fbpx
skip to Main Content
Vovinam Schools
Le Sang Library
Vovinam Home
Vovinam University International

Mục lục

1-Võ học xưa và nay – Nguyễn Thạch Kiên

2-Lẽ sống với Việt Võ Đạo sinh – Võ Sư Trần Bản Quế

3-Cuộc trường chinh vĩ đại của chúng ta – Võ sư Nguyễn Văn Thư

4-Thơ – Mùa thương thứ bảy – Hướng trọn vẹn tâm tư về ngày giổ tổ -–Viễn Đăng

5-Khái niệm Việt Võ Đạo – Võ Sư Mạnh Hoàng

6-Trọng văn khinh võ của cổ xưa – Võ Sư Ngô Hữu Liển

7-Đại cương nghệ thuật chỉ huy -–Võ Sư Trần Huy Phong

8-Phỏng vấn của 3 ký gĩa: Phan Như Mỹ, Uyên Tuấn, Duy Võ

9-Vài nét về Vovinam Việt Võ Đạo – Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng

10-Tâm trạng của một thanh niên đối với Võ Đạo – Võ Thuật – Vũ Thế

11-Tứ duy thần công – Môn sinh Phan Quang Triết

*********************************************************************

Chương 1-VÕ HỌC XƯA VÀ NAYNguyễn Thạch Kiên

 

Ngày xưa, khi khoa học và kỹ thuật chưa phát minh, võ thuật được coi là một phương tiện cần yếu bảo vệ sự sống của loài người. Sau đó, nó được rèn dũa để trở thành khí cụ chiến tranh và là những chất liệu kiến tạo lịch sử. Thời đó, người giỏi võ thường hùng cứ, làm bá chủ cả một vùng hoặc xuất môn tướng lãnh nắm giữ binh quyền trong nước nên rất có ảnh hưởng tới sinh hoạt của quần chúng.

Còn tinh thần võ đạo được thể hiện qua mẫu người giang hồ hành hiệp cứu đời hoặc những vị địa tiên ẩn dật, tu luyện nơi non cao rừng thẩm đã đáp ứng cho tấm lòng ngưỡng vọng cao xa, hướng thượng của con người trước những bon chen thế sự.

Do đó, về phương diện xã hội, người kiếm sĩ, hiệp khách thời xưa, tuy không hòa mình vào đời sống quần chúng, nhưng họ là những tấm gương phản chiếu lòng trung kiên, nghĩa hiệp, anh dũng và cao thượng cho quần chúng nên đã hướng dẫn đời sống quần chúng và có ảnh hưởng rất sâu rộng trong việc cải tạo tinh thần, đạo đức của con người.

Ðương thời võ thuật, võ đạo thịnh hành, số đạo sĩ, kiếm khách cũng vẫn là một nhóm rất ít so với số đông đảo nhân dân, nhưng họ đã chiếm hết một phần lớn văn minh lịch sử. Biết bao nhiêu tác phẩm văn thơ, tiểu thuyết đã khai thác đề tài ở người hiệp sĩ, kiếm khách. Từ người nông phu nơi thôn dã cho tới vị bác học chốn thị thành, cả đến tu sĩ, thiếu nhi hay phụ nữ cũng đều say mê thích thú khi được nghe kể hay đoc những turyện phiêu lưu giang hồ hành đạo, cứu khốn phò nguy, diệt trừ tham bạo của những vị anh hùng, hiệp sĩ. Thành ra võ thuật và võ đạo là những bảo vật quý giá khơi mở cái ước vọng tối cao trong tâm hồn con người. Và trong môi trường sinh hoạt thời đó, cũng như trong bất cứ một xu hướng nào về tư tưởng cũng chịu một phần ảnh hưởng của tinh thần võ đạo.

Ngày nay với nền văn minh cơ giới, quan niệm về võ thuật và võ đạo đã thay đổi.

Võ thuật tuy không còn cái giá trị vạn năng tuyệt đối như thời xưa, nhưng cái giá trị thiết thực tương đối trong công cuộc luyện thể vẫn còn nguyên vẹn. Về võ thuật dù xưa hay nay, vẫn là là một bộ môn vừa thể dục vừa thể thao giáo luyện con người biết quý trọng, săn sóc và kiện toàn thân thể.

Nhờ ở kỹ thuật luyện võ, người tập được khoẻ mạnh, thân thể vững chắc, sức lực bền bỉ dẻo dai, cử động nhịp nhàng lanh lẹ, ít bệnh tật. Người tập được ghép vào một cuộc chiến với nội tâm, khổ luyện để nẩy nở những đức tính tự tin, quả cảm, nhiệt thành, hào hiệp và tháo vát. Người tập sẽ có óc tổ chức hơn, có ý chí nghị lực hơn.

Nhờ tinh thần võ đạo, người tập trở nên cao thượng, trung chính, có quan niệm sống vững chắc, minh bạch, người tập có những phương sách tu thân, dưỡng tính, xử thế và hành động hợp với thiên lý, nhân tình.

Trong công cuộc canh tân sứ sở hiện thời, võ thuật và võ đạo phải được góp phần đắc lực nhất vào sự tái tạo lịch sử dân tộc. Vì chỉ có võ thuật và võ đạo mới dễ dàng uốn nắn con người từ yếu đuối bạc nhược, rụt rè hoặc lãnh đạm với mọi sinh hoạt của xã hội thành những con người thép đanh, cương nghị với sự sống chung quanh, những con người chủ động trong mọi diễn tiến của xã hội, thúc đẩy đà tiến hoá của dân tộc và nhân loại.

Với nhận định khái quát về võ học xưa và nay, hẳn chúng ta đều ý thức được sự có mặt cần thiết của nền võ học dân tộc trong đời sống quốc gia. Chúng ta phải dùng nó làm căn bản xây dựng một nền giáo dục mới cho thế hệ con em chúng ta.

Do quan niệm đó, chúng tôi cho ấn hanh số đặc biệt về Việt Võ Ðạo này để giới thiệu cùng bạn đọc một môn phái võ thuật, võ đạo mới của dân tộc Việt Nam có hệ thống tổ chức quy mô, có đường lối chủ trương rõ rệt, có chương trình huấn luyện cấp tiến, hữu hiệu.

Và VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO chính là một tân phái võ thuật duy nhất của dân tộc Việt Nam, có tâm nguyện hình thành một nền võ đạo luôn tiến hóa với thời đại và nhất là đã xuất phát từ lòng đất mẹ Việt Nam.

Nguyễn Thạch Kiên

Chương 2- LẼ SỐNG VỚI VIỆT VÕ ĐẠO SINH-Võ Sư Trần Bản Quế

Đã là con người, ai cũng cần có hoài bão, có lẽ sống. Lẽ sống, đối với Việt Võ Đạo sinh càng cần thiết, vì được rèn luyện về cả tâm-trí -thể.

Với tâm hồn nhiệt thành quả cảm, trí tuệ minh mẫn, tháo vát, thân thể đanh thép vững chắc, sức lực mạnh mẻ dẻo dai, có đầy đủ khả năng tự vệ và tấn công khi cần tới, nếu không có lẽ sống làm mục tiêu hướng dẫn, Việt Võ Đạo sinh chúng ta sẽ trở thành những con người quá khổ không hòa mình được với mọi người, thích ứng được với hoàn cảnh.

Có lẽ sống, Việt Võ Đạo sinh chúng ta mới có được một nhân sinh quan đúng đắn, rõ rệt. Chúng ta mới có lối sống, nếp sống và cách nhìn mình, nhìn người, nhìn việc. Chúng ta nhận lấy những kinh nghiệm từ xã hội bên ngoài, rồi chúng ta trả lại bằng cách cư xử, đối đãi của chúng ta, rồi cứ thế mãi liên miên bất tận, mà tạo ra định lý trước cuộc sống.

Vì vậy, lẽ sống đòi hỏi chúng ta phải có:

  1. a) Một nhân sinh quan đúng đắn, rõ rệt và nếu gặp thử thách, chúng ta dám đương đầu với mọi trở ngại để thực thi nhân sinh quan của mình.b) Trong trường hợp hoàn toàn bất lợi, thua thiệt về vật chất mà chỉ nhằm mục đích chứng tỏ sự phong phú vững chắc về đời sống tinh thần, Việt Võ Đạo sinh chúng ta phải vượt lên được những hơn-thua-thành-bại trong cuộc sống để chứng tỏ phẩm cách cao quý của mình.

Thực ra, nhận định cho kỹ, sự hơn-thua-thành-bại trong cuộc sống chỉ có giá trí tương đối, trong một khoảng không gian và thời gian hữu hạn nào đó.

Ngay như chuyện hai võ sĩ tranh đấu ở trên võ đài, sự hơn- thua- thành- bại được diễn ra trước sự nhận xét của khán giả, thế mà vẫn chưa phải là tuyệt đối. Vì có võ sĩ vô địch nào không nếm hơn một lần thất bại trong cuộc đời võ sĩ của anh ta? và có một võ sĩ tầm thường nào lại không một lần thắng trận trên võ đài?

Do đó, Việt Võ Đạo sinh chúng ta phải tu luyện và hàm dưỡng để biết vượt lên khỏi những thắc mắc hơn- thua- thành- bại trong một lúc. Chúng ta phải có lẽ sống và tiến tới không ngừng trong tinh thần võ đạo. Và như vậy, chúng ta đều hiểu: Tinh thần võ đạo chỉ là bông lúa của hạt thóc. Nhân sinh quan của Việt Võ Đạo sinh được gieo xuống trong những điều kiện không gian và thời gian thích hợp mà thôi.

Ở đây, Nhân sinh quan Việt Võ Đạo sinh được biểu thị bằng bốn danh từ đơn, giản dị: Thần, Thân, Luân, Cần

Thần, tức là giá trị tinh thần.
Thân, tức là giá trị thân thể
Luân, tức là giá trị luân lý
Cần, tức là giá trị cần lao

1/ VỀ GIÁ TRỊ TINH THẦN:

Tinh thần là phần tinh anh của tư tưởng, mang lại cho Việt Võ Đạo sinh chúng ta khí chất siêu nhiên, hào hùng và cao thượng. Do đó, chúng ta phải luôn luôn chứng tỏ được tâm hồn phong phú, khoáng đạt, biết trọng danh dự hơn mạng sống. Không bao giờ để cho tình, tiền, quyền thế lung lạc, khuất phục. Chúng ta phải luôn luôn làm chủ được tình cảm, cảm xúc cùng ước vọng của mình. Chúng ta phải sáng suốt, quán thông, kiên quyết hành động và biết khai thác khả năng tiềm tàng trong con người của mình ứng dụng vào đời sống.

2/ VỀ GIÁ TRỊ THÂN THỂ

Hơn ai hết, Việt Võ Đạo sinh chúng ta đều hiểu rằng: Giá trị sức mạnh của thân thể đối với mình có một ý nghĩa cao hơn hết; đó cũng là điều kiện tiên quyết để thắng lợi trong những cuộc đụng độ và thành công trong đời sống. Trong lịch sử võ thuật, biết bao nhiêu việc đã chứng minh: những bậc anh hùng, danh tướng muốn thành công đều phải biết bảo vệ giá trị sức mạnh của thân thể.

Sức mạnh của thân thể còn có một giá trị đặc biệt nữa là bảo đảm cho tâm hồn thư thái, hàm dưỡng cho chí khí tăng tiến, cho nghị lực dồi dào. Câu nói: Không có một tâm hồn khỏe mạnh trong một thân thể suy nhược thiết tưởng cũng rất đáng để chúng ta suy nghĩ.

Muốn bảo vệ và phát huy giá trị sức mạnh của thân thể, chúng ta phải luôn luôn thực hiện hai châm ngôn.

Điều độ (ăn, ngủ)
Chuyên cần khổ luyện

3/ VỀ GIÁ TRỊ LUÂN LÝ

Cũng như mọi ngành sinh hoạt khác của xã hội, khi đã nhận mình là một phần tử của cuộc sống, Việt Võ Đạo sinh chúng ta có bổn phận tô bồi thêm cho đời sống xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn, Nhân loại được nhân ái hơn., Quốc gia được hưng thịnh hơn và Con người có tinh thần Võ Đạo hơn.

Từ xưa, các nhà Luân lý học cũng như biết bao vị Tu sĩ, Cao tăng của các tôn giáo, có bao giờ ngưng cầu nguyện và không nghĩ tới những biện pháp cải hóa xã hội và cảm hóa con người? và mặc dầu tội lỗi và những sự xấu, sự ác chưa bị chinh phục hoàn toàn, nhân loại vẫn luôn luôn ghi ơn các vị ấy, trước biết bao công lao hiển nhiên của các vị ấy đã bỏ ra để chinh phục tội lỗi, vun trồng cho những sự tốt, sự thiện trong phần hồn của con người được phát triển hoàn toàn.

Những giềng mối luân lý, đạo đức từ xưa tới nay được đặt ra rất nhiều, nhưng tựu trung, chỉ nhằm giải quyết ba phần vụ của con người:

  • Sống (vivre)
  • Giúp người khác sống (Aider vivre)
  • Sống cho người khác (Vivre, C’est exister pour les autres)

Ba phần vụ trên đối với Việt Võ Đạo sinh chúng ta lại càng quan trọng hơn. Vì chúng ta luôn luôn chiến đấu với bản thân, khổ luyện để có sức chịu đựng và gánh vác trách vụ.

Trên thực tế, Việt Võ Đạo sinh chúng ta cũng chỉ là những người bình thường như mọi người bình thường khác, có một nếp sống riêng, có những giấc mộng ấp ủ, có một gia đình để bao dung thương mến, có Thầy và bạn đồng môn để trau dồi khả năng võ thuật, có một Tổ quốc để phụng sự, có một Xã hội để sinh hoạt.

Là một con người bình thường, nên chúng ta cũng có những bổn phận và trách nhiệm về việc làm của mình đối với mọi người xung quanh. Và tinh hoa của tất cả những sự kiện trên đã kết hợp lại thành một thứ mà chúng ta gọi là giá trị luân lý của Việt Võ Đạo sinh.

4/ VỀ GIÁ TRỊ CẦN LAO

Sau giá trị tinh thần, giá trị thân thể, giá trị luân lý còn có một giá trị nữa rất cần thiết cho con người, là giá trị cần lao. Lịch sử và những điều tai nghe mắt thấy xung quanh chúng ta đã chứng tỏ: Những kẻ không đổ mồ hôi, chỉ nhờ ở thủ đoạn, gian kế mà gặt hái thành công, thì thành công đó cũng không sao tồn tại lâu bền. Triều đại nào không mất nhiều công lao khai sáng, cũng chỉ oanh liệt được trong một thời gian ngắn ngủi.

Chỉ có sự thành công bằng mồ hôi nước mắt, bằng công lao đổ ra, mới có thể bền vững lâu dài. Trong cuộc sống không có sự thành công nào mà không phải trả giá. Ngay trong lạc cảnh Địa đàng mà ông Adam và bà Eva – được coi là tổ tiên loài người – sống ở đó mà vẫn phải chứng tỏ giá trị cần lao của mình. Đó là sứ mạng Trồng cây và giữ vườn (Le cultiver et le Garder), trong sáng thế kỷ 2:15 (Genève 2:15)

Có người hỏi nhà bác học Edison (1847-1931) một người đã làm việc suốt 16 giờ mỗi ngày, đều đặn tới khi ông mất, hưởng thọ 84 tuổi về bí quyết thành công của ông. Nhà bác học đã đáp bằng một câu rất đáng để chúng ta suy gẫm: Sự thành công được hoàn thành bằng 1 phần trăm cảm hứng và 99 phần trăm mồ hôi đổ ra.

Giá trị cần lao đối với Việt Võ Đạo sinh chúng ta còn quan trọng hơn nữa, vì nó chứng tỏ mức yêu võ thuật, và sức cố gắng, bền bỉ chịu đựng, khổ luyện không ngừng. Do đó, đã có câu “Văn ôn Võ luyện”.

Tóm lại, dầu cuộc sống có muôn ngàn vẻ, nhưng Việt Võ Đạo sinh chúng ta chỉ có thể thành công khi được người đời mến trọng, khi chúng ta biết suy nghĩ, biết nhìn mình, nhìn người, nhìn việc, biết cách đối đãi trước cuộc sống. Tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta một nhân sinh quan đứng đắn, rõ rệt và thích hợp; tức chúng ta phải có lẽ sống làm mục tiêu hướng dẫn cho mọi suy nghĩ, mọi hành động ở đời.

