưởng niệm vị Khai sáng tôn kính của môn phái, chúng ta thành tâm đúc tượng và dựng tượng Người.
Ðúc tượng Người: để biều lộ lòng tôn quý, kính ngưỡng Bậc Khai Sáng Võ Ðạo Dân Tộc. Ðúc tượng Người để ghi khắc lại phần nào nét tinh anh, tài quán thế, năng lực sáng tạo siêu việt của một vị sinh thành vĩ đại đã trồng cây Vovinam mọc lên từ sàn đá rắn, đấp nền xây móng cho Việt Võ Ðạo với truyền thống hào hùng bất khuất.
Dựng tượng Người: để nêu cao ý chí sắt đá phục hoạt tiềm lực võ học của Việt Tộc, dựng Tượng Người để hằng năm, nhân ngày giỗ Người, các môn sinh khắp nơi tựu về chiêm ngưỡng Người, chiêm ngưỡng một vóc dáng hùng vĩ, một ý chí cao cả, một năng khiếu siêu phàm. Chiêm ngưỡng để nuôi dưỡng và triển khai theo chí hướng cách mạng tâm thân của sáng tổ, vóc dáng, ý chí và năng khiếu chúng ta tiếp thu được của Người ngày một lớn lao, ngày một vượt thoát khỏi tầm mức hạn hẹp của thời gian và không gian đối với kiếp người nhỏ bé ngắn ngủi.
- Hãy trông lên và tự hứa mỗi kỳ giổ tổ, khi tựu về đưới chân tượng Người: Ta sẽ làm hết sức ta, với bàn tay thép với trái tim từ ái, để tiếp nối công trình sáng tạo, hun đúc bởi ngọn lửa thiêng liêng yêu nước, yêu dân , yêu con người và sự sống của con người.
- Hãy khổ công luyện tập, hàm dưỡng chí khí, hoàn thiện đức độ để phục vụ đất nước, phục vụ dân tộc, nhân loại, bảo tồn sự sống và chiến đấu vì công nghĩa, thanh bình.
- Hãy trông lên, hỡi tất cả môn đồ VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO ! Bức Tượng Sáng Tổ sẽ như một ngọn hải đăng trên biển cả, ánh sao Bắc Ðẩu trong đêm hoang liêu giúp chúng ta vượt thoát qua những hiểm nguy trở ngại, dẫn dắt chúng ta vươn tới những mục đích cao cã, chính trực để hiến ích cho xã hội, cho nhân quần.
Sáng Tổ uy linh, Người sẽ dẫn dắt chúng ta bằng hào quang bừng sáng nơi bức tượng này và bằng lửa thiêng trong tâm hồn mỗi Việt Võ Ðạo sinh, trong tâm hồn từng mỗi thế hệ môn đồ của Người.
Chương 36-DIỄN VĂN KHAI MẠC KHÓA HỘI THẢO TOÀN QUỐC
VÕ SƯ VÀ HUẤN LUYỆN VIÊN VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO THÁNG 5 NĂM 1970
Các Võ Sư và Huấn Luyện Viên thân mến,
Hằng năm, cứ ngày giỗ tổ, chúng ta sẽ cùng nhau hội luận về tất cả các kinh lịch trên đường học đạo và hành đạo, về tất cả những bước tiến phải đạt tới để thống nhất ý chí, thống nhất hoạt động của môn phái.
Trong chiều hướng ấy, nhân danh Chưởng Môn, tôi long trọng tuyên bố khai mạc khoá Hội Thảo Toàn Quốc Võ Sư và Huấn Luyện Viên Vovinam Việt Võ Ðạo tháng 5 năm 1970.
Tất cả Võ Sư và Huấn Luyện Viên các cấp lần lượt sẽ tiếp nhận trong khóa hộ thảo này tất cả các định hướng công tác cần thiết cho các ngày tới, tháng tới, năm tới.
Tất cả các Võ Sư và Huấn luyện Viên các cấp lần lượt được phép và có nghĩa vụ bàn thảo về các tiêu hướng cũng như mọi hoạch định công tác đề ra trong cuộc hội luận này.
Sự đóng góp ý kiến của mỗi phần tử là một sự cần thiết quý giá. đóng góp để phong phú hóa hoạt động dự trù cho tương lai, mà taránh khỏi được các lỗilầm đã có tong quá khứ. đóng góp ý kiến cũng là một trong những phương sách hay nhất để thấu hiểu mà 1uán triệt mọi chỉ thị công tác, vì hể có phát biểu mới chịu suy nghĩ và có suy nghĩ mới am tường vấn đề được đặt ra bàn thảo. Có bàn thảo thật am tường chỉ thị công tác thì mới thực hiện tốt được sứ vụ chung của võ đạo trước đất nước, trước dân tộc và nhân loại.
Khoá hội thảo này sẽ đề cập tới các phần vụ sau đây:
- Mẫu nực và khuôn thức báo cáo công tác học đạo và hành đạo của các cấp thống thuộc môn phái.
- Hoạt động thông tin, báo chí, của môn phái.
- Kế hoạch hoạt động của môn phái.
- Kinh nghiệm hoạt động của các địa phương cùng những đề nguyện của mỗi địa phương và những vấn nạn linh tinh của địa phương.
Tôi kêu gọi mọi người hãy đóng góp tích cực vào buổi hội luận này. Hãy phát biểu thật gẫy gọn và đầy đủ nghĩa để xứng đáng làm những bậc thầy, những thế hệ đàn anh 1970 của Vovinam Việt Võ Ðạo.
Hãy cố gắng, tận tậm, tận lực thực hiện những gì chúng ta đã hội luận và đồng ý ngày hôm nay.
Tôi chúc hội nghị thành công.
Tôi chúc mọi người đều đủ ý chí và nghị lực để phát huy môn phái.
Tôi gửi đến các Võ Sư và Huấn luyện Viên lời khích lệ Môn sinh các cấp trong toàn quốc cùng gởi lời thăm hỏi tới thân nhân và gia quyến mỗi người trong đại gia đình Vovinam Việt Võ Ðạo.
Chúc tất cả thành đạt.
Chương 37- VOVINAM phải tiến theo thời đại
Toàn thể căn bản võ thuật và võ đạo của môn phái Vovinam đều do Cố Võ Sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc, một thiên tài võ học Việt Nam sáng tạo và liên tục hoàn chỉnh từ những năm cuối thập niên 1930 đến ngày Người từ bỏ cõi đời (1960).
Như một viên ngọc vô gía thuần khiết, ngay khi xuất hiện Vovinam đã có một chỗ đứng riêng biệt, làm sáng danh dân tộc, phục vụ đắc lực cho con người muốn sống hiên ngang, độc lập, tự cường. Dầu vậy, không một gía trị nào vĩnh cửu với thời gian, nếu không trau chuốt, cải tiến, canh tân.
Chính vì lẽ đó, Cố Võ Sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc đã di huấn cho các đệ tử thừa kế phải hoàn chỉnh lại tất cả những sáng tạo của Người cho thích hợp với thời đại, với sự tiến triển của nền võ học nhân loại thành những hệ thống về kỹ thuật võ, triết võ, đạo võ. Và suốt từ năm 1960 đến nay, qua bao thăng trầm, suy thịnh, con đường Vovinam hiện đã thênh thang với một hệ thống giản dị, khoa học và hữu hiệu xứng đáng sánh vai cùng năm châu cả về Thuật lẫn Đạo trong sứ vụ phục vụ và giúp ích con người.
Hệ thống võ học Vovinam được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm giúp tất cả mọi môn sinh không phân biệt tuổi tác, màu da đều thấu hiểu tường tận và chính xác những kỹ thuật và tư tưởng nhằm thăng hóa con người cả về Thuật lẫn Đạo.
Do vậy, võ thuật và võ đạo Vovinam được hoàn chỉnh qua hai thời kỳ:
– Thời kỳ sinh tiền Sáng Tổ Nguyễn Lộc.
– Thời kỳ kế nghiệp của Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng.
1- Thời Sáng Tổ Nguyễn Lộc: (từ 1938 đến 1960) Hoàn tất công trình sáng tạo Vovinam vào năm 1938, sáng Tổ đưa ra biểu diển lần đầu tiên tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội vào mùa thu 1939. Sau đó, công khai mở lớp dạy Vovinam tại trường sư phạm (Ecole Normale) ởphố cửa Bắc, Hà Nội vào đầu năm 1940.