-1969 –

Chương 3-CUỘC TRƯỜNG CHINH VĨ ĐẠI CỦA CHÚNG TAVS NGUYỄN VẮN THƯ

Trên bước đường tiến tới của mỗi Việt Võ Đạo Sinh, dưới ngọn đuốc chỉ hướng của 10 điều tâm niệm, sứ mạng cấp thiết phải được liên tục hoàn thành từng bước một: những bước trường chinh của Việt Võ Đạo.
Ở nửa phần đất của quê hương đau khổ này, được nuôi dưỡng và bao dung bởi Việt tộc luôn luôn bị đe dọa vì nghèo đói, bệnh tật và ngoại xâm. Chúng ta Việt Võ Đạo Sinh, phải kiên trì đứng ra góp phần vào công cuộc hồi sinh ý chí bất khuất, sức chiến đấu kiêu dũng bất diệt của Việt tộc.
Sự suy nhược đến hấp hối tinh thần tự cường tự lập truyền từ Trưng, Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê…trong quảng đại quần chúng Việt, trước sự hủ hóa thanh thiếu niên của các trào lưu đồi trụy ngoại lai đã làm lung lai nền tảng đạo đức cổ truyền. Lợi dụng sức hấp dẫn của các nhu cầu xa sỉ, phù phiếm, hòng đánh lạc hướng tiềm lược trường tồn mãnh liệt của Việt tộc, các ngoại lực đã âm mưu hủy diệt mầm móng ý chí tự chủ trong thâm tâm mỗi người công dân Việt. Nhờ những phương pháp sung mãn, đại qui mô, các ngoại lực manh nha, áp đảo, thao túng, nhằm bóp nghẹt sinh lực đề kháng kiêu hùng của Việt tộc. Các ngoại lực đó được qui tựu nhằm thống trị Việt tộc dưới các danh hiệu thực dân đế quốc và cộng sản. Các ngoại lực đó thì khi xung đột, lúc lại cấu kết với nhau hòng mưu lợi trên đầu trên cổ Việt tộc.
Để vùng lên, Việt tộc đã kiên trì chiến đấu ngoài hai mươi năm. Mặc dầu bọn Cộng sản đã chiếm nửa phần đất yêu quí của chúng ta, Việt tộc vẫn không chịu khuất phục. Mặc dù bọn thực dân đế quốc còn lăm le đặt ách nộ lệ lên nửa phần đất này, Việt tộc vẫn không sờn chí đấu tranh. Quyền sống và tiến bộ của Việt tộc nhất định miên trường tồn tại. Mỗi người con dân Việt phải chiến đấu bảo vệ quyền tối thượng, thiêng liêng đó. Đứng chung trong chiến tuyến ấy Việt – Võ – Đạo sinh phải nỗ lực xuất phát một cuộc trường chinh vĩ đại của chúng ta chia ra nhiều thiết diện, trong đó phải qui hướng vào 3 nỗ lực chính:
I- CHINH PHỤC BẢN THẤN – TỰ THẰNG ĐỂ CHIẾN THẰNG
Trong mỗi chúng ta, tồn tại không biết bao nhiêu kẻ nội thù nhưng nguy hại nhất là giặc ngu dốt, giặc hèn yếu và giặc bệnh tật, 3 kẻ nội thù đó làm chúng ta quẫn bách trong sự nghèo đói, suy nhược, khiến chúng ta dễ dàng bán thân, làm nô lệ cho các ngoại lực. Vì lẽ trên, cuộc trường chinh vĩ đại của chúng ta phải khởi đầu bằng nỗ lực chính thứ nhất: Tự thắng để chiến thắng.
A) CHIẾN THẰNG GIẶC NGU DỐT
Dốt là chưa được học biến thành hành động sai lầm tác hại. Ngu là đã biết mà vẫn còn hành động sai lầm, tác hại. Muốn khỏi dốt phải học biết. Muốn khỏi ngu không những phải học biết mà còn luôn luôn tâm niệm kinh qua những kiến thức mình đã lãnh hội được hầu thực dụng để tránh khỏi sai lầm, tác hại. Người chiến sĩ diệt giặc ngu dốt luôn luôn phải ôn điều cũ, học điều mới, cẩn trọng suy đoán trước khi hành động. Người chiến sĩ diệt giặc ngu dốt phải sáng suốt theo sát bước tiến triển của sự việc, luôn luôn kiểm điểm để tránh lỗi lầm, vượt trở ngại, hoàn tất mau lẹ. Sau khi hành động, người chiến sĩ diệt giặc ngu dốt lại phải nhìn suốt lại hết quá trình diễn tiến của sự việc đã hoàn tất để rút kinh nghiệm, tìm những phương sách bổ cứu các khiếm khuyết, cải sửa các lỗi lầm hầu giúp ích cho bản thân trong các hành động kế tiếp. Sau hết, người chiến sĩ diệt giặc ngu dốt lại phải phổ biến cho các chiến hữu công trình suy nghiệm của mình hầu tránh cho bạn những lỗi lầm, tác hại tương tự. Diệt được giặc ngu dốt, con người sẽ hiên ngang, tự tin trong mọi hành động, đó là bước tiến tới giúp cho việc diệt giặc hèn yếu.
B) CHIẾN THẮNG GIẶC HÈN YẾU
Yếu là trạng thái suy kém, bạc nhược về thể chất khiến cho con người không có sức chịu đựng khổ nhọc, thiếu bền bĩ trong gian lao, chẳng thể đương đầu với bất cứ một cường lực ngoại lai nào cả.
Hèn là thái độ suy kém, bạc nhược về tinh thần, dễ dàng hàng phục trước sức mạnh, lùi bước trước trở ngại, do dự, e dè, sợ sệt, không dám quyết đoán, chấp lãnh một việc gì cả.
Yếu sinh ra hèn. Vậy muốn diệt giặc hèn yếu phải trước diệt giặc yếu, sau diệt hèn. Cho được thế, đầu tiên phải khỏe. Muốn khỏe phải chuyên cần, siêng năng luyện tập thân thể, giữ vệ sinh, sống điều độ. Võ thuật chính là phương tiện chiến thắng giặc yếu rất hữu hiệu. Đó chính là chiếc thuyền cho ta vượt sóng, ngọn gió cho ta trương buồm. Đó chính là nguồn gốc của đại hùng, đại lực. Một khi thể xác đã cường kiện, tinh thần cũng nhờ đó mà tinh tiến. Từ đó, chúng ta diệt giặc hèn.
Muốn diệt giặc hèn, chủ yếu là phải hàm dưỡng một ý chí bất khuất – truyền thống kiêu hùng của Việt tộc, nhờ nó mà nước ta trường tồn, dân ta biệt lập trước sức ngoại xâm như vũ bão của đế quốc phương Bắc, âm mưu nô lệ hóa thâm độc của thực dân phương Tây. Hàm dưỡng ý chí bất khuất, đó là điều chủ yếu trong công cuộc diệt giặc hèn, nhưng thế chưa đủ. Muốn diệt giặc hèn phải kiên quyết thắng vượt mọi trở ngại bất cứ từ đâu tới, do đâu mà ra, bằng mọi phương tiên khả hữu.
Để được như vậy, người chiến sĩ diệt giặc hèn yếu còn phải dọn mình sẵn sàng đi tiên phong trong mọi lĩnh vực hoạt động nơi nội bộ Việt – Võ – Đạo cũng như ngoài xã hội. Tinh thần tiên phong đó phải được rèn tập từ khi chấp lãnh những việc nhỏ. Đừng thấy việc nhỏ mà coi thường, không sẵn sàng đảm đương. Chính sự khinh suất ấy đã làm thui chột mầm mống tươi đẹp của tinh thần quyết đoán chấp lãnh một trọng trách. Một bàn tay chuyên luyện có thể bẻ sắt, chặt đá. Một ý chí chuyên luyện có thể xẻ núi, lấp sông. Khi người ta quen chấp lãnh mọi việc đưa đến, người ta không còn do dự, e dè hay sợ sệt khi phải quyết đoán đảm đương một việc lớn. Sự sẵn sàng chấp lãnh, mau mắn quyết đoán ấy sẽ trở nên một quan năng tập thành, một phản xạ có giáo dục.
Văn ôn, võ luyện. Người xưa cho rằng 3 ngày không đọc sách mở miệng nói khó nghe. Người chiến sĩ diệt giặc hèn yếu một ngày không luyện tập thể xác, hàm dưỡng chí khí là đã bước một bước dài trong việc hủy thân, hại việc lớn vậy. Nói như thế vì có tận diệt được giặc hèn yếu, chúng ta mới có đủ điều kiện đển tiến lên chiến thắng giặc bệnh tật – một trong những thủ phạm gây nên tình trạng chậm tiến của xã hội Việt hiện tại.
C) CHIẾN THẮNG GIẶC BỆNH TẬT
Bệnh tật là trạng thái sinh lý bất thường của cơ thể con người do sự tác hại của ngoại lực như vi trùng, thời khí, ẩm thực v.v… khiến sinh mệnh bị đe dọa và năng lực hoạt động bị giảm thiểu.
Tật là những yếu kém, khiếm khuyết, bất bình thường của cơ thể cũng như tinh thần. Què là một tật. Gian dối cũng là một tật. Nghiện ngập cũng là một tật.
Muốn chiến thắng giặc bệnh tật trước hết phải nhờ sự chuyên luyện thể xác làm gốc, cố gắng giữ vệ sinh, xa lánh mọi cơ hội có thể bị truyền nhiễm, sống hết sức điều độ, tránh hao phí sinh lực vào những cố gắng vô ích hay giải trí quá độ đến thành trác táng, trụy lạc. Muốn diệt giặc bệnh, cơ thể phải cường tráng, sinh cảnh phải phong quang, sinh hoạt phải mực thước, hợp lý. Muốn diệt giặc tật phải kiên quyết cách mạng tâm thân. Tâm phải chính, thành, hòa, cẩn. Chính để xua đuổi tà ngụy nơi mình, nơi người. Thành là hết lòng với mình, với người, với sự việc. Giữ lòng cho trong sáng, đối với lương tâm không hỗ thẹn, đối với nghĩa vụ không sơ thất, đối với mọi người liên hệ trọn tình, đạt lý. Hòa để cố gắng xóa bớt những bất đồng về mọi phương diện hầu tiến đến một không khí cảm thông trong một sinh cảnh liên ái. Cẩn để tránh sơ suất, cẩu thả có thể gây mâu thuẫn, tạo thù nghịch. Lại nữa, thân phải thường hằng cải thiện, ngày một tinh tiến. Thân cải thiện để san bằng những dị biệt về thể cách cũng như tâm thức với mọi người chung sống quanh ta trong xã hội. Thân tin tiến để tự thắng bản thân hầu chiến thắng ngoại giới, nỗ lực chính thứ hai phải đạt được trong cuộc trường chinh vĩ đại của chúng ta.
II.- CHINH PHỤC NGOẠI GIỚI : KIÊN DŨNG VÀ TỪ ÁI ĐỂ THẮNG PHỤC CÁC NGOẠI LỰC ĐỐI NGHỊCH
Kiên dũng và từ ái là những đức tính căn bản để trở nên một nhân tố tốt cho cuộc chinh phục ngoại giới. Ngoại giới đây được qui chiếu như một tổng hợp các ngoại lực có tính cách đối nghịch, cản trở, phá hoại bước trường chinh vĩ đại của chúng ta.
Trước hết, ta hãy tìm hiểu đâu là ngoại lực đối nghịch: Sự đối xung và phức hợp giữa các ngoại lực ấy.
Sau đó ta tìm hiểu thế nào là kiên dũng và từ ái: Vận dụng kiên dũng và từ ái để thắng phục các ngoại lực đối nghịch. Đứng trên quan điểm Việt tộc, đấu tranh cho sự trường tồn của nòi giống, sự độc lập của quốc gia, chúng ta coi tất cả các xung lực nào bách hại Việt tộc, ngăn trở, không cho đạt những mục tiêu đó, đều là ngoại lực đối nghịch. Trong chiều hướng đó, chúng ta lần lượt phân tích :
A) ĐÂU LÀ NHỮNG NGOẠI LỰC ĐỐI NGHỊCH
Giữa bối cảnh lịch sử hiện đại, một bên là bọn thực dân trắng và tay sai, bên kia là đế quốc đỏ và bè lũ bán nước, các ngoại lực hiện rõ bộ mặt trâng tráo của chúng trước Việt tộc.
1- Thực dân trắng và tay sai
Đau khổ 80 năm nô lệ đã thấm sâu vào xương tủy Việt tộc. Biết bao chiến sĩ vô danh sinh, lớn lên và chết đi còn mang theo nỗi căm hờn mất nước về bên kia thế giới. Bọn ngoại chủng đã choàng lên đầu, lên cổ Việt tộc gông cùng, bóc lột dân tộc ta từ sưu cao thuế nặng đến nhân lực, tài lực, vật lực. Chúng đã nuôi dưỡng một bầy ưng khuyển tay sai để tiêu diệt các mầm móng ái quốc, đặt ách thống trị lên Việt quốc với thuốc phiện và rượu, với phòng nhì và khám lớn, với Côn Lôn, Lao Bảo và máy chém..Rồi từ Pháp sang tay sai Nhật, dân Việt chết đói hàng triệu ở miền Bắc trong lúc lúa gạo dư thừa đem đốt thay than chạy máy ở miền Nam.
Bọn thực dân đã bị đánh bật ra khỏi giải đất hình chữ S này nhưng chúng vẫn lăm le trở lại vì trông hòng dùng những tay sai cũ của chúng còn đang mai phục trong guồng máy công quyền cũng như mọi cơ cấu của ta. Đó là bọn phong kiến, bọn tài phiệt, bọn hoạt đầu.
a- Bọn phong kiến:
Được nuôi dưỡng, giáo luyện bởi thực dân Pháp, bọn quan lại phong kiến nuối tiếc thời đại vàng son ôm chân quan thày, bóc lột và nô dịch hóa đám dân đen bần cùng, yếu thế. Chúng sẵn sàng tìm mọi cách tiếp tay với bọn tài phiệt và bọn hoạt đầu nghênh đón bước xâm lược của bọn thực dân – dù chủ cũ hay chủ mới – hầu giật lại ưu quyền đã bị tước đoạt bởi cuộc vùng dậy của Việt tộc.
b- Bọn tài phiệt:
Khi hồi chuông tự chủ gióng lên, Việt tộc giành lại quyền tự quyết đồng thời thâu đoạt những quyền lợi kinh tế, văn hóa v.v…đó cũng là hồi chuông báo nguy giờ cáo chung của bọn mại bản đầu cơ, bóc lột Việt tộc, thường dựa vào bọn thực dân để thế lực tài phiệt cưỡng đạt lợi ích của Việt tộc hiện thực được do sức lao tác khai thác tài nguyên nhiên nhiên bản xứ. Để vớt vát những nguồn lợi ngày một bị thu hẹp, bọn tài phiệt tung tiền ra mua chuộc, hủ hóa các công bộc Việt, lăm le tiến tới cho cung hiến điều kiện thuận lợi – như tạo nội gian – cho bước tái hồi của bọn thực dân trên đất Việt yêu quí củ chúng ta.
c- Bọn hoạt đầu:
Với một chút hư danh đạt được bởi thủ đoạn xảo trá, tinh vi, lũ hoạt đầu xôi thịt là những đứa Việt gian đúng nghĩa nhất hiện đang trà trộn, nhảy múa, khua chuông gõ mõ trên chính trường. Chúng nhất định không từ một cơ hội nào để vinh thân phì gia ngay cả việc bán đứng đất nước và dân tộc này cho ngoại bang xâu xé. Dựa vào những tiếng tăm cuối mùa, chúng bịt mắt dân ta, đóng vai trò người hữu tâm với quốc loạn, đứng ra gánh vác non sông trong khi không từ một hành vi nhơ nhuốc nào mà không nhúng tay vơ vét như ăn cắp của công xây nhà riêng, lợi dụng quyền thế để làm điều phi pháp mưu tư lợi v.v…Do bản chất đớn hèn, lưu manh của bọn hoạt đầu, chúng sẵn sàng nhận tiền của ngoại bang để đặt lại cơ sở cho bọn thực dân dễ bề xâm lược xứ này.
Với tất cả thực dân và tay sai, hành động của chúng làm nhiễu loạn và ung thối thêm hiện trạng Việt quốc suy nhược và phân hóa, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho đế quốc đỏ và bè lũ bán nước thôn tính nốt nửa mảnh đất yêu quí còn lại của chúng ta.
2- Đế quốc đỏ và bè lũ bán nước:
Dưới chiêu bài dân tộc đấu tranh, giải phóng đất nước, đế quốc đỏ thâm độc ngụy trang nhãn hiệu cộng sản quốc tế dưới lốt nhân dân tự vùng lên đòi hòa bình, độc lập và cơm áo. Bằng tuyên truyền ve vãn và khủng bố đẫm máu, bọn cộng sản và bè lũ bán nước đã âm mưu dùng kế nồi da xáo thịt, lấy người Việt giết người Việt, khơi sâu căm thù giai cấp, đào thêm hố kỳ thị ngăn cách giữa tôn giáo với tôn giáo, sắc dân với sắc dân, địa phương với địa phương, phe đảng với phe đảng. Dưới chiến lược và chiến thuật cố hữu, bọn cộng sản quốc tế và bè lũ bán nước nhắm vào lòng khát khao hòa bình, độc lập và ấm no của Việt tộc mà đưa dân ta vào cuộc chém giết tuyệt vọng, tiến dần tới họa diệt chủng.
Tất cả nỗ lực của đế quốc đỏ cộng sản dồn vào việc làm phân hóa hàng ngũ quốc gia đến triệt để, mặt khác trung lập hóa sức đề kháng của các xung lực ái quốc hầu bắt chước lối tầm ăn dâu nhuộm đỏ dần miền đất nước yêu quí này của chúng ta.
B) SỰ ĐỐI XUNG VÀ PHỨC HỢP GIỮA CÁC NGOẠI LỰC ĐỐI NGHỊCH
Dù trắng hay đỏ, dù bọn tay sai bên này hay bên kia, mục đích chung của chúng là thôn tính Việt quốc. Vì lẽ đó, lúc thì các ngoại lực ấy đối xung, lúc thì chúng lại phức hợp với nhau mong nuốt chửng xứ Việt ta.
a- Đối xung:
Cùng mục đích thôn tính Việt quốc tất nhiên các ngoại lực này cùng nhắm những quyền lợi tương đồng. Khi cùng nhắm một loại quyền lợi thì tất nhiên chúng phải tranh giành, do đó xung đột, đối đầu với nhau. Chúng càng xung đột với nhau thì lực lượng của chúng càng bị suy yếu. Trong khi đó, dưới sự ảnh hưởng của sự đối xung này, các xung lực ái quốc của Việt tộc cũng bị hao tổn nếu không biết cố gắng vươn lên để vượt ra ngoài cuộc tranh chấp ấy hầu bảo toàn lực lượng chời giờ tất công quyết định, giành lại chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn.
b- Phức hợp:
Nhưng không phải bất cứ lúc nào cuộc tranh chấp đỏ – trắng cũng diễn ra dưới hình thái đối xung. Đôi khi vì tương quan lực lượng đôi bên khá quân bình, cá ngoại lực đối nghịch với Việt tộc buộc lòng phải bắt tay nhau chia chác quyền lợi thâu rút được ở xứ ta. Sự phân chia quyền lợi này dựa trên căn bản tương quan lực lượng đôi bên tính theo tỷ lợi thuận với các ưu thế về chính trị, quân sự v.v…Tuy đây chỉ là một tình trạng cân bằng không bền nhưng lại tối nguy hại cho các xung lực ái quốc của Việt tộc, vì cả hai phe chia chác quyền lợi thâu rút được ở xứ ta. Sự phân chia quyền lợi này dựa trên căn bản tương quan lực lượng đôi bên tính theo tỷ lợi thuận với các ưu thế về chính trị, quân sự v.v…Tuy đây chỉ là một tình trạng cân bằng không bền nhưng lại tối nguy hại cho các xung lực ái quốc của Việt tộc, vì cả hai phe ngoại lực đối nghịch đều rảnh tay mà tiêu diệt sức đề kháng của Việt tộc.
Tóm lại, dù đối xung hay phức hợp, các ngoại lực đối nghịch là mối đe dọa bách hại Việt tộc. Vậy để tự tồn chúng ta phải làm gì ?
KIÊN DŨNG VÀ TỪ ÁI ĐỂ THẰNG PHỤC CÁC NGHỊ LỰC ĐỐI NGHỊCH
Để đối phó với các ngoại lực đối nghịch chúng ta phải được trang bị bằng kiên dũng và từ ái.
Kiên là bền bỉ, dẻo dai, quyết tâm, trì chí.
Dũng là uy mãnh, hùng liệt, tốc chiến, quyết thắng.
Thân kiên thì dai bền. Tâm kiên thì vững chắc. Thân kiên thì thua bại không nản, gian khổ không nề. Tâm kiên thì ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng rời.
Thân dũng thì không sức mạnh nào đè bẹp được. Tâm dũng thì uy vũ bất năng khuất. Thân tâm thường dũng là sức mạnh tinh thần và thể chất hoàn hảo toàn năng.
Từ là bao dung, khoan độ, thương xót, quảng đại.
Ái là yêu thương rộng rãi bao la, tiến từ bản thân ra muôn loài, vạn vật.
Từ thì dung hóa được vạn ác. Như lòng mẹ hiền dung hóa được đứa con hư, như lòng ông thầy khoan độ dung hóa được đứa học trò lêu lỏng, ngỗ ngược.
Ái tiến được mình, cảm được người, phát huy cao độ thì cảm được muôn loài, vạn vật. Đức liên ái là mối dây liên kết bền chắc giữa người với người, người với muôn loài, vạn vật.
Từ ái đều triển khai từ mình tới người, vật. Trước tận từ, tận ái với mình, sau phát huy đức từ ái đến tột độ để xử đối với mọi người, mọi loài, mọi vật sao được như xử đối với bản thân. Được vậy, những thống khổ sẽ vợi bớt, những thù hận ắt triệt tiêu.
Tóm lại, với các ngoại lực chúng ta vận dụng kiên dũng để chiến thắng, từ ái để thu phục. Uyển chuyển tùy hoàn cảnh, trường hợp mà thêm bạn bớt thù trong sự sáng suốt nhận định ta, bạn, địch. Một khi đã nắm vững được diệu quyết vận hành kiên dũng từ ái, chúng ta sẽ chuyển hóa được nguy thành an, địch thành bạn, ngõ hầu tạo dựng được một trạng thái hòa hảo, thanh bình để qui hướng mọi nỗ lực chung của Việt tộc và đồng minh vào việc lao tác khống chế thiên nhiên mưu hạnh phúc riêng cho Việt tộc chúng ta và chung cho cả nhân loại.
III.- CHINH PHỤC THIÊN NHIÊN: LAO TÁC ĐỂ KHỐNG CHẾ THIÊN NHIÊN – MƯU HẠNH PHÚC CHO VIỆT TỘC VÀ NHÂN LOẠI
Một khi đã chinh phục được ngoại giới rồi, nỗ lực sau chót mà chúng ta phải tiến tới là chinh phục thiên nhiên phải vận dụng sức lao tác.
1- Lao tác
Lao là mang sức mạnh thể chất và tinh thần ra làm việc hầu đạt được một kết quả mong muốn theo một khuôn mẫu đã được đặt định trước bởi xã hội.
Tác là mang sức mạnh thể chất và tinh thần ra làm việc hầu đạt được một kết quả mong muốn theo một khuôn mẫu mới do chính mình cố gắng ước định trong dự tưởng.
Lao ví như công việc thủ công của người thợ sắp chữ in sách. Tác ví như công trình sáng tạo của người làm thơ, viết văn đưa in thành sách. Nói khác đi, trong phạm vi võ học, lao là công việc của người võ sư dạy môn sinh các đòn thế bài bản; tác là công trình sáng tạo ra đòn thế bài bản của vị Sáng Tổ và các môn đồ kế nghiệp.
Lao mà không tác thì ngừng đứng không tiến bộ, nhân loại chẳng tiến hóa được mà chỉ quanh quẩn trong những khuôn mẫu cũ kỹ, dễ sinh bảo thủ và sa vào vòng lạc hậu.
Tác mà không lao thì không ích dụng cho nhân sinh ví như phát minh ra điện năng mà không ứng dụng vào việc chuyển hóa thành cơ năng để làm chạy máy, thành quang năng để làm sáng đèn v.v…
Tóm lại, tác không những làm phong phú hóa kho tàng tri thức mà còn hiến ích cho nhân sinh trong khi thực dụng để phục vụ con người. Mặt khác, lao giúp cho con người khai thác hứng cảm từ tác biến thành thức cung thực ích cho các nhu yếu của cuộc sống ngày được nâng cao. Càng cao con người càng tự thỏa ứng được chính nhu cầu của bản thân và đồng loại bằng những thức cung dồi dào sung mãn. Càng tác con người càng tự cung cho mình nhiều phương tiện mới mẻ để phụng sự cho chính đời sống của loài người. Lao tác gắn bó và cần thiết lẫn cho nhau trong nỗ lực sáng tạo để sản xuất của nhân loại.
2- Lao tác để khống chế thiên nhiên
Như trên đã nói, lao tác là nỗ lực sáng tạo để sản xuất. Lao – tác, lao – tác liên tục làm thành một chuỗi mắt xích nỗ lực hiến ích cho nhân sinh. Nhưng muốn lao tác, chỉ nhân lực không chưa đủ, cần phải có chất liệu nữa: chất liệu đó chính là kho tàng thiên nhiên phong phú vô tận mà con người tha hồ mặc sức khai thác.
Thiên nhiên là nguồn chất liệu vô thủy vô chung, ví như nước, đất, gió, lửa của phật lý; ví như vạn vật mà ta cảm thức và không cảm thức được; lại ví như chính bản thân mỗi chúng ta sinh động gồm tâm, thân, thần, thức. Thiên nhiên đó, để yên thì sinh hóa vô thường, ví như con ngựa hoang trong rừng núi hung hăng cuồng động. Nhưng khi thiên nhiên được khống chế bởi sức lao tác của con người thì sẽ sinh hóa hữu ích cho con người, ví như con ngựa được bắt từ rừng về để kéo xe, chở nặng…
Do nguyên lý ấy, thiên nhiên muốn trở nên thích dụng cho con người cần phải được khai thác theo một chiều hướng hiến ích. Nói rõ hơn, công cuộc lao tác khống chế thiên nhiên phải được hiện thực với mục đích mưu hạnh phúc cho con người. Trong chiều hướng ấy, chúng ta phải làm gì?
3- Lao tác khống chế thiên nhiên để mưu hạnh phúc cho Việt tộc và nhân loại
Lao tác khống chế thiên nhiên là điều kiện cần cho cuộc sinh tồn của loài người nói chung và Việt tộc nói riêng. Cần nhưng chưa đủ. Lao tác để khống chế thiên nhiên còn nhằm mưu hạnh phúc cho con người nữa. Nói rõ hơn, tìm ra nguyên tử năng là một công trình lao tác khống chế thiên nhiên; nhưng nếu biết chế thành bom nguyên tử thì tác dụng lại bách hại nhân loại hơn là hiến ích. Trái lại, nếu đem ứng dụng nguyên tử năng vào những công cuộc phụng sự hòa bình như dùng phóng xạ tuyến để trị liệu trong y khoa hay chuyển hóa nguyên tử năng thành điện năng thì giúp cho đời sống con người được lành mạnh, sáng sủa…