ở thập niên 1940, không khí chống thực dân, giành độc lập rất sôi nổi. Ý thức được bổn phận và trách nhiệm của người thanh niên đối với lịch sử dân tộc, Sáng Tổ Vovinam nấu nung một tinh thần phục vụ dân tộc và nhân loại trong việc xây dựng tư tưởng võ đạo cho các môn sinh. Muốn đất nước độc lập, muốn dân tộc tự cường, phải có được một hàng ngũ thanh niên khoẻ mạnh về thân chất, có khả năng dụng võ, có tâm hồn yêu nước, giúp ích xã hội, hiến ích cho đời. Và phải hướng dẫn họ tự hình thành nơi mình một ý chí dũng mãnh, một nhận thức sáng suốt, một tấm lòng bao dung, một quyết tâm trong hành động… Trong tinh thần hào hiệp, dấn thân nhập cuộc vì quê hương, vì dân tộc với nếp sống kiện toàn tâm thân, giúp người tiến bộ và sống cho đại nghĩa. Nhưng suy nghĩ này đã hình thành ý niệm Cách Mạng Tâm Thân, và là ý niệm khơi nguồn tưtưởng chủ đạo của toàn bộ hệ thống lý thuyết võ đạo của môn phái Vovinam Việt Võ Đạo.
Ở thời kỳ này, việc đấu tranh giành độc lập là nhu cầu bức thiết của đất mước. Do đó, kỹ thuật võ xuất phát từ nghiên cứu sáng tạo của Sáng Tổ Nguyễn Lộc rất đơn giản, hữu hiệu mà dễ tập, dễ áp dụng nhưng rất cương mãnh, dữ dội, đặt nặng tính tốc chiến tốc thắng với phương pháp huấn luyện chú trọng nhiều về ngoại công thân thép, tốc lực, sức chịu đựng và sức bền bỉ. Chương trình tuy có phần sơ, trung, cao đẳng, nhưng không mấy ai học quá ba năm (một phần vì thời cuộc), vì nhu cầu ứng phó cấp thiết; một phần đôi lúc do nhà cầm quyền Pháp cấm cản, hàng ngũ cốt cán phải tập luyện bí mật.
Các lớp võ công khai lúc bấy giờ thường chỉ kéo dài ba tháng với những đòn cận chiến đơn giản. Chương trình huấn luyện cấp tốc thời đó gồm:
Võ lực:
- 10 thế thể dục
- Luyện tấn, mép tay, bắp tay cho rắn chắc
- Bay người, rạp xuống, trườn mìnhbằng khuỷu tay và đầu gối.
- Các lối nhào lộn, tậpngã không đau.
Võ thuật:
- Các đòn phản thế cơ bản.
- Các thế khóa gở.
- 4 bài song luyện (đòn thế được ghép theo nhu cầu biểu diễn, nên khóa sau có thể khác khóa trước để thử nghiệm, chứ không theo thứ tự trình độ 1, 2, 3, 4 như hiện nay)
- 21đòn chân cũng đã dạy, song ít người được tập đầy đủ và chỉ ghép vào các bài song luyện chứ không biểu diễn riêng lẽ, đa dạng như bây giờ. Khi tập cũng như biểu diễn đều mặc quần đùi, mình trần.
- Đã dạy những thế kiếm, gậy (côn) và mã tấu cơ bản cho các lớp võ đại chúng hàng vạn người tại sân bãi cỏ Việt Nam học xá (lúc bấy giờ gọi là Đông dương học xá).
Năm 1960, ngày 04 tháng tư âm lịch, Sáng Tổ tạ thế. Đến thời điểm này, Vovinam đã tạo được tiếng vang, môn sinh đã đông hơn. Các môn đệ theo tập Sáng Tổ vẫn tiếp tục theo võ sư Lê Sáng tập lên cao, võ sư Lê Sáng là con chim đầu đàn, là một thành viên sống trong gia đình Sáng Tổ, kề cận Sáng Tổ qua cả ba thời kỳ Sáng Tổ trực tiếp hướng dẫn:
- 1940 – 1945: Hà Nội
- 1946 – 1948: Các tỉnh BắcViệt
- 1954 – 1960: Miền Nam
II-Thời kế nghiệp của Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng: (Từ 1960-đến nay)
Theo di huấn của Sáng Tổ, căn cứ vào các ý niệm tiên khởi về Cách Mạng Tâm Thân do Sáng Tổ giảng dạy, Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng đã hình thành:
- Hệ thống hóa kỹ thuật võ học.
- Hệ thống lý thuyết võ đạo.
- Đường hướng, tôn chỉ và mục đích Môn Phái.
- Đồng thời, Võ Sư Lê Sáng quy tụ lớp môn đệ đã theo tập với Sáng Tổ từ năm 1955, bồi dưỡng thành lớp võ sư cốt cán chung tay phát triển môn phái. Ngoài ra,Võ Sư Lê Sáng còn liên tục đảm nhận chức vụ Tổng Thư Ký Tổng Cuộc Quyền Thuật Việt Nam (là Tổng Cuộc duy nhất lúc bấy giờ) trong 5 nhiệm kỳ (1958-1968) cùng chức vụ Tổng Thủ Quỷ Ủy Hội Olympic Việt Nam (1960-1972).
- Giữa năm 1957, Sáng Tổ Nguyễn Lộc nằm bệnh phải nghỉ dạy, Võ Sư Lê Sáng tạm thời thay thế mở tiếp 3 võ đường tại ba điểm tại Sài Gòn: 1- Đường Sư Vạn Hạnh, gần chùa ấn Quang, 2-Đường Trần Khánh Dư, Tân Định, 3- Đường Trần Hưng Đạo.
- Năm 1960, Sáng Tổ tạ thế và sau chính biến 11-11-1960, chế độ Ngô Đình Diệm cấm tất cả các hoạt động võ thuật. Do đó, Võ Sư Lê Sáng tạm nghỉ dạy võ, lên Ban Mê Thuộc và Quảng Đức làm đồn điền.
- Năm 1964, Võ Sư Lê Sáng trở về mở Trung Tâm Huấn Luyện Vovinam tại số 61 đường Vĩnh Viễn, Sài Gòn, quy tụ một số võ sư trẻ tập lớp 1955 cùng một số thân hữu của các võ sư đó thành lập Ban Chấp Hành Môn Phái với hai cơ cấu: – Tổng Cục Huấn Luyện, – Tổng Đoàn Thanh Niên. Và từ đó danh xưng Vovinam được nối thêm là Vovinam Việt Võ Đạo. Tổng Cục Huấn Luyện chuyên trách đào tạo Võ Sư, Huấn Luyện Viên cốt cán, và Võ Sư Lê Sáng là ChưởngMôn kiêm Tổng Cục Trưởng, Tổng Đoàn Thanh Niên đảm trách phần tổ chức sinh hoạt thanh niên, văn nghệ, và cứu tế xã hội do Võ Sư Trần Huy Phong đảm nhiệm.
- Điềulệ, nội quy được soạn thảo ấn định mọi giềng mối, kỷ cương, luật lệ thi cử, phân công phân nhiệm rõ ràng với kỳ hiệu, phù hiệu như hiện nay. Từ đó, môn sinh được mang võ phục mu xanh với hệ thống đai đẳng: – Xanh (Sơ đẳng: ba cấp) – Vàng (Trung đẳng: ba cấp) – Đỏ (Cao đẳng: bảy cấp) – Trắng (Thượng đẳng: dành riêng cho Chưởng Môn).
- Trong thời kỳ đảm nhận chức vụ Tổng Thư Ký Tổng Cuộc Quyền Thuật Việt Nam, Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng phải khảo sát võ thuật để cấp giấy chứng nhận cho các võ sư. Trong nghiên cứu, tìm hiểu về các môn võ cổ truyền, ông đã rút ra được những tinh túy và tìm cách bổ túc, cùng chỉnh lại phần phân thế thất truyền của những bài võ xưa mà lập ra một hệ thống mới “Một phát triển thành ba” cho Vovinam Việt Võ Đạo sau này. Các kỹ thuật và các bài bản mới:
- 30 thế chiến lược (với nguyên tắc lấy công làm thủ)
- 28 Thế vật căn bản với 3 bài song đấu vật.
- Song luyện dao găm
- Các bài quyền và khí giới: Thập Tự Quyền, Long Hổ Quyền, Việt Võ ĐạoQuyền, Xà Quyền, Hạc Quyền, Tinh Hoa Lưỡng Nghi Kiếm Pháp, Tứ Tượng Côn Pháp,, Nhật Nguyệt Đại Đao Pháp, Bài Mộc Bản, Bài Súng Gắn Lưỡi Lê, Song Đấu Búa Rìu, Song Đấu Mã Tấu.