Trung thành với ý hướng ấy, Việt – Võ – Đạo sinh trong nỗ lực chung, đóng góp với đồng bào Việt tộc, đồng lao cộng tác để khống chế thiên nhiên nhằm mưu hạnh phúc cho chính Việt tộc chúng ta hầu nâng cao đời sống (chậm tiến) của chúng ta mau vượt lên sánh ngang hàng với thế giới tiến bộ. Tuy nhiên trong bước chinh phục thiên nhiên này, chúng ta không đơn độc trong hành trình, chúng ta còn biết bao đồng minh sẵn sàng đồng lao cộng tác với chúng ta. Thiện ý trả cho thiện ý, chúng ta phải từ ái mà hòa đồng với họ để mai đây không những mang lại cho Việt tộc một đời sống văn minh tiến bộ vượt bực cả tinh thần lẫn vật chất mà còn chia sẻ với mọi chủng tộc huynh đệ trên khắp thế giới kết quả công trình lao tác của chúng ta. Nói thu hẹp lại và cụ thể hơn, bước trường chinh vĩ đại của chúng ta thoạt tiên phải đưa Việt – Võ – Đạo tiến tới Nhân Võ Đạo để góp phần của Việt tộc vào công cuộc xây dựng một Nhân Loại Mới – một nhân loại kiên dũng trong lao tác khống chế thiên nhiên để hiến ích cho nhân sinh – một nhân sinh chan hòa tương từ liên ái, cộng hưởng vô biên hạnh phúc.
Đó là sứ vụ cao đẹp và thiêng liêng nhất mà mỗi Việt – Võ – Đạo sinh xứng danh phải dọn mình để hoàn thành viên mãn.

* * *

Mùa xuân tới, thành kính đốt nén tâm hương, hỡi tất cả các người con yêu Việt – Võ – Đạo, hãy hướng về anh linh Cố Võ Sư Nguyễn Lộc mà tự nguyện tận hiến 3 nỗ lực:chinh phục bản thân, chinh phục ngoại giới, chinh phục thiên nhiên hầu mạnh tiến trên bước trường chinh vĩ đại của chúng ta bằng bàn tay thép tượng trưng cho đức kiên dũng và bằng trái tim từ ái.
1967

Thông thường, chúng ta đều đến với môn phái với câu hỏi: Việt – Võ – Đạo mang lợi ích gì cho tôi? Tôi sẽ được hưởng gì khi đã hết lòng hoạt động cho Việt – Võ – Đạo? Chúng ta chưa bao giờ tự hỏi: Tôi có thể giúp gì cho Việt – Võ – Đạo? Tôi có thể đóng góp được phần vụ nào vào việc phát huy và quảng bá Việt – Võ – Đạo? Rồi chúng ta cứ làm việc cho Việt – Võ – Đạo, dù hăng say hay mực thước. Vì nhu cầu của tuổi trẻ cần phải hoạt động, vì sinh hoạt của Việt – Võ – Đạo hấp dẫn chúng ta, làm cho chúng ta vui sống, chúng ta được mọi người khâm phục với danh nghĩa môn sinh Việt – Võ – Đạo. Và như vậy, chúng ta chỉ mới làm việc cho Việt – Võ – Đạo vì chúng ta, vì sở thích và ý hướng riêng tư chớ chưa vì Việt – Võ – Đạo, vì nhu cầu quảng bá của Việt – Võ – Đạo, vì lý tưởng mà Việt – Võ – Đạo muốn gieo rắc tới tất cả mọi người.

LỬA VÕ ÐẠO
Thơ Viễn Ðăng

Này Việt Võ Sĩ
Cố làm rạng sư môn
Mới lìa đồng quê chân lắm tay bùn
Tóc hoang dã còn thơm mùa lúa chín
Mắt ngời sáng niềm thương yêu, tự tín
Hãy vùng lên dựng lại một mùa xuân
Tay đan tay cùng nối chí tiền nhân
Truyền lửa sống, tiềm tàng cho thế hệ

Này anh Việt Võ Sĩ
Ðốt lên …Hào khí
Xua màn đêm, khơi sống mạch Bình Minh
Xây non sông bằng lý tưởng hy sinh
Xóa bỏ hết những tị hiềm phi lý
Nào đồng tâm nhất chí
Ðấy con thuyền thế hệ vượt phong ba

Nước non huynh đệ một nhà
Xây nền quốc võ, trường ca hùng cường
Này anh Việt Võ Sĩ
Hãy giữ trọn niềm tin sáng Tổ
Vào đam mê hoài bảo vì dân
Thực thi Cách Mạng tâm thân
Lấy mình làm đuốc .. phơi trần lòng son.

Này anh Việt Võ Sĩ
Mang màu áo đại dương
Hãy biểu dương cho đức Dũng, Tinh thương
Bàn tay thép nở bông hoa Võ Ðạo
Lửa nung nấu trong tận cùng tâm não
Anh vẫn đều hòa, trầm tĩnh thiết tha

Ngàn năm Việt Võ Sĩ Ca
Ði vào sông núi gấm hoa huy hoàng
Hoàng kim! Hoàng kim! Việt Nam !

 

MÙA THƯƠNG THỨ BẢY
Hướng trọn vẹn tâm tư về ngày Giỗ Tổ
Viễn Ðăng –

Mùa thứ bẩy, ôi mùa thương thứ bảy !
Nắng hồng reo linh ảo đợi chờ tin
Mây lồng mây phô sắc áo hoa tim
Ðàn kim cổ hòa âm vào gió lộng

Mầm cây xanh bừng lên nguồn nhựa sống
Áo thiên thanh say nhịp hát đầu tiên
Rưng rưng trời quang tạnh phiên nhiên
Bảy năm trước, bảy năm sau ủ mộng

Mùa tưởng niệm tuần hoàn theo máu nóng
Ðúng chu kỳ lặng lẽ trở về tim
Tinh tú lên ngôi, ngước mắt trông tìm
Ðoạn trầm lặng cúi đầu nghe tâm huyết

Vovinam đôi bàn tay hào kiệt
Ðem mùa thương thứ bảy điểm non sông
Tụ họp nơi đây nhất chí hào hùng
Bàn tay thép đặt lên tim từ ái !

Giòng võ đạo tràn qua bờ đại hải
Từ bốn phương nhớ tổ trở về đây
Rồi lại lên đường, tung cách gió mây
Gieo hạt giống hào hùng ra tám hướng

Ðường gian khổ trần gian xin cộng hưởng
Vun xới cây Tự Chủ cho Ngày Mai
Vì non sông ra sức thỏa lòng trai
Hoa dân tộc nở trong hoa thế hệ.

 

LỬA QUÊ HƯƠNG
Thơ Viễn Ðăng

Từ độ lửa ngút ngàn qua lau lách
Bà mẹ quê buông lơi võng ru con
Những bàn tay ôm chí cả no tròn
Mùa chinh chiến vùng lên làm khí giới

Lời gọi lửa trên hoa đồng cỏ nội
Tình quê hương nung nấu chí nam nhi
Lời hát ru làm sắt thép kiên trì
Tứng tiếng võng đưa mùa xuân đi, đến

Bận bếp lửa, người quay tơ vào chuyện
Kể những lần tiểu quốc chống xăm lăng
Ðàn trẻ thơ ngồi xé nửa vần trăng
Tỏa hào khí muôn đời lên tim óc

Niềm kiêu hãnh sáng long lanh mắt ngọc
Lửa bập bùng trên bếp, nấu tâm can
Lửa vươn cao, xem rõ đá hay vàng ?
Là nhược tiểu hay là dân tự chủ

Ôi truyền thống mang vào đời lam lũ
Mãnh đời nghèo thắm lại chất hồi sinh
Luống cày sâu lên ngô lúa ân tình
Truyền chí hướng cho đời sau bất khuất

Người đã sống để nói lên sự thật
Bên dòng sông máu lửa gọi lầm than
Ơi quê hương ! Ơi mảnh đất Việt Nam !
Ðốt lửa lên cho tinh xuân mãnh liệt

 

NIỀM TIN CỦA ÐẤT
Thơ Quang Chí (1967)

Lòng ngõ với thời gian
Ta: Ðất ! Ðất !
Ta lặng lẽ lầm lỳ, song sự thật
Trong lòng ta chứa chất biết bao nhiêu
Thế hệ Tàn xiêu !
Bao tuyệt mỹ lâu đài sớm dựng
Ðã vụn tan trong cánh tay ta
Bao thăng trầm nhân ảnh gây ra
Ðã lắng xuống hồn ta nguồn cảm xúc
Cùng vũ trụ …tình đời …Ta thao thức
Ta ủ màu cho cảm hứng lên men
Từ tim ta lửa sống ngút dâng lên
Như chiêu dương xé toang màn đêm tối
Như âm thanh sấm sét bủa không gian
Từng từng lớp lớp xóa hết điêu tàn
Cho nhân loại thắm lên màu nắng mới
Rồi vũ trụ lại đi vào nguyên khởi
Với lớp người tự nguyện gánh trên vai
Sứ mạng lên đường xây dựng Ngày Mai
Lòng mở rộng trước muôn ngàn thử thách
Càøng trở ngại chiến công càng hiển hách
Nào đứng lên hào kiệt với anh thư !
Tay đan tay tìm nghĩa sống ngàn thu
Nương sóng cả đắp xây tòa Võ Ðạo
Cho nhân thế choáng ngời men tái tạo
Cho trời Nam ngờm ngợp chánh chi Bằng
Cho sử xanh ghi đậm nét sao băng
Hoa thế kỷ nở trong tim từ ái
Bàn tay thép xẻ non, đời đại hải
Nung khí thiêng rèn đúc lại niềm tin
để nhân gian được sống thuở hoàng kim
Lòng ngõ với thời gian
Ta : đất ! Ðất !
Từ ban sơ cùng nhân loại mến thương

Có nghĩa gì đâu, thanh bại lẽ thường
Hãy bền chí đấu tranh cho nghĩa cả
Là tìm thấy nguồn vui vô xiết tả
Là niềm tin mãnh liệt trở về tim
Là tình thương nương suối nhạc đi tìm
Hạnh phúc trong lửa thiêng tái tạo

Hãy nhìn ta dung chứa bao tàn tạ
Của cuộc đời …đổ vỡ ngợp hồn Ta
Ta thản nhiên dựng đài các nguy nga
Lòng khắng khít với niềm tin bất diệt
Rồi bắt tay vào làm việc
Xây dựng đi ! Nào tiến bước lên đi !
Ðường thanh vân đón đợi khách xuân thì

Mùa tưởng niệm thứ bảy – 1967
Quang Chí

Chương 5-KHÁI NIỆM VIỆT VÕ ÐẠO – Võ Sư Mạnh Hoàng

  1. VIỆT VÕ ÐẠO:
  • VIỆT: Việt Nam
  • VÕ: Kỹ thuật dùng sức (đòn, thế, miếng, vũ khí) ứng biến với người và vật.
  • ÐẠO: đường lối, hệ thống luân lý mà người học phải noi theo

Trong 3 tiếng trên, chúng ta thấy rõ ràng hai tiếng (Việt và Võ) là 2 từ ngữ thông dụng, mọi người đều công nhận sự hiện diện của nó. Còn tiếng thứ 3 (Ðạo) đối với chúng ta chưa được quen dùng lắm. Chỉ vì ý nguyện xây dụng một nền võ đạo Việt Nam tuy là giấc mộng của tiền nhân chúng ta và tất cả chúng ta, những ý niệm của chúng ta chưa được hệ thống hóa, để tiến tới một nền võ đạo.
Ngay cả môn phái Vovinam, mặc dầu đã thành lập được trên 28 năm nay, cũng mãi tới 4 năm gần đây mới xây dựng và hệ thống hóa một ý thức hệ võ đạo dân tộc.

Tại Nhật, môn phái Nhu Thuật (Jujitsu) đã có từ lâu (1627) mãi tới 255 năm sau mới hình thành được thành Nhu đạo (1882) do bác sĩ Jigoro Kano xây dựng.

Việt Võ Ðạo được hình thành cũng tương tự như trường hợp trên. Trong lúc Trung Quốc, Ðại Hàn, Nhật Bản đều sẵn có một nền võ đạo của họ, dân tộc ta chỉ chú trọng tới việc hấp thụ những tinh hoa võ thuật của nước ngoài, tuy tinh thần và ý thức võ đạo của ông cha chúng ta để lại rất vững.

Đại Hàn cũng là một quốc gia nhỏ bé và bị chèn ép bởi nhiều nước lớn như chúng ta, nhưng chính vì vậy mà tinh thần dân tộc của Ðại Hàn lên cao, tự tạo cho Quốc Gia họ môn võ riêng biệt (Taikwondo).

Việt Nam chúng ta, với bao nhiêu công lao chống ngoại xâm oanh liệt của tiền nhân, luôn luôn chứng tỏ là có một tinh thần võ đạo vững chắc. Lại nhờ ảnh hưởng của địa thế thuận lợi hơn Ðại Hàn, Việt Nam chúng ta được tiếp nhận đầy đủ hơn mọi trào lưu tư tưởng từ Ðông sang Tây, từ Bắc chí Nam du nhập vào. Các ý thức hệ võ đạo và các hệ thống võ thuật như Võ Tàu (Thiếu Lâm, Võ Ðang v.v..) tư tưởng Ðạo Gia (Lão Tử, Trang Tử) võ Nhật (Bushido – Võ Sĩ Ðạo, Jiu Jitsu – Nhu Thuật, Judo – Nhu đạo, Aikido – Hiệp Khí đạo), Yoga với những nguyên lý của Thiền Gia, võ Lào, võ Miên, quyền Anh (boxe Angaise), quyền Pháp (boxe Francaise) v.v…

Kết hợp với những môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam, nhất định đủ yếu tố để chuốt lọc cho chúng ta những tinh hoa thành lập một nền võ đạo Việt Nam, cũng như người Nhật đã phối hợp những tinh hoa của võ Thiếu Lâm, võ thuật truyền thống Nhật Bản và Nhu Thuật mà xây dựng thành Nhu Ðạo.

Tóm lại, nghiệp võ bao giờ cũng đi từ võ thuật tới võ đạo.

  1. TỪ VÕ THUẬT TỚI VÕ ÐẠO

–  Võ thuật cho chúng ta nghệ thuật dùng võ.
–  Võ đạo cho chúng ta cả đường lối, và hệ thống luân lý của người dụng võ.

Lấy Nhu đạo làm điển hình, chúng ta thấy: Trước khi thành Nhu đạo, dân tộc Nhật đã có võ thuật truyền thống của họ. Mãi tới khoảng năm 1627, một vị danh y Nhật Shirobei Akiyama, sau khi đã qua Trung Thổ tầm sư học đạo, trở về xứ và tu luyện trong đền Datsaifu. Một hôm, nhân dịp quan sát một trận mưa tuyết nên thấy rằng những cây sậy không gãy, dưới trận mưa tuyết, khác với những thứ cây khác lớn hơn, cứng cỏi hơn, mà chế biến ra một số thế võ “Dĩ Nhu Thắng Cương” tức lấy mềm thắng cứng. Cũng năm đó, một nhà sư Trung Hoa là Trần Nguyên Tán (chen Yuan Phin) thuộc môn phái Thiếu Lâm, tỵ nạn chính trị sang Nhật, mới chế biến thêm với võ thuật Thiếu Lâm mà lập thành Nhu thuật. Tới giáo sư bác sĩ Jigoro Kano, ông mới chuốt lọc và biến chế thành Nhu đạo.

Tại việt Nam chúng ta, ngay từ thời thượng cổ tới nay, chúng ta đã hấp thụ được biết bao nhiêu tinh hoa võ thuật của nước ngoài, cũng như đã tự chế biến được biết bao thế võ độc đáo. Ngoài 18 phép đánh võ (thập bát ban võ nghệ) như côn pháp, kiếm pháp, đao pháp, mã tấu pháp…. chúng ta còn hấp thụ được cả những quyền pháp, cước pháp độc đáo của các thế võ Trung Quốc, Mông cổ, Miến, Thái Lan … Các lò võ , các trường võ thành hình, đào tạo ra biết bao công thần, danh tướng cho quốc gia trong những lúc hiểm nghèo. Ðã nhiều lần, một nền võ đạo dân tộc gần hình thành, như việc thành lập giảng võ đường song song với quốc học viện (quyền hạn ngang với một viện đại học), năm 1253 thời Trần. Nhưng vì giữa văn và võ có sự phân cách quá máy móc thời đó, nên chưa hệ thống hóa những ý niệm tốt đẹp để trở thành một nền võ đạo dân tộc.

Một trong những nhược điểm quan trọng nữa của ngành võ nước nhà là việc học và dạy võ có tính cách tộc truyền và bí truyền. Tộc truyền vì muốn dành riêng cho dòng họ mình, không truyền bá ra ngoài, nên việc dạy võ chỉ thâu hẹp phạm vi trong một lò võ nhỏ với vài môn đệ tâm huyết. Bí truyền vì vị võ sư thời xưa dù tương đắc với học trò tới thế nào, bao giờ cũng giữ lại một vài thế võ độc đáo để đề phòng những trường hợp trò phản thầy. Bí Truyền, vì việc giảng dạy hoàn toàn có tính cách tình cảm và tùy hứng, chớ chưa đặt thành một chương trình huấn luyện quy mô, rõ rệt. Vì thế, nên những môn võ, thế võ, miếng võ, độc đáo cứ theo thời gian mà thui chột dần đi, không thể phát triển được thật khác hẳn với Nhật Bản và Ðại Hàn là hai quốc gia luôn luôn khuyến khích việc học võ và nâng đỡ cho các trường võ, nên ngành võ của nước họ rất mở mang phát triển.

Tóm lại, từ võ thuật tới võ đạo, trước hết chúng ta phải có một tinh thần dân tộc đầy đủ, một ý thức hệ võ học vững chắc, kế đó mới là một phương pháp giảng dạy hữu hiệu.

III. TỪ VOVINAM TỚI VIỆT VÕ ÐẠO

Vovinam là môn phái võ thuật do cố võ sư sáng tổ môn phái Nguyễn Lộc sáng tạo vào năm 1938. Căn bản của môn phái Vovinam là tổng hợp các tinh hoa võ thuật, từ Cương phái tới Nhu phái, với các môn võ và vật cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Tâm nguyện của cố võ sư Nguyễn Lộc là cố gắng hình thành một nền võ đạo dân tộc, phải kinh qua một giai đoạn quảng bá võ thuật trước đã. tiếc thay tâm nguyện của ông chưa đạt được, ông đã mất vào năm 1960. Người môn đệ trưởng tràng của ông, tức võ sư Chưởng Môn Lê Sáng, được chính thức ủy thác việc xây dựng môn phái và tiếp tục hình thành giấc mộng của ông đang bỏ dở: Xây dựng và hình thành một nền võ đạo cho dân tộc Việt Nam.

Sau đó, trong những năm suy tàn của chế độ Ngô Ðình Diệm, tất cả những hoạt động võ thuật và võ đạo đều bị cấm hoạt động, nên môn phái Vovinam chỉ công khai hóa hoạt động sau ngày cách mạng 1-11-1963, song song với việc xúc tiến hình thành Việt Võ Ðạo.

Từ Vovinam tới Việt Võ Ðạo: Phải chăng Việt Võ Ðạo là giai đoạn trưởng thành của môn phái vovinam, cũng như Nhu đạo là giai đoạn trưởng thành của Nhu Thuật Nhật bản?

Có điểm giống, nhưng cũng có điểm khác.

  • Giống , Vì Vovinam có 2 nghĩa: Võ thuật Việt Nam và võ đạo Việt Nam, nhưng cho tới trước cuộc cách mạng 1-11-1963 môn phái Vovinam mới kinh qua giai đoạn phát huy võ thuật.
  • Khác vì 2 lý do:
  • Làng võ Nhật Bản đã chính thức được hưởng không khí sinh hoạt võ sĩ đạo (Bushido) từ trên 2 ngàn năm. Còn Việt Nam, mặc dầu đã có nhiều thời đại dụng võ và trọng võ, nhưng tới lúc xây dựng một nền võ đạo dân tộc đã bị thui chột từ lâu, nên cần phải xây dựng nhiều nhiệt hứng của các nền võ thuật ngoại quốc để làm chúng ta bị cuốn hút theo mà không để ý tới những gì có tính cách tự lập, tự cường phải dày công xây dựng.
  • Nhu Ðạo chỉ là giai đoạn phát triển hoàn bị của Nhu Thuật. Nhưng Việt Võ Ðạo không phải chỉ là một giai đoạn phát triển hoàn bị của Vovinam. Vì ngoài nhiệm vụ kết tinh những giá trị võ thuật của Vovinam và xây dựng một ý thức hệ võ học, Việt Võ Ðạo còn có nhiệm vụ tổng hợp các giá trị võ và vật cổ truyền của dân tộc Việt Nam và luôn luôn lấy các môn võ học trên thế giới làm võ liệu nghiên cứu, phối hợp cả nhu tính lẫn cương tính để hình thành một nền võ sĩ đạo của dân tộc Việt Nam.

Chương 6-Thử phân tách quan niệm: TRỌNG VĂN KHINH VÕ của Cổ Xưa.
Võ Sư Ngô Hữu Liễn.

Trong cuộc sống hiện tại với nền văn minh cơ khí máy móc thay thế cho nhân lực và vật lực. Ngay trong lảnh vực chiến tranh, vũ khí tối thượng được thay thế nhiều cho sức dẻo dai, trí nhớ mưu lược, lòng can đảm của chiến binh. Yếu tố nhân sự được xếp vào hàng thứ yếu.

Nhưng ngày xưa, nhân lực giải quyết tất cả, nhân lực chiếm địa vị độc tôn, nhiều người đã xây dựng sự nghiệp vĩ đại nhờ ở tài võ nghệ, sức khỏe dẻo dai. Chúng ta thấy một Hạng Võ dựng nghiệp Ðế trên tài cử đỉnh ngàn cân, một Mạc Ðặng Dung lập nhà Mạc do tài Ðô Vật, một Yết Kiêu lưu danh sử sách do sức bơi lội như gái. Tóm lại qua lịch sử, chúng ta thấy biết bao nhiêu danh nhân đã gây đại nghiệp nhờ võ thuật, nhưng chúng ta cũng tự hỏi như vậy tại sao trong dân gian còn lưu giữ quan niệm Trọng Văn Khinh Võ. Chúng ta thử phân tích lý do hình thành.

Trước hết, trong tổ chức xưa xã hội Việt Nam chia ra làm 5 giai cấp: Sĩ, Nông, Công, Thương, và sau cùng là Binh. Giai cấp được ưu đãi đầu tiên là giới Sĩ. Muốn tìm một lối đi cho tương lai các thanh niên đều nhắm vào giới này, muốn vậy phương pháp duy nhất là cắp sách đi học, học chữ nghĩa của thánh hiền rồi chờ ngày thi cử đỗ đạt làm quan.

Trong triều đình ta, quan văn được ưu đãi hơn quan võ, những chức vụ trọng yếu đều giao cho quan văn; quan võ không mấy được trọng dụng, được sủng ái trừ khi nước nhà nổi binh đao

Ðược kính trọng từ khi còn cắp sách đi học, được sủng ái khi nhập thế làm quan thiết tưởng quan niệm trọng văn khinh võ nẫy nỡ trong dân gian không lấy gì làm lạ.

Ngoài nguyên nhân do tổ chức xã hội, tổ chức hệ thống quan lại của triều đình, vấn đề trọng văn khinh võ còn bắt nguồn từ quan niệm nhân sinh. Thật vậy, các cụ ta quan niệm chỉ có lảnh vực tinh thần là cao quý, mọi vật chất, mọi sự có trên cõi đời này đều là phù du, ty tiện không đáng được quý trọng, với quan niệm này, được kính trọng là biết đàm luận văn chương thấu hiểu chữ nghĩa của thánh hiền. Việc luyện tập võ thuật để có một thân hình cường tráng, một võ thuật thâm hậu thời đó cho là cục mịch, vũ phu, vai u thịt bắp hay chỉ đâu đánh đó.

Cũng trong quan niệm đó, cái văn nghệ sĩ không hề đề cao, cái hay cái đẹp do nghiệp võ. Các sử sách chỉ suy tôn cái đẹp của một văn nhân nho nhã, mắt phượng, mày ngài,môi đỏ như thoa son. Một Văn nhân lỏng buông tay khấn, đã làm nàng kiều xao xuyến thắc mắc đến nổi phải núp vào dưới hoa. Thậm chí trong lảnh vực vợ chồng cũng vậy. Các cô gái đều mơ tưởng một anh Ðồ dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.

Ngoài ra, theo nghiệp võ nghỉ là chấp nhận một sự vất vả nguy hiểm và không biết tương lai sẽ đi về đâu. Một chàng Siêu trong thời gian son trẻ đã xông pha nơi trận tuyến để lập nghiệp trong khi vợ trẻ ở nhà Hốt biến mạch đấu dương lỉễu sắc, lối giao Phu tế mịch phong hầu, để đến khi mái tóc điểm sương mới về. Hoặc đang chung sống với gia đình thì Nửa đêm truyền hịch, định ngày xuất chinh.

Với sự vất vã, nguy hiểm như vậy thử hỏi mấy ai muốn theo nghiệp võ. Phản hoặc có gia đình nào muốn cho con em theo nghiệp võ, họ tưởng tượng ngay đến một Khổng Minh khi ra trận ngồi trên xe, tay phe phẩy chiếc quạt đuổi quân Tào Tháo, Tư Mã Ý chạy xa trăm dặm. Hoặc một Nguyễn Công Trứ tay cầm bầu rượu, ngất ngưởng trên xe với chức Tham Tán Luân Vụ đuổi giặc Phan Bá Vành, Lê Duy Lương… Chứ ai muốn cho con em cầm ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo.

Như trên chúng tôi đã phân tích khái lược nguyên do đưa đến tình trạng trọng văn khinh võ tại xã hội Việt Nam cổ xưa, trong phạm vi của đề tài chúng tôi không phê bình quan niệm trên đúng hay sai theo ý tưởng chủ quan. Nhưng chúng ta đều chắc chắn rằng với tiến triển của lịch sử, xã hội Việt Nam đã thay đổi, quan niệm nhân sinh vì thế mà biến chuyển theo, vậy tư tưởng trọng văn khinh võ của cổ Xưa đã bị lỗi thời.