- Phân thế hai bài vp cổ truyền Lão Mai và Ngọc Trản.
- Thực hiện di huấn của Sáng Tổ, Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng đã hệ thống hóa kỹ thuật võ học và lý thuyết Võ Đạo để Vovinam tiến kịp thời đại. Thành quả đó có sự phụ giúp đáng kể của hai môn đệ xuất sắc: Cố Võ Sư Trần Huy Phong (1938-1997) và Võ Sư Nguyễn Văn Thư. Cố Võ Sư Trần Huy Phong phụ trách ngoại vụ, kế hoạch phát triển. Võ sư Nguyễn Văn Thư phụ trách nội vụ, củng cốnội bộ, khởi thảo bản quy lệ Môn Phái, bút pháp mạch lạc, chặt chẽ. Khi viết đến điều 96: “Tôn chỉ và mục đích minh định nơi chương hai không được thay đổi”. Mọi người đều đã đồng ý nhưng võ sư Nguyễn Văn Thư xin ghi thêm: “và các điều khoản qui định nơi chương này cũng không được thay đổi”. Thời đó, Tổng Cục Huấn Luyện thường xuyên tổ chức các lớp đặc huấn trau dồi kiến thức tổng quát cho các Huấn Luyện Viên cao cấp và Võ Sư Chuản Hồng Đai có đủ khả năng quản trị điều hành võ đường đều do Võ Sư Nguyễn Văn Thư phụ trách. Nhưng phải đến năm 1996, khi Vovinam Việt Võ Đạo được đưa vào giảng dạy ở học đường (công đầu là của cố Võ Sư Phùng Mạnh Chữ tự Mạnh Hoàng 1938-1967), chương trình huấn luyện mới được bổ túc hoàn chỉnh với hệ thống lý thuyết võ đạo được giảng dạy kèm theo chương trình huấn luyện ở các cấp đai.
- Thời đó, Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng ngày dạy võ 10 tiếng, đêm về viết nhanh các bài giảng về 10 điều tâm niệm, ý nghĩa màu đai, v.v., để các Võ Sư và Huấn Luyện Viên đồng bộ giảng huấn giống nhau. Sau đó, mới in thành tác phẩm, các tác phẩm của Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng:
- Ý nghĩa màu đai
- 10 điều tâm niệmmới
- Tìm hiểu Võ Thuật – Võ Đạo
- 12 Phương châm tu dưỡng hành xử
- Tác phong của Việt Võ Đạo sinh
- Ý thức hệ Võ Đạo về nếp sống và tình cảm Việt Võ Đạo
- Chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân
- Vũ trụ quan, Nhân sinh quan, v.v.
- Từ tháng 5 năm 1975 cho tới 1988, Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng bị đi xa, hoạt động Vovinam Việt Võ Đạo có tính tự phát, Khi người trở về lãnh đạo Môn Phái vẫn giữ đúng Tôn CHỉ và Mục Đích đã được xác lập trong quy lệ môn phái năm 1964. Ý niệm Cách Mạng Tâm Thân của Sáng Tổ được Võ SƯ Chưởng Môn viết thành sách , cùng toàn bộ tư tưởng võ đạo Vovinam được san định lại cho phù hợp với thời đại, được tiếp tục dùng làm tài liệu giảng huấn, thi lý thuyết võ đạo ở kỳ thi thăng đai các cấp. Ý chí sáng tổ để lại: “Vovinam phải tiến theo thời đại” có phù hợp với thời đại mới có thể phát triển. Thời bình phải đề cao xây dựng kiện toàn con người, nhẹ bớt tính chiến đấu chế phục người. Để cập nhật hóa kỹ thuật của Vovinam Việt Võ Đạo phải nhu nhuyễn, uyển chuyển, thiên về dưỡng sinh. Hiện nay, Vovinam Việt Võ Đạo có thêm một số bài quyền và binh khí được sắp xếp gắn bó chặt chẽ với nhau theo trình tự: một phát triển thành ba, nghĩa là từ đòn cơ bản (1), ghép lại thành bài đơn luyện (2) và bài song luyện (3). Với hệ thống này, người tập sẽ dễ luyện, dễ nhớ, ôn đi, ôn lại nhuần nhuyễn.
- Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng đã hướng dẫn các Võ Sư viết luận án theo phương thức này. Các bài quyền theo hệ thống này gồm có:
- Nhập Môn Quyền (ghép 4 lối đấm đá, chém cạnh tay và cùi trỏ).
- Tứ Trụ Quyền (ghép những đòn phản thế cơ bản trình độ 1).
- Ngũ Môn Quyền (ghép 10 thế chiến lược 11 tới 20).
- Viên Phương Quyền (ghép những đòn phản thế cơ bản trình độ 2).
- ThậpThế Bát Thức (ghép 10 thế chiến lược 21 tới 30).
- 4 bài Nhu Khí Công Quyền (những bài quyền dưỡng sinh).
- 4 bài Liên Hoàn Đối Luyện (song luyện không té dành cho người lớn tuổi).
- Bài Song Đấu Côn (phân thế 12 thế côn trong bài Tứ Tượng Côn Pháp).
- Bài Trấn Môn Quyền
- Bài Việt Điểu Kiếm Pháp
- Bài Tiên Long Song Gươm Pháp
- Bài Mã Tấu Pháp
- Các bài tự vệ Nữ, Nam. Tứ đấu tay không và khí giới đã có từ thời Sáng Tổ, đến nay được tiếp nối kế thừa rất đa dạng và phong phú.
- Mọi cơ cấu tổ chức, phân công phân nhiệm, võ phục, kỳ hiệu, phù hiệu, danh xưng vẫn được áp dụng theo bản qui lệ Môn Phái viết năm 1964. Riêng có thêm phù hiệu Tổ Đường: mũi tên chỉ lên trời với 4 vòng xanh, vàng, đỏ, trắng, bọc giữa vòng âm dương và bản đồ Việt Nam. Ngoài ra, do nhu cầu phát triển quốc tế, khi gía trị đai vàng chưa phổ biến tại các địa phương mới phát triển, các Võ Sư có thể dùng đai đen thay thế việc giảng dạy được thuận lợi. Khi mọi người đã biết gía trị đai vàng thì các môn sinh trung đẳng sẽ mang lại đai vàng theo hệ thống môn phái.
Vovinam Việt Võ Đạo đã có mặt tại các nước trên thế giới từ năm 1974do giáo sư Phan Hoàng, người đã thành danh với mấy bằng tiến sĩ hạng ưu ở hải ngoại, có công phổ biến đầu tiên. Khi giáo sư về Việt Nam, đến thăm và yết kiến Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng được Võ Sư giao trọng trách thành lập Liên Đoàn Vovinam Việt Võ Đạo tại Pháp với một ban điều hành gồm có 5 võ sư nổi tiếng là: Lão Võ Sư Nguyễn Dân Phú, Võ Sư Hoàng Nam, Võ Sư Bùi Văn Thịnh, Võ Sư Nguyễn Trung Hòa, Võ Sư Phạm Xuân Tòng và do Giáo Sư Phan Hoàng làm chủ tịch.
Thêm vào đó, những du học sinh là môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo đi du học trước và sau 1975, sau khi tốt nghiệp cũng mở phòng dạy Vovinam nhưng chỉ là phong trào tự phát, chứ không do Môn Phái cắt cử. Do vậy, sự giảng dạy không thống nhất và đồng nhất. Khảnăng võ thuật của các đương sự cũng bị hạn chế. Khi các lớp tập lên cao, tất nhiên các vị đó sẽ phải về Tổ Đường rèn luyện bồi dưỡng thêm, lúc đó mới được Võ Sư Chưởng Môn giao phó trách nhiệm chính thức.
Tháng 3 năm 1999
Ban Nghiên Cứu Việt Võ Đạo
Chương 38-Vài nét về Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng
Nguyên quán ở tỉnh Thanh Hóa, Võ sư Lê Sáng chào đời vào mùa thu năm 1920 tại căn nhà bên bờ hồ Trúc Bạch, là trưởng nam của cụ Ông Lê Văn Hiển tự Đức Quang (1887-1959) và cụ bà Nguyễn Thị Mùi (1887-1993).