Ngô Hữu Liễn

Chương 7-ÐẠI CƯƠNG NGHỆ THUẬT CHỈ HUY
Trong các đoàn thể và phong trào quần chúng
(Thân tặng các môn sinh theo học lớp Người Chỉ Huy)
Võ Sư Trần Huy Phong

  1. SỰ QUAN TRỌNG CỦA NGHỆ THUẬT CHỈ HUY:

    Sự sống nhân loại mỗi ngày một phức tạp. Ánh sáng văn minh đã lóe rạng khắp nơi. Muốn thực hiện các mục đích và công trình trọng đại. Con người phải biết hướng dẫn nhau để cùng làm việc. Nghệ thuật chỉ huy do đó trở nên cần thiết vô cùng.
    Mọi hoạt động tập thể không có hướng dẫn đều trở thành rối loạn, mất trật tự. sự thực ở trong Quân Ðội cũng như trong các xưởng thợ, trong một hãng buôn, trong một trường học, trong một đoàn thể thanh niên hay trong một nước… đều phải có một hệ thống chỉ huy.

André Maurois nói: Bất kỳ ở đâu có nhiều người cùng làm việc chung đều cần có một người lãnh đạo và cũng có một quốc gia, cũng gồm chừng ấy người mà rối loạn hay trật tự là tùy theo chính phủ có biết lãnh đạo quần chúng hay không. Không có chỉ huy thì chẳng có hoạt động quân sự, chẳng có đời sống quốc gia, chẳng có sinh hoạt xã hội.

Tạp chí Fortune Magazine số tháng 10 năm 1964, sau khi đã phỏng vấn hầu hết các yếu nhân của nước Mỹ đã viết: Hết thảy các nhân vật quan trọng đều cho rằng: Thuật chỉ huy quan trọng hơn cả thuật quyết định, hơn cả tài năng kỹ thuật và bất kỳ một đức tính nào khác.

Nhà tỷ phú Zohn d. Rockegelle từng nói: Tôi sẽ trả cho người nào có tài chỉ huy một số lương cao hơn hết thảy những người có những tài khác.

Ngày nay, nghệ thuật chỉ huy đúng ra phải được xếp hàng đầu trong các môn học khác, nhưng không hiểu sao người ta chưa thành lập một Phân Khoa riêng tại các trường đại học để dạy môn này.

Ở các nước Cộng Sản như Nga sô, Trung Cộng họ có mở các trường chuyên dạy các cán bộ của họ về nghệ thuật chỉ huy và lãnh đạo.

Chúng ta hiện nay chỉ còn phương pháp tìm các tài liệu sách báo, quan sát những hiện tượng đã diễn tiến và bằng vào một vài kinh nghiệm bản thân để nêu ra những nét đại cương về nghệ thuật chỉ huy. Bài này chỉ thu gọn vấn đề và phong trào quần chúng như trong môn phái chúng ta.

  1. TÁC PHONG CỦA NGƯỜI CHỈ HUY:

Tác phong tuy chỉ là những hành động, dáng vẻ, hình thức nhưng nó nói lên bản chất, cá tính của mỗi người. Có một tác phong đường hoàng, nghiêm chỉnh người chỉ huy dễ được kẻ khác quý mến và nể vì.

  1. Thái độ: Hoà mình với tập thể, thân mật và vui vẻ, nhưng đôi lúc cũng cần phải biết Cách Biệt và Hơi Bí Mật một chút tránh sự sàm sở, lờn mặt. Phải nhân hậu và thiện ý với tất cả mọi người. Ðừng bao giờ có ác ý với một ai để họ hiểu lầm là ác ý của mình.

Sau hết là sự trầm tĩnh, bình thản, ung dung trước mọi vấn đề nan giải hoặc trước những nghịch cảnh bất ngờ.

  1. Ngôn ngữ:Muốn chỉ huy thì giọng nói phải rõ ràng và vui vẻ. Có một giọng êm đềm là một cái duyên. Những giọng đó đều có thể luyện tập mà thành.

Nói ít và chỉ nói những điều cần thiết. Sự im lặng nhiều khi làm gia tăng thế lực của ta. Trước khi tuyên bố, trước khi ngỏ lời với một đám đông, người chỉ huy thường im lặng trong nửa phút làm mọi người phải chú ý lắng tai nghe. Sự lầm lì như Bonaparte đã có ảnh hưởng tới cả đại quân… tuy vậy không phải lúc nào người chỉ huy cũng câm như miệng hến, thường khi cũng phải có vài câu khôi hài ý nhị để tạo bầu không khí hòa nhã cho những người xung quanh. Lời nói mạnh dạn hay nhỏ nhẹ tùy lúc, nhưng bao giờ cũng phải lịch sự, nhã nhặn.

Tuyệt đối không gọi mày tao, xưng hô cộc lốc với người dưới. Tránh những lời tục tĩu, những câu chuyện nhảm nhí vô ích không bao giờ quát tháo, Emerson từng nói: Khi ông ta la hét dữ dội như vậy thì tôi chẳng nghe ra gì cả.

  1. Cử chỉ:Ði, đứng, ngồi…phải nghiêm trang, ngay ngắn. Ngồi ngả nghiêng đứng dựa tường rung cẳng, đi hấp tấp khệnh khạng… không làm cho ai kính nể mình cả, trái lại họ còn coi thường mình là khác.

Cặp mắt luôn luôn nhìn thẳng, mở rộng nhưng hiền từ. Nhìn trộm, hấp ha hấp háy, liếc ngang, liếc dọc là biểu hiện của phường gian phi.

Dáng điệu thân thiện phác họa qua những cái nhìn từ ái, cái vỗ vai nhẹ nhàng, sự mời mọc lúc bắt tay, mỉm cười hay vẫy gọi…

  1. Phục sức:Phục sức tuy chỉ là những thứ bên ngoài, nhưng nó thể hiện cá tính của mọi người. Trang phục lôi thôi bẩn thỉu dễ gây mặc cảm tự ti cho chính mình và làm kẻ khác khinh thường.

Trái lại tang phục bảnh bao chải chuốt quá người ta sẽ kêu là công tử đỏm dáng và ta sẽ biến thành một anh kép hát cải lương. Các phụ nữ mặc bó sát hay hở hang với son phấn lòe loẹt quá khiến người ta nghĩ tới một vũ nữ hay một (me Mỹ).

Trang phục giản dị, sạch sẽ, không chạy theo thời trang một cách quá đáng, cũng không đi lùi sau thời trang quá vẫn là những mực thức căn bản.

Nếu khéo léo hơn, người ta có thể tạo cho mình một thứ trang phục riêng biệt để làm nổi mình hơn. Thí dụ: Một bộ tóc tài tử như Tổng thống Kennedy, một chiếc mũ rộng vành như thủ tướng Churchill, hoặc một chiếc áo cổ lớn với nhiều túi hay nhiều nút…

  1. Ðúng đắn:Tất cả ngôn ngữ, củ chỉ, phục sức, thái độ của ta dù có hoàn bị tới đâu cũng chẳng còn giá trị gì nếu t a không đứng đắn trong vấn đề nam nữ.

Việc luyến ái và hôn nhân phải được đặt đúng chỗ và hợp lý. Có nhiều vị chỉ huy lớn đã bị coi thường hay bị đào thải chỉ vì vấn đề này. Trong khung cảnh sinh hoạt của môn phái chúng ta vấn đề nói trên càng trở nên quan trọng hơn, do đó các cấp chỉ huy càng phải thận trọng.

III. NHỮNG ÐỨC TÍNH CĂN BẢN CỦA NGƯỜI CHỈ HUY

Người chỉ huy phải biết tiên liệu. Sáng suốt nhận định, quan sát tỉ mỉ để nhìn thấy trước những sự việc sắp xảy ra hoặc sẽ xảy ra rồi dự phòng các biện pháp ứng phó.

Người chỉ huy phải biết quyết định và chịu trách nhiệm. Trước khi quyết định dĩ nhiên ta phải biết mọi tin tức chính xác, nắm những vấn đề, cân nhắc mọi điều hơn thiệt. Khi đã kiểm điểm và hạ lệnh rồi, người chỉ huy phải trung thành với quyết định của mình, ngoại trừ gặp phải trở ngại bất ngờ không thể vượt qua. André – Maurois nói: Không có gì làm cho người tùng thuộc ngã lòng bằng người lãnh đạo do dự, không quả quyết.

SỰ CƯƠNG QUYẾT VƯỢT QUA TẤT CẢ

Những quyết định vội vàng thường đem lại hậu quả khốc hại và người ra lệnh phải lãnh đủ. Cho nên người chỉ huy phải hết sức thận trọng đối với những quyết định có tầm ảnh hưởng lớn.

Ðức tính thứ ba của người chỉ huy là bất Vụ Lợi. Có nhiều vị chỉ huy kém phần xuất sắc nhưng không ai ngờ vực được lòng trong sạch của ông ta về tiền bạc hoặc tư lợi. Lòng mến phục của thuộc cấp do đó tăng lên, và uy tín của ông ta sẽ lớn rộng.
Ðức tính cần thiết khác của người chĩ huy là Nhẫn Nại.

Sự ngu đần chiếm một phần lớn trong công việc của con người. Người chỉ huy sáng suốt luôn luôn chờ đợi và sẵn sàng nhẫn nại chịu đựng sự đần độn của thuộc cấp không vượt qua được giới hạn. Người chỉ huy phải biết rằng những ý định của mình sẽ bị biến đổi sai, mệnh lệnh thi hành không đúng các người tùng thuộc đố kỵ, ghen ghét lẫn nhau. Nhưng đã dự phòng những hiện tượng không tránh ấy rồi Cho nên thay vì tìm kiếm những người thi hành không khuyết điểm – là điều không thể có – Người chỉ huy chỉ chọn lấy những người thi hành khá nhất trong những kẻ đã đến với mình.

NHÀ LÃNH ÐẠO CHỈ HUY NGƯỜI THEO KHẢ NĂNG CỦA HỌ CHỚ KHÔNG PHẢI THEO KHẢ NĂNG CỦA MÌNH.

Ở đời không có việc gì giải quyết được xong xuôi hết. Nếu ta ngừng lại để tự mãn, ta sẽ đi dần vào lạc hậu. Nhà lãnh đạo chân chính không bao giờ tin rằng mục đích của mình đã đạt đến mỹ mãn. Napoléon nói: Sự nguy nan lớn nhất là lúc thắng trận. Vì thế người chỉ huy phải bền lòng theo đuỗi mục đích một cách liên tục lâu dài.

Ðức tinh thứ năm của người chỉ huy là biết noi gương tốt. Muốn động viên được tinh thần người dưới, người chỉ huy phải tự mình nêu gương trước. Không có lý gì bắt mọi người phải hăng hái, chăm chỉ mà mình lại uể oải lười biếng, muốn mọi người phải đúng giờ trong khi mình hay đi tễể….

Người chỉ huy giỏi phải biết chủ ý, săn sóc và giáo huấn thuộc cấp của mình. Con người không phải là một bộ máy, ta nên coi mỗi thuộc cấp là một cá nhân có những tánh riêng và do đó cách đối đãi của ta với mỗi người phải một khác.

  • Hãy kêu mỗi người bằng tên và chức vụ của họ.
  • Hỏi hoặc nghe họ nói về: Hoàn cảnh gia đình họ, kinh nghiệm và tài năng của họ, những khó khăn, những ý nghĩ của họ.
  • Vui vẽ tiếp nhận và xữ dụng những ý kiến của họ.
  • Thừa nhận và khen thưởng sáng kiến của họ
  • Phải luôn luôn thực sự quan tâm săn sóc các thuộc cấp của mình, nhưng không nuông chiều quá.
  • Cần làm cho mọi người dưới quyền kính trọng mình hơn là những lễ phép bên ngoài.
  • Chỉ cho nhân viên biết rõ địa vị và phần vụ của họ. Hướng dẫn họ trong mọi công tác, gợi ý cho họ trong những công việc khó khăn, khuyến khích họ và lam cho họ vui vẻ với bổn phận. Chỉ dạy cho họ những điều cần ích khác, vì người chỉ huy còn kiêm nhiệm vai trò của người giáo viên.

Chúng ta hãy nhớ rằng mỗi cá nhân là trung tâm vũ trụ của họ, cho họ được tự hào tinh thần họ sẽ lên cao. Ðược chú ý và săn sóc người ta sẽ cảm thấy không bị lạc lõng, bị cô độc trong tập thể, tình đoàn kết gắn bó giữa họ với đoàn thể và với cấp chỉ huy trở nên khắng khít hơn.

Vài đức tính không kém phần quan trọng đó là sự kín đáo. Hay khoe khoang, thích tiết lộ những điều bí mật rất có hại, không phải chỉ riêng cá nhân mình mà cho cả tập thể nữa.

Châm ngôn: Chỉ nói những điều cần nói với người cần nói lúc cần nói.
Sự can đảm và sức khoẻ là một lực lượng của người chỉ huy.
Sức khoẽ quân bình khiến trí tuệ làm việc điều hòa. Có sức khỏe rồi dễ có ý chí, nhẫn nại và làm việc nhiều hơn.

  1. PHƯƠNG PHÁP CHỈ HUY

Trong quân đội, cấp chỉ huy bao giờ cũng ra lệnh. Nói tới lệnh là người ta nghĩ ngay tới hình phạt theo sau một khi lệnh không được thi hành nghiêm chỉnh. Nhưng trong các đoàn thể thanh niên, các tập thể quần chúng lệnh thường được thay thế bằng hình thức khác là sự phân công, sự giao phó công tác hay qui trách nhiệm. Người chỉ huy thường tế nhị bằng cách nhờ cậy, nhờ phụ trách, nhờ giúp hộ việc này, việc kia chớ không phải hạ lệnh.

Tính chất của lệnh hay sự phân công là phải rõ ràng và được quy định trong một giới hạn nào đó. Người thi hành rất dễ hiểu sai những công tác mông lung thiếu sự chỉ dẫn chi tiết.

Phân nhiệm rõ ràng mạch lạc xong chưa đủ, còn phải bảo đảm cho sự thi hành và cần phòng ngừa trước tất cả những gì có thể giảm bớt kết quả của mệnh lệnh. Một nhà chỉ huy kinh nghiệm từng nói: Lệnh chỉ có giá trị 10%, kiểm soát lệnh có giá trị 90%. Khi lệnh hay công tác đã được ban hành, ta phải luôn luôn theo dõi xem việc đã được thi hành tới đâu có gì trắc trở không, nếu cần thì chỉ dẫn, giúp đỡ, thêm ý kiến để người thi hành hoàn thành nhiệm vụ.

André Maurois viết: Sự đần độn của con người và ác tâm của sự tình cờ đều vô giới hạn. Bao giờ sự không chờ đợi cũng xảy đến. Người lãnh đạo phòng ngừa đánh đổ trước những tấn công của tình cờ và ngu dại có thể phương hại đến kế hoạch của mình.

Sự phòng ngừa ấy không cần thiết nữa nếu nhà lãnh đạo có được những cộng sự viên kinh nghiệm lâu dài chứng tỏ rằng mình có thể tin cậy được ở họ. Người chỉ huy cần phải biết tin tưởng những người cộng tác xuất sắc. Sự tin cậy hoàn toàn sẽ làm cho người dưới cố gắng thêm để bù đắp lại lòng tin cậy ấy. Không có gì buồn chán và tự ái bị tổn thương hơn là người có khả năng lại bị người trên nghi ngờ.

THƯỞNG PHẠT: Người chỉ huy phải biết tới công lao, sự gắng sức của những người cộng tác với mình. Phải khen thưởng những người có công, đề cao giá trị cá nhân để họ lên tinh thần, Những lời khen phải đúng chỗ và có giới hạn. Ðừng khen lao bừa bãi sẽ thành nhàm tai vô giá trị.

Ðối với người lầm lỗi, người chỉ huy hãy hỏi họ để họ giảng giải, phân bầy, rồi khuyên bảo họ để họ cải thiện tư cách làm việc. Bất đắc dĩ lắm mới phải chỉ trích những người làm việc đỡ. Nếu kẻ nào phạm lỗi lớn thì cứ việc lặng lẽ áp dụng các hình phạt đã được quy định khỏi cần phải nổi nóng rầy la vô ích. Nếu buộc lòng phải rầy la ai thì gọi người ta vào phòng riêng. Ðừng mắng ai trước mặt người khác.

BIẾT TÁC ÐỘNG: Trong các đoàn thể quần chúng, tổ chức thường không được hoàn bị và nhất là không có quyền cưỡng chế như quân đội. Nhân viên hay cán bộ lại chưa được huấn luyện tinh thục nên việc chỉ huy càng khó khăn và phức tạp hơn.
Ðể thay vào quyền cưỡng chế và quyền lợi, người ta dùng khoa tác động tâm lý để động viên tinh thần người dưới. Ðề cao lý tưởng chung, ca ngợi những hy sinh, những hành động đẹp, tạo vinh dự cho mọi người, khích động lòng tự ái tinh hăng say… vẫn là những định luật căn bản.

Người chỉ huy còn cần phải giảng giải cho người dưới biết rõ tại sao mình hành động như vậy. Ðối với những việc quan trọng người chỉ huy cho họp tất cả những người cộng sự lại để lấy ý kiến và quyết định chung.

Người chỉ huy không bao giờ hứa hẹn suông. Hứa hẹn nhiều mà không thực hiện, người đưới sẽ cho là bị lừa gạt và sanh ra bất mãn.

Người chỉ huy nên luôn luôn ngờ vực những báo cáo. Một kỹ nghệ gia kinh nghiệm đã nói: Tất cả những tin tức đều sai. Ông ta không nói quá đâu. Hầu hết tin tức đều có phóng đại, biến thể hoặc bị gạt bỏ. Chỉ có một cách để khỏi lầm lạc là thỉnh thoảng tự mình phải đích thân đi xem xét và kiểm soát tại chỗ.

Người chỉ huy cần phải biết coi thường những sự mách lẻo, những dèm pha từ mọi nơi đưa tới. Nếu nghi ngờ thì phải kiểm chứng lại và thận trọng trước khi hành động.

Sự hiểu biết suông chẳng có giá trị gì. Chúng ta phải thực hiện ngay những điều chúng ta biết. Từ lý thuyết đến thực hành còn cách nhau xa lắm.

GIÁ TRỊ LÀ Ở THỰC HÀNH.

 Chương 8-Phỏng vấn của 3 Ký Giã: PHAN NHƯ MỸ * UYÊN TUẤN * DUY VÕ

Lời toà soạn: 

Ðây, vài đoạn phỏng vấn ông Lê Sáng, một người hằng thiết tha tới việc xây dựng một nền võ đạo cho dân tộc và rất có uy tín trong giới lãnh đạo bộ môn võ thuật nước nhà, chúng tôi đã trích trong các bài phỏng vấn của các ký giả Phan Như Mỹ (trong bản tin Việt Tấn Xã tháng 7 – 1966) Uyên Tuấn (nhật báo Sống đề ngày 28 và 29 – 7 – 1966), Duy Võ (tuần báo Sống Ðộng ngày 30 – 7- 1966).

Ông Lê Sáng đã từng đảm nhiệm gần 10 năm trời (1958 – 1965) chức vụ Tổng Thư Ký Tổng Cuộc Quyền Thuật Việt Nam. Nay ông làm Phó Chủ Tịch chuyên trách võ Việt Nam của Tổng Cuộc Quyền Thuật Việt Nam. Ông cũng là Chưởng Môn đời thứ 2 môn phái Vovinam Việt Võ Ðạo, một môn phái võ duy nhất ở Việt Nam đã xây dựng được một ý thức hệ võ học vững chắc, tổ chức theo khoa học với một chương trình huấn luyện quy mô hữu hiệu.

Sau đậy, chúng tôi lần lượt trích đăng bài của 3 ký giã kể trên.

PHỎNG VẤN CỦA KÝ GIẢ UYÊN TUẤN

HAI GIỜ NÓI CHUYỆN VỚI VÕ SƯ LÊ SÁNG

Chúng tôi đã gặp võ sư Chưởng Môn đời thứ II của môn phái Vovinam. Chúng tôi gặp ông mà chúng tôi không thể tin được rằng ông là chưởng môn của một môn phái lẫy lừng nhất tại Việt Nam. Nhà riêng của võ sư thật mới nhìn qua ta không thể tin tưởng được, một căn nhà dễ tìm thấy nhất không phải sự tráng lệ của nó, mà là một sự nghèo nàn.

Những quyển sách bám đầy bụi nằm trên kệ, chắc có lẽ vì một đời hy sinh và tận tụy với môn võ thuật này. Với sự trưởng thành trong thiếu thốn, võ sư Lê Sáng quả là người xứng đáng được Cố Võ Sư Nguyễn Lộc giao cho trọng trách đó. Nhìn chung những hoạt động mong muốn phổ biến của những người có trách nhiệm, chúng tôi tin rằng môn phái Vovinam sẽ thành công trong nhiệm vụ của Tổ Quốc.

Chúng tôi hỏi:

Hỏi: Ngoài những hoạt động hiện nay, võ sư muốn có một hoạt động quần chúng nào không ?
Ðáp: Ngoài những hoạt động công khai kể từ ngày cách mạng đến nay, chúng tôi cũng đang muốn có một hoạt động khắp các tỉnh với sự tài trợ của Chính quyền, chúng tôi cũng xin xác định lại là không vì thế mà chúng tôi phục vụ cho một cá nhân, chúng tôi chỉ muốn có phương tiện để hoạt động cho một cộng đồng dân tộc.

Hỏi: Quan niệm về võ học của võ sư như thế nào?
Ðáp: Võ Học cũng giống Văn Học, văn học của ta đã bao nhiêu lần bị ảnh hưởng của Trung Hoa, của Pháp, của Mỹ, nhưng không vì thế mà nền văn học của ta bị mất. Du nhập vào ta là của ta. Về Võ Học cũng vậy, môn phái chúng tôi nghiên cứu tất cả những môn võ thuật của thế giới không phải để học mà để tìm ra những thế chống lại. Như vậy môn phái của chúng tôi ngày càng tiến hơn lên.

Hỏi: Hiện nay môn phái Vovinam đã phổ biến được sâu rộng trong quần chúng chưa ?
Ðáp: Kể ra cũng tàm tạm. Hiện nay Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã yêu cầu chúng tôi hợp tác để phổ biến trong Học Ðường. Những thí điểm đầu tiên mà chúng tôi đã mang ra thực hiện là Trường Gia Long, Petrus Ký, Chu Văn An, Trưng Vương, Cao Thắng và Quốc Gia Hành Chính. Về phương diện nghệ thuật thì võ thuật cao vô cùng, nhưng về phương diện đại chúng, chúng tôi tự hào: Chưa một môn phái nào có thể tập những lớp rất đông người mà vẫn gặt hái được thành quả mỹ mãn. Những môn sinh của chúng tôi chỉ cần học qua lớp Tự Vệ Nhập Môn sáu tháng là có thể biểu diễn khả quan rồi.

Chúng tôi cũng cần nhắc lại một lần nữa là mặc dù chính quyền cũng như bộ Quốc Gia Giáo Dục đã mời chúng tôi hợp tác trong chương trình Võ Thuậït học đường. Nhưng tới ngày hôm nay, đã mấy tháng qua chúng tôi cũng chưa hưởng được một thù lao nào. Tuy vậy, không vì thế mà chúng tôi chán nản. Với tinh thần võ sĩ đạo đã thấm nhuần trong tâm não của chúng tôi, dù trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng vui vẻ chịu đựng và hăng say làm việc.

Hỏi: Thế Bộ Thanh Niên không giúp đỡ gì cho Môn Phái sao ?
Ðáp: Thật ra từ trước đến nay chưa có một chính phủ nào quan tâm đến, để giúp đỡ chúng tôi những phương tiện tối thiểu để thành lập ở mỗi tỉnh 1 chi nhánh hầu đào tạo một lớp thanh niên gương mẫu cho Tổ Quốc. Với tinh thần Võ Sĩ đạo với hệ thống tổ chức quy mô, chúng tôi tin tưởng là sẽ mở một ý thức trách nhiệm với tổ quốc trong lớp thanh niên sa đoạ của ngày hôm nay.

Hỏi: Ngoài phần luyện võ, võ sư có đi vào tinh thần Thanh Niên để tạo ra một thanh niên gương mẫu không ?
Ðáp: Ngoài phần học võ, chúng tôi có phần giảng huấn tinh thần để tạo cho người thanh niên có một tinh thần võ sĩ đạo thật sự.
Tinh thần của con người, trong gia đình thì kính trên nhường dưới, ngoài xã hội thì thành tín, hào hiệp, dung hợp với mọi người.
Nói tới đây, võ sư lấy trong túi ra một tập tài liệu giảng huấn quay “Ronéo” đưa cho tôi. Tôi hỏi tiếp:

Hỏi: Cách tuyển chọn của môn phái như thế nào vào mỗi khóa thi.
Ðáp: Nếu là thi lên lớp sơ đẳng thì chúng tôi chú trọng nhất về hạnh hiểm của mỗi môn Sinh. Môn đó chúng tôi đặt hàng đầu:

  • Hạnh kiểm
  • Khải hạch phần giảng huấn tinh thần
  • Võ thuật
  • Võ lực.

Nhưng khi đã lên đến lớp trung thì chúng tôi chú trọng đến:

  • Tinh thần võ sĩ đạo
  • Tài chỉ huy và tổ chức
  • Võ thuật
  • Võ lực

Sau đó chúng tôi cũng trở về phòng tập võ của các môn sinh. Ở đây chúng oti đã gặp giáo sư Trần Huy Phong và giáo sư cũng vui vẻ nói chuyện với chúng tôi. Chúng tôi đã gặp những con người trẻ đang hăng say tập luyện, Mồ hôi nhuễ nhại. Với tinh thần cầu tiến thật sự của lớp trẻ hôm nay chúng tôi tin rằng môn võ này sẽ có ích cho thanh niên để đi vào dân tộc.

UYÊN TUẤN

PHỎNG VẤN CỦA KÝ GIẢ PHAN NHƯ MỸ

Hỏi: Võ Việt Nam hiện nay đang được ăn khách hơn quyền Anh. Ông có dự định nương cơ hội nào để cải tiến môn võ này, chẳng hạn như bằng cách tổ chức giải vô địch riêng chăng?
Ðáp: chữ cải tiến của ông dùng ở đây làm tôi nghĩ tới sự sửa đổi để tiến bộ. Việc tổ chức giải vô địch Võ Tự Do tất nhiên phải có, nhưng đó chỉ là công việc phát triển chứ chưa được cải tiến. Riêng tôi thành thực nghỉ rằng cần phải được nới rộng hn, tác phong của võ sĩ cần phải được chăm sóc hơn, và tiền độ phải được trả hợp lý hơn. Có thế, từ nay về sau, khi có dịp so tài với các võ sĩ Thái, Miên, Lào, võ sĩ chúng ta mới đoạt được phần thắng lợi và chiếm được cảm tình của giới mộ điệu.

Hỏi: Ông là người chủ trương tạo cho dân tộc một nền võ đạo và không đem võ sinh Vovinam lên đài chiến đấu, ông thấy có cần ghép những võ sĩ Việt Nam hiện nay vào khuôn khổ nào để giúp thêm cho sự phát triển võ nghệ và nâng cao trình độ võ Việt Nam chăng ?
Ðáp: Với chủ trương tạo cho dân tộc một nền võ đạo, tất nhiên tôi luôn luôn quan tâm tới việc làm tăng tiến nghệ thuậït của võ học và phát huy tinh thần thượng võ chung cho cả làng võ Việt Nam chớ không phải chỉ riêng lo cho Môn phái Vovinam của chúng tôi. Quan niệm hành võ của tôi trước sau như nhất: Môn phái Vovinam (do tôi làm chưởng môn) lúc nào cũng tha thiết nghĩ tới việc đồng hành và đồng tồn với các môn võ trong nứơc chớ không bao giờ chủ trương độc tôn phát triển, độc hành hành đạo.

Trong những năm đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư Ký Tổng Cuộc Quyền Thuật Việt Nam, tôi đã có dịp tự chứng minh quan niệm hành võ trên, như ông đã biết. Với quyền hạn này, tôi đã cố gắng, kiên nhẫn và âm thầm thực hiện ý nguyện bằng cách:

  1. Về phương diện võ nghệ: 

Tôi luôn luôn trau đổi kinh nghiệm huấn luyện một cách tích cực với các võ sư và thường xuyên khích lệ anh em cố gắng tinh tiến hơn để phục vụ võ học nước nhà đắc lực hơn.

  1. Về phương diện tinh thần: 

Lúc nào tôi cũng thành khẩn, liên ái với các anh em để cùng phát huy đạo hạnh của người võ sư. Võ sĩ trong tinh thần trách nhiệm và tôn trọng kỷ luật chung. Những cuộc hội ý, hội báo, kiểm thảo nội bộ hay công cộng cùng những cuộc đàm đạo năm ba anh em được thực hiện thường xuyên cũng nhắm mục đích này.

Tuy nhiên, tôi cũng thành thật nghĩ rằng nếu làng võ Việt Nam muốn lớn mạnh về cả hai phương diện võ nghệ và tinh thần, cần phải có một tổ chức thống nhất và chặt chẽ hơn hiện nay, mới có thể hướng dẫn một cách đồng điệu các võ đường tiến triển theo một chiều hướng tốt đẹp hơn. Muốn thế Tổng Cuộc phải có khả năng tài chính tối thiểu để tài trợ cho những võ đường có phương hướng hoạt động rõ rệt và tiến bộ, để có thêm phương tiện đào tạo võ sinh. Sau đó, là việc nâng đỡ thiết thực các võ sĩ có tài năng hạnh kiểm, để họ hứng khởi và tin tưởng ở tương lai của họ cũng như tương lai của nghiệp võ mà họ mong muốn theo đuổi.

Ngoài ra tổng cuộc quyền thuật cũng rất mong mỏi một sự yểm trợ tinh thần và vật chất của bộ Thanh Niên để thành lập một đoàn võ sĩ mang màu cờ sắc áo xứ sở tương tự như những đoàn võ sĩ hoàng gia Cam bốt, Thái Lan, Lào quốc để phục vụ võ nghiệp dân tộc một cách hữu hiệu hơn. Về điểm này ta có thể rút tỉa, những kinh nghiệm tổ chức và huấn luyện của các nước kể trên để có thể chăm sóc thật chu đáo những võ sĩ gà nòi của ta trên toàn diện bằng một chương trình huấn luyện cụ thể và hữu hiệu.

Hỏi: Theo ông có nên lập hẳn một hạng nhà nghề cho võ sĩ quyền tự do không ?
Ðáp: Còn ai không muốn, riêng tôi, tôi ao ước bất cứ một bộ môn võ đạo và võ thuật nào cũng có một loại võ sĩ nhà nghề. Nhưng nói tới võ sĩ nhà nghề của nước ta, thật buồn biết mấy ! Từ trước tới nay, có võ sĩ thượng đài nhà nghề nào ở nước ta sống thật sự bằng nghề võ đâu ? Tiềøn độ trong một trận đấu võ, có lẽ không đủ để chi một chầu nhậu nhẹt với năm ba người bạn sau trận đấu. Còn nếu nói nhà nghề là hiểu theo nghĩa có lãnh tiền độ thì võ sĩ của ta đều đã là nhà nghề cả.

Hỏi: Có hy vọng gì cho võ Việt Nam đi gần với những thứ võ tương tự ở Thái Lan, Cao Miên và Lào đã tổ chức tranh tài quốc tế không ?
Ðáp: Với nhỡn quan nghề nghiệp, luôn luôn học hỏi và tìm hiểu, tôi có thể đoạn kết rằng: Về nghệ thuật, võ Việt Nam thừa sức theo kịp (tôi chưa muốn dùng chữ vượt e gây ngộ nhận) các môn võ ngoại quốc trong những cuộc tranh tài quốc tế.
Trong mấy năm trước đây, sở dĩ võ sĩ của ta chưa đạt được tới mức thắng lợi, trước hết là vì ta chưa quen luật đấu của họ (họ được phép dùng 2 tay câu cổ xuống lên gối, hoặc vừa lên gối vừa đánh cùi chỏ từ trên xuống, trong khi luật của ta vẫn cấm). Kế đó, vì ta chưa đào tạo được nhiều võ sĩ thượng đài có căn bản võ Việt Nam, nên rất hiếm có danh thủ.

Lại thêm võ sĩ thượng đài của ta thiếu tập dượt, hay nói đúng hơn không có phương tiện và thiếu người chỉ dẫn tập dượt. Phần nhiều, chỉ đến ngày sắp tranh đấu mới được nhà tổ chức võ đài bào tin và đưa cho ít tiền để tẩm bổ và tập dượt qua quít. Thế mà trong số võ sĩ thượng đài cầu may đó, vẫn có vài võ sĩ Việt Nam đã làm cho các danh thủ ngoại quốc kiêng nể, như Nguyễn Tho, Hiệp Huỳnh … Như vậy, triển vọng của võ sĩ ta làm ta lạc quan hơn là bi quan, vì các võ sĩ của ta đã hành nghề trong những hoàn cảnh thiếu may mắn nói trên.

Cuối cùng là, vì nhiều võ sư và võ sĩ chân truyền của ta không chủ trương dùng võ thượng đài, ganh đua như một môn thể thao, nên họ không tham dự võ đài. Họ tập võ với mục đích vận động cho thân thể khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, tâm hồn cao thượng, để yêu đời sống hơn, hiểu biết nghĩa vụ làm người hơn, tin tưởng khả năng, giá trị thực sự làm người của mình nhiều hơn, có thể đóng góp, phục vụ hữu hiệu hơn cho gia đình dân tộc và nhân loại.

Tóm lại từ trước tới nay, các võ sĩ tự do thượng đài của ta phần đông chỉ là những người có bản tính gan góc, hiếu thắng, luyện lấy vài thế võ Việt Nam pha trộn với phương pháp chiến đấu giản dị của quyền Anh trong một thời gian ngắn đã thượng đài rồi thì làm sao vượt được các võ sĩ ngoại quốc vốn được chọn lọc, hướng dẫn tập dợt kỹ càng trong một thời gian lâu dài hơn, với những điều kiện ưu đãi hơn ?

Tôi thành thực nghĩ rằng, một khi chúng ta tìm ra những nhược điểm dù những nhược điểm đó có phức tạp và khó đến đâu, chúng ta cũng có thể có cơ hội khắc phục được. Tôi tin rằng cơ hội ấy sẽ đến với Tổng Cuộc Quyền Thuật Việt Nam, cũng như với làng võ Việt Nam. Vì thế nên tôi mạnh bạo đáp: Không, chúng ta không nên bi quan, vì đây mới chỉ là giai đoạn đầu tiên của sự phục hoạt nghiệp võ của làng đấm nước nhà.