Vào năm 1939, sau một cơn bạo bệnh nên đôi chân đi đứng khó khăn, nghe theo lời khuyên của mẹ, Võ sư Lê Sáng đã tìm thầy học võ với mục đích rèn luyện cho đôi chân cứng cáp và thân thể khoẻ mạnh. Duyên may đưa đẩy ông đến với lớp Vovinam tại trường Sư Phạm (Ecole Normale) Hà Nội do võ sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc giảng dạy. Có năng khiếu, thông minh và chuyên cần luyện tập, vài năm sau, ông được võ sư Sáng Tổ cho tham gia công việc huấn luyện tại Hà Nội. Từ đó, ông luôn gắn bó cùng võ sư Sáng Tổ như anh em ruột thịt, cùng đồng lao cộng khổ và từng theo chân Sáng Tổ đi dạy Vovinam nhiều nơi ở Thạch Thất (Sơn Tây), Phú Thọ, Chuế Lưu, Đan Hà, Đan Phú(Yên Bái), Me đồi (Vĩnh Yên).
Năm 1954, ông cùng võ sư Sáng Tổ vào Sài Gòn. Tại đây, ông được phân công mở các lớp Vovinam ở đường Thủ Khoa Huân và ở Thủ Đức. Mấy năm sau, võ sư Sáng Tổ lâm bệnh, ông đã thay người tiếp tục huấn luyện cho các môn sinh cao đẳng. Đến năm 1960, trước lúc qua đời, võ sư Sáng Tổ đã giao nhiệm vụ Chưởng Môn lại cho ông. Do tình hình thời sự, những năm đầu thập niên 60, võ sư Lê Sáng phải lên tận Buôn Mê Thuột làm ăn và mãi đến năm 1963, khi các võ phái ở Sài Gòn được phép hoạt động trở lại, ông mới quay về, bắt tay vào việc củng cố, xây dựng và phát triển môn phái. Là người môn đệ trưởng tràng, sát cánh cùng võ sư Sáng Tổ gần 20 năm, võ sư Lê Sáng đã tiếp thu những tư tưởng võ đạo và võ thuật của Sáng Tổ một cách sâu sắc nhất. Trên cơ sở đó, với cương vị Chưởng Môn ông đã lãnh đạo và đưa môn phái phát triển thật mạnh mẽ trong giai đoạn 1964-1975. Dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, song song với việc chỉ đạo phong trào, mỗi ngày ông vẫn trực tiếp huấn luyện hàng10 giờ cho nhiều đối tượng khác nhau, vậy mà đêm đêm còn chong đèn viết sách báo, hệ thống hóa lại những tư tưởng võ học của Sáng Tổ và qua kinh nghiệm thực tiển của mình, ông đã bổ sung vào chương trình huấn luyện nhiều kỹ thuật đòn thế phong phú. Ngoài ra, ông còn được bầu làm Tổng Thư Ký Tổng Cục Quyền Thuật Miền Nam Việt Nam và thủ qủy Ủy Ban Olympic miền nam Việt Nam.
Từ những năm cuối thập niên 80 đến nay, là người lãnh đạo tinh thần của môn phái Vovinam Việt Võ Đạo, võ sư Chưởng Môn Lê Sáng luôn hỗ trợ và hướng dẫn các hoạt động chuyên môn của Vovinam Việt Võ Đạo ở các nơi, chấm thi cho các môn sinh cao đẳng đồng thời nghiên cứu để ngày một hoàn chỉnh hơn hệ thống kỹ thuật của môn phái.
Chẳng những giỏi võ, có năng lực lãnh đạo và quản lý tốt, võ sư Chưởng Môn Lê Sáng còn là một con người tài hoa. Bằng những nét chữ bay bướm, đẹp mắt và rõ ràng, ông đã sáng tác nhiều bài thơ mangcảm xúc sâu lắng và tinh thần thượng võ. Trong cuộc sống thường ngày, ông rất giản dị, thường giúp đỡ bạn bè và đối xữ chân tình với những người xung quanh. Đối với môn đệ, ông chí tình dạy bảo, thương yêu và dung thứ. Những lúc cha mẹ ốm đau, ông luôn cận kề và chăm lo chu đáo.
Sống đơn thân, không nặng gánh gia đình, thấm nhuần triết lý phương Đông, đồng thời là người môn đệ xuất sắc nhất của cố võ sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc, bằng tài năng và đạo đức của mình, võ sư Chưởng Môn Lê Sáng đã cống hiến gần trọn cuộc đời mình cho công cuộc xây dựng và phát triển môn phái Vovinam Việt Võ Đạo.