PHỎNG VẤN CỦA KÝ GIẢ DUY VÕ

Duy Võ: Xin ông cho biết tình hình tổng quát về Việt Võ Ðạo trong những năm gần đây.
VSCM: Sau ngày cách mạng 1- 11- 1963, môn phái Vovinam Việt Võ Ðạo công khai tái mở Trung Tâm Huấn Luyện tại 61 Vĩnh Viễn. Ðồng thời tiếp tục mở chi nhánh Chân Phước Liêm ở Gò Vấp, chi nhánh Trần Hưng Ðạo ở chợ quán, chi nhánh Quốc Gia Hành chánh và chi nhánh Kỹ Thuật Cao Thắng.

Số võ sinh theo học từ đó đến nay được khoảng trên 3000 người, song chúng tôi chỉ mới đào tạo được thêm có 5 võ sư trung đẳng (không kể số võ sư cao đẳng vốn có từ trước) và gần 50 huấn luyện viên.

Hiện nay, môn phái chúng tôi đang tích cực cộng tác với Bộ Văn Hoá Giáo Dục trong phần vụ huấn luyện võ thuật cho các trường Trung Học công lập để thực hiện chương trình võ thuật hóa học đường của Bộ đề xướng.

Duy Võ: Chương trình làm việc của Việt Võ Ðạo khi tham gia vào chương trình giáo dục Trung Học mới 1966 – 1967 ?
VSCM: Về chương trình làm việc, hiện thời môn phái chúng tôi đang tiếp tục mở thêm nhiều lớp đặc huấn, đào tạo những võ sư và huấn luyện viên trên 4 phương diện:

  1. Phong thái uy nghi, đỉnh đạc.
  2. Kỹ thuật giảng huấn rành rẽ
  3. Kỹ thuật khẩu trinh lanh lợi
  4. Khả năng suy luận chính xác.

Ðồng thời chúng tôi đã soạn thảo xong một chương trình huấn luyện đầy đủ 7 niên học cho các võ sinh trung học từ đệ thất tới đệ nhất. Chương trình căn cứ trên 3 tiêu điểm:

  1. Võ lực: Gây cho võ sinh một thân hình dắn dỏi, vững vàng, một sức lực mạnh mẽ dẻo dai, để có thể chịu đựng mọi khó khăn cực nhọc đẩy lui các bệnh hoạn giữ cho thân thể luôn luôn tráng kiện và lành mạnh.
  2. Về võ thuật: Gây cho võ sinh một kỹ thuật tinh vi để tự vệ hữu hiệu hầu đạt tới mức độ một nghệ thuật cao quý để phục vụ con người và binh vực lẽ phải.
  3. Về Tinh thần: Giảng cho võ sinh biết cách ăn ở, với tâm hồn cao thượng, ý chí quật cường, nghị lực quả cảm để phục vụ hữu hiệu cho bản thân, gia đình và dân tộc.
    Hết mấy tháng hè môn phái chúng tôi sẽ áp dụng chương trình này vào việc huấn luyện cho các võ sinh học sinh các trường trung học công lập.

Duy Võ: Xin cho một vài nhận định về các môn phái võ bạn khi tham gia vào chương trình giáo dục mới.
VSCM: Môn phái chúng tôi luôn luôn tôn trọng các võ phái bạn, nên chúng tôi không thể đưa ra một nhận định nào được. Vì vô tình có sự hiểu lầm. Tuy nhiên chúng tôi thiết nghỉ môn võ nào cũng đều hay và có lợi cho võ sinh cả. Sự thích môn này hay thích môn nọ là ý riêng của võ sinh. Các môn võ cùng dạy ở học đường phải có sự hoà hợp và liên lạc chặt chẽ với nhau. Như thế mới gây được sự hào hứng trong việc luyện thể và kiểm soát được hành động cử chỉ của võ sinh.

Tinh thần võ đạo chỉ được thể hiện khi các môn phái đều tôn trọng lẫn nhau, đều khuyên bảo các võ sinh cởi mở và khiêm nhượng để nêu cao tình liên ái trong sự đồng tồn, đồng tiến.

Duy Võ

Chương9: Vài nét về VOVINAM Việt Võ Đạo-Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng

Vovinam là một môn phái võ đạo do Cố Võ Sư Nguyễn Lộc sáng tạo vào năm 1938 tại Hà Nội, miền Bắc Việt Nam.

Với tinh thần cống hiến này, ngay từ đầu sáng tạo, Cố Võ Sư Nguyễn Lộc đã nghĩ rằng: Đây sẽ là tài sản chung của nhân loại, nên Người đặt tên cho môn phái là Vovinam, một danh xưng Võ Việt Nam được quốc tế hóa, để mọi dân tộc trên thế giới dễ đọc, dễ nhớ như nhau. Sau đó, từ Việt Võ Đạo được nối thêm vào để chỉ nơi xuất phát của môn võ. Từ đó, môn phái có tên là Vovinam Việt Võ Đạo.

  1. Về Võ Thuật: Vovinam đặt nền tảng trên kỹ thuật võ và vật cổ truyền của dân tộc Việt Nam có từ thời lập quốc. Đồng thời, nghiên cứu các môn võ đã có trên thế giới, rút tỉa ra những ưu điểm, gạn lọc lấy tinh hoa, rồi hệ thống hóa và hiện đại hóa theo phương thức riêng: “Một phát triển thành ba”. Phương thức này giúp người tập luyện thật kỹ, nắm vững những gì đã học để sử dụng có hiệu quả trong thực tế. Do vậy, mỗi đòn thế được tập gắn bó với nhau qua ba giai đoạn:

1- Khởi đầu, tập những đòn thế cơ bản, giản dị mà sắc bén, hữu hiệu khi tự vệ.

2- Sau đó, những đòn thế cơ bản này được ghép thành bài múa để tập đơn luyện một mình cho thật nhuần nhuyễn.

3- Cuối cùng, cũng chính những đòn thế cơ bản đó được ghép thành bài song luyện, đa luyện để tập giao đấu thực sự với nhau.

Phương thức “một phát triển thành ba” được áp dụng xuyên suốt cho tất cả đòn thế và bài bản của Vovinam để chúng gắn bó, liên kết với nhau hầu tạo phản ứng tự nhiên, bén nhạy khi cần tự vệ.

B-Về Võ Đạo: Mang tinh thần truyền thống dùng võ để chống xâm lăng, bảo vệ đất nước, dùng võ để tự giải quyết lấy những khó khăn, trở ngại để được sống xứng đáng và làm cho mọi người đều được sống xứng đáng.

Vovinam xây dựng tinh thần võ đạo qua những gương phấn đấu của các danh nhân thế giới, dung hợp mọi triết thuyết, mọi tôn giáo thành tư tưởng, quan điểm có thể ứng dụng vào đời sống thực tế.

Vovinam dạy cho người biết võ, rồi hướng dẫn họ phải làm gì lợi ích cho mình và cho người. Tinh thần đó được thực hiện cụ thể bằng nếp sống tình cảm, cách ăn ở, đối đãi với tha nhân.

Vovinam quan niệm: tinh thần thượng võ không phân biệt biên giới quốc gia, không kỳ thị giai cấp hay tôn giáo. Vì cuộc sống và nền hòa bình nhân loại, mọi người phải cùng chung sức hiến ích để xã hội và nhân loại mỗi ngày một tốt đẹp, gắn bó với nhau hơn.

Chương 10-Lá thư gỡi Mẹ: TÂM TRẠNG CỦA MỘT THANH NIÊN ĐỐI VỚI VÕ ĐẠO – VÕ THUẬTTùy bút của VŨ THẾ

Mẹ,
Con cứ nghĩ rằng, này nào đó con phải xa mẹ. Để đi vào trường đời. Con sẽ ra đi để làm những việc cha con đã làm xưa: Kiếm tiền nuôi thân và gia đình. Con nghĩ như vậy nên con thờ ơ với tương lai. Không thèm dự bị cho nó những gì cần thiết.

Mẹ ơi! Nhưng bây giờ con không ngờ trường đời không giản dị như con vẫn nghĩ. Nó phức tạp và biến đổi quá. Nhiều lúc nghĩ lại con thấy ân hận, hối tiếc những lời mẹ dạy ngày xưa. Giá con nghe lời mẹ dạy thì bây giờ đỡ khổ mẹ nhỉ. Con nhớ mãi lời mẹ đã nói với con:
– Nếu con không nghe lời mẹ thì sau này đừng có hối, đừng phàn nàn rằng mẹ không dạy…
Con quá nông nổi với tuổi trẻ. Mẹ tha lỗi cho con nhé! Bây giờ con phải tự mở mắt của con ra để nhìn đời. Ngày xưa con cứ dệt giấc mộng: Đời đẹp như bài thơ. Mà đám trẻ chúng con là những vị tiên nhỏ, sống sung sướng. Bây giờ … giấc mộng ấy vẫn còn. Nhưng con thấy đời chẳng đẹp như con nghĩ, mẹ ạ ! Nó đầy những gai góc và làm đau tủi những bước chân đời con.

Dạo mới vào đời, con đã khóc nhiều vì thiếu mẹ và tủi cực. Nhưng bây giờ con không còn khóc nữa. Nước mắt của con đã cạn từ ngày con bỏ miền Bắc yêu dấu để vào miền Nam tự do. Con không còn khóc được bằng nước mắt nữa. Nhưng tâm hồn con quằn quại dưới thời gian mong đợi…

Con nhớ dạo ở quê làng, ngày Hội làng con đã theo mẹ ra đình xem diễn võ. Những đường côn, lằn kiếm, những ngọn cước, đường quyền của những người biểu diễn làm đẹp mắt và gây thích thú tuổi trẻ của con ngay từ hồi đó. Con ngỏ ý muốn theo học thì Mẹ mắng:
– Con còn bé quá học làm sao được. Phải chớ lớn lên mới cầm nổi cây kiếm…
Con biết me ïnói vậy thôi, nhưng thực ra mẹ không cấm đoán con đâu. Bởi vì chính cậu con cũng là một người giỏi võ. Nghĩ thế nên con đành nuôi mộng đó đến khôn lớn. Nhưng quê hương chiến tranh đã làm trở ngại ý định của con và cuối cùng dòng sông Gianh ngày xưa đã chia đôi Trịnh Nguyễn; thì ngày nay nó lại chia đôi mẹ và con. Chính nó cắt đứt ý định của mẹ dành cho con.
Mẹ ơi! Nhưng bây giờ con đã thỏa mộng ước nhỏ bé ngày xưa rồi: Con đã biết võ. Nhưng ý thức hệ võ thuật của con khác xa ý nghĩ của đứa bé trong buổi diễn võ ở đình làng ngày xưa, mẹ ạ…

Ngày ấy con chỉ thấy họ múa võ đẹp thì con thích thôi, chứ con chưa có một ý nghĩ sâu xa nào về võ thuật cả. Con nhớ ngày xưa mẹ đã nói với con:
– Có võ để giữ nhà và làng sớm khỏi bị cướp.
Con chỉ biết thế thôi. Khi con lớn lên thì không còn mẹ để kể chuyện và tìm thầy cho con học võ nữa. Ngày xưa cướp về làng toàn là những tên to lớn và cũng có võ, nhưng tất cả dân làng đến chống cự. Bây giờ nơi đô thị con đang ở cũng có cướp. Một tên hoặc hai, ba tên cao bồi, du đãng, cướp giật; chúng cũng giết người như ngóe. Máu chảy, người dân lành gục xuống, nhưng có ai bênh vực ? Con thấy giận và con nghĩ đến thân phận mình cần phải học võ để phòng thân.

Trước đây con không muốn học võ, bởi vì chưa có được ý của mẹ. Một buổi tối con đi dự một đêm võ đài. Con thấy võ sĩ đánh nhau dữ dội quá. Con tự hỏi:
– Họ đánh nhau như thế để làm gì, nếu không phải để được một số tiền? và họ sẽ nghĩ sao nếu một võ sĩ bị gục chết? Con thấy vô lý quá! Tại sao họ làm như vậy?
Con buồn nhiều thế là con không muốn đi học võ nữa. Ngày xưa, mẹ cũng có nói:
– Mình hiền lành, không động đến người khác, thì chẳng ai làm gì được mình cả…
Con cũng nhĩ như vậy. Nhưng khổ quá mẹ ạ ! du đãng bây giờ chúng không biết đến câu đó. Chúng có thể nhận tiền của kẻ khác để đâm một người chúng không quen, không thù oán. Không có tiền tiêu chúng cũng đâm người để cướp của. Hàng ngày báo chí đăng tin du đãng đâm người, cướp của đầy rẫy: Nhưng xã hội vẫn thờ ơ. Họ bất lực rồi mẹ ạ.

Cho nên nhiều lúc con nghĩ dù không có ý kiến của mẹ con cũng phải học võ. Chắc mẹ cũng bằng lòng như vậy, mẹ nhỉ. Thế rồi con ghi tên học võ ở Trung tâm huấn luyện Vovinam. Con biết đến Vovinam trong dịp họ biểu diễn để lấy tiền giúp nạn lụt mấy tỉnh miền Tây Nam phần. Vovinam là một môn phái võ thuật sáng lập tại Bắc Việt đó mạ ạ. Con tiếc là không được học từ ngoài Bắc !
Đời sống của con từ khi vào đây,thiếu những người thân yêu nên có nhiều lúc con thấy chán đời quá! Nhưng từ ngày học vovinam, con không thấy chán nữa mẹ ạ. Con ham sống lắm, chỉ phiền một chút là con không chịu nổi khí hậu nóng bức của Saigon nên hơi gầy thôi.

Mẹ – con thấy Vovinam là phái võ lý tưởng lắm. Mẹ thử nghĩ coi Học võ không phải để tự vệ. Với những người không có một kiến thức cao thì cho đó là một câu nói vô lý. Nhưng nếu nghĩ lại thì câu nói đó chí lý lắm mẹ nhỉ. Bởi Vovinam quan niệm như vậy nên có câu trả lời tiếp nếu có ai hỏi tại sao:
– Học võ để rèn luyện tâm hồn và thể xác, để tiến tới Chân, Thiện, Mỹ của cuộc đời.
Trí óc con thường dệt mộng đẹp, nên có lần con nghĩ rằng mình cần học võ cho cao siêu để làm vị hiệp khách…  Nhưng cuối cùng con thầy mình còn kém cỏi quá, bởi vì võ học mênh mông lắm.
Nghĩ như vậy nhưng con không buồn. Vì triết học Vovinam dạy rằng:
– Rèn luyện tâm hồn cũng như thể xác để sau này giúp ích cho đời. Tự ghép mình làm một phần tử của Đạo Thể vô biên để tiến tới Chân, Thiện , Mỹ…
Cho nên nhiều lúc con có cảm tưởng mình như một Đạo gia sống trầm mặc để suy tư về cuộc đời.

Hơn một lần con long bất nhẫn và hối hận ! bởi vậy, con đã nghĩ võ thuật cũng chẳng có ích lợi gì mà trái lại còn có hại. Sự kiện và ý nghĩ đó làm con luôn nghĩ ngợi nhiều. Con tự hứa sẽ không dùng tới võ thuật nữa. Nhưng con lại nghĩ đến một câu:
– Võ thuật không thiện cũng không ác. Thiện hay ác đều do người sử dụng nó.
Chính câu nói này đã an ủi và giải đáp phần nào thắc mắc của con. Vì thế con nghĩ :
– Sử dụng võ thuật còn tùy theo cách xử thế và người đời.
Mẹ – con thường nghĩ mình là thanh niên của một nước chiến tranh và tang tóc thì phải tự tạo, tự vươn lên để sống. Mang ý nghĩa sắt thép đó con hằng cố gắng tập luyện cho trọn vẹn ý của mẹ.
Con chắc rằng mẹ hằng nhớ thương con và hy vọng gặp lại con. Nhưng không phải gặp một hiệp khách, một vị anh hùng mà là một thanh niên võ sĩ dũng mãnh sau một thời gian mong đợi…
Con của mẹ và của quê hương yêu dấu.

VŨ THẾ

Chương 11-TỨ DUY THẦN CÔNGPhan Quang Triết

Nói đến võ học, ta không thể nào chỉ đề cập đến phần võ thuật mà bỏ sót phần võ đạo, nếu chúng ta không chối bỏ chúng ta là con nhà võ chân chính. Mặc dầu như ta đã biết phải có võ thuật rồi mới có võ đạo, nhưng một khi võ đạo phát sinh, nó luôn luôn làm nền tảng cho võ thuật. Có võ đạo, võ thuật mới có ý nghĩa, mới có chân lý để tồn tại và phát triển. Người học võ mà chỉ hấp thụ đơn thuần võ thuật thì không thể nào phát huy được những điều cao siêu của võ học, không thể nào đạt được lý tưởng sau cùng trong võ học. Ta có thể nói một cách không e dè rằng võ đạo là ngọn đuốc thiêng, là ngôi sao Bắc Đẩu trong bầu trời võ thuật. Võ đạo là linh hồn của võ thuật.

Như thế, muốn đạt được tuyệt nghệ võ học, thì dầu muốn dầu không, bắt buộc ta phải nghiên cứu cả võ thuật lẫn võ đạo, vì tất cả những gì có thể nói là tinh túy nhất trong võ học đều một phần lớn nằm trong võ đạo. Đó là lý do tại sao môn phái vovinam chúng ta trong chương trình thi đặt hệ số Tinh thần võ đạo ngang với hệ số võ thuật. Hơn nữa dân tộc Việt Nam chúng ta phần lớn sống bằng nội tâm. Nên nền võ thuật Việt Nam cao siêu tinh tuyệt thế nào,thì nền võ đạo Việt Nam càng cao siêu tinh tuyệt gấp bội. Ta có thể lấy nụ cười của người Việt Nam để dẫn chứng điều đó. Xét về hình thức, nụ cười của người Việt giống như nụ cười của các dân tộc khác, nghĩa là cũng nhếch môi, cũng nhe răng, đôi khi cũng há họng…

Nhưng trong nội dung, chứa đựng muôn vàn ý nghĩa khác biệt, mà chỉ là người Việt mới hiểu nổi. Võ học Việt Nam cũng thế, về hình thức (tức võ thuật) cũng đấm đá, cũng quăng quật như các môn phái khác, nhưng về nội dung (tức võ đạo) nó chất chứa, tiềm ẩn muôn ngàn ý nghĩa sâu xa, mà một trong những ý nghĩa ấy chúng tôi sẽ hân hạnh trình bày cùng các bạn dưới đây:

Như trên đã nói, ở đây chúng tôi chỉ trình bày cùng các bạn một vài điểm căn bản sơ đẳng của nền võ đạo Việt Nam, chớ chẳng có cao vọng đi sâu vào nền võ đạo Việt Nam (vì thật ra sự hiểu biết của chúng tôi về Viêït Võ Đạo còn rất non nớt, tôi mới ở trình độ sơ đẳng) để nếu bạn nào chưa có dịp làm quen với võ đạo, và bạn nào đã biết chút ít rồi, có thể ôn lại,hoăc giả thấy chúng tôi trình bày còn quá thiếu sót, xin bổ túc giùm để tôi có dịp học hỏi thêm, nếu được thế, thật là quý lắm.

Để hiểu rõ vấn đề, chúng tôi sẽ trình bày làm 2 mục:
A. Thế nào là Tứ Duy Thần Công hoặc chiêu thức Tứ Duy ?
B. Phương pháp luyện Tứ Duy Thần Công ra sao?

A. TỨ DUY THẦN CÔNG

Để trả lời câu hỏi thế nào là Tứ Duy thần công hay chiêu thức Tứ Duy, trước hết chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa tứ duy.
1. Tứ Duy: Là bốn đức tính căn bản của nền đạo lý cổ truyền Việt Nam, tức là Lễ , Nghĩa, Liêm Sỉ (và như chúng ta biết nền đạo lý Việt Nam đã chiïu ảnh hưởng sâu đậm nền đạo lý Trung Hoa).

  1. Lễ: Tức là lý,
    Lý ở trong võ thuật lá quy tắc. Phương pháp: (thở thế nào cho có lợi, đánh thế nào cho trúng đòn…)
    Lý ở trong võ đạo là kỷ luật, kỷ cương môn phái (như thực hành 10 điều tâm niệm, cách chào, khi nào phải chào…

Lý trong tự nhiên giới là định luật, trong xã hội là kỷ luật (về phương diện quốc gia là luật pháp).
Xét về cách chào trong môn phái Vovinam (tay lên tim cúi người xuống). Ta thấy với lối chào thiêng liêng giản dị này, người chào và người được chào cũng thật lòng kính yêu hòa hiệp thế là hợp với định luật tự nhiên; Cách chào đặc biệt do người Việt Nam phát minh thế là hợp với quy luật xã hội. Vậy cách chào của môn phái Vovinam quả đáng gọi là Lễ vậy.

  1. Nghĩa: Là hợp nghi, điều nào theo đúng lễ thì làm, không theo đúng lễ thì tránh (nghi: nghi lễ)
    Nhưng nếu biết đúng lễ mà không làm thì cũng không gọi là Nghĩa.
    Trong võ học, Nghĩa là đáp ứng đúng phương tiện địch cung cấp cho ta; (địch đánh ta là cung cấp phương tiện cho ta đánh lại).

Thí dụ: Nếu địch đấm thấp trái, mà ta lại dùng thế phá đấm thấp phải, thì chẳng kết quả gì hết, vì ta đã không đáp đúng lễ.

Từ những điều trên ta suy ra, đức nghĩa còn tạo cho lòng can đảm (biết đúng lễ thì phải làm) và bền chí cố gắng trong việc tu luyện võ công vì càng học chúng ta càng thấy nhu cầu võ học của điều nghĩa thật bất tận (vì cần phải trả đúng lễ cho địch thủ).

  1. Liêm: Là phân biệt phải trái, là sáng suốt.
    Có sáng suốt phân tách mới biết được đòn của địch là đòn gì, trong bài quyền nào, của môn phái nào. Luyện được đức Liêm đến một trình độ cao ta chỉ cần nhìn vào mắt đối phương, cũng biết được đối phương sẽ nhắm vào vị trí nào trên người chúng ta và sẽ đánh hay đá, đánh bằng tay nào, đá bằng chân nào, để ứng phó,hoặc sau một hồi giao đấu ta sẽ biết được sở trường sở đoản của đối phương hầu tìm biện pháp chế ngự.

Tiêu chuẩn của Liêm là Lễ, Nghĩa nhưng Liêm thuộc về lý trí.
Ngoài xã hội, nhờ có liêm, ta không lấy của người khác (liêm khiết), không a dua theo bọn bất lương hại người lương thiện (liêm minh).

  1. Sĩ: Là hổ thẹn.
    Nếu việc của mình làm trái thì nên hổ thẹn mà tu sửa,nếu việc của người làm trái thì nên hổ thẹn để tránh xa.

Sĩ là một đức tính cần thiết cho mọi người trong việc tu thân và đặc biệt cần yếu cho con người luyện võ. Vì nếu một đòn đánh sai, mà vì tự ái không chịu sửa đổi thì không thể nào giỏi được, nếu chúng ta cố ý gạt ra ngoài những tai hại có thể xảy ra cho chính đương sự và môn phái.

Tiêu chuẩn của Sĩ là Lễ , Nghĩa, Liêm nhưng Sĩ là việc làm của tình cảm.
Ngoài xã hội, nhờ có đức Sĩ, người Việt Võ Sĩ không làm điều trái Đạo.

I. CHIÊU THỨC TỨ DUY:

Chúng ta đã xét sơ lược về ý nghĩa của tứ duy. Trên thực tế bốn đức tính đó luôn luôn phải được gắn liền với nhau như hình với bóng, và cũng chẳng cần phải theo thứ tự như trên. Ví dụ trong võ học, trên lý thuyết võ thuật có trường võ đạo, nhưng khi thực hành thì võ đạo phải đi trước võ thuật, hay ít ra cũng song hành. Cũng thế, tuy nền tảng tiên khởi của tứ duy là Lễ, nên nó được xem như mặt trời, còn Nghĩa, Liêm, Sĩ ví như các vì tinh tú xoay chung quanh mình nó nhưng trong đa số các trường hợp phát động đều phát động ở đức Sĩ. Tức phát động khi cảm thấy hổ thẹn này xẻ kích thích đến sự can thiệp của lý trí (liêm) để tìm cách giải quyết (Nghĩa) người ta sẽ tìm xem phương pháp nào thuận lợi nhất và ít va chạm nhất để thi hành (lễ). Đây cũng chính là sự phát sinh theo cơ cấu đạo đức.

Từ đó ta suy diễn ra chiêu thức Tứ Duy là một chiêu thức có những đặc tính sau đây:
1. Chiêu thức tứ duy là một chiêu thức sau cùng: Sau cùng so với tứ duy, Nghĩa là sau khi tứ duy đã phát sinh trọn vẹn và quyết định.

Thí dụ: trong cuộc giao đấu, địch đâm ta một đòn, lẹ như chớp,ta phân tích xem đó là đòn gì, ở đâu (trong bài quyền nào,môn phái nào) sau đó điều lễ cho ta thế phá đòn tuyệt diệu để dồn địch vào lối bí, điều Sĩ kiếm xem phá như thế có gì làm cho ta hổ thẹn không và cuối cùng là phá thế. Các sự kiện trên, viết ra thì cái trước cái sau và lâu lắc như thế, nhưng nếu ta đã luyện thành thạo tứ duy, các sự kiện trên sẽ xảy ra trong chớp mắt và cùng một lúc.

Một thí dụ khác: Ngoài đường khi gặp chuyện bất bình, điều sĩ làm ta phẫn nộ, điều liêm hướng dẫn ta phân tích sự kiện, cân phân lợi hại, điều lễ giúp ta phương pháp giải quyết, nhớ đến quý môn và kỷ luật xã hội, để khỏi lạm dụng điều nghĩa mà làm điều càn rỡ.

  1. Chiêu thức tứ duy là một chiêu thức chính xác: Vì là một chiêu thức sau cùng, nên chiêu thức tứ duy là một chiêu thức rất chính xác, chẳng những đánh trúng đòn, đúng vị trí, mà còn đúng lúc nữa.
  2. Chiêu thức tứ duy là một chiêu thức mạnh: Vì là chiêu thức sau cùng nên những sự e dè, do dự không thể có được, vì thế khi đánh ra chiêu thức tứ duy phát huy được trọn vẹn cả sức mạnh thể chất lẫn sức mạnh tinh thần.

Chữ mạnh ở đây lại có ý nghĩa cả về võ đạo lẫn võ thuật.
Vì thế khi cần đánh chết địch thủ, nó có thể là một sức mạnh bạt sơn, cứ đánh. Gặp trường hợp khác nó cũng có thế mạnh như ngọn dương liễu trước bão tố phong ba. Nó là một sức mạnh tăng giảm tùy ý, thu xuất tùy cơ, và cũng chính vì thế mà chiêu thức tứ duy còn gọi là tứ duy thần công.

  1. Chiêu thức tứ duy là một chiêu thức kết thúc: đây là một đặc tính thu rút từ 3 đặc tính trên. Vì đã là một chiêu thức sau cùng, chính xác, và mạnh nên chiêu tứ duy phải là chiêu kết thúc.
    Chẳng những có thể kết thúc tính mạng của địch thủ, kết thúc những sấu xa dơ bẩn của cuộc đời cũng như kết thúc êm đẹp được những hiểu lầm, nghi kỵ giữa mọi người. Vì thế chiêu thức tứ duy còn gọi là chiêu thức của người hiệp sĩ chân chính.II. PHẦN LUYỆN TỨ DUY THẦN CÔNG:
    Ở đây ta sẽ nghiên cứu về cách dùng sức.
  2. Lễ:
    Con người; như chúng ta đã biết là một tiểu thiên, do đó nó sẽ có những nguyên lý lưu hành nhất định.
    Đứng trên cương vị võ học quan sát một người, ta sẽ nhìn vào sự lưu hành huyết quản trong cơ thể nhìn vào những trung tâm thần kinh vận chuyển,những chỗ xương sụn, xương non, khớp xương v.v… nghĩa là hoàn toàn nhìn bằng con mắt của nhà sinh lý, vạn vật học.

Và khi xuất chiêu ta sẽ đứng trên cương vị của nhà vật lý học, tung ra một đòn là phát ra một lực. Cũng một sức ở diện tích phóng đòn lớn ta có thể đánh văng địch thủ ra xa, nhưng ở diện tích phóng đòn nhỏ địch thủ như không hề xê dịch nhưng sẽ gục ngay tại chỗ.

Thí dụ: Bạn cầm cái bàn chà thợ hồ đánh vào ngực địch thủ, chắc chắn hẳn sẽ dội ra sau một bước là ít, nhưng nếu với sức đó bạn đâm bằng một con dao nhọn địch thủ sẽ gục chết ngay tại đó.

Một thí dụ khác: Bạn hãy mang găng box đánh vào ngực địch thủ, địch sẽ dội ra sau. Bây giờ bạn hãy bỏ găng ra và đấm lại với một sức mạnh như thế địch sẽ không dội ra sau nhưng sẽ đau nhói lên. Sau cùng cũng với sức đó, bạn hãy dùng tay chém vào ngực địch xem sao? Chắc chắn sẽ đau hơn cú đấm gấp bội.

Vì cho là cú đấm của bạn nặng 10 kg. Khi bạn mang găng, diện tích phần găng tiếp xúc với chổ bị đánh (tiết diện) vào khoảng 100 cm2. Vậy mỗi cm2 địch chỉ chịu một sức đánh bằng 10: 1kg/cm2

Khi bỏ găng tiết diện đó vào khoảng 40 cm2 địch sẽ chịu một sức đánh là 10: 1kg/cm2.
Khi dùng mép tay tiết diện vào khoảng 20 cm2. Mỗi cm2 địch sẽ chịu một sức đánh là 10: 1kg/cm2.

Vậy sức chịu đựng sau cùng mạnh bằng năm sức đánh thứ nhất.
Người đánh thì rất nhẹ nhàng, mà người chịu đòn lại rất đau đớn. Đó chính là lối đánh âm dương tương sanh vậy.

Ngày xưa khi đi xem biểu diễn võ thuật, tôi chỉ thích xem những môn sinh sơ đẳng, trung đẳng biểu diễn, vì họ đánh coi hung bạo, dằn dữ lắm. Còn tới bậc thượng đẳng biểu diễn thì chả hấp dẫn gì cả vì đòn họ đánh chỉ đánh phơn phớt nhẹ nhàng.

Lúc bấy giờ tôi thường nói thời giờ xem các võ sư biểu diễn, thôi về coi vũ nữ họ múa còn thích hơn. Kịp đến khi đi học võ được ít lâu, hiểu được nguyên lý dùng sức, tôi mới thấy là mỗi động tác mà xưa tôi cho là phớt nhẹ đều có thể giết người như chơi, còn những thế đánh mà tôi cho là hung bạo thật ra chỉ có võ mà không có ruột (có dương mà thiếu âm).

  1. Nghĩa:
    Sau khi đã biết điều lễ trên, điều nghĩa sẽ cho ta thừa can đảm trước một địch thủ hung bạo và dè dặt hơn với một địch thủ dùng đòn uyểân chuyển. Để trong mọi trường hợp, ta không quá sợ địch thủ, mà cũng không quá khinh địch thủ, ta luôn luôn áp dụng thế đánh có âm có dương. Nghĩa là khi công có thủ, khi thủ có công. Điều nghĩa còn cho ta bền chí gắng công trong khi tập luyện. Người to con vạm vỡ không dám ỷ vào sức vóc. Kẻ nhỏ bé, không ngã lòng vì yếu đuối. Và luôn luôn luyện tập cho thân thể được bền bỉ, dẻo dai, lanh lẹ. Ta không thể quá chú trọng vào lanh lẹ, vì lanh lẹ sẽ không vững chắc, cũng như không quá chú trọng vào sự vững chắc vì vững chắc quá sẽ mất phần linh động (lanh lẹ).

Người Việt Nam vốn bé nhỏ, nên sự lanh lẹ vốn dĩ trời sanh ta nên tập thêm sự vững chắc, vững chắc của tứ duy không phải vững chắc ở sức mạnh (dương) mà còn vững chắc ở phương thức (âm). Chỉ cần những bước chân đúng cũng có thể tránh được đòn địch thủ và đánh ngã hắn.

Vốn yếu đuối (về thể chất) nho nhã (âm) ta nên luyện sắt thép lối đánh bằng góc cạnh (dương) như cùi chỏ, mép tay, mép chân, trảo, chỉ, gối, gót…) và đặc biệt lối đánh ngẫu lực tay chân trái chiều, (trên búa dưới đe). Ngẫu lực có thể xem là đòn chính của tứ duy vì nó dung hợp được cả âm lẫn dương trong mọi cách.

B. PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TỨ DUY THẦN CÔNG:

Luyện tứ duy thần công gồm hai giai đoạn:
1. Luyện tứ duy: tức là luyện những đức tính như Lễ, Nhgĩa, Liêm, Sĩ.
– Lễ: là những gì hợp với thiên lý lưu hành trong vạn vật.
– Nghĩa: Cái thực của việc làm, hợp với lễ.
– Liêm: Phân tích sự vật, sự việc, là khách quan tính của lý trí.
– Sĩ: Sự hổ thẹn, là cội nguồn phát sinh của đạo đức.

Đây là phần luyện tập đạo đức để đi vào võ học. Đây cũng là khách quan tính của lý trí – sĩ: Sự hổ thẹn là cội nguồn phát sinh của đạo đức để đi vào võ học. Đây cũng chính là phần âm (nhu) của thần công tứ duy, một môn thần công tứ duy mới phát huy đúng mức. Và khi đã luyện kỹ, sự dụng võ (cương: dương) của ta nhiều khi không cần đến. Một lời nói phải, một đức tính tốt có thể hòa giải được rất nhiều mối bất hòa.

Về mặt xã hội nếu mọi người đều lấy tứ duy làm căn bản cho mọi sự giao tế thì xã hội sẽ tránh được rất nhiều xáo trộn gây ra bởi có những bất công, không có những vụ trộm cắp lừa đảo v.v. (xã hội Việt Nam ngày xưa là một bằng chứng điển hình). Nhưng xã hội nào, thời nào cũng thế luôn luôn có những kẻ tham lam hống hách, ích kỷ, đê hèøn, nên nếu ta chỉ đem những lời đạo đức ra mà dùng với chúng thì thật, trong rất nhiều trường hợp chẳng khác gì đàn gảy tai trâu; và cái mẫu đạo đức ấy sẽ bị người đời phê phán là nhu nhược giả nhân giả nghĩa. Vì cảm hóa được người đâu chẳng thấy mà đã bị người coi khinh là hèn nhát. Vào trường hợp này sự dụng võ giữa ta rất cần thiết (Tổ Sư Đạt Ma sáng tạo ra nền võ học Trung Hoa cũng trong trường hợp ấy). Nhưng dụng võ thế nào? Đánh chết địch thủ chăng? Đức Lễ dĩ nhiên cấm đoán ta làm điều đó.

Vậy ta sẽ chỉ dùng Võ Lực để khuất phục địch thủ trước và dùng Đức để cảm hóa địch thủ sau.